Khi bệnh tâm lý được phác họa như quái vật thực thụ

khi-benh-tam-ly-duoc-phac-hoa-nhu-quai-vat-thuc-thu

Toby Allen là nhà phác họa, họa sĩ. Ông bị mắc chứng Rối Loạn Lo Âu Xã Hội. Sau một thời gian dài đấu tranh bệnh, đến năm 2013, ông nảy ra ý tưởng phác họa những căn bệnh tâm lý dưới hình dáng quái vật thực thụ, và series “Quái Vật Thật Sự* ra đời.

Toby Allen là nhà phác họa, họa sĩ. Ông bị mắc chứng Rối Loạn Lo Âu Xã Hội. Sau một thời gian dài đấu tranh bệnh, đến năm 2013, ông nảy ra ý tưởng phác họa những căn bệnh tâm lý dưới hình dáng quái vật thực thụ, và series “Quái Vật Thật Sự* ra đời.

Mình dịch lại hai đoạn ngắn trong tranh, và sau đó phần gắn * là phần chú thích thêm về bệnh, để mọi người có thể hiểu thêm.

Quái vật Lo Âu Xã Hội thường trải qua phần lớn thời gian trong đời nó trốn dưới đất hoặc núp trong những khu vực hẻo lánh cách xa nơi đông đúc. Bởi vì da bọn chúng nhìn tái nhợt, thiếu máu, và tách rời ra khỏi lớp vỏ cứng bảo vệ không cần thiết. Chúng nằm trong cùng gia đình với Lo Âu và Hoang Tưởng, nhưng bởi vì lối sống đặc biệt của mình, chúng đã tiến hóa và nhìn rất khác so với các anh em kia.

Nó dùng phần lớn thời gian để ngủ đông nhưng sẽ phóng chiếu “tinh hoa” của bản thân lên vật chủ với hy vọng rằng mình có thể sống một cuộc sống bình thường, cái mà bọn nó chưa bao giờ có được. Trong quá trình đó, nó sẽ chuyển nỗi lo âu của mình sang nạn nhân, vì thế nên cả hai, quái vật lẫn nạn nhân đều trải nghiệm cảm giác sợ hãi xã hội, hoặc lo âu vô lý.

*Những đặc điểm nổi bật của chứng sợ xã hội bao gồm nỗi sợ hãi dai dẳng về xã hội và các mối giao tiếp thường ngày , hoặc nỗi sợ hãi về những tình huống mà mình sẽ bị mất mặt hay xấu hổ xảy ra. Người bị mắc bệnh này khi bị bắt phải giao tiếp, tham gia các hoạt động đòi hỏi sự tương tác giữa những thành viên thì ngay lập tức sẽ bị kích động dẫn đến sự hoảng loạn, và cơ thể sẽ có những phản ứng tương tự như bệnh đột quỵ ở người cao tuổi với hơi thở ngắn, tim đập nhanh, người bệnh cảm thấy không thở được. Nói về nỗi sợ hoặc những tình huống giao tiếp, mỗi cá nhân với chứng bệnh này thường quan tâm thái quá về mặt mũi và các tình huống có thể làm cho họ xấu hổ, lung túng hay ngượng nghịu, đồng thời luôn lo lắng cái nhìn của người khác với mình, sợ họ sẽ cho rằng mình ngu ngốc, điên khùng, hay yếu đuối. Họ cũng có thể cảm thấy sợ khi phải đứng phát biểu trước công chúng vì lo lắng người khác sẽ chú ý đến giọng nói run rẩy hay bàn tay đang mướt mồ hôi của mình. Người mắc chứng sợ xã hội trải nghiệm nỗi lo âu, kinh hoàng tột điểm lúc nói chuyện với người khác vì sợ rằng mình sẽ bị cà lăm, không thể giao tiếp đàng hoàng được. Nói một cách tóm gọn, họ sợ hãi những tình huống có thể làm cho người khác nghĩ xấu, cười cợt về họ.

Quái vật Nhân Cách Tránh Né giống với Lo Âu Xã Hội nhưng nhỏ hơn nhiều về hình thể và thích sống trên mặt đất. Nó dùng phần lớn thời gian nấp mình trên những cành cây, dùng đôi cánh như lá cây của mình để ngụy trang và trốn khỏi bất kỳ ai hay bất kỳ thứ gì ở gần nó.

Bề ngoài của nó nhìn hơi khó chịu để đuổi những con quái vật khác ra xa, nhưng thật sự thì nó là loài rất dễ thương và tốt bụng, vẻ ngoài cũng thuộc dạng thanh nhã, thậm chí nó còn không hề hay biết. Nó giao tiếp với vật chủ một cách ngây thơ và muốn làm bạn, nhưng mà nó vô tình chuyển nỗi lo âu về sợ hãi của mình sang vật chủ thông qua những bào tử gây nhiễm từ cái đuôi của nó.

*Người mắc chứng Rối Loạn Nhân Cách Tránh Né thường cực kỳ cực kỳ nhạy cảm với những gì người khác nghĩ về họ, và cảm xúc. Họ luôn cảm giác mình thua kém, dẫn đến việc họ cảm thấy lạc lõng và sợ hãi trong xã hội. Những cảm xúc đó khiến họ trốn tránh công ty, trường học, hay bất kỳ hoạt động nào có liên quan tới việc xã giao và nói chuyện với người khác.

Quái vật hoang tưởng dùng đôi tai cao của nó như radar, dò tìm bất kỳ hoạt động nào xảy ra chung quanh nó. Sự thật thì, đôi tai của nó gần như vô dụng vì vành tai quấn chặt tận vào sụn tai và bao phủ bởi lớp lông dày, cho nên âm thanh nó nghe thấy thường bị rè đi, mập mờ , nghĩa là bọn chúng thường xuyên nghe lầm, rồi chuyển nó qua cho nạn nhân.

Bọn chúng sống nhờ cảm giác lo âu và sợ hãi mà bọn chúng vô tình tạo ra cho nạn nhân, và thường bọn chúng cũng hợp tác với những quái vật khác như Tâm Thần Phân Liệt và Rối Loạn Lo Âu vì về mặt sinh lý, chúng nó giống nhau.

*Bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng thường không tin tưởng người khác, lúc nào cũng nghi ngờ mọi người nghĩ xấu hay có ý đồ xấu với mình mà không có bằng chứng hay lý do chính đáng. Người mắc chứng này tin rằng mọi người ngoài kia muốn hãm hại, lợi dụng, sỉ nhục họ. Với bạn gái/trai hay chồng/vợ của mình, họ lúc nào cũng nghĩ là người kia ngoại tình, không chung thủy mặc dù họ không có bằng chứng gì để chứng minh điều đó. Họ đổ lỗi cho người khác cho những điều không may xảy ra với họ. Họ luôn luôn đúng, chỉ có người khác sai. Người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng thường hay chỉ trích, ganh tỵ, đổ thừa… Họ bỏ rất nhiều công sức để tự bảo về mình và xa lánh với mọi người, tấn công người khác khi họ cảm thấy bị đe dọa bởi người đó. Lúc nào cũng giận dữ, thù dai, ganh tỵ một cách bệnh hoạn, suy nghĩ lệch lạc. Những hành động, lời nói, cử chỉ bình thường, hay mang tính tốt đẹp đều bị họ coi là xấu xa, cười nhạo họ.

Tâm thần phân liệt là con quái vật đê hèn, ti tiện nhất, lừa dối nạn nhân của nó và xui khiến họ làm việc cho nó. Nó dùng khí gây ảo giác tiết xuất từ những cái lỗ nhỏ dưới bụng nó để điều khiển và gây ảnh hưởng lên nạn nhân, dụ nạn nhân làm theo những gì nó muốn. Nạn nhân liên hệ với nó thông qua một giọng nói mạnh mẽ đầy quyền lực ở tầng tiềm thức ngay trước tầng nhận thức.

Nó thường rủ những con quái vật khác đến chơi cùng, như là Hoang Tưởng, với vai trò chủ đạo thuộc về Tâm Thần Phân Liệt như thể đầu lĩnh nhóm mafia. Bọn chúng thường khó bị nhìn thấy và thích núp dưới những cái bóng.

* Bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt thường trải nghiệm một điểm đặc trưng của bệnh chính là bị ảo tưởng hay ảo giác, như là người bệnh không bị bất kỳ kích thích nào mà bị ảo giác, thấy được những thứ kỳ lạ mà người khác không thấy được ( xin đừng hiểu là người bệnh thấy được ma thật hay có năng lực siêu nhiên nhé ;___;) hay tưởng tượng những thứ vô nghĩa gì đâu.

Đa nhân cách là một con quái vật có đặc điểm chính là có thể thay đổi hình dạng tùy theo sở thích của nó. Nó có thể thay đổi vẻ bề ngoài, và cũng có thể thay đổi tính cách của mỗi hình dáng với từng nhân cách khác biệt.

Việc nó thường xuyên thay đổi hình dáng bên ngoài phản chiếu chuyện nạn nhân thay đổi nhân cách của mình. Nếu có quá nhiều nhân cách tồn tại, quái vật lẫn nạn nhân sẽ bị rối loạn vì không biết đâu mới là nhân cách nguyên thủy của mình. Không có quái vật Đa Nhân Cách nào nhìn hoặc hành xử giống hệt nhau.

*Một trong những đặc điểm chính của Đa Nhân Cách là người bị bệnh mất khả năng nhớ lại một số thông tin quan trọng về mình, những sự kiện lớn mà không thể giải thích được bằng từ “quên” bình thường. Nói đơn giản một chút, sẽ có những khoảng thời gian trống trong ký ức mà người bệnh không tài nào nhớ nổi. Có những chuyện quan trọng đã xảy ra trong quá khứ nhưng người bệnh không hề có một chút ý thức gì về nó cả, người bệnh không hề có một ý cảm giác hay ý thức gì về những nhân cách còn lại của mình. Sự rối loạn này phải không xuất phát từ thuốc, chất kích thích hay bất kỳ tình huống y khoa nào để được coi là Rối loạn đa nhân cách.

Quái vật lo âu nhỏ đến mức nó có thể ngồi trên vai người ta và thì thầm đủ thức vào tiềm thức, đưa những suy nghĩ lo sợ và lo lắng vô lý vào bên trong. Nó thường thường được cho là yếu ớt khi so sánh với những quái vật khác, nhưng nó cũng là quái vật phổ biến nhất và cực kỳ khó để loại trừ.

Bọn chúng thường mang theo những vật nhỏ có liên quan với nỗi sợ của chúng ta ví như đồng hồ, thứ tượng trưng cho nỗi sợ phổ biến nhưng vô lý nhất về những thứ có lẽ chẳng bao giờ xảy ra. Chưa ai thấy được bộ mặt thật của quái vật này vì bọn chúng luôn dùng đầu lâu làm mặt nạ.

*Giải nghĩa : Người mắc rối loạn lo âu có triệu chứng là lo lắng quá mức về việc gì đó có thể khó xảy ra, nỗi sợ vô lý và chiếm hầu hết thời gian của họ khiến họ không thể sống và làm việc một cách bình thường. Chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác nào gây ra rối loạn lo âu nhưng nhiều nhà khoa học cho rằngnó là từ tổ hợp sinh lý, tâm lý và xã hội.

Rối loạn nhân cách ranh giới:

Quái vật nhân cách ranh giới là một trong những quái vật nhìn dễ thương nhất, nhưng đồng thời cũng độc ác nhất. Bọn chúng thường tụ tập thành bầy xung quanh nạn nhân và dùng pheromones (chất hóa học được tổng hợp từ một sinh vật sống, đóng vai trò truyền tín hiệu để liên lạc tới các cá thể cùng loài) để tăng cao cảm xúc của nạn nhân trước khi hấp thụ năng lượng từ những cảm xúc đó. Bọn chúng ăn đủ loại cảm xúc nhưng thường thì chúng thích cảm xúc trầm uất hơn.

Thân thể nó hầu như được làm từ đá trong suốt, khiến bọn chúng vô hình. Chỉ có chóp đuôi hình lá phong là thấy được bằng mắt thường. Đôi lúc, nếu nó ăn quá nhiều bất kỳ cảm xúc nào thì nó có thể vỡ nát như thủy tinh.

*Người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới thường không thể giữ vững được bất kỳ mối quan hệ nào lâu dài, cái nhìn về bản thân và cảm xúc. Họ cực kỳ, cực kỳ sợ hãi cảm xúc khi bị bỏ rơi. Ví dụ như người yêu giận họ vì một chuyện nhỏ, thì họ có thể có những hành động như tự tử, tự tổn thương chính mình để níu kéo vì họ sợ hãi người yêu sẽ không cần mình nữa. Có một câu mà giáo sư mình thường dùng khi nói khái quát về cảm xúc dao động và nỗi sợ của người mắc rối loạn nhân cách ranh giới là “ Tôi ghét anh, đừng rời xa tôi” – I hate you, don’t leave me.

Quái vật Ám Ảnh Cưỡng Chế là nhà điều khiển rối gian trá và độc ác, thường dùng nỗi sợ để khống chê nạn nhân của nó. Nó thường xuyên dộng cây quyền của mình xuống đất và dùng lông vũ được sắp xếp theo trật tự của mình và nhiều con mắt để thôi miên nạn nhân, tạo nên ám ảnh mãnh liệt và đáng sợ, thường liên quan đến sự an toàn của nạn nhân hay người xung quanh bọn họ. Sau đó nạn nhân phát triển thêm hành vi cưỡng chế để làm ra những việc lặp đi lặp lại, ngăn ngừa nỗi ám ảnh đấy biến thành sự thật, hoặc mong muốn giảm đi nỗi sợ phần nào.

Quái vật này gần như không thể nhìn thấy nhưng nó lúc nào cũng có mặt. Quái vật Lo Âu và quái vật Trầm Cảm thường bị lợi dụng bởi nó để giữ chặt lấy nạn nhân.

*Đặc điểm chủ yếu của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế là nỗi ám ảnh lặp đi lặp lại hay sự ép buộc nặng đến mức họ dành tất cả những thời gian mà họ có để phục vụ cho nỗi ám ảnh nọ. Nó có thể khiến cho người mắc bệnh trở nên tiều tụy, tinh thần mỏi mệt hoặc gây trở ngại trong cuộc sống.Vào một thời điểm nào đó, người bệnh sẽ nhận ra nỗi ám ảnh hay sự cưỡng chế quá vô lý. Và sự rối loạn này không phải là phải là do dùng thuốc hay do những điều kiện sức khỏe bình thường khác.

Quái vật trầm cảm thường trôi nổi xung quanh và chẳng bao giờ dừng lại, bọn nó luôn che mắt lại để trốn khỏi thế giới bên ngoài. Bởi vì thế, chúng thường đụng phải người ta hay những con quái vật khác và mỗi lần như thế, chúng càng làm cho bản thân thêm u sầu rầu rĩ.

Cách duy nhất để chúng cảm thấy khá hơn là khi quấn cái đuôi làm từ chất lỏng của mình xung quanh nạn nhân chia sẻ cơn trầm cảm với họ. Nạn nhân thường không để ý hay không hề hay biết về sự hiện diện của nó thế nhưng họ sẽ cảm thấy nặng nề và phát triển thành trạng thái trầm cảm. Trong lúc đó, quái vật này sẽ hấp thu bất kỳ cảm xúc tích cực nào từ vật chủ cho đến khi nào tụi nó thấy đủ rồi thì mới chuyển qua kí sinh trên vật chủ khác.

* Người mắc bệnh trầm cảm thường cảm thấy mình như bị nuốt chửng bởi một hố đen sâu hun hút và không tìm thấy đường ra. Tất cả mọi thứ đều vô nghĩa, tất cả mọi thứ sai trái hay không thuận lợi trong công việc hay đời sống đều là lỗi của họ. Cái cảm giác tiêu cực này nặng đến nỗi họ không thể làm việc, những chuyện đơn giản như đánh răng đều trở nên quá sức đối với họ.

“ Tui muốn đá cái đuôi nước của nó, bứt nó ra, bắt nó ói ra hết mấy cái cảm xúc tích cực trả lại cho tui. “ – Com nhặt trên internet.

Quái vật lưỡng cực thật ra là hai nhận thức đấu tranh với nhau để giành quyền điều khiển cơ thể. Một ý thức thì luôn trong trạng thái hưng phấn, cảm thấy rất phấn khích và hoạt động quá mức, còn ý thức còn lại thì u uất và trầm cảm. Chỉ có một ý thức là được quyền điều khiển cơ thể trong thời gian nhất định trong khi ý thức còn lại thì vẫn vật lộn để lấy lại cơ thể.

Bọn chúng dùng khí pheromone để làm chủ và cố gắng điều khiển cơ thể chung quả cả hai, gây ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở gần nó, và ý thức nào làm chủ sang cho nạn nhân. Sau đó nạn nhân sẽ trải nghiệm cảm giác cảm xúc thay đổi giống như quái vật. Quái vật này cực kỳ nhanh nhẹn và lanh lợi, khiến cho rất khó để mà xác định được ý thức nào làm chủ.

*Bệnh Lưỡng cực từng được gọi là bệnh phấn khích – trầm cảm. Và đến tận nay có nhiều nhà tâm lý học thích dùng thuật ngữ này hơn vì nó diễn tả đúng các triệu chứng của bệnh. Theo tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM-4 thì bệnh nhân mắc bệnh Lưỡng cực phải trải qua giai đoạn phấn khích và trầm cảm, hai giai đoạn trái ngược hẳn nhau thế nên mới có tên là bệnh Lưỡng cực.

Chứng Im Lặng Chọn Lọc (Selective Mutism)

Quái vật im lặng chọn lọc vốn không phải một sinh vật xấu xa, thường được xem là một loài ăn tạp tinh quái. Nó sống trong các cộng đồng ồn ào và huyên náo cùng những sinh vật khác, nhưng bẩm sinh lại không nói được. Để hoà nhập, nó cướp đi giọng nói của ngườ I khác và giấu chúng trong cái hạt dẻ rỗng mà nó thường đeo quanh cổ. Thế là nó có thể dùng hạt dẻ như một cái còi phát âm thanh.

Nó thường lấy đi những thanh âm cao và ngọt ngào của trẻ con nhưng thi thoảng vẫn tìm kiếm những giọng nói trưởng thành hơn và thử dùng chúng. Nó ít khi dùng một giọng trong một thời gian quá lâu, và sẽ hoàn lại cố chủ để tìm một giọng nói tươi mới hơn.

Mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder)

Là một bậc thầy lừa đảo, BDD thích hợp tác với những quái vật khác như OCD, Lo Âu và Chán ăn để khuyếch đại ảnh hưởng của mình. Với bộ cánh trông như kính vỡ trên thân mình, nó hoạt động như một chiếc gương méo mó, phản chiếu những điều dối trá mỗi khi có ai nhìn vào bề mặt phản chiếu đó. Con quái vật này sau đó sẽ giăng nên một cái lưới, cách thức giống như loài nhện, bắt lấy nạn nhân, từ từ gặm nhắm lòng tự trọng và mọi điều tốt đẹp trong họ.

Nó khiến cho nạn nhân càng ngày càng lo lắng hoặc ám ảnh về một bộ phận nào đó hoặc toàn bộ cơ thể của mình. Họ bắt đầu tin rằng hình ảnh méo mó kia là thật. Nạn nhân sẽ bắt đầu che đậy những phần họ cho là nhược điểm hoặc tệ hơn, tìm cách thay đổi những phần đó.

Chứng chán ăn (Anorexia Nervosa)

Là một sát thủ kí sinh, Chán ăn chầm chậm giết chết nạn nhân của mình từ bên trong. Nó gần như vô hình nhờ vào cơ thể trong suốt, nhưng nó để lại cái bóng của mình ở mọi nơi nó kí sinh, khiến cái mà nạn nhân nhìn thấy là hình ảnh méo mó, sai lệch của mình. Nó thao túng và kiểm soát họ, thuyết phục họ duy trì cân nặng ít ỏi của mình bằng cách hạn chế ăn uống và khuyến khích các bài tập tăng cường để giảm những phần cân nặng mà nó gọi là “dư thừa”.

Mục đích của Chán ăn chính là khiến nạn nhân tự huỷ hoại bản thân thông qua việc nhịn đói và những vấn đề sức khoẻ khác phát sinh dưới sự thao túng của nó. Điểm mạnh của con quái vật này là điểu khiển và kín đáo, khiến nạn nhân cố gắng che giấu lối sống khắc khổ của mình. Để đái bại Chán ăn, cần phải nhận thức được sự hiện diện của nó, chỉ khi đó, mới có thể vô hiệu hoá nó. Quái vật chán ăn thường hợp tác với Mặc cảm ngoại hình.

Căm thù âm thanh (Misophonia)

Con quái vật nhỏ bé và gần như vô hại này chỉ muốn gây phiền hà hoặc tạo ra cảm giáo kinh tởm và giận dữ mà thôi. Với đôi tai vòm lớn của mình, nó chọn lấy những âm thanh nhất định như tiếng nhai, tiếng răng rắc, tiếng gõ, thậm chí là tiếng thở, và truyền chúng vào tai nạn nhân. Những âm thanh này bị phóng đại lên khiến người nhận cảm thấy khó chịu và gây ra những triệu chứng nhỏ như đổ mồ hôi, căng cơ và tăng nhịp tim. Nó cũng có thể tập hợp nhiều kích thích hữu hình bằng đôi cánh đặc biệt của mình, và nâng cao phản ứng của nạn nhân bằng cách nhạy theo các chuyển động đó.

Nó khiến nạn nhân của mình trở nên càng ngày càng tách biệt, khiến họ tự động tránh né những nơi hoặc sự kiện có quá nhiều âm thanh hoặc hình ảnh cụ thể nào đó xuất hiện.

Rối loạn Stress sau Sang chấn (PTSD)

Quái vật PTSD đã từng là một thành viên trong số các sinh vật bảo hộ nhân từ nhưng sau đó bị tha hoá bởi nỗi đau và tệ nạn. Để lại bản chất lúc trước của mình, con quái vật bắt đầu thèm thuồng, lùng sục nỗi sợ hãi và bi kịch cực độ để vơi đi nỗi đau của bản thân như một con nghiện.

Có thể thấy nó lởn vởn quanh các chiến trường hoặc ẩn nấp gần những sự kiện đau thương và thiên tai, dung dưỡng nỗi đau và tổn thương trong mình. Nó tìm đến những người liên quan, theo dõi họ, trở thành một hình ảnh thường trực gợi nhớ cho họ về nỗi đau đã qua. Nạn nhân buộc phải liên tục nhớ lại những khoảnh khắc tồi tệ trong khi nó gặm nhắm nguồn năng lượng sụp đổ của họ. Quái vật PTSD là người họ hàng của quái vật Lo Âu.

Rối loạn giấc ngủ (Sleep Disorder)

Quái vật rối loạn giấc ngủ là một sinh vật cực kì ham chơi và không bao giờ ngơi nghỉ. Nó sẽ tìm kiếm một người bạn cùng chơi hoặc nạn nhân vào lúc nửa đêm và giữ họ tỉnh táo để thoả mãn nỗi buồn chán không dứt của mình. Nạn nhân thường không ngủ được nhiều, mà nếu có ngủ thì nó cũng sẽ khiến họ stress thêm rồi khuyến khích các quái vật khác cùng tham gia vào cuộc chơi.

Nếu nó biết được bạn chơi của mình ngủ được, nó sẽ nổi điên lên, làm nhiều trò con bò có hại cho nạn nhân. Nó có thể xui khiến ác mộng và sự khiếp sợ về đêm bằng cách phát ra một luồng khí từ đuôi của mình. Nó có thể gây ra chứng ngưng thở lúc ngủ bằng cách dùng cái vòi của mình quấn quanh cổ nạn nhân. Nó thậm chí có thể ngồi lên nhiều bộ phận cơ thể, làm tê liệt tạm thời những bạn chơi bất đắc dĩ. Đây mới chỉ là một số ít trong nhiều công cụ mà con quái vật này sở hữu mà thôi.

 

Dịch bởi Hải Đường Tĩnh Nguyệt và Khương Minh Tú

menu
menu