Khoa học có thể chữa lành trái tim tan vỡ vì tình?

khoa-hoc-co-the-chua-lanh-trai-tim-tan-vo-vi-tinh

Các phương pháp điều trị mới liên quan đến thuốc gây mê và phản hồi thần kinh có thể sớm được dùng để vượt qua chuyện chia tay.

Các phương pháp điều trị mới liên quan đến thuốc gây mê và phản hồi thần kinh có thể sớm được dùng để vượt qua chuyện chia tay.

Không gì đau khổ bằng một trái tim tan nát vì thất tình. Một màn chia tay tệ hại được biết là gây ra một loạt triệu chứng về thể lý và tâm lý, từ buồn nôn và mất ngủ đến trầm cảm lâm sàng. Trong những trường hợp cực đoan hơn, hội chứng trái tim tan vỡ (broken heart syndrome) – khi trái tim của một người ngừng bơm máu đúng cách sau một cú sốc tình cảm - có thể dẫn tới tử vong.

May mắn thay, những đột phá gần đây cho thấy chúng ta có thể sớm đánh bại nó. Vào tháng 3, một nghiên cứu của Tây Ban Nha phát hiện ra propofol, một thuốc an thần được sử dụng để gây mê, cũng có khả năng dập tắt ký ức đau buồn đi cùng với trái tim đau khổ. Những người tham gia được tiêm thuốc ngay sau khi nhớ lại một câu chuyện đau khổ và, khi được yêu cầu kể lại nó sau 24 giờ, họ thấy ký ức đã bớt chân thực hơn.

Mục tiêu chính của nghiên cứu là làm giảm các triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), nhưng dường như có thể có cơ hội dùng thuốc để ức chế những ký ức gây khó chịu khác. Một mất mát bất ngờ chẳng hạn như trái tim tan vỡ cũng có thể là sang chấn tâm lý, và một số người thông báo về các triệu chứng tương tự.

Bác sĩ Bryan Strange, người dẫn dắt cuộc nghiên cứu, cho hay: “Bằng việc kết hợp gây mê với khơi gợi một ký ức cảm xúc làm suy yếu việc hồi tưởng lại nó sau đó. Chúng ta sẽ cần đưa ra một bộ tiêu chí xác định những ai mà phương pháp điều trị này sẽ có hiệu quả, và lợi ích biện minh cho nguy cơ của việc gây mê. Có thể có những người mà nỗi đau thất tình quá lớn đến mức đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí.”

Trong năm qua, một làn sóng các ứng dụng như Mend, Rx Breakup Break-Up Boss đã được phát hành, những hoạt động gây phân tâm và những lời khuyên, chỉ dẫn đầy hứa hẹn nhằm giúp xoa dịu nỗi đau thất tình. Đó là một lời hứa cao cả, nhưng dường như bắt nguồn từ logic: một nghiên cứu năm 2017 phát hiện thấy các bài tập mang phong cách rèn luyện-não bộ tương tự có thể giúp kiềm chế hành vi đáng xấu hổ hoặc bồng bột hậu chia tay và tăng cường khả năng kiềm chế bản thân.

Helen Fisher là một nhà nhân loại học sinh học, người đã có hơn 40 năm nghiên cứu về các tác động của tình yêu lên bộ não con người. Nghiên cứu của bà, sử dụng quét MRI chức năng, đã xác định được những điểm tương đồng đáng kinh ngạc giữa việc mất đi một người thân yêu và bỏ một thói nghiện.

“Với con tim tan vỡ, chẳng có ai sống sót thoát ra được,” bà nói. “Sau khi nghiên cứu những người bị từ chối tình cảm, chúng tôi tìm thấy hoạt động trong các vùng não bộ gắn liền với ham muốn và ám ảnh, cũng như trong nhân cạp (nucleus accumbens), nhà máy chính của nghiện ngập như nghiện cờ bạc và ma túy.

“Chúng tôi cũng phát hiện thấy hoạt động trong vùng não gắn liền với nỗi đau thể xác và lo lắng đi theo nỗi đau thể xác. Đó là một phản ứng não bộ cực kỳ mạnh mẽ.”

Những phát hiện của Fisher được lặp lại bởi Barbara Sahakian, giáo sư ngành tâm lý học thần kinh lâm sàng công tác tại Đại học Cambridge. Gần đây bà cho ra mắt Decoder, một ứng dụng rèn luyện não bộ tuyên bố sẽ đánh lạc hướng người thất tình một cách hiệu quả và cải thiện kỹ năng tập trung.      

“Tình yêu gây nghiện nặng,” Sahakian nói. “Nó giống như hệ thống phần thưởng của bạn bị kích hoạt bởi người đó. Nếu họ bỏ bạn, bạn phải thoát khỏi nhu cầu quen thuộc, mang tính cưỡng bách muốn gặp họ, nhắn tin cho họ và nghe thấy giọng nói của họ … Cách hay nhất để làm điều đó là thông qua việc đánh lạc hướng bản thân và dùng thời giờ của bạn vào việc khác.”

Các phương pháp điều trị khác gây tranh cãi, được đưa ra, chẳng hạn như Giải mẫn cảm nhãn cầu và tái nhận thức (EMDR) và phản hồi thần kinh. Phương pháp sau đã được ca sĩ nhạc rap Dessa ca ngợi vào năm ngoái. Cô ấy đã thử điều trị sau khi tình cờ đọc được nghiên cứu của Fisher trên mạng.

“Biết rằng có một tín hiệu đáng tin cậy của hoạt động não bộ gắn liền với tình yêu lãng mạn khiến tôi tự hỏi liệu có cách nào thay đổi không,” Dessa nói, người đang chật vật để cắt đứt mối quan hệ lằng nhằng kéo dài 14 năm với người đàn ông cô gọi là X. 

Mục đích của phản hồi thần kinh là “thiết lập lại” sóng não và giảm thiểu hoạt động không mong muốn thông qua điện não đồ. Các đối tượng đội một cái mũ có gắn dây điện theo dõi sóng não và chuyển chúng thành các tín hiệu hình ảnh và âm thanh. Mặc dù phương pháp điều trị vẫn được xem là thử nghiệm trong cộng đồng khoa học nhưng các thử nghiệm quy mô nhỏ cho thấy nó có thể giảm bớt các triệu chứng của trầm cảm, cũng như ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) và PTSD.

Dessa đã thử điều trị trong 9 buổi để xem thử nó có thể ngăn chặn được nỗi ám ảnh với tình yêu của cô hay không. Cô cho biết, kết quả rất khả quan. “Tôi cảm thấy bớt thôi thúc và bận tâm,” cô nói. “Khi tôi lại nhìn thấy X, tôi cảm thấy cơ thể không còn dâng trào adrenaline như trước nữa.”

Cô nhanh chóng nói thêm là sẽ cần có một mẫu khảo sát lớn hơn để kiểm tra các biến khác  có thể chịu trách nhiệm cho kết quả. “Có thể đây chỉ là một viên thuốc giả (placebo), nhưng tôi đã nhìn thấy sự thay đổi,” Dessa nói.

Huấn luyện lại bộ não của bạn với dây điện không dành cho tất cả mọi người. Brian Earp, một nhà nghiên cứu về tâm lý học, triết học và đạo đức ở đại học Oxford, tin rằng một phương pháp can thiệp hóa học đơn giản hơn– hay “công nghệ sinh học chống-tình yêu”–sẽ sớm có sẵn cho những ai đang vật lộn với nỗi đau mất người yêu.

“Điều đáng sợ là công nghệ sinh học chống-tình yêu đang hiện hữu,” ông nói. “Nó đang xảy ra như một tác dụng phụ của các loại thuốc hiện đang được sử dụng, nhưng y học phương Tây có xu hướng không nghiên cứu một cách hệ thống về các tác dụng xảy ra giữa các cá nhân của những loại thuốc phổ biến, vì vậy chúng ta có quá ít thông tin về khía cạnh thực sự của vấn đề.

“Nhưng dựa trên nhiều báo cáo trường hợp được hậu thuẫn bởi nghiên cứu về dược lý và thần kinh học, thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin [SSRIs, một loại thuốc chống trầm cảm phổ biến] đôi lúc có thể ‘bào mòn’ khả năng quan tâm đến cảm xúc của người khác ở con người–kể cả người yêu của họ.”

Earp nhấn mạnh rằng SSRIs có thể hữu ích đối với một mối quan hệ nếu trầm cảm gây ra nhiều vấn đề ở một cặp đôi. Nhưng có vẻ chúng cũng có thể giúp chặn đứng cơn trầm cảm có thể theo sau một mối quan hệ đổ vỡ.

Cả Earp và Fisher đều nhanh chóng chỉ ra những vấn đề đạo đức của công nghệ sinh học chống-tình yêu. Nếu một phương pháp chữa trị ‘trái tim tan vỡ’’ được quảng bá và phát triển–điều mà họ tin rằng một ngày nào đó có thể xảy ra–có những quan ngại về cách nó được sử dụng và được dùng bởi ai. “Một ngày nào đó người ta có thể dùng thuốc nhằm cố tình cắt đứt một mối quan hệ tình cảm?” Earp hỏi. “Chúng ta sẽ cần thống nhất về một khuôn khổ đạo đức để xử lý những trường hợp đó.”

Chưa hết, việc “chọc ngoáy” vào ký ức cảm xúc có thể gây thêm nhiều rắc rối. Chúng ta thường học hỏi được từ những sai lầm của mình; vậy nếu chúng ta ngăn chặn chúng thì có gì tốt?

“Nhiều ký ức không thoải mái của chúng ta giúp chúng ta, với tư cách cá nhân và tư cách một xã hội điều chỉnh hành vi ứng xử của mình trong tương lai,” Strange nói. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, các phương pháp điều trị chẳng hạn như propofol nên “tương đối đơn giản để thực hiện” nếu có thể chứng minh được lợi ích rõ ràng, có nghĩa là “không nên quá cách xa với một phương pháp điều trị lâm sàng trong thế giới thực”.

Trong khi đó, Fisher, lại quả quyết rằng lối tiếp cận tốt nhất là một cách đơn giản: đi theo mô hình nghiện ngập.

“Ném hết thiệp và thư từ liên quan đi: tống chúng vào một cái hộp và cất vào một xó,” bà nói. “Đừng viết cho người ta cái gì, đừng gọi điện, hãy thực hiện một số bài tập thể dục–nó làm tăng dopamine và khả năng chống chịu đau thương. Cắt giảm đường. Đừng thử làm bạn với người yêu cũ, ít nhất là cho đến khi bạn đã vượt qua nỗi đau tình cảm. Bạn hãy kết thân với những người bạn mới và tiếp tục hướng về tương lai phía trước.

“Không có thứ thuốc nào có thể giúp người ta xây dựng những mối quan hệ xã hội mới hay các thói quen hằng ngày. Nỗi đau của chuyện bị từ chối quá lớn và rất nguyên sơ. Chúng đã đóng một vai trò quan trọng trong hàng triệu năm rồi. Theo tôi, chỉ có thời gian - hay một người yêu mới - mới có thể chữa lành cho bạn.”

 

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2020/feb/22/can-science-cure-a-broken-heart

menu
menu