Diễn giải cơ chế phòng vệ bằng tục ngữ ca dao Việt Nam

dien-giai-co-che-phong-ve-bang-tuc-ngu-ca-dao-viet-nam

Freud là người đầu tiên xác định năm tính chất quan trọng của các cơ chế phòng vệ

Bs. Phan Thiệu Xuân Giang

I. Các Cơ Chế Phòng Vệ Là Gì?

Freud là người đầu tiên xác định năm tính chất quan trọng của các cơ chế phòng vệ:

1. Chúng là những cách chính mà chúng ta xử trí các khác biệt giữa ta nghĩ và ta cảm thấy.

Vd: ta bực một người nhưng vì sợ liên lụy nên ta giữ im lặng.

2. Chúng ta không để ý hoặc không ý thức về việc sử dụng các chiến lược đối mặt này.

Vd: vì không thích người đồng nghiệp, cô A quên gửi thiệp để mời cô B đi hội nghị.

3. Có những chiến lược khác nhau được sử dụng ở những thời điểm khác nhau để phục vụ những chức năng khác nhau.

Vd: vì sợ cha mẹ rầy la, trẻ tìm cách nói dối mặc dù biết rằng nói dối là không đúng và “chiến lược nói dối” được lặp đi lặp lại nhiều lần.

4. Các chiến lược này thay đổi theo thời gian và trong suốt chu trình sống.

Vd: tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận… (Khổng Tử).

5. Chúng giúp cho cuộc sống sinh động nhưng đôi khi cũng gây ra những vấn đề.

Vd: vì sợ mất việc nên công nhân A không dám phàn nàn ông chủ, nhưng anh ta vẫn bực mình, điều này làm anh ta căng thẳng, bực bội, mất ngủ.

Có khoảng 18 loại phòng vệ được nhận thấy vì tầm quan trọng của chúng, giả thuyết cơ bản là khi chúng ta trưởng thành, chúng ta tiến bộ hơn và hướng đến việc sử dụng các chiến lược đối mặt có ích lợi hơn. Loại phòng vệ ở mức không giúp đỡ được gì và được để ý đầu tiên là “cơ chế loạn tâm”. Có 4 mức độ đối mặt khác nhau, mức phòng vệ trưởng thành được đặt lên hàng đầu. Các nấc thang này xác định các loại phòng vệ thích hợp với một vài độ tuổi và không thích hợp với các độ tuổi khác. Mỗi loại trong các phòng vệ hoặc trong các cách đối mặt có thể được đặc trưng bởi sự kéo dài của chúng đến việc tạo thành các kinh nghiệm khác nhau của chúng ta. Một vài loại phòng vệ đóng kín các kinh nghiệm lại với nhau. Một vài loại nữa thì gọt giũa lại các suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta để đối mặt với thế giới xung quanh lần sau nữa. Những loại khác thì tái tạo lại cách mà chúng ta suy nghĩ về chính mình. Một số các phòng vệ có khả năng làm cho chúng ta:

  • Phớt lờ đi các cảm xúc của chúng ta (cách ly, lý trí hóa).
  • Phớt lờ đi các suy nghĩ chúng ta có về cảm xúc của chúng ta (dồn nén).
  • Đặt các cảm xúc của chúng ta vào người khác (phóng chiếu).
  • Tấn công chính chúng ta thay vì tấn công cái mà chúng ta sợ hay ghét (một vài kiểu tự tử hay tự gây tổn thương).

II. Các Phòng Vệ Đóng Vai Trò Gì?

1. Thay đổi cách mà chúng ta nhìn nhận về thế giới bên ngoài và bên trong chúng ta.

2. Thay đổi cách chúng ta nghĩ về thế giới, về chúng ta và về chính cảm xúc của chúng ta.

3. Giữ các cảm xúc của chúng ta trong giới hạn có thể chịu đựng được trong suốt những thay đổi bất ngờ trong đời sống cảm xúc của chúng ta (vd: sau cái chết của một người yêu thương).

4. Giúp chúng ta tránh đi hoặc đổi hướng khi có sự gia tăng mạnh mẽ và bất ngờ của các ham muốn sinh học cơ bản của chúng ta (như ý thức về sự gia tăng tính dục và sự gây hấn ở giai đoạn vị thành niên).

5. Cho phép chúng ta một “khoảng để thở” để mà làm quen với các thay đổi về hình ảnh bản thân, điều mà rất khó để có thể chấp nhận ngay lập tức (vd: sự thay đổi có thể đến từ tuổi dậy thì, sau khi bị đoạn chi, hoặc ngay cả sau khi thăng quan tiến chức!).

6. Làm dễ dàng những cảm xúc rối rắm của ta khi ta nghĩ về những người quan trọng trong đời sống của chúng ta (còn sống hoặc đã chết).

BẢNG PHÂN LOẠI VỀ CÁC CƠ CHẾ PHÒNG VỆ

 

III. Làm Thế Nào Chúng Ta Có Thể Xác Định Các Cơ Chế Phòng Vệ?

Bạn có thể chẳng bao giờ biết được làm thế nào người ta thực sự đối mặt chỉ bằng cách đặt câu hỏi đơn giản về họ. Các phòng vệ này chỉ có thể được ghi nhận bởi một người quan sát bên ngoài. Chúng ta cần nghĩ về sự khác biệt giữa điều người ta cảm thấy, điều người ta nói và điều mà người thân thiết nói về đối tượng đó và thực sự quan sát điều gì đang xảy ra trong đời sống của họ.

Sau đây là một ví dụ minh họa được phỏng vấn bởi một nhà tâm lý trị liệu với một bác sĩ huyết học, qua đó chúng ta có thể hiểu và xác định các phòng vệ có thể thay đổi như thế nào từ một loại ám ảnh lạ thường (và có lẽ có tính bệnh lý) sang một dạng đáp ứng với stress có tính lành mạnh. Người được phỏng vấn là một bác sĩ, ông đã triển khai niềm vui thích của mình bằng cách cấy các tế bào còn sống vào trong ống nghiệm, ông đã trò chuyện với nhà tâm lý trị liệu với cả tấm lòng nhiệt tình về việc cấy mô rất thú vị mà ông ta đã lấy từ một mẫu sinh thiết ở chân của mẹ ông ta. Đến cuối cuộc phỏng vấn thì nhà tâm lý đã phát hiện tình cờ rằng mẹ của bác sĩ này đã chết vì tai biến mạch máu não cách đây 3 tuần trước. Rõ ràng là ông đề cập đến cái chết của mẹ ông thì không thấy cảm xúc, nhưng sự mô tả về việc ông cấy mô vẫn còn sống của mẹ ông thì chứa đầy màu sắc cảm xúc. Người ta giải thích rằng: bằng một cách sáng tạo và có tính vô thức, ông bác sĩ này đã sử dụng niềm vui thích và các kỹ năng của mình như là một “thầy thuốc” để làm nhẹ đi nỗi đau buồn của ông (ít nhất cũng có giá trị trong thời gian ngắn). Mặc dù mẹ của ông không còn sống, nhưng bằng cách di chuyển sự chú ý và cảm xúc của mình, ông có thể (một cách nào đó) tiếp tục chăm sóc mẹ ông ta ở phòng thí nghiệm tại nhà (sử dụng phòng vệ thay thế bằng cách di chuyển cảm xúc sang một đối tượng hoặc một người mà ta ít lo lắng hơn) và loại phòng vệ lý trí hóa (nghĩ về điều lo lắng theo cách trang trọng và không cảm xúc).

VI. Có Phải Một Khi Chúng Ta Có Những Phòng Vệ Này, Chúng Ta Bị Mắc Kẹt Vào Chúng?

Các phòng vệ kém trưởng thành có thể tiến hoá thành các phòng vệ trưởng thành hơn.

Sau đây là một ví dụ về sự quan hệ trung gian giữa sự thích nghi trưởng thành và sự phát triển tiếp theo:

Nguyễn Văn T làm việc trong một xí nghiệp (làm trưởng nhóm sản xuất đồ mộc gia dụng), khởi đầu anh ta được đồng nghiệp nhận xét là “người căng thẳng, cứng ngắc, màu mè, lạnh nhạt và kém trưởng thành”. 3 năm sau, cũng các đồng nghiệp này nhận xét về anh “cảm xúc ổn định, sâu sắc và thành công”. Tuy nhiên anh vẫn được xem như “có một chút gì đó nghiêm trọng” và “thiếu óc hài hước”. 7 năm sau, anh ta được mô tả là “thay đổi đáng kể, bởi vì anh hoàn toàn cởi mở, dễ nói chuyện và có phong cách cực kỳ vui vẻ”.

Hầu hết các câu hỏi đều được gửi đến những công nhân để điều tra xem họ thích điều gì nhất trong công việc của họ.

Có một sự thay đổi rõ ràng trong cách đáp ứng của T, điều này minh hoạ cho sự trưởng thành của anh. T chuyển từ việc đặt giá trị vào đồ vật, hoặc công việc sang việc đặt giá trị vào con người. Ở tuổi 25, anh ghi lại rằng: thích “giải quyết các vấn đề”, ở tuổi 30, anh nói: anh thích “làm những điều phải làm”, ở tuổi 40, anh thích nhất là điều hành, quản trị và ở tuổi 47: làm việc với mọi người đã trở thành một mặt thú vị nhất trong công việc của anh. Điều này cũng gần giống như câu nói rất nổi tiếng của Khổng Tử: “Ta 30 tuổi thì trụ vững, 40 tuổi thì hết ngờ, 50 tuổi biết mệnh trời, 60 tuổi nghe thuận tai…”

Cơ chế đáp ứng thích nghi khởi đầu của T là: dạng phản ứng (cho người khác thấy và làm những điều ngược lại với cái mà bạn cảm thấy). “Căng thẳng, cứng ngắc, màu mè, lạnh nhạt và kém trưởng thành” đó là những điều ta có thể thấy ở những người cảm thấy mình thiếu thốn, yếu đuối cần tình cảm… Nhưng lại không muốn thừa nhận điều này và biểu hiện ra ngoài những hình thức ngược lại với điều mình cảm thấy. Cơ chế phòng vệ này được tiến hoá thành loại phòng vệ trưởng thành hơn đó là vị tha (cho người khác cái mà bạn muốn để nhận lại chính bạn). Khi T học được cách làm thế nào để đưa niềm vui vào trong cuộc đời của anh chính là lúc anh biết cho đi và ngược lại.

V. Chúng Ta Làm Thế Nào Để Thay Đổi Các Phòng Vệ Ít Trợ Giúp Thành Những Phòng Vệ Trợ Giúp Nhiều Hơn?

Để hiểu được làm thế nào chúng ta có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thay đổi các phòng vệ kém thích nghi sang loại phòng vệ thích nghi hơn, chúng ta cần:

1. Gia tăng các trợ giúp xã hội:
– Làm cho thế giới bạn sống dễ tiên liệu và có trợ giúp hơn.

2. Gia tăng sự an toàn cá nhân:
– Nghỉ ngơi nhiều hơn, cải thiện các thói quen ăn uống, giảm tiêu thụ những thuốc không cần thiết và rượu.
– Giải quyết buồn rầu tang tóc và các vấn đề gây giận dữ.

3. Đưa ra những cách tốt hơn về việc đối mặt với các điều gây khó khăn:
– Bạn không thể lấy đi lớp vỏ bảo vệ ở một người mà không bảo vệ anh ta bằng một cách khác.

VI. Diễn giải cơ chế phòng vệ bằng tục ngữ ca dao Việt Nam:

Trong văn hoá dân gian, ông cha ta đã sử dụng nhiều câu tục ngữ, ca dao để diễn đạt tình cảm và cách thức cư xử của con người. Các loại tục ngữ ca dao hay những câu nói phổ biến thường nói lên cách thức đối nhân xử thế của con người và hay nằm trong các tầng phòng vệ chưa trưởng thành, tầng nhiễu tâm và tầng trưởng thành (Tầng loạn tâm thì ít gặp hơn).

1.Ở tầng chưa trưởng thành (Immature level):

Cơ chế huyễn tưởng (Fantasy):

  • “Mơ mộng viển vông”;
  • “Nằm mơ giữa ban ngày”;
  • “Lấy chồng chẳng nhớ mặt chồng, đêm nằm tơ tưởng nghĩ ông láng giềng!” ….

Cơ chế phóng chiếu (Projection):

  • “Suy bụng ta ra bụng người”
  • “Con chó chê khỉ lắm lông
    Khỉ lại chê chó hay rông hay dài
    Lươn ngắn lại chê chạch dài
    Thờn bờn méo miệng chê trai lệch mồm!” …

Cơ chế phóng ngoại (Acting out):

  • “Nông nổi”
  • “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người xong thì mặt vàng như nghệ!”;
  • “Chó cùng cắn giậu”.

Cơ chế gây hấn thụ động: (Passive aggression): Làm tổn thương mình để làm đau người khác

  • “Lưỡng bại câu thương”
  • “Trạng chết chúa cũng băng hà, dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn” ….

Các cơ chế ở tầng chưa trưởng thành thường nhắm vào việc bổ trợ hình ảnh bản thân hay người khác (Self-image modification) để cảm thấy được đầy đủ và an toàn. Những câu tục ngữ ca dao khác dùng để mô tả cơ chế này:

  • “Thùng rỗng kêu to” “Một tấc lên tới trời” “Nổ”; “Chém gió” (Các thuật ngữ này mới được sử dụng gần đây)
  • “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” “Thấy người sang bắt quàng làm họ” “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”
  • “Một kẻ làm quan cả họ được nhờ”….

2. Ở tầng nhiễu tâm (Neurotic level):

Hình ảnh bản thân và người khác ổn định, chỉ có xung đột (conflict) hay trật khớp (dislocation) giữa suy nghĩ và cảm xúc:

Lý trí hoá (Intellectualization)

“Suy đi nghĩ lại”; “Nghĩ tới nghĩ lui”; “Lý luận dài dòng”; “Cãi chày, cãi cối”; “Mặt lạnh như tiền” …

Dồn nén (Repression):

“Giận đỏ mặt”; “Giận tím mặt”; “Sợ xanh mặt”; “Mặt cắt không còn giọt máu”; “Mặt xanh như đít nhái”; “Thấp cổ bé miệng”; “Thở dài thườn thượt”; “Tỏ bày cùng ai”; “Một câu nhịn, chín câu lành”; “Hứa lèo”; “Trăm voi không được bát nước xáo”; “Đánh trống bỏ dùi”….

Dạng phản ứng (Reaction formation):

“Bằng mặt không bằng lòng”; “Muốn ăn gắp bỏ tay người”; “Khách sáo”; “Ngậm bồ hòn làm ngọt” …

- Chuyển vị (Displacement):

“Giận cá chém thớt”…

3. Ở tầng trưởng thành (Mature level)

Cơ chế vị tha (Altruism)

  • “Lá lành đùm lá rách”
  • “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
  • “Thi ân bất cầu báo”
  • “Để gió cuốn đi” ….

Cơ chế biết tiên liệu (Anticipation)

  • “Nhìn xa trông rộng” “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”

Cơ chế biết kềm chế (Suppression)

  • “Học ăn, học nói, học gói, học mở”
  • “Biết mình, biết người”
  • “Biết lễ độ”
  • “Đúng lúc, đúng chỗ” ….

Óc hài hước (Sense of humor)

“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”….

Cơ chế thăng hoa (Sublimation):

Thơ vịnh cái quạt Tác giả : Hồ Xuân Hương
“Mười bảy hay là mười tám đây?
Cho ta yêu dấu chẳng rời tay.
Mỏng dầy chừng ấy chành ba góc,
Rộng hẹp dường nào cắm một cây.
Càng nóng bao nhiêu càng muốn mát,
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày.
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy,
Chúa dấu vua yêu một cái này”

Câu đố:

Tôi đang nằm ở sau hè,
Xăm xăm anh tới anh đè tôi ra,
Rồi anh miết liệt, miết la.
Anh làm ướt cả người ta thế này.
(Là cái cối xay)

Nói tóm lại, cách thức ứng xử, nghệ thuật sống hay các thói hư tật xấu đã được diễn đạt nhiều trong tục ngữ ca dao Việt Nam hay những câu nói bình dân hằng ngày trong dân gian và có thể nói lên được các thói quen cư xử của con người với con người hay với các sự kiện trong đời sống, các “thói quen” này chính là các cơ chế phòng vệ (Defense mechanisms) của vô thức mà phân tâm học phương Tây đã nói đến. Hiểu và nhận ra cách thức ứng xử của một người nào đó và diễn giải được bằng các câu ca dao hay tục ngữ trên cũng là cách hiểu được cơ chế phòng vệ của người đó vậy!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. George.E. Vaillant, Adaptation to life, 1993
2. George.E. Vaillant, Ego Mechanisms of Defense, 1992
3. Krishnamurti, Facing the life
4. Krishnamurti, The first and the last freedom
5. Daisetzteitaro Suzuki, Thiền luận, 2001, Thiên Trúc dịch
6. Micheal H. Ebert; Peter T. Loosen; Barry Nurcome, Current of psychiatry Diagnosis and treatment, 2000
7. Roger A. Mackinnon; Robert Michels; Peter J. Buckey, The psychiatric interview in clinical practice, 2006
8. Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao, 1928

Trích từ Bản tin Tâm lý học Đông Tây (Số 2/ Tháng 7/ 2013)

menu
menu