Lời tự thú của một người hướng nội hạnh phúc

loi-tu-thu-cua-mot-nguoi-huong-noi-hanh-phuc

Tôi thích bạn, nhưng cái khoản nói chuyện thì tôi ngán lắm.

Tôi thích bạn, nhưng cái khoản nói chuyện thì tôi ngán lắm.

Trước tới giờ tôi luôn thấy khó khăn khi đi giao lưu. Đừng hiểu sai ý tôi. Sự yêu thích du lịch đã đưa tôi đi khắp nơi trên thế giới, và thỉnh thoảng tôi cũng tiệc tùng hào hứng lắm. Ồ, tôi còn thích đi dạo nữa. Nhưng hầu hết thời gian thì tôi thích ở một mình hoặc với gia đình nhỏ của tôi, dù ngoài trời hay tại nhà, dù viết, đọc hay giảng dạy, hay cắm cúi ngồi với tờ báo nhỏ của mình.

Khi còn bé, tôi đã dành nhiều thời gian ở trong phòng, viết viết đọc đọc. Mẹ tôi thường nói, “Tại sao con không đi ra ngoài mà chơi?” Nhưng tôi không muốn đi ra ngoài chơi. Điều mà nhiều người có ý tốt không hiểu là người hướng nội hạnh phúc hơn khi ở một mình. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng tôi không coi trọng tình bạn và các mối quan hệ; nó chỉ có nghĩa là chúng tôi phát triển một nhóm xã hội nhỏ hơn, và có các cuộc tương tác xã hội ngắn hơn.

Trong quyển Quiet: The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking, Susan Cain đào sâu vào khoa học về hướng nội. Người hướng nội chỉ đơn giản là có kiểu kết cấu thần kinh khác. Quá nhiều tương tác bề mặt (như tám chuyện ở sân chơi, tiệc tùng) làm cho chúng tôi cảm thấy rất nhanh mệt. Chúng tôi cần thời gian một mình, và chúng tôi cần yên tĩnh. Chẳng phải vì không thích mọi người, mà vì chúng tôi thấy những cuộc tương tác xã hội dài rất là mệt mỏi. Chúng tôi rất thích mọi người, nhưng sau khi chuyện trò với họ, chúng tôi cần thêm thời gian để nạp lại năng lượng.

Hướng nội cũng không phải là sự nhút nhát. Nó không nhất thiết phải được diễn dịch thành sự sợ hãi hay vụng về trong giao tiếp xã hội. Tôi cảm thấy rất thoải mái trên sân khấu, giúp vui cho khán giả, coi đây là một phần quan trọng trong nghề viết văn và kể chuyện của tôi. Tại các buổi tiệc nơi mà tôi không biết ai, tôi có thể không bước lại và nói: “Xin chào! Tôi là Michelle! Tôi là nhà văn!” Nhưng tôi có thể bước lại, mỉm cười, lắng nghe và hỏi bạn những câu hỏi về những điều tôi thấy thú vị về bạn.

Bù cho ‘bản án’ xấu mà người hướng nội phải nhận, những người hướng ngoại thường thích nói chuyện với chúng tôi, bởi vì chúng tôi có xu hướng quan tâm đến chuyện của những người khác. Trong những năm tháng hẹn hò, tôi thấy gặp gỡ đàn ông là chuyện dễ dàng; bước ra ngõ là gặp ngay một chàng trai và kết thúc là một cuộc hẹn (có lần tôi đã kết thúc bằng một mối quan hệ với chàng trai trong một vụ tai nạn xe hơi ở Atlanta, mặc dù rõ ràng là lỗi của tôi). Việc tôi dễ tiếp xúc với người khác giới không liên quan tới ngoại hình, phần nhiều là vì việc đặt câu hỏi đến với tôi rất tự nhiên. Nhiều người thích nói về bản thân mình, và vì lý do này, người hướng nội làm cho họ cảm thấy được lắng nghe. Ai mà không muốn được lắng nghe chứ?

Ước gì khi tôi còn bé, có ai đó nói cho tôi biết rằng muốn ở một mình cũng tốt. Tôi ước rằng các nghiên cứu về hạnh phúc liên quan đến tính hướng ngoại và hướng nội chú ý đến sự hài lòng mà những người hướng nội chúng tôi cảm thấy khi tham gia vào một công việc ý nghĩa đòi hỏi tư duy. Viết lách làm tôi hạnh phúc. Sách của tôi sẽ đưa tôi ra ngoài thế giới và tạo ra nhiều kết nối với người lạ – ở các bài đọc và sự kiện, thông qua email, thông qua các lớp tôi dạy. Kết nối này là có ý nghĩa với tôi và mang lại cho tôi niềm vui, nhưng tôi thích nó bởi vì tôi có thời gian một mình, nó cần cho việc viết sách.

Giống nhiều người hướng nội khác, tôi thấy thực sự dễ dàng khi đứng trước đám đông.

Đặt tôi trên sân khấu là tôi được nạp đầy năng lượng. Tuy nhiên, ở trong nhóm, tất cả năng lượng dần bị hút cạn. Khi có, tôi có vẻ mất tập trung. Đó là vì tôi đang quá tải về tri giác, và cần một vài phút để tái tập trung.

Đối với người hướng nội, sự cân bằng là chìa khóa. Chúng tôi có thể thích bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi muốn đi chơi, tiệc tùng giao lưu. Thỉnh thoảng, chúng tôi có thể thích đi uống cà phê với bạn (và chỉ bạn thôi), nghe những gì bạn phải nói, hiểu những gì đang thực sự xảy ra trong cuộc sống của bạn. Nếu tôi thấy một nhóm các bà mẹ tụ tập trên sân chơi ở trường đón con, tôi có xu hướng tránh xa. Không phải vì tôi nhút nhát, cũng không phải vì tôi không thích họ – mà vì chuyện trò làm tôi mệt. Nhưng nếu tôi thấy một trong những người phụ nữ đó đang đứng một mình, thì là một câu chuyện khác. Trong nhóm nhỏ hơn không có các bức tường ngăn cách và chúng tôi có thể tám chuyện, biết thêm điều gì đó thực sự về một người khác: rằng người mẹ bốn con đó ước mơ khởi nghiệp, rằng người phụ nữ mà bạn từng thấy mặc quần tập yoga, cho đến gần đây, là một y tá chăm sóc đặc biệt.

Mọi người sẽ thú vị hơn nhiều khi bạn biết họ từ đâu đến, họ hy vọng điều gì, tại sao họ làm nghề này nghề nọ. Thông tin này khó có được khi mọi thứ quá ồn ào và nhiễu loạn. Những khoảnh khắc yên tĩnh cho phép kết nối và kết nối là quan trọng đối với người hướng nội.

Nhưng ngoài việc kết nối ở một mức độ thân mật với người khác, người hướng nội cần thời gian để suy nghĩ kĩ về mọi thứ, để kết nối với những suy nghĩ và ước mơ riêng của chúng tôi. Vâng, chúng tôi là những kẻ mơ mộng. Khi còn bé, tôi không bao giờ xuất sắc ở trường cả. Tôi đã dành nhiều thời gian trong hầu hết các tiết học viết những bài thơ vớ vẩn. Bây giờ tôi biết rằng tôi làm thế vì một ngày học là rất mệt cho một người hướng nội (tôi thấy sự mệt mỏi này ở con trai của tôi mỗi ngày). Viết thơ và mơ mộng đã cho tôi một lý do – đó là không gian yên tĩnh của tôi trong một thế giới hỗn loạn. Đó là lối thoát của tôi.

Tôi có bạn bè. Tôi có quan hệ tốt với thầy cô. Tôi pha trò (và thậm chí còn được bình chọn là cô gái hài hước nhất trong cả khóa 900 học sinh tốt nghiệp trung học, mặc dù tôi chắc rằng người giáo viên đếm phiếu đã thay đổi kết quả có lợi cho tôi). Nhưng cả một ngày tương tác ở trường không bao giờ là dễ dàng, và vì vậy tôi sử dụng bài giảng trên lớp làm thời gian để lan man, trong đầu của riêng mình.

Nếu bạn là một người hướng nội, đừng để cho ai làm bạn cảm thấy kém cỏi vì không muốn giao lưu nhiều. Và nếu bạn là một người hướng ngoại, luôn cố gắng để kéo người hướng nội ra khỏi vỏ ốc của mình: hãy biết rằng, người hướng nội có thể hạnh phúc chỉ theo cách của họ mà thôi. Đừng cho rằng những người hướng nội không thích bạn hay không thấy bạn thú vị. Nếu họ không đi đến dự tiệc bạn mời, đó không phải vì họ nhút nhát, và cũng không phải vì họ hợm hĩnh. Người hướng nội cũng giống như bạn, chỉ trầm lặng hơn thôi. Chúng tôi cần thời gian một mình, và đôi khi, cần thời gian một mình với bạn – chỉ có hai chúng ta, để thực sự kết nối với nhau.

 

SOURCE Michelle Richmond

Dịch bởi Ecoblader.com

menu
menu