12 mặt tích cực của nỗi buồn

12-mat-tich-cuc-cua-noi-buon

Nỗi buồn không chỉ là bình thường, mà còn giúp chúng ta thăng hoa trong cuộc sống.

Thật vui khi biết phim Inside Out đã giành giải Oscar năm 2016 cho hạng mục hoạt hình hay nhất, nhưng tôi nghĩ rằng chẳng có ai bất ngờ về chuyện đó cả. Nó có một cốt truyện cảm động và cuốn hút khán giả trên toàn thế giới, và ngay lập tức được người yêu mến tặng cho danh hiệu tác phẩm kinh điển thời hiện đại.

Trong số nhiều điểm tuyệt vời của bộ phim, điều đặc biệt nhất đó là cách mà nó xử lý nỗi buồn theo hướng tinh tế và khác lạ. Trong thời đại này, nỗi buồn được coi là một thứ gì đó “ác tính”. Nhẹ nhất, nó thường được xem như một gánh nặng không mong muốn mà chúng ta thà không có còn hơn. Tệ nhất thì nó bị gắn cho cái mác là dị hợm, thậm chí là một rối loạn tâm lý. Thực tế rằng nỗi buồn càng tích lũy nhiều thì dễ gây trầm cảm, những nhà lý luận học nổi tiếng cho rằng trầm cảm là một dạng của nỗi buồn có tính chất bệnh lý, được nêu bởi Lewis Wolpert trong cuốn sách Nỗi buồn ác tính (Malignant Sadness). Tuy nhiên, trừ khi nỗi buồn vượt qua giới hạn của nó – trở nên cực kỳ nghiêm trọng và/hoặc kéo dài đến nỗi nó tạo nên bệnh rối loạn – nó không đồng nghĩa với trầm cảm.

Chưa hết, như Anthony Horwitz và Jerome Wakefeild tranh luận trong bài (The Loss of Sadness) chúng ta đang gặp nguy hiểm nếu cứ giữ định kiến như vậy. Nỗi buồn thường được nghĩ đến như một loại cảm xúc xấu, thậm chí là bệnh lý, như thể nó là biểu hiện của một cơn trầm cảm dữ dội. Điều này có nghĩa là chúng ta đang có nguy cơ đánh mất chính kiến về nỗi buồn như là một yếu tố tự nhiên của đời sống con người, loại cảm xúc hoàn toàn cần thiết trong một số trường hợp (ví dụ phản ứng với sự mất mát). Tuy nhiên, nỗi buồn không chỉ đơn giản là một điều tự nhiên và “bình thường”, chúng ta còn có thể tìm hiểu sâu hơn thế nữa. Thông điệp truyền cảm hứng từ Inside Out đó là nỗi buồn thực sự có thể rất hữu ích và có giá trị. Đây là tiền đề chủ đạo trong “làn sóng thứ hai trong tâm lý học tích cực” nghiên cứu về những trường hợp mà những cảm xúc biểu hiện có vẻ như là tiêu cực, những cuối cùng lại những nhân tố cho sự phát triển về nhân cách. Thật vậy, khi lục lại những tác phẩm văn học về tâm lý, có thể phát hiện ra rằng có 12 cách khác nhau mà nỗi buồn có thể, nghe có vẻ ngược đời, vun đắp cho hạnh phúc của chúng ta và làm đời sống của chúng ta thăng hoa hơn.

1. NỖI BUỒN NHƯ MỘT LỜI CẢNH BÁO

Bốn điểm tốt đầu tiên của nỗi buồn liên quan đến khả năng nó có thể bảo vệ chúng ta. Những lý thuyết trong vấn đề này có xu hứng phát triển theo kiểu tiến hóa, đề cập rằng “những triệu chứng” của nỗi buồn, như mất năng lượng, chính xác là những mặt có thể làm nó trở nên hữu ích (mặt dù một số có thể trở nên không tốt, như trường hợp của trầm cảm). Một cách khác mà mặt tốt này đem lại đó là cảnh báo về những trường hợp có thể trở nên xấu hoặc độc hại theo một cách nào đó. Ví dụ như, trong nghiên cứu về sự mất mát của Naomi Eisenberger và Matthew Lieberman, sự đau khổ mà một người trải qua khi chia xa những người thân yêu của họ như là một “nỗi đau mang tính xã hội”. Cũng giống như nỗi đau về thể xác giúp ngăn con người tiếp cận với những tác nhân gây nguy hiểm, vậy thì nỗi buồn cũng có chức năng như một “đòn trừng phạt tâm lý” đối với sự ghẻ lạnh, vì vậy thúc đẩy con người tìm đến sự tái hợp (khi mà còn có thể hàn gắn, dĩ nhiên là vậy).

2. NỖI BUỒN NHƯ MỘT SỰ GIẢI THOÁT

Thật đáng buồn, trong một số trường hợp của nỗi buồn, sự tái hợp mà chúng ta tìm kiếm không còn có thể nữa, như là khi người chúng ta tìm kiếm không còn tồn tại trong cuộc sống của ta nữa. Trong một sự kiện như vậy, chức năng bảo vệ thứ 2 của nỗi buồn có thể giúp chúng ta ngừng theo đuổi những ước mơ và hy vọng ngoài tầm với. Ý kiến này được nêu lên trong lý thuyết về động cơ của sự giải thoát của Eric Klinger, coi nỗi buồn như một thành tố của sự thích ứng và buông bỏ khỏi những mục tiêu mà con người chắc chắn không đạt được. Giống như vậy, Randolph Nesse cũng nói rằng những cảm xúc trầm, có thể gây cảm giác khó chịu, có thể giúp điều chỉnh “cách thức đầu tư” bằng việc làm cho chúng ta hết muốn tìm kiếm một kết quả lâu dài mà không thể nào đạt được.

3. NỖI BUỒN NHƯ MỘT SỰ BẢO TRÌ

Bằng cách thiết lập những giới hạn cho sự ràng buộc, nỗi buồn có thể giúp chúng ta bảo toàn những nguồn tài nguyên của chúng ta khi chúng ta đang dễ bị tổn thương nhất. Có một sự so sánh thú vị ở đây với lý thuyết “mở rộng và xây dựng” của Barbara Fredrickson về những cảm xúc tích cực; trong khuôn mẫu của cô, ảnh hưởng tích cực được xem như là một sự mở rộng tầm nhìn về kinh nghiệm và nhận thức, vì vậy tạo cơ hội cho chúng ta tạo dựng nên khả năng và tài nguyên mới. Theo một cách nghịch lý, những ảnh hưởng tiêu cực có thể giúp “giảm thiểu và bảo vệ” chúng ta trong những lúc ta dễ bị tổn thương nhất. Ví dụ, Bernald Thiery và cộng sự của mình đã cho rằng cảm xúc thấp như một trạng thái ngủ đông, một chế độ tìm kiếm và chờ đợi được thiết lập, khi đó những nguồn tài nguyên của chúng ta được bảo tồn trong khí những cơ hội tốt nhât để tiếp cận trong hiện thực trở nên rõ ràng hơn. Khả năng kéo dài những hậu quả ám ảnh trong tương lai như sự thu mình lại là một điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, sự thu mình lại trong một khoảng thời gian vì nỗi buồn có thể hữu ích cho cơ chế hồi phục về lâu dài.

4. NỖI BUỒN NHƯ MỘT SỰ ĐÚNG ĐẮN

Cơ chế bảo vệ cuối cùng của nỗi buồn chính là nó giúp cải thiện sự chính xác của nhận thức và đánh giá, đem lại sự sáng suốt và tỉnh táo trong thực tiễn mà có thể thiếu khi chúng ta luôn ở trong những trạng thái tích cực. Ví dụ như, sử dụng cách thức quy nạp cảm xúc, Joseph Forgas và cộng sự tìm ra những cảm xúc buồn có liên hệ mật thiết với sự cải thiện của khả năng ghi nhớ. Tương tự như vậy, nỗi buồn còn có thể cải thiện chất lượng và sự chính xác của những đánh giá của chúng ta. Trong một nghiên cứu khác, Forgas (với Rebekah East) tìm ra rằng nỗi buồn có căn cứ làm tăng sự hoài nghi, dẫn đến khả năng lớn hơn để phát hiện sự lừa dối. Vì vậy, nỗi buồn có thể giúp bảo vệ chúng ta bằng cách định hướng thế giới quan hệ xã hội của chúng ta với sự chính xác cao và sự đánh giá tốt hơn.

5. NỖI BUỒN NHƯ MỘT SỰ QUAN TÂM

4 cách khác mà nỗi buồn có liên quan đến sự thăng hoa trong cuộc sống chính là thông qua những kết nối gần gũi của chúng với sự quan tâm và tình yêu. Những kết nối này dĩ nhiên ẩn trong những lý thuyết về sự bảo vệ đã nêu ở trên. Tuy nhiên, những mặt khác thể hiện kết nối đó một cách tích cực hơn: Thay vì định nghĩa nỗi buồn như là một phản ứng đối với sự mất mát về tình cảm, nó nên được nhìn nhận như là một biểu hiện của tình cảm. Ví dụ như, Kara Thieleman và Joane Cacciatore cho rằng sự đau khổ có thể sử dụng như một cách thức để duy trì kết nối đối với người yêu thương nơi phương xa. Nhìn từ góc độ này, nỗi buồn và niềm vui đều là những thành tố nuôi dưỡng tình yêu, và thực tế là hai mặt của một đồng xu: tình yêu khi có mặt “đối phương” chính là niềm vui, và sự thiếu vắng người đó chính là nỗi buồn. Sự đánh giá mang tính biện chứng này thực sự đã được mã hóa vào ngôn ngữ một số nền văn hóa, như bộ lạc Ifaluk sử dụng một từ giống như –fago- để diễn đạt tình yêu, nỗi buồn và lòng nhân ái, như vậy có thể tóm lược lại giá trị quý giá nhưng mong manh của tình yêu.

6. NỖI BUỒN NHƯ MỘT SỰ CHỜ ĐỢI

Một cách đặc biệt mà nỗi buồn thể hiện như một cử chỉ của tình yêu đó là trong hình thức của sự chợ đợi. Trong trạng thái phức tạp này, những cảm xúc buồn bã khi có một người thân phải chia xa hay những nơi mà con tim ta luôn thôi thúc phải quay về. Thật vậy, sự mong mỏi đó hàm chứa nỗi buồn, nó rất được trân trọng trong rất nhiều nền văn hóa. Gần đây tôi đảm nhiệm một đề tài tìm hiểu về những từ ngữ không thể diễn dịch được có liên quan đến tính nhân văn từ khắp nơi trên thế giới. Tôi đã tìm được rất nhiều từ như vậy ám chỉ sự chờ đợi, bao gồm “saudade” tiếng Bồ Đào Nha, “toska” tiếng Nga, “hiraeth” tiếng Welsh, và “sehnsucht” tiếng Đức. Ví dụ, Brian Feldman đã diễn tả từ “saudade” một cách đáng yêu như là “một cung bậc cảm xúc thấm đẫm trong hương vị ngọt ngào của sự u sầu và nó chiếm lấy tâm hồn với sự khắc khoải, đam mê và kí ức”. Theo như ông miêu tả, những cảm xúc này rất được xem trọng, bao gồm dấu hiệu của một tâm hồn thăng hoa và tinh tế, và vì vậy nó không chỉ được đánh giá cao mà còn được tìm kiếm và vun đắp.

7. NỖI BUỒN NHƯ LÒNG TỪ BI

Nỗi buồn có thể là biểu hiện của tình yêu thông qua sự liên hệ của nó với lòng từ bi. Khi có lòng từ bi, chúng ta có thể bị lay động bởi nỗi buồn vì đau khổ của người khác, và vì vậy có thể đồng cảm và làm giảm bớt đau buồn của họ. Chức năng này không chỉ làm nổi bật nỗi buồn như một hình thức của sự quan tâm, mà xa hơn nữa giúp củng cố thêm niềm tin nỗi buồn là thứ gì đó rất thiêng liêng. Ví dụ, nhiều tôn giáo truyền thống không chỉ tôn vinh lòng từ bi, mà còn đưa nó lên hàng cao nhất trong số những phẩm chất tốt đẹp của con người. Trong Thiên Chúa giáo, điển hình như thánh Thomas Aquinas là hiện thân của lòng từ bi – có thể hoán đổi với từ đồng nghĩa của nó là sự bao dung – như một sự thể hiện của nội tâm đó là tình yêu vô ngã, và được viết rằng “nó giữ vị trí đầu tiên trong tất cả thánh tính”. Giống vậy, đạo Phật đã từ lâu được mệnh danh là đạo từ bi. Trong hoàn cảnh này, nỗi buồn như hiện thân của lòng từ bi có thể được coi như là dấu hiệu của sự nhạy cảm mang tính nhân văn, quan điểm này sẽ được nhắc lại trong các chủ đề bên sau.

8. NỖI BUỒN KHƠI GỢI SỰ QUAN TÂM

Chức năng tương tự của nỗi buồn như lòng trắc ẩn đối với đau khổ đó là nỗi buồn của một người có thể khơi dậy lòng từ bi trong người khác. Ví dụ như, trong bài “chuẩn mực của sự quan tâm” của Ronald Barr, nỗi buồn giữ một vai trò quan trọng trong việc hình thành khả năng đối nhân xử thế của con người, hoặc ít nhất là lời nhắc nhở dành cho người thân yêu của chúng ta khi họ thờ ơ. Lời nhắc nhở này đặc biệt nổi bật ở trẻ con, khi nỗi buồn – hay những biểu hiện khác của nỗi buồn như khóc lóc – giữ vai trò tất yếu để chiếm lấy sự chú ý của người lớn. Nỗi buồn có thể khơi dậy những phản ứng xã hội khác; ví dụ như, Marwan Sinaceur và đồng nghiệp báo cáo rằng trong đàm phán, những người trong cuộc thường dễ mềm lòng đối với những người thể hiện thái độ buồn bã (so với những cảm xúc khác như tức giận), bời vì nó kích thích ý muốn cảm thông bên trong họ.

9. NỖI BUỒN NHƯ MỘT SỰ NHẠY CẢM VỀ ĐẠO ĐỨC

Bốn chủ đề cuối cùng khai thác những yếu tố khác của nỗi buồn, không chỉ mang giá trị đơn thuần, mà còn là yếu tố quan trọng trong việc giúp cuộc sống trở nên phồn thịnh, căn nguyên của một cuộc sống đầy đủ và thỏa mãn. Đầu tiên, nỗi buồn có thể là biểu hiện của một sự nhạy cảm về đạo đức, đặc biệt có liên hệ đến lòng từ bi, như đã được nêu ở trên. Những người đã đạt được tầm cao trong cấu trúc tâm lý – như những người đã đạt được “chánh niệm”, theo như thuật ngữ của Maslow – đều là những người được xếp vào nhóm bởi lòng từ bi phủ trùm của họ. Căn nguyên của lòng từ bi xuất phát từ sự ưu tư khi có sự hiện diện của đau khổ. Chẳng hạn như, Joshua Shenk nói rằng Abraham Lincoln đã bị thôi thúc bởi sự đau khổ của nhân loại, và điều đó đã tiếp sức mạnh cho ý thức về nghĩa vụ và ý nghĩa sống của ông.

10. NỖI BUỒN NÂNG TẦM NHẬN THỨC

Có liên quan đến việc nỗi buồn có thể là biểu hiện của nhạy cảm đạo đức, và vì vậy nó thuộc về một tầm cao trong việc hình thành tâm lý, về việc này nó thực sự có thể nâng tầm nhận thức con người. Trong đạo Phật, lấy ví dụ, lòng từ bi không đơn giản được xem như là một yếu tố cố định, nhưng là một đức tính có thể tu tập thông qua thực hành như thiền tập từ bi. Khi làm như vậy, con người được xem là đang phát triển về tâm lý và tâm linh: quan tâm đến những thứ xung quanh giúp “bào mòn” bản ngã của họ (thoát khỏi trói buộc của bản ngã tầm thường), vì vậy giảm đi sự quá chú trọng vào bản ngã (thứ được xem như là cội nguồn của mọi khổ đau trong đạo Phật). Ngoài từ bi ra, nỗi buồn còn có thể hỗ trợ tâm lý phát triển bằng nhiều cách khác. Chẳng hạn như, Colleen Saffrey và cộng sự đã tìm ra rằng sự hối lỗi thường được đánh giá cao bởi mọi người (hơn những cảm xúc tiêu cực khác) như là một cơ hội để học hỏi.

11. NỖI BUỒN NHƯ MỘT SỰ NHẠY CẢM VỀ THẨM MỸ

Nỗi buồn còn được phát hiện như là một hình thức của sự nhạy cảm về thẩm mỹ và sự tinh tế. Nhận định này có nguồn gốc từ rất xưa và rất đặc biệt, đặc biệt trong sự liên hệ đến trường phái nghệ thuật lãng mạn và triết học, như đã được thể hiện bởi những nhà thơ như John Keats. Thật vậy, nét nghệ thuật mang vẻ u sầu này đã được chứng minh là có sức ảnh hưởng lớn trong văn hóa. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, Robert Woolfolk nói rằng nó được tôn vinh như là hiện thân của một tâm hồn tinh tế, với sự nhạy cảm mà có thể “bị chạm đến hoặc rung động bởi thế giới nhân sinh…quyện vào nhau thật chặt chẽ với khả năng cảm nhận những thăng trầm xuất phát từ sự vô thường của vạn vật.” Thực tế cho thấy đa số sự quan tâm đều hướng về thể loại nhạc buồn. Chẳng hạn, khi tìm hiểu về hiện tượng “nổi da gà” – sự ớn lạnh trong xương sống gây ra bởi sự dâng trào của chất endorphin trong não kết hợp với phản ứng như điện giật ở da – Eugen Wassiliwizky và đồng sự đã tìm ra rằng điều này xảy ra khi ta bị rung động về cảm xúc, trạng thái cảm xúc phức tạp mà trong đó nỗi buồn được trải nghiệm như là một sự thỏa mãn.

12. NỖI BUỒN LÀ CĂN NGUYÊN CỦA SỰ THỎA MÃN

Quan điểm cho rằng một số người có thể tìm kiếm những cung bậc cảm xúc buồn (ví dụ như bị rung động bởi nghệ thuật) dẫn đến chủ đề cuối cùng của chúng ta, khả năng nỗi buồn có thể là một phần tất yếu và đứng sau một cuộc sống trọn vẹn. Sự thăng hoa không có nghĩa là chỉ có những cảm xúc tích cực, mà còn là sự trải nghiệm qua mọi mặt đời sống. Có lẽ một người không thể sống trọn vẹn được trừ khi và cho đến khi anh ta đã trải nghiệm tất cả những thăng trầm trong cuộc sống. Thực vậy, từ một góc nhìn biện chứng, chỉ khi nào ta trải qua những khó khăn thì sự thành công mới có ý nghĩa, giống như chúng ta chỉ biết ánh sáng tồn tại nếu có bóng tối. Về mặt này sự thăng hoa có thể là một “siêu cảm xúc.” Như Eva Koopman đã giải thích, thậm chí nếu cảm xúc chủ đạo của một người là tiêu cực (như buồn bã), họ có thể có những cảm xúc tích cực liên quan (như sự biết ơn). Đây là quá trình có thể diễn ra khi ta bị rung động dữ dội bởi một tác phẩm nghệ thuật, hay bởi những trải nghiệm mang tính lưu trữ ký ức. Trong những lúc như vậy, không chỉ là không bị chán ghét, hay bị gán cho cái mác rối loạn, nỗi buồn có thể hoàn toàn được trân trọng, nâng niu, và thực sự là một phần không thể thiếu của cuộc sống.

 

* Các bạn bấm vào những chữ tô đỏ sẽ dẫn đến link bài nghiên cứu tiếng Anh.

Yue Ying dịch

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/blog/finding-light-in-the-darkness/201602/the-12-virtues-sadness-unexpected-pathways-happiness

menu
menu