Đàn ông và địa vị xã hội: Đây là bộ não của bạn về địa vị xã hội

dan-ong-va-dia-vi-xa-hoi-day-la-bo-nao-cua-ban-ve-dia-vi-xa-hoi

Bài này nhằm giúp đàn ông hiểu được cách mà địa vị ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta, và thậm chí cả sinh lý, để qua đó ta có thể giảm thiểu tác động xấu của nó, khai thác những tác động tích cực của nó

Chào mừng trở lại với loạt bài của chúng tôi về địa vị xã hội của đàn ông. Loạt bài này nhằm giúp đàn ông hiểu được cách mà địa vị ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta, và thậm chí cả sinh lý, để qua đó ta có thể giảm thiểu tác động xấu của nó, khai thác những tác động tích cực của nó và nói chung là bắt đầu hiểu được cách tốt nhất để quản lý nó trong cuộc sống của chúng ta.

Trong bài viết đầu tiên của loạt bài này, chúng tôi đã đưa ra một định nghĩa rộng về địa vị là gì, giải thích bản chất của địa vị có tính tương đối hơn là cố định, và thảo luận về những lộ trình khác nhau mà con người có thể đạt được nó. 

Dù tôi đã cố gắng nói rõ ràng rằng địa vị không chỉ xoay quanh mỗi tiền bạc hay quần áo, tôi vẫn nhận được một số bình luận trên Facebook và Twitter như sau: “Địa vị xã hội là thứ ngu xuẩn. Bạn chỉ cần lờ nó đi.”

Nhưng đây là vấn đề: Ngay cả khi bạn tuyên bố rằng mình chẳng màng đến địa vị, bộ não của bạn có khả năng đang kể một câu chuyện rất khác. (Chưa kể đến, câu tuyên bố như vậy đặt bản thân người đó lên một địa vị cao hơn, hoặc ít nhất là vị thế đặc biệt so với người khác, về thực chất cũng là một trò chơi về địa vị!)

Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ phân tích xem bộ não bạn trông như thế nào khi nói đến địa vị. Bạn sẽ thấy, cho dù bạn có cố gắng không quan tâm đến nó bao nhiêu đi chăng nữa, thì các tế bào thần kinh của bạn bẩm sinh vốn đã phản ứng lại trước chuyện được và mất địa vị. 

Đây là bộ não của bạn về địa vị  

Bộ não của chúng ta liên tục quét môi trường xã hội tương đối của mình để biết người khác nhìn nhận ra sao về ta và chúng ta đang đứng ở đâu trong thang bậc xã hội tại bất kỳ thời điểm nào. Chúng tôi sẽ bàn về nguyên do tại sao ở bài viết khác, còn hôm nay chúng ta sẽ xem xét hoạt động này trông như thế nào về mặt thần kinh học.

Lý do chúng ta biết rằng bộ não của chúng ta liên tục đo lường, đánh giá địa vị tương đối của chúng ta là vì các nhà khoa học đã đưa con người vào máy fMRI, khiến họ phải tiếp xúc với nhiều tình huống xã hội khác nhau, và ghi lại kết quả hoạt động thần kinh. Ví dụ, trong một thí nghiệm, hai người được yêu cầu nằm trong một máy fMRI trong khi đang tham gia vào một trò chơi hợp tác trên máy tính. Một người chơi, trên thực tế thuộc phe của các nhà nghiên cứu, được hướng dẫn trở nên bất hợp tác hoặc bắt đầu ngó lơ bạn chơi của anh ta. Các nhà nghiên cứu sau đó quan sát hoạt động não bộ người chơi bị từ chối.

Những kiểu thực nghiệm này mang tính nhân tạo; người tham gia phải nằm trong những cỗ máy cồng kềnh và không thể đi lại và nói chuyện trực tiếp với người khác. Nhưng do việc đo lường hoạt động thần kinh trong các cuộc gặp gỡ hằng ngày ngoài đời thực hiện vẫn chưa làm được, nghiên cứu hiện tại giúp ta hiểu rõ những gì diễn ra trong não bộ của mình khi tương tác với người khác, và cách chúng ta đánh giá địa vị của mình trong những cuộc gặp gỡ đó.

MPFC: Thước đo xã hội (Sociometer) của bộ não chúng ta

Những gì các nhà nghiên cứu đã tìm thấy là bộ não của chúng ta có một “thước đo xã hội” bẩm sinh  bao gồm các khu vực khác nhau để đo lường, đánh giá địa vị xã hội của chúng ta tại bất kỳ thời điểm nào. Sự đo lường xã hội bắt đầu xảy ra ở vỏ não giữa trước trán (MPFC). Điều này khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên vì các thí nghiệm fMRI trước đây cho rằng MPFC được sử dụng trong những việc như mơ mộng, lập kế hoạch và nghiền ngẫm— những hoạt động nội tâm thường không liên quan trực tiếp đến địa vị.

Nhưng nếu bạn lùi lại và suy nghĩ về nó, điều đó hoàn toàn dễ hiểu vì phần não chịu trách nhiệm cho khả năng tự xem xét-bản thân sẽ liên quan đến cách chúng ta tìm ra vị trí của mình trong thứ bậc xã hội. Để xác định vị thế của ta so với người khác, chúng ta cần đến một chút khả năng tự nhận thức về những đặc điểm mà chúng ta có có thể nâng cao hoặc làm mất đi vị thế của mình. Chúng bao gồm tính cách, ngoại hình, kỹ năng và thậm chí cả thẩm mỹ và sở thích của chúng ta.

Nhưng nhận thức cá nhân về các đặc điểm của chúng ta không đủ để xác định địa vị xã hội của chúng ta— chúng ta cũng cần đánh giá cách người khác nhìn nhận về các đặc điểm của ta. Nghiên cứu cho thấy MPFC cũng tham gia vào sự tính toán này. Bởi vì chúng ta không thể đọc được suy nghĩ của người khác, những đánh giá mà nó đưa ra là một ước tính sơ bộ lượm lặt được từ những thông điệp trực tiếp và gián tiếp mà mọi người gửi đến cho chúng ta. Nếu ai đó khen ngợi hoặc chỉ trích ngoại hình của ta, chúng ta có thể cảm thấy khá chắc chắn rằng họ thấy ta quyến rũ hoặc không. Những tín hiệu về cách người khác nhìn nhận chúng ta cũng có thể tinh tế hơn—cố gắng cười trước câu chuyện đùa của chúng ta hay một tiếng cười thầm khinh bỉ trước nỗ lực trở nên tài giỏi của chúng ta.

Khi chúng ta gặp phải loại phản hồi này, MPFC sẽ gửi tín hiệu đến một trong hai phần của bộ não: thể vân - striatum (chịu trách nhiệm về phần thưởng tích cực) hoặc thùy não trước - insula (chịu trách nhiệm cho phần thưởng tiêu cực) và chúng ta trải nghiệm cảm xúc xã hội tích cực như tự hào và tự trọng hoặc cảm xúc xã hội tiêu cực như xấu hổ và bối rối. Những cảm xúc xã hội này làm việc với MPFC để xác định những đặc điểm nào bạn sở hữu có liên quan mật thiết nhất đến địa vị của bạn trong một tình huống nhất định. Vì vậy, nếu bạn là một người béo phì, nhà vô địch trò chơi Minecraft, bạn có thể cảm nhận được phản hồi tích cực khi bạn chiến thắng các đối thủ ảo của bạn. Nhưng nếu bạn đột nhiên bị đưa vào một đơn vị tác chiến đặc biệt, thì việc bạn thiếu những đặc điểm cần thiết cho địa vị cao giữa hàng loạt lính đặc nhiệm bá đạo sẽ trở nên rõ ràng, dễ nhận thấy, gây ra cảm giác xấu hổ và bối rối.

Cách MPFC tính toán và dự đoán địa vị

MPFC không chỉ thực hiện các tính toán nhanh chóng về địa vị xã hội hiện tại của chúng ta, mà nó còn dự đoán những hành động nào đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến vị thế của ta.

Các thí nghiệm được thực hiện bởi Steven Quartz tại Viện Công nghệ California và được nhấn mạnh trong cuốn sách Cool của ông, cho thấy MPFC của chúng ta sáng lên đáng kể khi ta xem xét một số sản phẩm tiêu dùng so với các sản phẩm khác. Quartz đưa ra giả thuyết rằng MPFC tính toán sản phẩm nào sẽ mang lại cho một người nhiều địa vị hơn, và để có cách phản ứng lại cho phù hợp. Nếu món đồ có khả năng tăng địa vị của bạn, MPFC sẽ gửi tín hiệu đến vùng vân (striatum)-xử lý phần thưởng, và bạn cảm thấy sung sướng khi tưởng tượng mình đang sở hữu món đồ ấy. Nếu món đồ có thể hạ thấp địa vị của bạn, MPFC sẽ gửi tín hiệu đến vùng thùy não trước- xử lý phần thưởng tiêu cực, và nghĩ đến chuyện sở hữu món đồ đó làm bạn cảm thấy xấu hổ. Chẳng hạn, MPFC của một số người sẽ hoạt động nhiều hơn khi họ nhìn thấy chiếc xe hơi thể thao hơn là khi họ nhìn một chiếc minivan; bộ não của họ nhận được một cảm giác khoái sướng khi họ tưởng tượng được ngồi bên trong buồng lái của chiếc coupe (dòng xe mui kín), trong khi đó tưởng tượng họ đang ngồi sau vô lăng của chiếc minivan gây ra một cảm giác chán chường tinh tế.

Các thí nghiệm của Quartz cũng cho thấy bộ não chúng ta phản ứng mạnh mẽ hơn trước những hành động có khả năng hạ thấp địa vị của chúng ta hơn là khi chúng ta nghĩ về những hành động sẽ nâng cao địa vị. Tức là, ý nghĩ sở hữu được một chiếc minivan (dòng xe rẻ tiền) nhận được một phản ứng mạnh mẽ hơn từ MPFC và thùy não trước, hơn là nghĩ về việc sở hữu một chiếc Corvette (dòng xe sang đắt tiền) kích thích trung tâm phần thưởng của não bộ. Chúng tôi sẽ đào sâu vào hiện tượng này thêm chút nữa, nhưng nó có lý từ góc nhìn tiến hóa. Chúng ta có nhiều thứ để mất do địa vị xã hội thấp (bị tẩy chay (khỏi nhóm) và có nguy cơ mất mạng) hơn là những thứ mà ta có thể đạt được nhờ địa vị cao (sau một điểm nào đó, việc tích lũy nhiều của cải nguồn lực hơn chỉ mang lại một sự gia tăng về lợi ích không đáng kể). Chúng ta đều học được điều này thời còn đi học, đó là bạn không cần phải trở thành đứa siêu ngầu lòi để tồn tại và phát triển, bạn chỉ cần đừng là đứa quá ngu ngốc, kém cỏi.

Tất nhiên, nền văn hóa cũng ảnh hưởng lớn đến những gì MPFC sẽ phản ứng về mặt địa vị. Nếu việc sở hữu một chiếc xe thể thao được coi là siêu ngầu trong một nền văn hóa, thì chà, một người thuộc nền văn hóa đó sẽ có một MPFC phản ứng mạnh mẽ với xe Ferraris hơn một người xuất thân từ nền văn hóa mà nơi đó xe hơi không truyền tải thông điệp về địa vị xã hội. Những người sống trong các nền văn hóa nơi biết cách chặt cây truyền tải thông điệp địa vị cao, thì sẽ có MPFC phản ứng mạnh mẽ với các video về những người đàn ông đang đốn cây; trong một nền văn hóa nơi biết cách chặt cây không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến địa vị của bạn, thì những video như vậy sẽ ít được đáp lại.

Bên cạnh phản ứng mạnh mẽ hơn đối với các hành vi hoặc sản phẩm nhất định tùy thuộc vào văn hóa, MPFC của chúng ta cũng phản ứng mạnh mẽ hơn tùy thuộc vào việc có hay không có khán giả quan sát. Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã hỏi một người rằng câu nói sau đây có mô tả chính xác về bản thân họ hay không: “Tôi sẽ không ngại làm hết sức mình để giúp một người nào đó đang gặp rắc rối.” Một số người tham gia trả lời câu hỏi mà không có ai khác nhìn thấy câu trả lời của họ. Những người khác cố tình tiết lộ câu trả lời của họ cho hai người lạ đang xem trong phòng bên cạnh họ qua nguồn cấp dữ liệu video. Kết quả? Khi các đối tượng thử nghiệm tiết lộ câu trả lời xác nhận cho một khán giả, MPFC của họ phát sáng mạnh mẽ hơn so với khi họ giữ kín câu trả lời của mình. Hơn nữa, khi những người tham gia tiết lộ câu trả lời tích cực của họ không chỉ với người xa lạ mà còn với những người mà cá nhân họ rất kính trọng, MPFC và thể vân phần thưởng của họ còn bị kích hoạt mạnh hơn. Điều này xác nhận một điều mà bạn chắc chắn đã nhận thấy trong cuộc sống của chính mình: mặc dù chúng ta nhìn chung thường quan tâm đến ý kiến của người khác, chúng ta đặc biệt quan tâm đến ý kiến của những người thực sự quan trọng đối với ta.

Các nghiên cứu trên nhấn mạnh vào một điểm mà tôi đã nói đến trong bài viết đầu tiên của loạt bài về địa vị này: địa vị có tính tương quan/liên hệ và bối cảnh cụ thể. Tôi không quan tâm đến địa vị của tôi trong kỹ năng lập trình máy tính so với một chuyên gia về lập trình. Tôi không phải là một lập trình viên và tôi không không thường xuyên chơi với họ. Chẳng liên quan gì tới tôi, vì vậy MPFC của tôi có lẽ không bật sáng khi tôi nghĩ đến lập trình. Nhưng là một người đàn ông kiếm sống bằng nghề viết lách trên mạng dành cho đàn ông, tôi thực sự quan tâm - ngay cả khi tôi đã cố gắng không quan tâm — đến việc so sánh tôi với các blogger khác, đặc biệt là các blogger khác viết về chủ đề phong cách sống của phái mạnh. Kỹ năng đó và những người đó liên quan đến ý thức về danh tính/vai trò của tôi nhiều hơn và thành công nói chung của tôi. VÌ vậy khi tôi đang nghĩ đến những trang blog khác dành cho đàn ông, dù tôi tự nhủ với lòng rằng tôi không để ý, nhưng tôi khá chắc rằng MPFC của tôi đang bị quá tải.

Trong khi MPFC đang “quét” môi trường xã hội của chúng ta bắt đầu từ khi ta còn bé, sự phát triển của MPFC chưa bắt đầu cho đến độ tuổi trưởng thành. Điều này chẳng có gì bất ngờ. Chúng ta đều đã từng là những thanh thiếu niên bẽn lẽn và đều trải qua những năm học cấp hai khi nhận thức về địa vị xã hội của một người trở nên sâu sắc. Lý do thanh thiếu niên bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc bạn bè nghĩ gì về chúng và ít quan tâm đến ý kiến của những người trưởng thành về chúng, là do sự phát triển của MPFC và sự nhạy cảm với địa vị mới học được của họ.

Serotonin: Liều hưng cảm cho người địa vị cao 

Chất dẫn truyền thần kinh quan trọng nhất liên quan đến địa vị xã hội là serotonin. Serotonin giúp điều chỉnh sự thèm ăn và ham muốn tình dục, cũng như tâm trạng của một người. Những người có mức serotonin thấp thường hay cáu kỉnh, hung hăng và trầm cảm, đó là lý do tại sao đôi khi họ được kê đơn thuốc chống trầm cảm nhằm tăng chất dẫn truyền thần kinh này.

Mức độ serotonin bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền và lối sống như căng thẳng, giấc ngủ và chế độ ăn uống. Nhưng một trong những yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến lượng serotonin trong não bộ là liệu bạn có nghĩ rằng người khác xem bạn có địa vị cao hay không. Serotonin khiến ta khoan khoái, và bất cứ khi nào ta cảm thấy địa vị của mình tăng lên, serotonin tràn ngập não bộ của chúng ta, và chúng ta trở nên tự tin hơn, thoải mái, biết hợp tác và ủng hộ xã hội. Cảm giác tuyệt vời, kết nối đó khuyến khích chúng ta tìm kiếm thêm địa vị.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy ở cả loài linh trưởng và con người rằng mức serotonin tăng khi địa vị xã hội tăng, và giảm xuống khi địa vị bị hạ thấp. Ví dụ, khỉ vervet đực đầu đàn có lượng serotonin trong máu cao gấp đôi so với những con khỉ đực không phải là-thủ lĩnh. Khi con khỉ đực đầu đàn bị lật đổ, serotonin của nó giảm xuống và mức serotonin của con khỉ thế chỗ của nó tăng lên đáng kể. Ở loài người, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những cá nhân ở vị trí lãnh đạo có mức serotonin cao hơn cấp dưới của họ.

Sự suy giảm serotonin cũng được phát hiện thấy ở loài người khi họ cảm thấy địa vị của họ bị mất. Nhận được phản hồi tiêu cực từ những người bạn quan tâm có thể làm mức serotonin của bạn tụt xuống. Đây là lý do tại sao việc bị lạnh nhạt hoặc bị chỉ trích bởi những người mà bạn quan tâm có thể khiến bạn cảm thấy vô cùng đau khổ. (Một yếu tố khác đó là sự từ chối kích hoạt những phần não bộ chịu trách nhiệm về sự đau đớn; và tôi đang nói về cơn đau thể xác—loại đau đớn mà khi uống một viên Tylenol sẽ giúp bạn giảm đau. Toàn bộ cơ thể chúng ta phản ứng dữ dội trước tình trạng địa vị bị mất.)

Mức serotonin tăng lên đi cùng với địa vị cao chỉ được kích hoạt khi bạn thấy những người khác thể hiện hành vi phục tùng trước bạn. Các nhà nghiên cứu biết điều này bởi vì họ thấy rằng họ có thể làm cạn kiệt mức serotonin của một con khỉ vervet đầu đàn bằng cách đặt nó đứng sau một tấm gương một chiều. Con khỉ alpha có thể nhìn thấy đồng loại của nó, nhưng đồng bọn thì không thấy nó. Chàng Khỉ Alpha thực hiện những động tác thống trị, nhưng vì đồng bọn không nhìn thấy nó nên chúng không đáp lại bằng tín hiệu của sự quy phục. Không nhận được phản hồi vuốt ve-cái tôi này, mức serotonin của Chàng Khỉ Alpha tụt giảm, và chàng ta trở nên lo lắng. Khi họ bỏ tấm gương đi thì mức serotonin của khỉ tăng trở lại.

Một cơ chế tương tự cũng ảnh hưởng đến loài người. Chúng ta cần nhìn thấy kẻ khác bộc lộ hành vi phục tùng đối với chúng ta để có được liều serotonin đến từ địa vị. Đối với con người, hành vi phục tùng xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Cúi đầu trước ai đó hoặc gọi họ là “ngài” là một dạng hành vi phục tùng, nhưng cũng có thể đơn giản là câu khen ngợi người khác, hoặc bấm like bài đăng Facebook của họ. (Chúng ta không nghĩ rằng việc đưa ra phản hồi tích cực này là sự phục tùng, nhưng khi ta khen ngợi ai đó, chúng ta đang thừa nhận rằng họ có thứ gì đó hay làm được việc gì đó giá trị, có thể khiến họ đẳng cấp hơn chúng ta, dù đây chỉ là cảm giác nhỏ tinh tế, tạm thời.) Giống như những con khỉ, nếu chúng ta không nhận được bất kỳ tín hiệu nào từ người khác xem chúng ta đang có địa vị cao, thì ta sẽ không nhận được cú hích serotonin. Chỉ vì bạn nghĩ rằng bạn là một người đàn ông alpha, không có nghĩa là bạn sẽ cảm thấy mình là kiểu người đó. 

Việc giành được địa vị có thể đem đến cho chúng ta nhiều serotonin hơn, đến lượt nó lại thúc đẩy chúng ta tìm kiếm nhiều địa vị hơn nữa, nhưng liệu chuyện này có thể xảy ra theo chiều ngược lại hay không? Tức là, có mức serotonin cao sẽ dẫn đến địa vị cao hơn?

Các nhà nghiên cứu đã khám phá câu hỏi này bằng cách tăng mức serotonin nhân tạo ở những con khỉ vervet. Những con khỉ nhận được liều serotonin tăng vọt đã trở nên bình tĩnh và thân mật dễ gần hơn, nhưng chúng không trở thành con đực đầu đàn ngay lập tức. Thay vào đó, con khỉ bị tiêm serotonin bắt đầu có những hành vi-ủng hộ xã hội, như chải chuốt và tặng quà, cuối cùng chỉ trong một vài tuần, chúng đã trở thành con đầu đàn. Vì vậy, thay vì có tác động trực tiếp, ngay tức thì đến địa vị, serotonin dường như có tác động gián tiếp hơn bằng cách khuyến khích những hành vi mà cuối cùng có thể giúp ta nâng cao địa vị.

Hãy nghĩ về những người vui vẻ hạnh phúc, những người có thể có mức serotonin tự nhiên trong não bộ cao hơn; sự bình tĩnh của họ, khuynh hướng biết hợp tác của họ thường khiến họ dễ lấy lòng người, và có thể giúp họ đạt đến địa vị cao hơn. Ngược lại là những người bị trầm cảm, người có mức serotonin thấp hơn, thường xuyên không thể kích thích bản thân tương tác xã hội, và hành xử thì cáu kỉnh và gây gổ; điều này làm cho họ bị cô lập với người khác, và hạ thấp địa vị của họ trong hệ thống thứ bậc xã hội. (Tuy nhiên, có những người trầm cảm biết cách dùng sự đơn độc này để tinh thông một số kỹ năng hoặc tìm ra một giải pháp cho một vấn đề văn hóa, có thể tái xuất sau thời gian ẩn dật để đạt được địa vị xã hội cao hơn theo một cách khác biệt. Đọc: Abraham Lincoln.)

Những con đực Alpha với Serotonin: Bình tĩnh nhưng hoang tưởng  

Quan niệm phổ biến về những người đàn ông alpha đó là họ là những kẻ vũ phu hung hăng, duy trì quyền lực bằng vũ lực. Nhưng nghiên cứu về loài tinh tinh và con người lại kể một câu chuyện khác.

Các nhà khoa học biết rằng, khi địa vị của một cá nhân tăng lên thì mức serotonin cũng tăng theo. Họ cũng biết rằng serotonin làm giảm sự gây hấn và tăng hành vi-ủng hộ xã hội ở cả tinh tinh và con người. Vì vậy, những con tinh tinh hoặc con người thân thiện và bình thản nhất phải là con alpha thống lĩnh trong một nhóm cụ thể. Và đó chính xác là những gì các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy hết lần này đến lần khác. Ở tinh tinh đực, con đực alpha hiếm khi gây hấn để duy trì địa vị của nó. Thay vào đó, nó chải chuốt/vuốt lông những con tinh tinh khác, tặng quà và đi tuần tra xung quanh, cảnh báo về những nguy hiểm có thể xảy ra. Nói tóm lại, nó bình tĩnh, thân thiện và che chở đồng loại.

Nhưng mặc dù những con linh trưởng đực alpha có vẻ bình tĩnh chủ yếu nhờ vào serotonin, thì các nghiên cứu phát hiện thấy chúng cũng có mức cortisol cao trong hệ thống. Các nhà nghiên cứu tin rằng đấy là bởi con đực alpha luôn phải dè chừng những kẻ có tham vọng chiếm mất ngai vàng của nó. Luôn phải mở mắt trông chừng những kẻ có khả năng tiếm đoạt địa vị khiến con alpha hơi hoang tưởng và lo lắng. Mức serotonin tăng cao làm giảm ham muốn hành động hung hăng, trong khi mức cortisol cao lại khiến nó thêm nhiều căng thẳng. Cuộc sống của con đực alpha do đó kết thúc là bình tĩnh nhưng phải luôn đề cao cảnh giác.

Vậy còn những anh chàng có địa vị thấp thì sao?

Bởi vì họ có mức serotonin thấp hơn, nên họ cáu kỉnh hơn và khả năng cao là dùng sự gây hấn để giành địa vị. Ở loài tinh tinh, chính những con đực có địa vị thấp, mức serotonin thấp nhiều khả năng là hay kiếm chuyện đánh nhau và chấp nhận rủi ro như nhảy từ cây này sang cây khác. Những con đực có địa vị-thấp đơn giản là thu được nhiều lợi ích từ hành vi gây hấn bạo lực hơn những con đực địa vị-cao, kẻ có nhiều thứ để mất khi dính líu đến hành vi đó.

Tình trạng tương tự cũng được phát hiện thấy ở loài người. Đàn ông địa vị cao có xu hướng bình tĩnh, biết hợp tác, và là kiểu người che chở bảo vệ kẻ khác. Trong quá trình làm việc ở AoM, tôi đã có cơ hội nói chuyện với nhiều cựu lính Hải quân SEAL và những người điều hành lực lượng đặc biệt, họ là những anh chàng tử tế nhất mà bạn có thể gặp, với rất ít sự gây hấn, cáu kỉnh bấy lâu nay vốn bị định kiến là gắn liền với đàn ông “alpha”.

Ngược lại, những người đàn ông có địa vị thấp thường có mức serotonin thấp hơn, điều này khiến họ trở nên cáu kỉnh và hung dữ hơn. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành các thực nghiệm cho thấy đàn ông có địa vị thấp nhiều khả năng dùng đến những màn phô trương sức mạnh (la hét, lăng mạ, bạo lực) nhằm cố gắng giành được địa vị hơn những người đàn ông đã có địa vị cao.

Nghịch lý đáng buồn là cách tiếp cận gây hấn nhằm giành địa vị này trên thực tế chỉ khiến nhiều người đàn ông tương tự mãi ở vị thế thấp. Xúc phạm và bắt nạt có thể mang lại cho bạn địa vị trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn nó chỉ tạo ra sự phẫn nộ, cuối cùng sẽ chỉ làm giảm địa vị của bạn. Ngay cả những con tinh tinh cũng sẽ không nhẫn nhục chịu đựng những con đực alpha hung hăng quá lâu. Trong một nhóm thử nghiệm, một con tinh tinh đực hung hăng bắt đầu đua tranh cho vị trí alpha. Vài ngày sau, con tinh tinh đó đã chết.

Thay vì dùng cách gây hấn và bắt nạt, những con đực có địa vị-thấp tốt hơn là nên tìm cách để chứng tỏ bản thân chúng giá trị như thế nào đối với nhóm. Nếu chúng tập trung vào việc trở thành kẻ hữu ích, thay vì kẻ quan trọng, cuối cùng chúng sẽ đạt đến vị trí quan trọng mà chúng muốn.

Kết luận: Địa vị không chỉ là một Cấu trúc Xã hội 

Như bạn thấy đó, địa vị không đơn thuần chỉ là một cấu trúc văn hóa. Bộ não của chúng ta bẩm sinh đã chú ý tới địa vị và tìm kiếm nó. Bản chất thần kinh học của địa vị lý giải rất nhiều điều về nguyên do tại sao chúng ta lại thường hành xử như cách ta đang làm.

Khi chúng ta cảm thấy tự tin trong một nhóm đánh giá cao những điểm mạnh của chúng ta, nhưng lại thấy xấu hổ khi ở trong một nhóm khác nêu bật những điểm yếu của ta, đó là bởi MPFC đang hoạt động để đánh giá vị trí của chúng ta trong hệ thống thứ bậc.

Khi chúng ta cảm thấy thôi thúc tránh không bị nhìn thấy là đang ở cạnh một “kẻ kém cỏi, thất bại”  hơn là kết thân với người nổi tiếng, chính là bộ não của ta đang phản ứng mạnh mẽ trước nguy cơ mất địa vị, hơn là khả năng đạt được địa vị.

Khi chúng ta đăng một cái gì đó mà ta nghĩ là thông minh hoặc hài hước lên Facebook mà chẳng được nổi một cái like nào từ bạn bè, nỗi lo nhức nhối mà ta đang cảm nhận chính là bộ não của chúng ta đang phản ứng trước sự tụt giảm nhỏ về địa vị và đi cùng nó là sự giảm sút serotonin.

Mặc dù những hiệu ứng đó thuộc về bản năng, không phải là ta không thể kiềm chế được chúng. Khi bạn so sánh bạn từng nhạy cảm như thế nào về địa vị thuở còn học cấp hai, với bạn bây giờ đang quan tâm về nó nhiều như thế nào, dễ dàng nhận thấy chúng ta có thể sử dụng khả năng lý trí của mình để quản lý những xu hướng thần kinh đó. Kiểm soát được những khuynh hướng đã ăn sâu bén rễ đó là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng lại cần thiết nếu chúng ta muốn đưa ra các quyết định phù hợp với những giá trị và mục tiêu của mình.

 

Dịch: Rubi

Nguồn: https://www.artofmanliness.com/articles/male-status-brain/

menu
menu