6 quả đắng nhưng giã tật trong tình yêu

6-qua-dang-nhung-gia-tat-trong-tinh-yeu

Bài này chỉ ra những quan điểm khác với quan niệm truyền thống về tình yêu là gì và những yếu tố cần thiết để duy trì một mối quan hệ bền vững.

Khoảng 6 tháng trước, tôi đã viết về “6 thói quen xấu thường được chấp nhận trong tình yêu”. Bài viết ấy đã trở nên rẩt nổi tiếng được rất nhiều người bình luận cũng như chia sẻ. Tôi đã nhận được một khối lượng lớn thư cảm ơn, và không dưới 20 người cho tôi biết rằng nhờ bài viết của tôi mà họ có can đảm kết thúc chuyện tình hay cuộc hôn nhân không êm đẹp của họ. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh để họ nhận ra rằng chuyện tình hiện tại không khác gì một viên thuốc độc mà họ uống mỗi ngày và họ xứng đáng một mối quan hệ tốt hơn thế.

Tuy vậy bài viết cũng đặt ra một số câu hỏi khác như “Nếu có những hành vi làm hủy hoại các mối quan hệ, vậy đâu là những hành vi tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp và bền vững?” và “Bài viết về những điều khiến tình yêu trở nên tuyệt vời ở đâu?”.

Đây đều là những câu hỏi thích đáng và cần được trả lời.

Thật tình mà nói, tôi có kinh nghiệm làm tan vỡ các mối quan hệ hơn là xây dựng nó, thế nhưng tôi vẫn muốn thử sức mình khi viết bài này về “Mối quan hệ bền vững”. Tôi không muốn bài viết này sẽ theo những lối mòn như là “hãy học cách trao đổi với nhau, quấn lấy nhau và ngắm mặt trời lặn”. Bạn có thể tìm thấy những bài viết như vậy ở khắp mọi nơi và phải công nhận rằng: chúng tệ hại. Nếu bạn đang hạnh phúc, bạn không cần những lời khuyên như nắm tay nhau và cùng ngắm mặt trời lặn. Đây là điều đương nhiên bạn sẽ làm.

Tôi muốn viết về thứ gì đó khác biệt, những vấn đề quan trọng trong tình yêu nhưng thường không nhận được sự quan tâm đúng mức. Những điều như là cãi vã, làm tổn thương cảm xúc của nhau, không thỏa mãn hay cảm giác thích một người khác không phải người yêu của bạn. Đây là những vấn đề rất đỗi bình thường mà bất kì cặp đôi nào cũng hay gặp phải nhưng không bao giờ được nói đến, vì nói về chó con và mặt trời lặn dễ hơn nhiều.

Vì thế tôi viết bài này. Đây là bài viết cặp đôi với bài trước đây. Bài trước đây đã chỉ ra những hành vi được thừa nhận một cách tự nhiên trong xã hội ngày nay đang âm thầm giết chết sự thân mật, lòng tin và hạnh phúc của các cặp đôi. Còn bài này chỉ ra những quan điểm khác với quan niệm truyền thống về tình yêu là gì và những yếu tố cần thiết để duy trì một mối quan hệ bền vững.

1. Không giải quyết một số bất đồng

Tôi biết một người tên John Gottman. Ông ấy là một chuyên gia nghiên cứu về tình yêu. Không chỉ phân tích về tình yêu trong hơn 40 năm nay, ông ấy chính là người đã phát minh ra chuyên ngành này.

Gottman đã nghĩ ra phương pháp “cắt lát” quan hệ. Ông gắn nhiều thiết bị nhỏ lên người các cặp đôi và quay lại cảnh họ cãi vã. Sau đó Gottman phân tích từng khung hình một cũng như các số liệu sinh học, ngôn ngữ hình thể, âm điệu cũng như cách chọn lựa từ ngữ của họ. Sau đó, ông kết hợp các dữ liệu lại để dự đoán cuộc hôn nhân này có đổ vỡ không.

Phương pháp “cắt lát” của ông có độ chính xác đến 91% trong việc dự đoán liệu một cặp đôi mới cưới có li dị trong vòng 10 năm tới hay không – kết quả rất cao đối với một nghiên cứu tâm lý học. Phương pháp này sau đó được giới thiệu trong cuốn sách bán chạy nhất của Malcolm Gladwell – Blink (Tạm dịch: Chớp mắt). Buổi tư vấn của Gottman cũng được thống kê đã làm hòa giải hơn 50% các mối quan hệ so với phương pháp tư vấn hôn nhân thông thường. Nghiên cứu của ông giành vô số giải thưởng tới nỗi có thể lấp đầy diện tích của bang Delaware. Và ông ấy đã viết 9 cuốn sách lấy chủ đề về các mối quan hệ khắng khít, các liệu pháp trong hôn nhân và về tính khoa học của lòng tin.

Khi đề cập đến việc làm sao để một mối quan hệ kéo dài bền vững, John Gottman sẽ xổ một tràng kiến thức của mình và nói không ngừng nghỉ. Và điều đầu tiên mà Gottman luôn nói trong hầu hết cuốn sách của mình đó là: Ý tưởng cố gắng giải quyết mọi bất đồng là hoang đường.

Trong nghiên cứu của mình trên các cặp đôi có hôn nhân hạnh phúc (một số đã kết hôn hơn 40 năm), ông tìm ra rằng đa phần các cặp đôi hạnh phúc đều có những bất đồng nhất định không được giải quyết, những vấn đề mà họ không ngừng tranh cãi với nhau trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó khá nhiều các cặp đôi không hạnh phúc lại cố gắng giải quyết mọi bất đồng giữa họ vì tin rằng nên tránh sự bất đồng ý kiến. Kết quả là họ dần né tránh lẫn nhau và mối quan hệ tan vỡ.

Các cặp đôi hạnh phúc chấp nhận và hiểu rằng có một số bất đồng là không tránh khỏi, rằng có một số điều nhất định họ không thích cũng như không đồng ý với bạn đời của mình, nhưng họ chấp nhận và thấy đó là bình thường. Bạn không nên có cảm giác phải thay đổi một ai đó để yêu họ. Và bạn cũng không nên để những bất đồng đó ngăn cản bạn có một hôn nhân hạnh phúc và bền vững.

Sự thật là cố gắng giải quyết một mâu thuẫn đôi khi gây ra nhiều vấn đề hơn cả việc mặc kệ nó. Một số mâu thuẫn không đáng để tranh cãi. Một số khác nên chấp nhận phương án tối ưu nhất: “bơ nó đi và hạnh phúc”.

2. Làm tổn thương cảm xúc đối phương

Bạn gái tôi dành rất nhiều thời gian để ngắm mình trong gương. Cô ấy muốn mình trông thật hoàn hảo. Tôi cũng muốn cô ấy như vậy (tất nhiên rồi).

Vào buổi tối, trước khi đi chơi, cô ấy chỉ ra khỏi phòng tắm sau 1 giờ đồng hồ trang điểm, làm tóc, chọn quần áo, bất cứ việc gì phụ nữ làm khi sửa soạn rồi hỏi tôi cô ấy trông có xinh không. Thường thì tôi thấy cô ấy hoàn hảo, thế nhưng cũng có khi trông khá tệ: cô ấy thử kiểu tóc mới hay mang đôi bốt được một nhà thiết kế tầm cỡ ở Milan bảo là thời thượng. Nhưng tôi lại thấy nó không hợp với cô ấy chút nào.

Khi tôi nói ra, cô ấy thường sẽ nổi giận đùng đùng. Và khi cô ấy trở vào phòng để thay đồ lại và làm chúng tôi trễ 30 phút, cô ấy lầm bầm văng tục (đôi khi là ném thẳng vào mặt tôi những từ đó).

Đa phần phái nam trong trường hợp này sẽ rập khuôn nói dối để bạn gái/vợ của họ vui lòng. Nhưng tôi thì không như thế. Vì sao ư ? Bởi vì sự trung thực trong một mối quan hệ đối với tôi quan trọng hơn là lúc nào cũng vui vẻ một cách giả tạo. Người cuối cùng mà tôi muốn lừa dối chính là người phụ nữ tôi yêu.

May mắn thay, bạn gái tôi cũng đồng ý và đó là một trong những lí do khiến tôi yêu cô ấy. Cô ấy có đôi lần chỉ ra những điều không thích ở tôi. Dĩ nhiên, lòng tự trọng của tôi bị tổn thương và tôi cũng bực dọc, than vãn hoặc cãi lại. Nhưng sau vài giờ, tôi suy nghĩ kĩ lại và nhận ra rằng cô ấy đúng. Chính cô ấy khiến tôi trở thành một người tốt hơn mặc dù đó là những điều tôi không muốn nghe vào thời điểm đó.

Nếu bạn luôn khen rằng bạn gái hoàn hảo, hoặc ngược lại bạn gái kia cũng luôn muốn làm vui lòng bạn, cuối cùng sẽ chẳng ai tiến bộ cả. Mối quan hệ dần đổ vỡ mà bạn không hề nhận ra.

Bạn phải xác định được đâu là điều quan trọng hơn: sự thật hay sự thỏa mãn cảm giác hiện tại nhờ vài lời khen. Nếu tôi thấy mệt mỏi và muốn ở một mình, tôi sẽ tìm cách nào đó để nói, miễn sao không làm tổn thương cô ấy. Bạn gái tôi phải hiểu được điều tôi cần mà không trách móc tôi, dù rằng điều đó khiến cô khó chịu. Tương tự, nếu cô ấy thấy tôi lạnh lùng, cô ấy cần nói ra và tôi cũng phải thấu hiểu điều đó.

Những cuộc nói chuyện này là cần thiết để duy trì một mối quan hệ bền vững, vì nó đáp ứng được nhu cầu của cả hai. Nếu không có, hai bạn sẽ dần lạc mất nhau.

3. Dám chia tay

Tình yêu cao thượng đang được lý tưởng hóa trong thời đại của chúng ta. Bất cứ một bộ phim lãng mạn nào tôi xem luôn có một nhân vật tuyệt vọng, chịu đựng mọi đau khổ để yêu một người.

Sư thật là những tiêu chuẩn về một “chuyện tình trong mơ” khá hoang đường. Khi một chuyện tình kết thúc, ta nghĩ rằng mình đã thất bại mà không hề đếm xỉa đến những cảm xúc đẹp, những trải nghiệm ta đã có. Điều này thật là vô lý.

Romeo và Juliet vốn được sáng tác để phê phán sự mù quáng khi yêu và rằng lãng mạn hão huyền có thể khiến ta làm những điều ngu ngốc như uống thuốc độc tự vẫn chỉ vì ba mẹ bạn không thích ba mẹ đối phương. Thế nhưng, bằng một cách nào đó, mọi người lại nhìn nhận câu chuyện này như là một chuyện tình lãng mạn. Kiểu lý tưởng hão huyền này khiến chúng ta cứ mãi bám lấy một người dù cho bị lợi dụng và thờ ơ, từ bỏ mọi nhu cầu của bản thân và biến chính mình thành kẻ si tình đau khổ, kìm nén mọi nỗi đau chỉ để duy trì một mối quan hệ kiểu “Đến chết anh mới hết yêu em”.

Đôi khi một chuyện tình sẽ đẹp hơn nếu được kết thúc vào một thời điểm thích hợp, trước khi nó trở nên xấu xí. Sự can đảm đó sẽ giúp bạn trưởng thành hơn.


“Tôi tự bắn mình vì tôi yêu người; còn nếu tôi yêu bản thân mình thì tôi sẽ bắn người”

– Marilyn Manson

“Chỉ cái chết chia lìa đôi ta” nghe có vẻ lãng mạn đấy, nhưng khi cả bạn và đối phương cùng tôn thờ một thứ quan trọng hơn cả giá trị và nhu cầu bản thân, cũng như mọi thứ khác trong cuộc sống, bạn và đối phương đang tạo ra một động lực sai lầm. Bạn sẽ không cố gắng cải thiện bản thân và trưởng thành vì luôn có cô ấy bên cạnh dù bạn thế nào đi nữa. Tư tưởng tương tự cũng xảy ra với người yêu bạn. Điều này làm chuyện tình này phải dậm chân tại chỗ, để rồi kết thúc, trong bi kịch.

4. Để ý một người khác

Văn hóa ngày nay khi nói về tình yêu là không được có cảm xúc với người khác. Bất kì cảm xúc nào không phải dành cho người yêu đều bị xem là không đứng đắn. Yêu môt người giống như ta đang sống trong 1 cái lồng vô hình mà thậm chí không được phép nghĩ liệu có điều gì khác tốt đẹp ngoài kia không.

Dù rằng ta tin rằng trong lòng chỉ có hình bóng của người yêu, bản năng của ta lại nói khác. Sau khi trải qua giai đoạn yêu say đắm ban đầu, ta bỗng cảm thấy sự mới lạ về người yêu giảm bớt đi chút ít. Và thật không may, tình yêu của con người lại gắn liền với cảm giác mới lạ. Tôi thường nhận được email của những người đang có một chuyện tình/hôn nhân hạnh phúc bỗng thấy tội lỗi vì họ thấy có ai đó hấp dẫn hơn vợ hay người yêu của mình. Điều này không phải vì họ có tư tưởng muốn có người mới hay lăng nhăng. Đây là bản năng sinh học không thể tránh được.

Điều bạn có thể kiểm soát được chính là quyết định có ngoại tình hay không. Phần lớn mọi người, trong đa số trường hợp, đều quyết định nói không với tư tưởng đó. Và như một cơn sóng, những suy nghĩ đó lướt qua tâm trí bạn và cứ khiến bạn mãi vẩn vơ suy nghĩ dù thực tế, bạn vẫn đang chọn người yêu mình.

Chính điều này đã khơi mào cho cảm giác tội lỗi ở một số người cũng như sự ghen tuông vô lý ở một số khác. Nền văn hóa của chúng ta khiến ta nghĩ rằng một khi hai người yêu nhau chỉ được biết đến nhau thôi. Nếu có ai tán tỉnh bạn đôi câu và bạn cảm thấy thích thú, hoặc nếu bạn có những mơ tưởng kì lạ về tình dục, thì khi ấy ắt hẳn có điều gì đó không ổn về chuyện tình của bạn.

Nhưng thật sự thì không phải vậy. Nếu bạn để bản thân trải qua những cảm giác này và sau đó không nghĩ đến chúng nữa, lúc đó sẽ tốt hơn.

Nếu bạn kìm nén những cảm xúc ấy, dần dà chúng sẽ vượt lên chính bạn và điều khiển các hành vi của bạn.

Một số người thường cố kìm nén lại những suy nghĩ này. Để rồi một lúc nào không hay họ phát hiện ra mình đang gian díu với cô thư ký và cảm thấy vô cùng hối hận về những gì chớp nhoáng vừa xảy ra 20 phút trước. Những người kìm nén cảm xúc này cũng thường suy diễn rằng người yêu họ cũng có suy nghĩ như thế và họ ghen tuông mù quáng cũng như muốn kiểm soát người yêu từ suy nghĩ cho đến hành động, cố gắng thu hút mọi sự chú ý và ảnh hưởng về phía mình. Vào một buổi sáng, những người kìm nén cảm xúc này sẽ tỉnh giấc và chợt cảm thấy mất định hướng về mọi thứ cũng như tự hỏi những ngày tháng mà họ từng yêu nhau nồng cháy đâu mất rồi?

Ngắm những người hấp dẫn luôn thú vị. Nói chuyện với một người hấp dẫn luôn thú vị. Nghĩ về những người hấp dẫn cũng thú vị. Những điều này sẽ không thay đổi chỉ vì bạn đang yêu ai đó. Và khi bạn ngăn cản sự thích thú khi ngắm nhìn, nói chuyện với người khác, dần dần bạn cũng sẽ làm điều tương tự với người yêu của minh. Bạn đang đánh mất dần một phần con người bạn và cuối cùng là cả chuyện tình của bạn.

Khi tôi gặp một người phụ nữ xinh đẹp, tôi cảm thấy thích thú như bao người đàn ông khác. Cũng chính điều đó khiến tôi nhận ra vì sao trong số những người phụ nữ xinh đẹp tôi từng gặp gỡ và hẹn hò, tôi lại chọn người con gái ấy làm bạn gái tôi. Tôi nhận ra người con gái mà tôi yêu có những điều vô cùng hấp dẫn khác mà không một người con gái nào khác có được. Và dù tôi vẫn thích thú nhận những lời tán tỉnh từ các cô gái, tôi cũng vẫn ngày ngày củng cố thêm tình cảm dành cho bạn gái mình.

Khi bạn gắn bó với một người, bạn không cần phải trói chặt suy nghĩ, cảm xúc hay cách nhìn nhận của mình vào họ. Điều có thể kiểm soát chính là hành động của bạn. Và thứ khiến bạn gắn bó lâu dài với người yêu cũng chính là hành động của bạn. Những thứ khác không thể tránh được, vậy cứ hãy để chúng đến và đi.

5. Có khoảng trởi riêng

Bạn có thể bắt gặp những trường hợp sau khá thường xuyên: một chàng trai thích một cô gái và bắt đầu không chơi bóng rổ hay tụ tập cùng bạn bè nữa. Còn cô gái thì đột nhiên thích mọi cuốn truyện tranh và trò chơi điện tử mà bạn trai cô ấy thích dù thậm chí cô không biết cầm điều khiển máy Xbox như thế nào cho đúng.

Chúng ta đều có những người bạn như vậy một khi họ bắt đầu yêu. Và điều đó thật sự rắc rối, cho chính họ.

Cố gắng lôi bạn gái vào mớ này á? Thôi cho xin đi. Hãy để cô ấy tham gia nếu cô ấy cũng là 1 tín đồ, không thì đừng. © flickr user: delitv_de
Cố gắng lôi bạn gái vào mớ này á? Cho xin đi. Hãy rủ cô ấy tham gia nếu cô ấy cũng là 1 tín đồ, không thì đừng.

Khi yêu nhau, mọi người thường có những niềm tin và khát vọng mù quáng. Một trong những điều đó là để làm cuộc sống của mình xoay quanh người mà ta yêu. Điều này lúc đầu mang lại một cảm giác tuyệt vời. Thế nhưng chính điều đó sẽ đầu độc bạn như thuốc phiện vậy. Bạn đang dần thay đổi chính mình, thay đổi con người bạn, con người mà bạn gái bạn yêu.

Dành cho nhau khoảng không gian riêng, tự lập và duy trì những sở thích hay thói quen của bản thân là vô cùng quan trọng. Hãy giữ cho mình một vài người bạn riêng. Du lịch một chuyến chỉ có mình bạn. Hãy nhớ điều gì khiến bạn là chính bạn và điều gì đã khiến bạn mê mẩn người yêu của bạn ngay từ giây phút đầu tiên. Nếu không có khoảng trời riêng này, ngọn lửa giữa hai bạn sẽ tàn phai và những gì đã từng có giữa hai bạn sẽ dần chìm vào quên lãng.

6. Chấp nhận khuyết điểm của đối phương

Trong cuốn sách nổi tiếng “The Unbearable Lightness of Being “ (tạm dịch:Ánh sáng chói lóa của sự tồn tại), Milan Kundera viết rằng có hai loại đàn ông đào hoa: 1) những người cố gắng tìm kiếm một người phụ nữ hoàn hảo tuy không bao giờ tìm được và 2) những người tin rằng mọi người phụ nữ mà anh ta gặp gỡ đều hoàn hảo.

Tôi đồng ý cách nhìn nhận này và tin rằng nó không chỉ đúng khi nói về đàn ông đào hoa mà còn có thể áp dụng cho những ai luôn thấy mình đang có một chuyện tình không êm đẹp. Họ hoặc là muốn người yêu của mình trở nên hoàn hảo hoặc là tự huyễn hoặc bản thân rằng người yêu của họ đã hoàn hảo sẵn rồi.

Thử mổ xẻ vấn đề này từng chút một:

  1. Mọi người đều có khiếm khuyết.
  2. Bạn không thể ép ai đó thay đổi bản thân mình.
  3. Vậy: Hãy hẹn hò một người với những khuyết điểm mà bạn có thể chấp nhận.

Một trong những cách đánh giá chính xác nhất về tình yêu của bạn dành cho một người chính là cách bạn cảm nhận khiếm khuyết của họ. Nếu bạn chấp nhận và thậm chí thấy dễ thương – cái cách cô ấy ám ảnh việc lau dọn hay những thói quen xã giao kì lạ của anh ấy – và ngược lại họ chấp nhận và thấy những khiếm khuyết của bạn dễ thương, thì đó chính là dấu hiệu của sự thân mật thật sự.

Một trong những cách diễn tả ý tưởng này tốt nhất là bằng câu chuyện hư cấu của Plato. Plato viết rằng vào thuở sơ khai con người vốn dĩ lưỡng tính, không hề có phân biệt nam và nữ. Họ không có khiếm khuyết và cảm thấy mình vô cùng quyền lực, quyền lực tới nỗi họ trỗi dậy và thách thức các vị thần linh.

Việc này nhanh chóng trở thành một điều chướng tai gai mắt đối với các vị thần. Tuy nhiên nếu quét sạch hoàn toàn loài người, họ sẽ không có ai để cai trị. Nhưng họ vẫn phải làm điều gì đó để răn đe và khiến loài người khiêm tốn hơn.

Vì vậy Zeus chia con người làm hai. Ông tách mỗi con người thành một nam và một nữ và bắt họ phải tìm kiếm trên khắp trần gian, trong suốt quãng đời còn lại của mình một nửa kia, một nửa khiến họ cảm thấy nguyên vẹn và quyền lực. Và cảm giác toàn vẹn này rõ ràng không phải đến từ hai con người hoàn hảo, mà là sự gặp gỡ của hai con người không hoàn hảo có thể bổ sung cho những khiếm khuyết của nhau.

Họa sĩ Alex Greu từng nói: “Tình yêu đích thực là khi những khiếm khuyết của người này bổ sung cho người kia”. Những điểm tốt của bạn đã thu hút được nửa kia, nhưng chính những khuyết điểm của bạn sẽ quyết định sự gắn bó của nửa kia với bạn.

 

Gyps dịch từ:

http://markmanson.net/6-healthy-habit

menu
menu