Chúng ta vẽ ra hiện thực cho cuộc đời mình

chung-ta-ve-ra-hien-thuc-cho-cuoc-doi-minh

Bạn có tạo ra hiện thực cho mình?

Khi vua Louis XIV (1638 - 1715) của Pháp nắm trong tay kho vàng của cả nước, ông ấy đã làm gì? Có bao giờ ông ấy có nói với triều đình của mình rằng:

-Năm nay kinh tế cả nước phát triển, chính quyền thu được nhiều thuế cho nên trẫm sẽ thưởng cho các khanh một chuyến du lịch đi Ai Cập để ngắm Kim Tự Tháp. Các bộ hãy về soạn kế hoạch đi du lịch, đóng thêm tàu và nhớ thu nạp nhiều họa sĩ để vẽ nhứng bức chân dung tuyệt đẹp của ta dưới chân tượng Nhân Sư.

Không, ông ấy không làm thế mà ông ấy đổ hàng triệu France vàng để xây cung điện Versailles tráng lệ bậc nhất châu Âu. Giới quý tộc Pháp cũng không bỏ tiền qua Anh để ngắm các di tích lịch sử hay là qua Ý để được vẽ chân dung đứng dưới tháp nghiêng Pisa mà họ mua đất và xây dinh thự cho riêng mình. Trước đó hàng nghìn năm, các Pharaoh của Ai Cập cũng không đi sang các nước láng giềng du lịch nghỉ dưỡng mà đổ tiền đi xây Kim Tự Tháp.

Hành Lang Gương trong Điện Versailles

Suốt hàng ngàn năm phát triển của loài người, nhu cầu du lịch là nhu cầu xếp áp chót trong thứ tự ưu tiên. Thời đó không có khái niệm du lịch, mà chỉ có khái niệm đi khám phá, con người đi chỉ đi khám phá những vùng đất mới. Ở Việt Nam, con người chỉ muốn sống quanh làng xã, quanh những mái nhà tranh quen thuộc. Họ không muốn đi xa. Chỉ cần một người ra khỏi làng qua tỉnh khác là anh ta đã được xem như một người hiểu biết rộng rồi, chỉ cần đi một ngày đường ra khỏi làng là đã được xem là học được rất nhiều - do đó dân gian mới có câu nói: "đi một ngày đàng học một sàng khôn".

Thế nhưng thời thế đổi thay. Hiện nay hẳn bạn sẽ có đôi lúc cảm thấy hoặc nghe ai đó nói với bạn rằng bạn phải đi để không phí tuổi trẻ, rằng phải đi để quên u sầu, còn trẻ, chưa lập gia đình thì phải du lịch. Du lịch không chỉ bỗng biến thành một thứ cần phải có, mà còn là bị giới hạn trong tuổi trẻ. Tuổi trẻ là phải phượt, cứ như đó là một sự thật trong cuộc sống, cứ như đó là một quy luật tất yếu.

Tại sao lại như vậy?

Chúng ta không chỉ cảm nhận bằng giác quan

Bạn đi ra đường và thấy một cô gái xinh đẹp. Nhưng tại sao bạn thấy cô gái đó đẹp? Đó là vì mã DNA trong người bạn đã lập trình cho bạn biết như thế nào là đẹp từ lúc bạn sinh ra, hay là vì từ nhỏ bạn đã tiếp nhận thông tin qua người lớn rằng "con gái tóc dài suôn mượt là đẹp", hay là khái niệm cái đẹp đã được ngầm đưa đến với bạn qua các quảng cáo làm đẹp với những cô người mẫu có chung một kiểu mặt và một kiểu dáng cơ thể, hay là cái đẹp đã đến với bạn qua các tạp chí dành cho giới trẻ nói rằng con gái mặt v-line là đẹp, là bạn phải mặc kiểu đồ này mới là tôn thêm vẻ đẹp, rằng con gái ngực lép mặc đồ rất đáng yêu.

Vậy rốt cuộc khi bạn nhìn thấy một cô gái đẹp, bạn đang nhìn chỉ bằng mắt bạn hay bạn đang nhìn bằng cả não, bằng cả những khái niệm, định kiến gắn trong tâm trí?

Khi một người đã mặc định rằng nhạc cổ điển là thứ chán ngắt, dành cho mấy ông bà già, hay chỉ là cho mấy đứa mọt sách suốt ngày chỉ biết sách vở, thì dù cho họ nghe những bản nhạc hay thế nào đi chăng nữa họ cũng thấy dở. Lúc đó họ đang không chỉ nghe bằng tai, họ đang nghe bằng định kiến của họ.

Khi một người tin rằng anh ta không thể học được toán, anh ta dễ dàng bỏ cuộc khi gặp những bài toán khó, anh ta sẽ nói rằng anh ta không làm được, và khi anh ta cố làm thì bị điểm thấp. Và con điểm thấp chỉ càng củng cố niềm tin của anh ta rằng trên hiện thực, anh ta là một con người dở toán.

Chúng ta luôn tin rằng chúng ta cảm nhận thế giới chung quanh qua các giác quan, nhưng đó chỉ là một phần. Chúng ta cảm nhận thế giới chung quanh qua các giác quan và não bộ. Mắt chỉ cho chúng ta biết là phía trước có một đóa hoa, còn đóa hoa đó đẹp hay xấu là do não chúng ta quyết định. Chính xác hơn: do những khái niệm và định kiến trong não chúng ta đưa ra quyết định. Thậm chí các nhà khoa học đã chỉ ra rằng chúng ta cảm thấy ăn tôm hùm ngon là vì nó đắt. Nếu giá của tôm hùm giảm bằng giá thịt gà, chúng ta không còn thấy nó ngon như hiện giờ nữa. Những thứ định kiến, khái niệm đó vẽ nên hiện thực của chúng ta.

Hiện thực do người khác tạo cho bạn

Kim cương là một thứ quý giá. Nếu một người đàn ông có thể mua tặng nhẫn kim cương cho vợ, hẳn cô vợ sẽ rất sung sướng. Nó không chỉ cho thấy việc người đàn ông yêu quý người vợ của mình như thế nào, nó còn như thể hiện được sự giàu có, sự đẳng cấp của người đàn ông ấy. Con gái phương Tây rất thích kim cương, thậm chí có cả một bài hát tựa đề là "Diamonds are a girl's best friend."

 

Nhưng từ khi nào nhẫn kim cương lại là thứ biểu tượng cho tình yêu? Từ khi nào con người ta đính hôn phải tặng nhẫn? Từ khi nào kim cương lại mắc?

Rõ ràng nếu bạn đến Việt Nam thời nhà Trần và đưa cho mọi người xem nhẫn kim cương, họ sẽ thấy thích thú, tò mò, nhưng rồi cũng bỏ đi. Viên đá quý sáng lấp lánh đó không có giá trị gì cả, không ăn được, không dùng để đốn lửa được, không dùng để nấu ăn hay may mặc được. Và tại sao phải đeo một cái vòng nhỏ vào ngón tay? Để làm gì? Biểu tượng của tình yêu là trầu cau, chứ không phải là một viên đá lấp lánh.

Cái hiện thực mà chúng ta đang sống hiện nay, cái hiện thực mà nhẫn kim cương là biểu tượng cho tình yêu, rằng kim cương là một thứ vô cùng đắt tiền, rằng nó là biểu tượng của sự vĩnh cửu. Cái hiện thực đó được vẽ ra bởi công ty De Beer, công ty khai thác và phân phối kim cương lớn nhất thế giới, khi họ bắt đầu làm một chiến dịch quảng cáo vào những năm 1930 hòng làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng toàn cầu. Chiến dịch marketing quảng bá kim cương của De Beer được xem như là một trong những chiến dịch marketing thành công nhất trong lịch sử loài người. Từ một loại đá vô giá trị mà trẻ em ở châu Phi lượm để chơi, nó bỗng trở thành một thứ đắt đỏ và được nhiều người trên thế giới săn lùng.

Quay lại chuyện du lịch ở phần đầu.

Ngành du lịch hay đi phượt chỉ bùng nổ khoảng 50 năm trở lại đây khi các phương tiên đi lại trở nên rẻ hơn. Nhưng nhu cầu đi lại của con người thực sự không nhiều trong khi các quốc gia sống dựa vào du lịch như: đảo Maldives, Singapore, HongKong hay New Zealand thì luôn khát khách du lịch. Ngay lập tức các hãng du lịch đã làm chiến dịch marketing cực kì mạnh để khiến những công dân trẻ, sinh ra cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 tin rằng:

-Du lịch là nhu cầu thiết yếu của con người.

-Không đi du lịch là lãng phí cuộc đời.

-Bạn sẽ cool nếu được đi nhiều nước.

-Du lịch là biện pháp giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống: bớt căng thẳng, giải tỏa buồn chán.

Đi du lịch hẳn có nhiều lợi ích cho bản thân nhưng các lợi ích như kể ở trên thường bị phóng đại quá mức để mọi người chi tiền nhiều hơn cho nhu cầu du lịch và làm lợi cho các hãng du lịch.

Rõ ràng các nhà làm marketing đã tác động mạnh vào nhận thức của nhiều người trẻ, và qua đó họ đã vẽ ra một hiện thực cho người trẻ.

Đó là cách mọi người bán hàng. Họ vẽ ra hiện thực cho chúng ta. Đã có nhiều người lên tiếng nói rằng một ly Starbucks không đáng giá 90 ngàn, nhưng khi họ phàn nàn như thế, họ đã không hiểu tâm lý khách hàng như Starbucks. Starbucks hiểu rằng một ly cafe 90 ngàn thì làm khách hàng hài lòng hơn nhiều một ly cafe 40 ngàn, bởi vì chính sự đắt đỏ làm tăng độ hài lòng của người uống. Bạn có thể phàn nàn về sự đắt đỏ của Starbucks nhưng khi Starbucks giảm giá ngang bằng trà sữa, bạn sẽ bỏ không uống ở quán đó nữa. Ngoài ra, cái ngon của Starbucks còn được tăng cường thêm bởi không gian của quán, âm nhạc, thái độ phục vụ. Vậy rốt cuộc thì bạn uống Starbucks cảm thấy ngon chỉ là vì vị của ly cafe hay còn là vì giá của nó, không gian của quán và thiết kế của ly? Vị giác của bạn lúc này từ lưỡi đã chuyển về não.

Kim cương mắc đó là vì chúng ta muốn nó mắc. Nếu chiếc nhẫn kim cương đắt hàng chục triệu đồng giảm giá xuống còn 500 ngàn đồng, người ta sẽ không săn lùng nó nữa. Chúng ta thích thú nó là vì nó đắt tiền. Cũng như Iphone. Khoảng 4,5 năm về trước, Iphone là loại điện thoại khó mất giá nhất. Một chiếc Iphone 4 mua 15-16 triệu, xài hơn một năm vẫn bán được 10-11 triệu, điều đó cho thấy đẳng cấp của Iphone, vì điện thoại Android xài sau 1 năm bán chỉ còn chưa tới nửa giá. Nhưng từ lúc Iphone 5 giảm giá còn 6-7 triệu đồng, cái hiện thực Iphone sang chảnh dường như tan biến đi nhiều.

Bạn có tạo ra hiện thực cho mình?

Khi mình còn học phổ thông, mình rất thích đọc báo Broader Perspective (Mở rộng góc nhìn). Tờ báo này phát hành hằng tháng với phương châm là cung cấp các góc nhìn đa chiều cho từng chủ đề. Các chủ đề của báo rất đa dạng, từ môi trường, cho tới đạo đức, cho tới kinh tế, tâm lý. Và mình rất nhớ một bài viết của báo về "Tiếng nói của bản thân chúng ta". Tác giả bài viết là một thầy giáo và tác giả kể rằng:

"Tôi hỏi các học sinh của tôi thế nào là một con người đẹp. Khi các em bắt đầu trả lời, tôi liền yêu cầu dừng. Tôi nói lại rằng tôi không muốn nghe các em lặp lại các khái niệm mà người khác đưa vào đầu các em, tôi muốn các em tự viết ra theo suy nghĩ của các em: thế nào là một con người đẹp?"

Liệu bạn có thể trả lời được?

Điều đó không hề dễ. Làm sao chúng ta có thể tự phát triển được khái niệm cho riêng mình? Nhưng như mình đã nói ở trên, nếu chúng ta không tự tạo ra được hiện thực cho riêng mình, người khác sẽ tạo ra cho chúng ta và qua đó họ sẽ đạt được những gì họ muốn.

Để làm được điều đó không hề dễ. Và mình sẽ viết cụ thể ở Việt Nam. Để làm được điều đó, chúng ta bắt đầu bằng cách nhìn từ góc nhìn  khác. Nếu bạn nghĩ rằng điều đó là dễ dàng thì bạn hãy đọc các bình luận dưới hai bài viết về nước Mỹ và chiến tranh mà mình đã đăng, các bạn sẽ thấy. Spiderum đã là diễn đàn mở và ở đây mọi người đã rất lịch sự với nhau, nhưng nó không thể che đi được sự phản đối kịch liệt. Bài viết đó chỉ đơn thuần viết về góc nhìn và mình đã cố gắng viết theo kiểu dựa trên sự kiện (fact-based), có gì viết đó, không phán xét gì cả, nhưng vì nó khác với suy nghĩ của rất nhiều người nên đã bị phản đối dữ dội.

Rõ ràng đối với người Việt chúng ta, chỉ có một góc nhìn duy nhất trong lịch sử, duy nhất và bất nhất. Và chúng ta tin rằng đó là sự thật, là thực tế.

Bạn có bao giờ đặt câu hỏi rằng ai kể cho bạn những câu chuyện đó? Nếu bạn tin rằng bạn là người tư duy sâu sắc thì bạn có bao giờ tự hỏi tại sao:

-Người Việt Nam gọi nhau bằng tên chứ không bằng họ, như Thủ Tướng Dũng, Tổng Bí Thư Trọng, tướng Giáp mà lại gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là bác Hồ chứ không phải bác Minh?

Bạn không cần trả lời câu hỏi đó nhưng nếu bạn đã tự hỏi thì tức là bạn đã cố gắng đi tới gần hơn sự thật, vốn chỉ nằm ở đâu đó giữa rừng thông tin rác.

Văn hóa của chúng ta đã ép chúng ta tin tuyệt đối vào cùng một khái niệm và từ đó chúng ta vẽ ra hiện thực cho nhau:

Học sử là để bồi dưỡng lòng yêu nước.

Học văn là để nuôi dưỡng tâm hồn.

Con người Việt Nam chăm chỉ, cần cù.

Là người Việt phải yêu nước.

Bao nhiêu lần bạn tự hỏi rằng liệu điều đó có đúng? Rằng vậy một người Mỹ nghiên cứu sử ở Việt Nam thì ông ấy sẽ yêu nước Việt Nam, hay học văn là nuôi dưỡng tâm hồn mà sao cô giáo dạy văn trước đây hay đì học trò vì không học thêm nhà cô đó? Tâm hồn cô đó sao rồi?

Khi mình bắt đầu tự tạo nên một hiện thực cho mình, mình phải tự chất vấn tất cả những thứ về bản thân mình. Mình phải tự hỏi rằng:

Liệu mình có phải là một người tử tế?

Liệu mình có phải là một người tốt? Nhưng mà thế nào là tốt?

Mình có đang mù quáng tin vào thứ gì đó?

Mình có thực sự thích món hàng này không hay chỉ là do cảm xúc nhất thời?

Mình có đang lãng phí tiền bạc?

Người Việt Nam hiền hòa hay hung hãn hiếu chiến?

Khi mình bắt đầu đặt những câu hỏi chất vấn đấy, mình phải đi tìm câu trả lời bằng cách đọc. Không thể mở rộng góc nhìn nếu không đọc nhiều các tài liệu khác nhau. Và không thể đọc nhanh và hiểu thấu được tài liệu nếu bạn không biết cách đọc. Mình không chỉ đọc, mình còn phải học cách tìm tài liệu uy tín để đọc.

Và ngay cả khi mình làm được những điều đó, mình vẫn không thể khẳng định rằng những gì mình biết là đúng 100%. Và rằng hiện thực mình đang nhìn thấy là sự trộn lẫn giữa hiện thực do mình vẽ ra và hiện thực do người khác tạo ra cho mình. Mình cũng biết rằng nó sẽ không giống với hiện thực mà bạn đang có.

Nhưng mình hi vọng rằng sẽ có nhiều người hiểu được điều này. Khi một người hiểu được điều này, anh ta sẽ tranh luận để hiểu về anh ta và người khác hơn, chứ không phải là cố gắng cãi để thắng, để thỏa mãn cái tôi. Khi một người cố gắng hiểu về cuộc sống và mọi người chung quanh, anh ta sẽ đến gần với sự thật trong cuộc sống hơn.

Husky.

Reality is an absolute scale. And perception is relative.

Your opinion is your opinion. Your perception is your perception. Wars have been fought and millions have been killed because of difference in perception. But people still don't understand the simple fact that perception is different from reality, and that everyone has their own perception of the world.

Everyone thinks their perception is reality. So, there become millions of realities, when in fact there is only one. To them, reality is like a fluid, it takes the shape of the container it is put in.

Imagine a spider's web. It is home for the spider and chaos for the fly. Perceptions of the web are different for both, but reality is the same. (Samidha Paroha)

Nguồn tham khảo:

https://www.theatlantic.com/international/archive/2015/02/how-an-ad-campaign-invented-the-diamond-engagement-ring/385376/

https://www.businessinsider.com.au/why-is-lobster-super-expensive-2015-7?r=US&IR=T

Theo Spiderum - nền tảng ai cũng có thể viết bài chia sẻ quan điểm - kiến thức với cộng đồng

menu
menu