Cởi mở hơn về trầm cảm

coi-mo-hon-ve-tram-cam

Trầm cảm không nhất thiết là một cuộc chiến đơn độc, như Solomon đã nói rất rõ. Nhưng nếu tôi không nói cho bạn thì bạn sẽ không bao giờ biết được—hoặc giúp đỡ.

Nguồn: Steven Petrow, “Opening Up About Depression,” The New York Times, February 8, 2016.

Biên dịch: Tram Nguyen | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Tôi đã trải qua nhiều tình huống khó khăn trong những tháng gần đây, trong đó có những cơn phát bệnh liên tục của bố mẹ đều đã lớn tuổi của tôi và một người bạn tự sát. Tôi không thấy chán ăn hay khóc, cũng không có bất cứ triệu chứng điển hình nào khác của trầm cảm. Có lẽ tôi dễ kích động hơn bình thường một chút, có xu hướng bất cẩn hơn một chút. Và tôi vùi đầu vào công việc. Nhưng tôi không nghĩ mình lại vấp vào cái hố đen của trầm cảm.

Bạn sẽ nghĩ đáng lẽ tôi phải tự nhận thức rõ hơn, nói cả về mặt cá nhân lẫn nghề nghiệp. Là nhà báo mảng sức khỏe, tôi thường sử dụng các câu chuyện của mình để viết về các căn bệnh khó bàn luận, gồm cả chuyện tôi mắc ung thư tinh hoàn ở tuổi 26 và bị chẩn đoán nhầm HIV/AIDS—hồi nó còn là một bản án tử hình. Nhưng tôi chưa bao giờ viết về trầm cảm, dù nó đã đeo bám tôi từ lần đầu tiên tôi đặt bút lên giấy, năm 11 tuổi, khi tôi bắt đầu viết nhật ký.

Nhưng tôi không hề cô độc. Có ít nhất sáu triệu nam giới ở Mỹ mắc trầm cảm, theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH). Con số thật sự rất có thể còn cao hơn, theo Tiến sĩ Matthew Rudorfer, phó giám đốc về điều trị nghiên cứu của NIMH, do nam giới thường ít báo cáo về các triệu chứng cổ điển như không có tâm trạng, buồn bã, hoặc khóc hơn so với nữ giới, do vậy mà họ thường không được chẩn đoán. Ông nói với tôi rằng nam giới thường xuyên biểu hiện các triệu chứng “ngoại hóa” như kích động, giận dữ và hung hăng, lạm dụng chất và lạm dụng rượu, có các hành vi chấp nhận nguy hiểm và chứng “nghiện công việc.”

Ôi cái suy nghĩ đàn ông ấy: Đàn ông thì không trầm cảm, mà chỉ làm việc, uống rượu, và cạnh tranh gay gắt hơn. Andrew Solomon, tác giả của cuốn hồi ký tiên phong về trầm cảm, “Noonday Demon” (Quỷ giữa ban ngày), nói với tôi rằng thái độ kỳ cục ấy là một phần của cái lối nghĩ cho rằng đàn ông nên “che giấu tâm trạng bằng chủ nghĩa quân phiệt hoặc thể thao.”

Vậy thì sao bây giờ tôi lại lên tiếng? Nếu có chất xúc tác nào cụ thể thì đó là cái chết của bạn tôi (gia đình anh đề nghị tôi không tiết lộ tên thật), một huấn luyện viên thể chất. Một sáng tháng Tám, anh tập luyện cho các khách quen rồi về nhà và tự sát bằng một phát súng vào đầu.

Ngay cả với thị lực 20/20 tôi cũng không bao giờ đoán được anh lại có nguy cơ mắc trầm cảm nặng, chưa nói gì đến tự sát. Chỉ ba ngày trước khi chết, khi còn sống sôi nổi, anh nói chuyện với tôi về việc mua căn nhà đầu tiên và nộp đơn vào một vị trí quản lý ở câu lạc bộ sức khỏe. Nhưng, như một người bạn thân của anh bảo tôi sau này, “Ta không bao giờ biết trầm cảm sống ở đâu.”

Hầu hết mọi người, ngay cả những người thân thiết với tôi, đều không thấy được bệnh trầm cảm của tôi. Tôi là một bệnh nhân trầm cảm “chức năng cao,” chắc chắn, và có lẽ còn là một bệnh nhân kỹ nghệ khi che giấu được các triệu chứng của bệnh bằng cách kết hợp giữa thuốc, trò chuyện trị liệu, tập thể dục, và biết khi nào thì nên đóng cánh cửa với thế giới. Và không như các vết sẹo mổ (cảm ơn mày, ung thư), trầm cảm để lại những vết sẹo vô hình.

Tôi tự hỏi rằng, nếu như tôi nói chuyện với bạn tôi về cuộc đấu tranh của mình, anh có nói “Tôi cũng thế” với tôi hay không. Chìm trong suy nghĩ tưởng tượng, tôi hình dung có lẽ hôm nay anh vẫn còn sống nếu chúng tôi chia sẻ với nhau câu chuyện của mình.

Mộ điều đáng khích lệ là các nghiên cứu mới đang dần bác bỏ những nghiên cứu trước đây cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều gấp đôi so với nam giới. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2013 của Đại học Michigan kết luận rằng “khi kết hợp các triệu chứng truyền thống và các triệu chứng thay thế, sự khác biệt về giới trong tỷ lệ lưu hành của trầm cảm được loại bỏ.” Nói cách khác, có thể nam giới và nữ giới đều có nguy cơ trầm cảm tương đương nhau.

Bước đầu tiên để nhận ra trầm cảm ở nam giới là chẩn đoán đúng, tức là đưa ra các tiêu chí chính xác—và đảm bảo những người hành nghề sức khỏe tâm thần biết phải tìm gì. Bước thứ hai, có lẽ thậm chí còn khó khăn hơn, là giúp nam giới lên tiếng về trầm cảm.

Quay trở lại sự im lặng của chính tôi. Một lý do khiến tôi không thể nói chuyện về căn bệnh của mình cho đến tận lúc này là, như quảng cáo thuốc Cymbalta nói, “trầm cảm gây đau đớn.” Lần đầu nghe thấy câu nói ấy tôi đã đảo mắt ngao ngán, nhưng sau đó phải công nhận tài năng của người viết quảng cáo. Thử tưởng tượng bạn cảm nặng, loại cảm làm nhiễm độc máu, nó làm cơ thể bạn mất năng lực. Với tôi, trầm cảm có thể có cảm giác như trận cảm nặng nhất, không biết bao giờ mới khỏi. Khó mà nói về trầm cảm khi mà bạn đang phải chịu nhiều đau đớn như thế.

Rồi còn có sự kỳ thị. Dù hiểu rằng bệnh là bệnh, không phân biệt bệnh thể chất hay bệnh tâm lý, và sự cởi mở về trầm cảm đã lớn hơn nhiều so với một thế hệ trước, tôi vẫn xấu hổ.

Tôi đã gặp nhiều sự kỳ thị rất sâu sắc. Tôi từng hẹn hò với một người chia tay tôi không một chút khách sáo khi phát hiện ra tôi đang uống Lexapro, một loại thuốc chống trầm cảm. Trước khi Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) trở thành luật, tôi đã bị từ chối bảo hiểm y tế—không phải vì bệnh sử ung thư, mà là vì tiền sử thuốc. Tìm kiếm sự giúp đỡ, tôi lại bị bắt tội. “Điều đó thật vô lý,” bác sĩ chăm sóc chính của tôi nói với tôi.

Do vậy mà tôi đã quyết định sẽ thành thật hơn. Mùa thu năm ngoái, khi cần hủy một buổi hẹn, tôi đã không bịa ra một loại bệnh thể chất nào đó như vẫn làm trước đây. Thay vào đó, tôi gửi mail nói: “Bệnh trầm cảm của tôi lúc này làm tôi khó mà đến được như đã hứa. Tôi rất xin lỗi.”

Trầm cảm không nhất thiết là một cuộc chiến đơn độc, như Solomon đã nói rất rõ. Nhưng nếu tôi không nói cho bạn thì bạn sẽ không bao giờ biết được—hoặc giúp đỡ. Giờ thì tôi đã biết trân trọng những lúc bạn bè hỏi tôi cảm thấy như thế nào (nhưng không phải bằng cái cách đáng sợ “Cậu. Khỏe. Không?”). Tôi trân trọng những người đề nghị: “Tớ giúp được gì không?”

 

menu
menu