Bình Yên Khi Độc Bước: Niềm Hạnh Phúc Của Nỗi Cô Đơn

binh-yen-khi-doc-buoc-niem-hanh-phuc-cua-noi-co-don

Tôi một mình, chỉ một mình, và tôi chưa bao giờ hạnh phúc hơn thế.

Ở Phòng lưu trữ hồ sơ San Francisco, tôi đã trả 10 đô la cho bản sao giấy chứng tử của một người phụ nữ tôi chưa bao giờ gặp mặt. Đó là tháng 9/2015.

Một vài tuần trước đó, tôi chia tay người bạn trai đã yêu hơn một năm. Tôi và bạn cùng phòng tổ chức một bữa tiệc, chúng tôi sẽ chuyển nhà vào ngày hôm sau. Bạn trai tôi lại chiến tranh lạnh với tôi vì anh ta thấy tôi nói chuyện với một người bạn nam. Quá mệt mỏi, tôi nói với anh ta dẹp hết đi.

Chúng tôi đã lên kế hoạch sống chung mùa thu này. Từ lâu tôi đã biết đây là một quyết định sai lầm, nhưng tôi rất sợ phải chia tay với anh ta. Tôi sợ anh ta. Anh ta chưa bao giờ làm tổn thương thể xác tôi, nhưng cơn giận của anh ta làm tôi thấy bất an.

Tôi gửi đồ đạc đến nhà của bố mẹ tôi ở New Jersey, gửi thông báo đến công ty sản xuất phim ảnh tôi đang làm việc, sắp xếp công việc ở New York và mua một tấm vé tàu đi xuyên quốc gia.

Sau năm năm sống tại San Francisco, tôi đã sẵn sàng để quay lại New York, tôi hi vọng rằng anh ta sẽ không bao giờ tìm thấy tôi ở đây.

Buổi sáng sau hôm tiệc tùng, bạn cùng phòng lái xe chở tôi đến căn hộ studio mà tôi cho thuê lại vào tháng sau.

Đây là lần đầu tiên tôi sống một mình ở San Francisco. Tôi thức khuya xem phim và mơ màng nhìn ra ô cửa sổ nhỏ, những ánh đèn phố thị mờ ảo đằng sau sương mù dày đặc. Tôi đọc sách lúc ăn sáng, mua hoa cắm trên bàn phòng bếp.

Cả cuộc đời tôi đều thích sống một mình.

Hồi nhỏ là con một, tôi lớn lên với việc đọc sách, viết lách trong khi bố mẹ đi làm. Sau này trưởng thành, những khoảng thời gian tôi hạnh phúc nhất là những ngày tôi ở một mình tại những thành phố mới, khi tôi lang thang trên đường phố Tokyo, Bangkok và Paris, quyết định xem sẽ làm gì mà không bận tâm sau đó sẽ ra sao.

Khi tôi mới chuyển đến San Francisco và chưa có nhiều bạn bè ở đây, tôi dành hàng giờ ngồi trên xe bus từ đầu bến đến cuối bến, nhìn ra ngoài cửa sổ, tai cắm headphone, tìm hiểu những khu vực xung quanh.

Một ngày, tôi nghĩ, tấm bản đồ của thành phố này sẽ có ý nghĩa hơn chứ không chỉ là những đường cong trên một trang giấy.

Nhưng năm năm sau, khi những đường cong đại diện cho những kỷ niệm và dường như không có khi nào tôi ra ngoài mà không tình cờ gặp một người quen, tôi lại mong ngóng trở lại trạng thái “người vô hình” lần nữa.

Tôi gọi cho mẹ và nói với mẹ là tôi đã chia tay bạn trai và tính chuyển về New York. Mẹ nói chắc chắn tôi đã làm gì đó khiến anh người yêu không vui, có lẽ tôi nên xin lỗi anh chàng thì hơn.

“Nó sẽ cưới một đứa khác và cô thì cứ độc thân đi. Còn hai tháng nữa là cô tròn 30 rồi đấy.”

Sự lo lắng của bà làm tôi điên lên nhưng tôi cũng thấy lo lắng. Bạn cùng phòng, bạn bè sống chung với người yêu người đương. Một số đính hôn. Tôi không muốn như thế, nhưng tôi sợ tôi có vấn đề gì đó khi không muốn làm những gì mọi người đều làm.

Việc này làm tôi cảm thấy không thoải mái, như cảm giác của tôi khi nghe mọi người ý kiến về việc tôi đi du lịch một mình.

Họ hỏi: “Cậu không thấy cô đơn sao?” Tôi bảo “Không” nhưng tôi cũng hoài nghi phải chăng tôi đang tự lừa dối mình.

Khao khát được vô hình đã đưa tôi từ New York đến California. Tôi hầu như không dành thời gian ở San Francisco trước khi tôi chuyển đến đây.

Tôi biết đến thành phố này là nhờ người bạn qua thư thời thơ ấu - bà Marie Sasselli - một người phụ nữ hơn tôi tới 70 tuổi.

Bố tôi đã gặp bà Marie khi ông còn là một sinh viên đại học đến từ Philippines, đang chờ có bàn trống trong một quán ăn tự phục vụ ở San Francisco trong kỳ nghỉ hè.

Bà Marie tình cờ để lại tờ 20 đô la trên bàn, một số tiền quá lớn để mà bảo đấy là tiền típ. Khi bà trở lại một vài tiếng sau, bố tôi đưa lại số tiền đó cho bà. Họ trở thành bạn.

Lúc đó, bà đã ở tuổi gần 60, chưa một lần cưới xin, không con cái. Bà và “ông bạn” đưa bố tôi đến Ocean Beach và Berkeley vào ngày nghỉ.

Sau khi bố tôi trở về trường đại học và sau đó khi ông chuyển đến Queens và rồi đến New Jersey, ông và bà Marie trao đổi thiệp chúc mừng Giáng sinh.

Tôi lúc đó 8 tuổi, bị ám ảnh bởi những lá thư và đang muốn tìm lí do để gửi một lá thư cho bà, thì mẹ tôi nói: “Sao con không viết thư cho bà Marie? Bà chỉ có một mình”

Nhiều năm trời, bà Marie đã là người bạn qua thư tận tâm nhất của tôi. Bà gửi tôi những bưu thiếp và Cầu Cổng vàng, mô tả thời tiết và căn phòng của bà trong một khách sạn như thế nào.

Khi tôi lớn lên, thời gian tôi trả lời thư bà lâu hơn, tôi thích những người bạn thư tín đồng lứa hơn. Khi tôi về nhà hi vọng nhìn thấy số mới nhất của tạp chí Spin mà lại thấy phong bì thư màu hồng của bà Marie, tôi sẽ cảm thấy thất vọng.

Chúng tôi gọi cho bà vào mỗi dịp Giáng sinh. Bà ngồi trong căn phòng, ngạc nhiên khi nghe điện thoại của chúng tôi. “Chúc cháu có một kì nghỉ vui vẻ với gia đình: Bà nói với tôi như thế và tôi thấy thật lạ làm sao khi bà không có một gia đình.

Năm 1988, tôi 12 tuổi, bà Marie 84 tuổi, một lá thư tôi gửi đi bị trả về, trên đó ghi: “Không giao được: Không có người nhận.”

Bố tôi gọi đến chỗ bà nhưng không có ai nghe máy. Bố mẹ nói có lẽ bà đã qua đời. Tôi thậm chí không nghĩ rằng bà đã mất. Tôi tự hỏi liệu có ai đó dọn dẹp phòng bà và họ có tìm thấy những lá thư tôi gửi không.

Giờ tôi ở căn hộ sắp cho thuê lại, tôi lại nhớ đến nơi bà Marie từng sống: Post Street, cách chỗ tôi không xa lắm. Bà ấy liệu có còn sống? Không có khả năng, lúc này, bà đã 101 tuổi rồi.
Tôi ra ngoài và đi trên phố nhưng không thể nhớ được địa chỉ của bà, nên tôi đến Phòng lưu trữ hồ sơ.

Tôi nộp tiền, một tiếng đồng hồ sau, một nhân viên đưa cho tôi một phong bì màu trắng chứa giấy chứng tử của bà Marie. Sinh ngày 22/1/1904, mất ngày 20/6/1988. Tình trạng hôn nhân: Độc thân. Nghề nghiệp: Thư ký.

Bà Marie đã mất trong bệnh viện vì đau tim. Địa chỉ của bà là số 628 Post Street.

Giấy chứng tử đã chứng minh kết quả cuối cùng mà tôi không mong đợi. Sau khi tan làm, tôi đến Post Street nhưng không thể tìm thấy số 628. Tôi đến một nhà hàng và hỏi thăm có khách sạn nào ở số 628 không. Chẳng một ai biết.

Ba đêm sau đó, tôi trở về căn hộ sau bữa tiệc chia tay. Sáng hôm sau, tôi sẽ lên tàu đi New York, đồ đạc của tôi đã đóng hết và đặt ở hành lang.

Tôi ngồi trên bàn bếp, nhìn hình ảnh của mình phản chiếu trên cửa sổ. Tôi thích sống một mình, nhưng nếu tôi quá thích sống một mình thì sao? Kết cục của tôi có giống bà Marie không? Tôi nghiền ngẫm những bức tranh trên tường, những bông hoa trong cái bình thủy tinh.

Tôi ôm những người bạn lần cuối và khóc. Tôi sẽ nhớ họ, nhưng tôi cũng rất vui. Từ khi chia tay người yêu cũ, tôi không còn lo lắng về việc anh ta miệt thị tôi hay đùng đùng ra khỏi nhà mặt nặng mày nhẹ.

Thay khoảng thời gian cãi vã và la hét bằng một sự yên tĩnh tạm thời tuyệt vời như một món quà. Tôi lại có những ngày dành riêng cho mình, được một mình một lần nữa. Lần đầu tiên trong nhiều năm, tôi ngủ ngon giấc.

Có lẽ bà Marie muốn tôi đến tìm bà, để thấy rằng vẫn có người nhớ đến bà.

Mẹ tôi cho rằng cuộc đời bà Marie thật cô đơn và buồn bã. Nhưng tôi không cảm thấy tệ khi sống trong một khách sạn ở San Francisco.

Duy trì một mối quan hệ không vui vẻ gì vì bạn sợ mình không đủ mạnh mẽ để sống một mình - đó mới là cô đơn và buồn bã.

Tôi nghĩ về những quyết định của bà Marie. Tôi sẽ không bao giờ biết bà ấy đã định cư ở đó vì cái gì, bà ấy kiên trì với cái gì, nhưng tôi biết những gì tôi sẽ không thỏa hiệp.

Buổi sáng một người bạn đưa tôi đến ga Amtrak, và khi đoàn tàu rời ga, tôi cảm thấy vui sướng khôn tả.

Chúng tôi đi qua Sierras, rồi Rockies, tôi cảm thấy cuộc đời quá khứ biến mất, một điều gì đó mới mẻ đang đến.

Ngày tháng trôi qua. Tôi chuyển đến Chicago. Khi tôi nghe thấy giọng New York một lần nữa, tôi biết tôi đã về nhà.

Tôi chuyển đến một căn hộ gần bờ sông Brooklyn, sơn phòng màu vàng, xanh và hồng. Lúc đó trời đã vào đông, lạnh lẽo, những cơn gió rít trên đường phố, nhưng trong nhà tôi rất ấm áp.

Tôi một mình, chỉ một mình, và tôi chưa bao giờ hạnh phúc hơn thế.

 

Trạm Đọc dịch
Theo NYTimes

menu
menu