Lý thuyết vé xe bus: Một công thức cho mọi thiên tài

ly-thuyet-ve-xe-bus-mot-cong-thuc-cho-moi-thien-tai

Ai cũng hiểu rằng để đạt thành tựu lớn bạn cần hai yếu tố: khả năng thiên phú và sự quyết tâm. Nhưng còn một yếu tố thứ ba ít người hiểu rõ: bạn cần đam mê đến mức ám ảnh (obsessive interest).

Ai cũng hiểu rằng để đạt thành tựu lớn bạn cần hai yếu tố: khả năng thiên phú và sự quyết tâm. Nhưng còn một yếu tố thứ ba ít người hiểu rõ: bạn cần đam mê đến mức ám ảnh (obsessive interest).

Để giải thích điểm này, tôi đành phải hy sinh danh tiếng của mình với một nhóm người, và tôi chọn những người sưu tập vé xe bus. Quả thật có người sưu tập vé xe bus. Cũng như người sưu tập những thứ khác, họ có niềm đam mê ám ảnh với những thứ tí hon mình sưu tập. Những chiếc vé xe bus bạn chẳng thèm quan tâm thì họ cất đi và biết rõ từng loại vé khác nhau thế nào. Chúng ta không quan tâm vì chúng ta nghĩ tại sao phải phải dành thời gian cho đống vé bus cũ?

Nó dẫn ta tới đặc tính thứ hai của loại ám ảnh này: tính vô ích (there’s no point). Người sưu tập vé bus không sưu tập nó để kiếm lời (disinterested). Họ không làm vậy để gây ấn tượng với chúng ta hay để làm giàu. Họ làm chỉ để làm thôi.

Khi bạn nhìn vào cuộc đời của những người đã đạt thành tựu lớn, bạn sẽ thấy một hình mẫu chung. Họ thường khởi đầu cùng một cách với những người sưu tập vé xe bus: say mê những thứ có vẻ vô nghĩa với người khác. Trong cuốn sách của Darwin về hành trình trên tàu Beagle, điểm nổi bật nhất là niềm đam mê vô hạn của ông đối với lịch sử tự nhiên. Darwin say mê lịch sử tự nhiên cũng như nhà toán học Ramanujan say mê nghiên cứu các chuỗi số; niềm đam mê của họ dường như không có giới hạn. Nhưng thật sai lầm nếu ta nghĩ rằng họ đang “đặt nền móng” cho những khám phá mà họ đạt được về sau. Nói như thế là ám chỉ rằng họ có mục tiêu. Nhưng họ chỉ như những người sưu tập vé xe bus, họ làm vì họ thích thế.

Ramanujan là nhà toán học huyền thoại người Ấn Độ, nổi tiếng là người dù không được đào tạo bài bản về toán học thuần túy, nhưng ông đã có đóng góp đáng kể cho giải tích toán học, lý thuyết số, chuỗi vô tận và các liên phân số.

Nhưng có sự khác biệt lớn giữa Ramanujan và người sưu tập vé bus: toán học thì quan trọng (it matters), vé bus thì không.

Nếu tôi phải tổng kết công thức cho thiên tài chỉ bằng một câu thôi, tôi sẽ nói: Hãy đam mê một thứ quan trọng và đừng vụ lợi.

Tôi có đang quên hai yếu tố còn lại không? Không đâu. Đam mê vừa là biểu hiện của năng khiếu vừa có thể thay thế cho quyết tâm. Bạn sẽ không thấy các chuỗi số hấp dẫn nếu không có sẵn năng khiếu về toán học. Và khi bạn say mê thứ gì đó, bạn chẳng cần quyết tâm nữa; bạn không cần cố làm việc, vì trí tò mò lôi kéo bạn đủ mạnh rồi. Đam mê thậm chí còn đem cho bạn may mắn. Như Pasteur đã nói, may mắn đến với những người đã chuẩn bị sẵn sàng, và một tâm hồn say mê thì luôn luôn sẵn sàng.

Tính bất vụ lợi là đặc điểm quan trọng nhất của kiểu đam mê này. Nó lọc ra những người chân thật và giúp bạn tìm thấy ý tưởng mới.

Con đường dẫn đến ý tưởng mới thường trông không có vẻ hứa hẹn, vì nếu nó sáng sủa thì người khác đã khám phá ra mất rồi. Làm cách nào mà những người đạt thành tựu lớn tìm ra con đường bị cả thế giới ngó lơ? Chúng ta thường nghĩ đơn giản rằng đó là vì họ có tầm nhìn xa hơn: họ quá tài năng nên nhìn thấy con đường mà người khác không thấy.

Nhưng nếu bạn quan sát hành trình dẫn đến những phát kiến vĩ đại, bạn thấy đó không phải sự thực. Darwin chú ý đến sinh vật nhiều hơn người khác, không phải vì ông cho rằng nó sẽ dẫn tới một khám phá lớn còn người khác thì không. Darwin chỉ đơn giản là rất, rất thích nghiên cứu sinh vật. Darwin không thể dừng lại được. Ramanujan cũng thế. Họ không phát hiện ra những lối đi bí mật bởi vì những lối đi ấy đầy hứa hẹn, mà bởi vì họ đam mê đến mức không dừng lại nổi. Chính điều đó giúp họ đi theo con đường mà những người chỉ có tham vọng sẽ sớm bỏ qua.

Có người nào đầu óc bình thường mà lại cho rằng để viết tiểu thuyết cho hay cần phải dành vài năm tưởng tượng ra một ngôn ngữ yêu tinh trước đã, giống như Tolkien; hay phải bắt đầu bằng việc đi thăm mọi hộ gia đình ở Tây Nam nước Anh, giống như Trollope? Không ai nghĩ thế, kể cả chính Tolkien và Trollope.

Lý thuyết vé xe bus hơi giống với định nghĩa nổi tiếng của Carlyle về thiên tài: thiên tài là người có khả năng chịu đựng gian khổ vô giới hạn. Nhưng có hai sự khác biệt. Thứ nhất, lý thuyết vé xe bus cho thấy rõ rằng nguồn gốc của khả năng chịu đựng này không phải là sự nhẫn nại vô tận, mà là sự đam mê vô tận (như những nhà sưu tập vẫn có). Nó cũng cho biết thêm một tính chất quan trọng nữa của thiên tài: khả năng chịu đựng gian khổ vô giới hạn khi làm những việc quan trọng.

Vậy thứ gì quan trọng? Bạn không biết bao giờ biết chắc được. Chính vì không ai có thể nói trước con đường nào hứa hẹn hơn, cho nên bạn phải khám phá ý tưởng mới bằng cách cứ làm những gì mình thích trước đã.

Nhưng có vài cách giúp bạn đoán được đam mê nào đáng dành thời gian tìm tòi. Ví dụ: đam mê sáng tạo (create) thì luôn tốt hơn đam mê tiêu thụ (consume). Hoặc nếu bạn đam mê một thứ rất khó thì đó chắc chắn là con đường đáng đi, đặc biệt nếu môn ấy đối với bạn chỉ khó nhưng đối với nguời khác là cực kỳ khó . Những đam mê của người tài giỏi thường hứa hẹn nhiều giá trị. Khi một người tài giỏi ngẫu nhiên thích thứ gì đó, nó không hẳn là ngẫu nhiên.

Nhưng bạn không bao giờ biết chắc được. Trên thực tế, có một điều rất đáng sợ nếu nó được chứng minh là đúng: để đạt thành tựu lớn, bạn phải tốn nhiều thời gian. Trong nhiều lĩnh vực, lợi nhuận luôn tỉ lệ thuận với rủi ro. Nếu điều ấy đúng ở đây thì cách tìm ra con đường dẫn tới thành tựu vĩ đại là phải thử làm nhiều thứ; những thứ mà cuối cùng có lẽ sẽ không mang lại gì hết. Tôi không chắc điều này có xứng đáng không. Một mặt, thật khó mà phí thời gian nếu bạn hăng say làm một việc hấp dẫn, bởi vì phần lớn những thứ bạn làm rồi sẽ trở nên có ích. Nhưng mặt khác, quy luật lợi nhuận/ rủi ro gần như luôn đúng bất cứ nơi nào rủi ro có mặt.

Trường hợp Newton chẳng hạn. Newton nổi tiếng nhờ một đam mê mà cuối cùng hóa ra rất có giá trị: ông muốn dùng toán học để miêu tả thế giới. Nhưng ông còn hai đam mê khác, giả kim và thần học, hai đam mê mà cuối cùng ta thấy là hoàn toàn lãng phí thời gian. Tổng cộng thì Newton vẫn “có lãi”. Ông đặt cược vào thứ mà ngày nay chúng ta gọi là môn Vật lý, và món cược này thắng đậm đến mức nó bù hết được cho hai thứ kia. Nhưng liệu hai lựa chọn kia có cần thiết không, theo nghĩa rằng Newton đã phải mạo hiểm lớn để có khám phá lớn? Tôi không biết nữa.

Issac Newton, nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhà thần học và nhà giả kim người Anh, được nhiều người xem là một trong những nhà khoa học vĩ đại và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử, với vai trò là nhân vật chính trong cuộc cách mạng khoa học.

Nhưng có một ý nghĩ còn đáng sợ hơn: liệu một người có thể thua tất mọi món cược? Điều này có lẽ vẫn xảy ra thường xuyên. Nhưng chúng ta không biết thường xuyên đến mức nào, bởi vì những người này không bao giờ nổi tiếng.

Phần thưởng cho việc kiên trì theo đuổi một con đường không những khó đoán mà còn thay đổi rất nhiều theo thời gian. 1830 là thời điểm rất tốt để say mê lịch sử tự nhiên. Nếu Darwin sinh vào năm 1709 thay vì 1809, chúng ta có lẽ không bao giờ biết ông ấy là ai hết.

Ta có thể làm gì để đối phó với sự mơ hồ này? Một giải pháp là “mua bảo hiểm” cho mọi món cược của bạn, tức là đi theo những con đường sáng sủa mà ai cũng thấy, thay vì đi theo đam mê của riêng mình. Nhưng cũng như mọi món bảo hiểm, bạn làm giảm lợi nhuận khi cố giảm rủi ro. Nếu bạn bỏ qua thứ mình thích để đi theo những con đường tham vọng nhưng tầm thường khác, bạn có lẽ sẽ bỏ lỡ điều kỳ diệu nào đó. Chuyện này chắc hẳn đã xảy ra thường xuyên, có khi còn thường xuyên hơn trường hợp thiên tài thua mọi món cược.

Giải pháp khác là buông thả cho bản thân đam mê nhiều thứ khác nhau. Bạn chẳng thiệt gì nếu đổi qua đổi lại giữa những thứ mình đam mê thực sự. Nhưng ở đấy cũng có nguy hiểm: nếu bạn làm quá nhiều thứ, bạn sẽ không làm gì đủ sâu [..]

Lý thuyết vé xe bus cũng giải thích tại sao chúng ta thường khó đạt được thành tựu lớn sau khi có con. Trong trường hợp này, đam mê không những phải cạnh tranh với những thứ gây xao nhãng bên ngoài: nó phải cạnh tranh với một đam mê khác, và chăm sóc con cái là đam mê cực kỳ mạnh mẽ đối với phần lớn chúng ta. Rất khó có thời gian rảnh sau khi bạn sinh con, nhưng tìm thời gian vẫn là việc dễ. Thử thách thực sự nằm ở chỗ bạn không còn muốn dành thời gian làm việc nữa.

Ẩn ý thú vị nhất của lý thuyết vé xe bus là nó gợi ý cho ta những con đường dễ dàng hơn. Nếu công thức cho thiên tài chỉ đơn giản là tài năng thiên bẩm cộng với làm việc chăm chỉ, vậy chúng ta chỉ có thể hy vọng mình được trời phú cho chút tài năng và làm việc cật lực hết sức. Nhưng nếu đam mê là một yếu tố quan trọng của thiên tài, vậy chúng ta có thể nuôi dưỡng thiên tài bằng cách trước hết nuôi dưỡng đam mê.

Ví dụ, đối với những người rất tham vọng, lý thuyết vé xe bus chỉ ra rằng để làm được việc to tát bạn nên thư giãn ra một chút. Thay vì nghiến răng kiên trì theo đuổi những thứ người khác đều làm, có lẽ bạn nên thử làm việc gì đó khác chỉ cho vui mà thôi.

Tôi rất thích một câu hỏi nổi tiếng của Hamming: Những vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực của bạn là gì, và tại sao bạn không giải quyết chúng ngay đi? Đó là câu hỏi hay giúp thức tỉnh bản thân, nhưng hơi căng thẳng. Bạn có thể hỏi bản thân một câu dễ chịu hơn: nếu bạn được nghỉ một năm để làm một thứ không quá quan trọng nhưng rất hấp dẫn, bạn sẽ làm gì?

Lý thuyết vé xe bus cũng chỉ ra một cách giúp giữ vững phong độ khi bạn già đi. Chúng ta ít nghĩ ra ý tưởng mới khi đã già, có lẽ không chỉ đơn giản vì năng lực chúng ta suy giảm. Có lẽ vì một khi bạn đã đứng vững chân trong cuộc sống, bạn không còn có thể nghịch ngợm với những dự án ngoài lề vô thưởng vô phạt như khi còn trẻ, lúc chẳng ai quan tâm xem bạn làm gì.

Giải pháp cho chuyện này quá rõ ràng: hãy tiếp tục làm những việc vô thưởng vô phạt. Tuy nhiên cách này không phải dễ, vì những việc linh tinh bạn chọn làm để ngăn bản thân tụt dốc, đối với những người quan sát bên ngoài, lại chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang tụt dốc. Và chính bạn cũng không biết liệu họ nghĩ vậy là sai hay đúng. Nhưng ít nhất thì làm điều mình thích sẽ đem lại cho bạn niềm vui.

Chúng ta thậm chí có thể nuôi dưỡng ở trẻ em niềm đam mê trí tuệ theo phong cách “sưu tập vé xe bus”. Giáo dục phổ thông thường đi theo hướng sau: bắt đầu với kiến thức rộng và hời hợt, sau đó thu hẹp và chuyên biệt hóa dần. Nhưng tôi làm điều ngược lại với các con của mình. Tôi biết tôi có thể trông cậy ở nhà trường về khoản hời hợt, vì thế tôi dẫn bọn trẻ vào chiều sâu. Khi chúng thích một thứ bất kỳ, tôi khuyến khích chúng tiếp tục đi sâu với sự say mê sánh ngang với người sưu tập vé xe bus. Tôi không làm thế chỉ vì tôi nghĩ ra lý thuyết này. Tôi làm thế vì tôi muốn chúng cảm nhận được niềm vui thích tìm hiểu, và chúng không thể trải nghiệm điều đó nếu bị tôi bắt ép. Chúng phải tự thấy thích và tự tìm tòi. Tôi dạy con theo cách dễ nhất và chiều sâu trí tuệ chỉ là sản phẩm phụ. Nhưng nếu trong lúc chỉ cho bọn trẻ niềm vui thích tìm tòi tôi lại cũng huấn luyện chúng về cả chiều sâu, vậy thì càng tốt chứ sao.

Phương pháp này liệu có tác dụng hay không? Tôi chịu không biết. Nhưng sự mơ hồ thật thú vị. Chúng ta còn thiếu quá nhiều hiểu biết về cách thức đạt được những thành tựu lớn lao. Dù văn minh nhân loại có vẻ đã trưởng thành, nhưng nếu ngay cách làm tốt thứ gì đó chúng ta cũng chưa tìm ra thì nền văn minh ấy vẫn còn rất ấu trĩ. Thật thích khi nghĩ rằng bí ẩn của những khám phá lớn vẫn đang chờ ta khám phá.

 

Chiếp dịch từ tiểu luận The bus ticket theory of genius của Paul Graham.

https://chiep.co/ly-thuyet-ve-xe-bus-mot-cong-thuc-cho-moi-thien-tai/?fbclid=IwAR3HBzpEFzmtO31hoIhYh4fq9rN0VMQ6OXj9XJyyApYrINL-M0GIhcFRliE

menu
menu