Đừng chơi trò nạn nhân

dung-choi-tro-nan-nhan

Thậm chí ngay cả trong những tình huống cực đoan nhất, chơi trò nạn nhân không phải là một cách hay.

Trong cuốn Psychological Defenses in Everyday Life (Những cơ chế phòng vệ tâm lý trong cuộc sống hằng ngày) (1989), tôi đã mô tả về một thân chủ than phiền rằng chồng cô ấy thường xuyên về ăn tối trễ. Bữa tối sẵn sàng lúc 6:30, nhưng anh ấy thường về nhà lúc 8:30 mà không gọi điện báo cho cô rằng anh sẽ về trễ. Cô ấy hỏi tôi, “Có đúng vậy không?” bằng một giọng ám chỉ rằng cô là nạn nhân của hành động sai trái. Tôi đã cố gắng giải thích cho cô câu hỏi then chốt không phải liệu điều đó đúng hay sai, dù ai đó sẽ có xu hướng đồng tình với cô. Những gì cô nói có thể là đúng, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, nó không liên quan. Tôi muốn cô ấy thấy rằng cô đã nhìn nhận về tình huống như là một nạn nhân thụ động, điều đó vừa không hữu ích vừa không thích nghi.

Nhiều người nghĩ rằng họ có quyền nhận được sự đối xử tốt. Vấn đề quan trọng là điều gì đang xảy ra và họ cảm nhận về điều đó như thế nào. Người phụ nữ này tốt hơn là nên chủ động đương đầu với sự thật của tình huống và thừa nhận những phản ứng cảm xúc của cô hơn là đánh giá nó về mặt cá nhân và cảm thấy mình là nạn nhân bởi hoàn cảnh.

Nếu bạn bị cướp, bạn không ngồi đó mà suy nghĩ, “Việc này không nên xảy đến với tôi. Nó thật không công bằng.” Thay vào đó, bạn đối phó lại. Bạn có thể bảo vệ bản thân bằng cách gọi cho cảnh sát hoặc cố gắng chạy trốn. Những hành động có mục đích hữu ích như vậy đối lập với kiểu suy nghĩ nạn nhân.

Người phụ nữ có chồng về trễ có quyền tức giận và cân nhắc về những hành động thiết thực mà cô ấy muốn, nhưng nếu cố gắng biện minh cho cảm giác mình là nạn nhân thì lại kém thích nghi và cuối cùng là vô nghĩa.

Ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, như ở một trại tập trung, thì cảm giác nạn nhân cũng không có tính thích nghi: Cảm nhận sự tức giận của bạn, lên kế hoạch trốn thoát, cố gắng sinh tồn, tất cả những hành động đó đáng ưa hơn là chìm đắm trong những cảm giác bất lực, nạn nhân. Thái độ của bạn là yếu tố quan trọng quyết định liệu bạn sẽ sống sót hoặc bỏ mạng, thành công hoặc thất bại trong cuộc sống. Viktor Frankl tranh luận rằng nhiều người sống sót trong những trại tập trung của Đức Quốc xã có khả năng tồn tại, chịu đựng được vì họ không chịu thua trước cảm giác nạn nhân. Thay vào đó, mặc dù bị tước bỏ tất cả các quyền và tài sản của họ, họ sử dụng sự tự do còn lại để giữ vững tinh thần của họ; sự tự do lựa chọn thái độ họ muốn trong tương quan với nỗi sợ họ đối mặt.

Duy trì vai một đứa trẻ nạn nhân dẫn đến tính thụ động mãn tính. Cảm giác nạn nhân thường rất thích hợp với hoàn cảnh của đứa trẻ. Trẻ em không có sức mạnh, bất lực và bị kiểm soát bởi bố mẹ. Sau này khi trở thành người lớn, đôi lúc có những chuyện xảy đến vượt ngoài tầm kiểm soát và sự hiểu biết của bạn. Tuy nhiên, người trưởng thành vẫn đóng vai đứa trẻ nạn nhân đáp ứng lại giống như con nai nhìn thấy một con sư tử, trở nên tê liệt thay vì chạy trốn nguy hiểm. Người này chỉ nhận thấy tình huống đó không công bằng, vô lý hoặc đe doạ nhưng không có những đáp ứng mang tính thích nghi phù hợp. Trường hợp người phụ nữ đề cập ở trên, thực tế là cô thực sự thích vai đứa trẻ nạn nhân hơn và cô chưa bao giờ có bất kỳ nỗ lực đáng kể nào để thay đổi hoàn cảnh của cô. Giống như nhiều người trong chúng ta, cô thích cảm thấy mình đúng trong những lời than phiền vô tận về hoàn cảnh không may mắn của cô, trong khi thụ động biểu lộ sự bất mãn hơn là tích cực hoạt động thay đổi hoàn cảnh của cô.

Điều quan trọng cần lưu ý là những cảm xúc không đòi hòi bất kỳ lý lẽ bào chữa nào. Cảm xúc là những đáp ứng mang tính tự động trước những sự kiện có lợi hoặc bất lợi, và những cảm xúc của con người không thể bị đánh giá là đúng hoặc sai. Trải nghiệm những cảm xúc sẽ có lợi hơn so với phủ nhận chúng hoặc loại bỏ chúng. Nhưng những hành động thì không giống cảm xúc, chúng có những hậu quả và phải được cân nhắc trong tương quan với vấn đề đạo đức và thực tế. Do đó, bộc lộ những cảm xúc ra ngoài, đặc biệt là cảm xúc tức giận, phải nằm dưới sự kiểm soát của một người.

Cảm giác nạn nhân dựa trên giả định cơ bản rằng thế giới nên công bằng: “Tôi nên được bố mẹ yêu thương.” “Con tôi nên gọi điện hoặc viết thư cho tôi.” “Sau tất cả những gì tôi đã làm cho cô ấy, ít nhất cô ấy có thể làm…” Mối bận tâm với những “điều tốt, điều phải, điều nên” không liên quan đến những vấn đề thực sự mà tất cả chúng ta đối mặt; nó dẫn đến những ý nghĩ bất hạnh bên trong, sự tức giận chính đáng và cảm giác trả thù. Tệ hơn là, những cảm giác nạn nhân, tức giận bị kiềm chế bên trong, góp phần vào chứng trầm cảm và rối loạn tâm thần.

Tóm lại, đóng vai nạn nhân là không có tính thích nghi. Cho dù những sự thao túng thụ động có thể đôi lúc có hiệu quả thì chấp nhận vị trí bất lực gây tổn thương cho thủ phạm và không bao giờ mang lại lợi ích tốt nhất cho họ. Về lâu dài, nó gây ra nhiều nguy hại hơn là tốt đẹp. Mọi người có thể kiểm soát sự thôi thúc đóng vai nạn nhân mang tính hủy hoại này bằng cách thừa nhận rằng đời sống cá nhân và thế giới bên ngoài có nhiều sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử đối với những cá nhân hoặc những nhóm người, nhưng họ có thể lấy lại quyền lực đối với cuộc sống của họ. Mặc cho những hoàn cảnh tiêu cực đó, sẽ có những giải pháp khắc phục có sẵn để có sự thích nghi hiệu quả.

 

Rubi dịch

Nguồn: http://www.psychologytoday.com/blog/the-human-experience/200909/dont-play-the-victim-game

menu
menu