Công nghệ hiện đại đang khiến ta bất an một cách không ngờ

cong-nghe-hien-dai-dang-khien-ta-bat-an-mot-cach-khong-ngo

Các thói quen bản năng có thể phản lại loài người trong thời đại gắn kết và di chuyển không ngừng hiện nay.

Tác giả: Steven C. Hayes Ph.D| Nguồn: Psychology Today |Người dịch: Trâm Hoàng

Image result for smartphone social media

Chiếc điện thoại thông minh của bạn có lẽ đang làm bạn khổ sở đấy.

Thế hệ trẻ ở Mỹ ngày nay đang phải trải qua các triệu chứng căng thẳng, lo âu, trầm cảm, v.v… với mức độ nghiêm trọng hơn thế hệ đi trước (và ngay cả thế hệ đi trước cũng không khá khẩm là bao).

Dựa vào Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh Dịch (Mỹ), cứ 1 trong 10 người Mỹ có biểu hiện liên quan đến trầm cảm, đặc biệt độ tuổi giữa 18 và 24 là diễn ra thường xuyên nhất. 40 triệu người Mỹ trên tầm 18 tuổi mắc phải Hội chứng Lo âu, tuy nhiên, báo cáo mới đây của “Trầm Cảm tại Mỹ” đã chỉ ra rõ ràng: giới trẻ là đối tượng bị tác động nhiều nhất.

Bằng chứng: Tự sát là lý do đứng thứ 3 dẫn đến cái chết trong độ tuổi 10-24, cụ thể là 4,600 mạng người mỗi năm. Điều này diễn ra trong một đất nước giàu có hơn nhiều nơi khác gộp lại.

Vậy chuyện gì đang xảy ra?

Nhiều người chỉ đơn giản cho rằng việc nắm bắt nguồn khảo sát hiện nay đầy đủ hơn so với trước kia, dẫn đến kết quả báo cáo về sức khỏe tâm thần hiện tại cũng nhiều con số hơn và lượng người nhận thức được tình trạng tâm lý của mình ngày một đáng kể. Số khác thì cho rằng các nguyên nhân phổ biến dẫn đến căng thẳng như tài chính, thất nghiệp, trách nhiệm trở nên nặng nề trong những năm gần đây.

Ngoài những lý do trên, có thể còn một mảnh nữa ít được để tâm đến đã ghép nên bức tranh đen tối này, và ta đã cho phép nó lay động sự bình an trong tinh thần.

Nó không ở đâu xa xôi ngoài túi quần của chúng ta.

Những chú Khỉ so đo

Loài người luôn so sánh bản thân với những người xung quanh. Dù ta không có vấn đề với những gì hiện có, ta vẫn sẽ mất vui một khi so mình với ai đó đang sở hữu thứ tốt hơn. (Bạn thử xem mấy chương trình kiểu ‘Hội chị em nhà Kardashians’ mà coi).

Khuynh hướng so sánh này dường như là bẩm sinh của loài linh trưởng. Trong một buổi TED TALK thú vị, Frans de Waal đã đề cập một thí nghiệm với bầy khỉ mũ để xác nhận chúng so đo việc thu lượm tài sản của nhau không khác gì loài người.

Trong thí nghiệm này, 2 chú khỉ đặt trong 2 chiếc lồng trong suốt kề nhau và mỗi khi chúng thay phiên trao vị nghiên cứu sinh một hòn đá, chúng sẽ được thưởng. Chú bên trái sau khi giao hòn đá đầu tiên được tặng một miếng dưa chuột, chú bên phải làm tương tự và được tặng 1 quả nho. Sau khi chú khỉ bên trái quan sát được phần thưởng chênh lệch này, đến lượt thứ hai sau khi trao hòn đá rồi tiếp tục được thưởng miếng dưa chuột, nó để lên miệng, ngó người trước mặt, giơ miếng dưa chuột ra ngoài lồng và …ném vào nghiên cứu sinh.

Dữ liệu về chênh lệch lương bổng cũng đem lại kết quả tương tự. Tổng thu nhập của bạn chưa nói lên được mức độ hài lòng của bạn với cuộc sống, mà là vị trí của nó trong danh sách so kè nào đó. Ta sẽ thấy điều này rõ ràng nhất trong những khu vực xảy ra chênh lệch thu nhập cao. Có một công cụ đo lường chênh lệch này gọi là chỉ số Robin Hood – đem thu nhập các hộ dân lân cận lên cùng một biểu đồ để đánh giá mức chênh lệch. Những nơi biên độ chênh lệch ở ngưỡng cao nhất cũng là những nơi xảy ra bạo lực và giết người nhiều nhất. Do đó, vấn đề không phải là số tiền họ kiếm được, mà có lẽ là sự bất công bằng trong thu nhập đã gây ra những hành vi này.

Việc so đo trong cộng đồng có thể đã bắt nguồn từ 540 triệu năm trước, như một cách để các chủng loài thích ứng để tồn tại. Làm sao ta biết được thế? Cũng như các loài động vật khác, từ ngàn xưa ta luôn cần nhìn và xem xét nơi nào có nhiều thức ăn ngon hơn để tối ưu hóa khả năng sống còn. Từ khi mô hình xã hội phát triển, khả năng này cũng phát triển theo dòng: nếu một cá thể quan sát xung quanh và nhận ra nhóm khác hoặc người khác đang ‘ăn nên làm ra’ hơn, cá thể đó sẽ di chuyển đến nhóm này và hội nhập. Hoặc giả mi có một đống thịt ngon mà ta không có, ta sẽ lượn lờ xung quanh với hi vọng mi sẽ chia ta chút chút, không thì ta chôm chỉa luôn một ít.

Quay trở ra 540 triệu năm sau, chúng ta đã dần sở hữu khả năng áp dụng công nghệ và nhận thức qua quá trình học tập lẫn nhau. Sự tiến triển của khuynh hướng so sánh này từ đó cũng nâng tầm. Chúng ta không còn so đo mấy miếng dưa chuột nữa, chúng ta so sánh bản thân qua những giá trị truyền tai nhau như – ai đang hot, ai cool ngầu hay đại loại. Chúng ta có thể mất vui với những điều được cho là thiếu công bằng, dựa trên định nghĩa phức tạp của “tính công bằng”. Tuy nhiên, vấn đề là giờ đây nhờ có khoa học và công nghệ, ngọn núi chất đống các ‘thành tựu’ dựa trên đánh giá của loài người đã cho phép ta so sánh bản thân với bất cứ ai, bất cứ khi nào và ở đâu.

Ngọn núi đó nằm trong chiếc điện thoại thông minh của bạn.

Một công cụ để so đo

Ngay bây giờ, bạn có một thiết bị cho phép mình so sánh với xã hội liên tục. Nhờ nó, bạn sẽ được cập nhật tất cả những gì đang diễn ra xung quanh.

Thử nghĩ hậu quả của điều này xem: không cần biết bạn thành công đến đâu, bạn (có khả năng cao) chưa phải là tỉ phú. Nhưng bạn biết tỉ phú sống sao trong một nốt nhạc. Bạn sẽ thấy được những tên tuổi giàu có và nổi tiếng ăn ở như nào hằng ngày, những gì họ sở hữu và trải nghiệm mà bạn không có.

Sự chênh lệch này nhờ có công nghệ mà rõ như ban ngày, từ đó kích thích khuynh hướng tâm lý cổ xưa của loài người: so sánh – để tiếp tục thúc đẩy tiến hóa.

(Vậy nên nếu không theo kịp, ai yếu bóng vía thì sẽ bị trầm cảm, lo âu vùi dập, ai nặng vía thì khỏe, coi như đây là quy trình chọn lọc tự nhiên thời hiện đại)

Vậy giờ chúng ta phải làm sao để ‘được chọn lọc’ và đi tiếp?

Sẽ còn lâu mới có một thế giới mà tất cả cảm thấy hài lòng. Không thể nào. Không phải ai cũng ngày nào đó trở thành Bill Gates, mà dù bạn làm được, bạn cũng sẽ không thấy đủ. Như đã nói, đa số người Mỹ rất giàu nếu đem ra so sánh với phần đông dân số trên thế giới nhưng họ vẫn đối mặt với bao nhiêu lo âu trầm cảm và hàng loạt bệnh lý tâm thần khác.

Điều này không có nghĩa là chúng ta đang đi lùi, không ai đọc bài này xong lại đập iPhone của họ. Điều ta phải làm là tự đào tạo một tư duy hiện đại trong thời buổi hiện đại. Vậy tư duy hiện đại là gì và ta phải tự đào tạo như thế nào?

Chúng ta cần trở thành chuyên gia tầm cỡ Olympic về linh hoạt trong tâm lý để ‘nơi theo chiều gió’. Ta phải tự học và tìm cách trở nên cởi mở và chú ý hơn tâm lý, nhận thức, hành vi của bản thân và môi trường xung quanh; ta cần học cách nhìn từ góc độ của người khác; cảm được cảm xúc của người khác và cùng nhau tạo nên một thế giới biết chấp nhận, có ý nghĩa cốt lõi, biết quan tâm và thấu cảm để song hành với thời đại ‘trong suốt’ này. Chúng ta cũng cần bắt đầu ngay triết lý sống ‘ngay đây và bây giờ’ (right here right now) từ môi trường gia đình, trường học, cộng đồng, văn hóa, quốc gia cho đến thế giới.

Công cụ để học được điều này cũng rất dễ kiếm, trên điện thoại của bạn luôn.

 

Nguồn: https://tramhpp.wordpress.com/2018/05/11/cong-nghe-hien-dai-dang-khien-ta-bat-an-mot-cach-khong-ngo/

menu
menu