Sang chấn

sang-chan

Một sự kiện là sang chấn vì nó đánh tan cảm giác an toàn về bản thân trước đây của bạn.

Hãy nhớ rằng – một sự kiện là sang chấn vì nó đánh tan cảm giác an toàn về bản thân trước đây của bạn. Hãy nhìn những động vật hoang dã luôn sống cùng cảm giác về những hiểm nguy không bao giờ kết thúc, nhưng đa số con người chúng ta lại sống với một CẢM GIÁC AN TOÀN ngây thơ và dối trá đến mức họ phủ nhận đặc tính dễ bị tổn thương và tan vỡ của cảm giác về bản thân của họ. Vì thế mà khi chuyện bất hạnh ập đến, tổn thương tâm lý do sự đổ vỡ của những ảo tưởng về cuộc sống và căn tính của một người có thể gây ra nhiều vấn đề hơn bất kì tổn thương về thể xác nào.

Thế giới nhìn chung là khá ổn định. Chúng ta lên giường đi ngủ vào buổi tối, đến khi thức dậy, chúng ta mong đợi rằng đôi dép của mình ở đúng vị trí mà ta đã để chúng vào đêm hôm trước. Nếu thiếu cảm giác ổn định này, chúng ta sẽ sống trong một kiểu thế giới thần tiên điên rồ của Alice. Chúng ta không thể sống được.

Nhưng hãy xem, cảm giác của sự an toàn hằng ngày này trên thực tế mong manh dễ vỡ ra sao. Một số việc – từ chuyện đâm xe cho đến động đất – có thể xảy ra đột ngột mà không báo trước, khiến chúng ta rơi vào tình trạng hỗn loạn. Làm sao có thể sống an toàn và yên ổn trong khoảnh khắc này khi biết rằng trong khoảnh khắc tiếp theo, mọi việc và mọi thứ vật chất trần tục mà chúng ta dựa vào – tài sản và cơ thể của chúng ta – có thể mất đi?

Vâng, nhiều người thích phớt lờ “khoảnh khắc tiếp theo” ấy và thay vào đó tôn thờ những tài sản sở hữu và cơ thể của họ. Họ ít khi nghĩ đến sự phụ thuộc của họ vào Thiên chúa đích thực của chúng ta – cho đến khi một chuyện gì đó khủng khiếp xuất hiện; rồi sau đó, nếu còn sống sót thì họ sẽ sớm quay lại với lối sống cũ của họ.

Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng thậm chí một chuyện bình thường như bị nhổ một cái răng cũng có thể gây ra nhiều lo lắng.

“Một cái răng à?” bạn có thể hỏi “Tôi vẫn không hiểu.”

Vâng, hãy nghĩ về nó. Chúng ta đều đi cắt tóc, cắt móng chân và móng tay của chúng ta. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những thứ đó sẽ mọc lại. Còn răng thì không. Tất nhiên, răng của em bé bị nhổ và được thay thế bằng những cái răng vĩnh viễn, nhưng một khi răng của người lớn bị nhổ mất, thì chính là nó. Nhổ một cái răng cũng giống như thủ thuật cắt cụt một cánh tay hay một cái chân – hay phẫu thuật cắt bỏ vú do ung thư vú – hay nạo phá thai.

Mất đi bất kỳ bộ phận nào của cơ thể có thể gây ra nỗi sợ bị thiến. Chúng ta thường thiến những con đực bằng cách phẫu thuật loại bỏ hòn dái của chúng để làm cho con vật bớt hung dữ hoặc làm chúng không sinh sản được nữa. Sigmund Freud trong lý thuyết phân tâm học của ông, đã chỉ ra một khuynh hướng tâm lý đối với chuyện bị thiến khi ông cho rằng mọi bé trai đều cảm thấy lo lắng về việc mất dương vật, còn mọi bé gái thì cảm thấy lo lắng về việc đã mất nó.

Nhà phân tâm học Jacques Lacan hiểu rằng những hình ảnh tình dục đó chỉ là một tấm màn che giấu một nỗi sợ sâu sắc hơn. Theo Lacan, thiến nghĩa là nhận ra sự thật kinh hoàng của tính dễ bị tan vỡ thành từng mảnh của con người chúng ta, chính sự dễ tan vỡ thành từng mảnh mà đứa trẻ sơ sinh phải “giấu giếm” thông qua sự gắn bó chặt chẽ của nó với thế giới khi nó xây dựng một nhân cách cố kết.

Trong chuyện bị nhổ mất một cái răng thì đó là một cuộc chạm trán với sự thực của tính dễ tan vỡ thành từng mảnh của cơ thể và, cuộc chạm trán lớn nhất là với cái chết. Về cơ bản, sự mất mát đó tuyên bố rằng “Mày không xinh đẹp và mạnh mẽ như mày tưởng đâu. Mày chỉ là một bộ xương được bọc bởi thịt da và có thể tan nát bất cứ lúc nào. Hình ảnh về bản thân của mày chỉ là một sự dối trá.”

Do đó, mất đi bất kỳ bộ phận nào của cơ thể – thậm chí giấc mơ về sự mất mát đó, hoặc ngay cả một lần phá thai – không bao giờ được phép xem nhẹ. Sự mất mát bộ phận cơ thể đi cùng với sự mất đi sự tự tin thiển cận vào tính không thể bị tổn thương của cơ thể. Nếu bạn không hiểu được bạn đang thực sự mất điều gì thì sang chấn tâm lý sẽ giáng đòn lên bạn và nó sẽ giáng đòn rất đau.

Hãy nhớ rằng, lo lắng không làm cho chuyện gì xảy ra ngoại trừ bản thân thảm hoạ.

Những tác động gây suy sụp của sang chấn bắt nguồn từ khả năng khiến một người bị quá tải cảm xúc và loại bỏ sự hiểu biết lý trí của những gì đang xảy ra về mặt tâm lý. Bằng cách ý thức tạo ra một cấu trúc chuyện kể cho sang chấn – trong trị liệu tâm lý, trong cách ghi nhật ký cá nhân, trong cầu nguyện – bạn xua đi ảo tưởng rằng sự kiện sang chấn đang kiểm soát bạn, và bạn không còn trở thành một nạn nhân đầy bất lực.

Thông qua quá trình nói chuyện lặp đi lặp lại về những trải nghiệm sang chấn của bạn trong trị liệu tâm lý thì nhiều thứ có thể xảy ra:

Bạn có thể trải nghiệm những ý nghĩ và cảm xúc của bạn trong bối cảnh an toàn của trị liệu tâm lý, và điều này làm giảm niềm tin rằng những ý nghĩ và cảm xúc của bạn là nguy hiểm.

Bạn có thể quen thuộc với những ý nghĩ và cảm xúc của bạn. Điều này cũng giống như một động vật hoang dã được thuần hóa, bạn học cách chấp nhận những ký ức của mình mà không còn xem chúng là mối đe dọa.

Bạn có thể ngăn bản thân bạn không rơi vào thói quen né tránh những ý nghĩ và cảm xúc của mình như một kiểu phòng vệ tâm lý không lành mạnh nhằm chống lại nỗi sợ.

Bạn có thể học cách phân biệt giữa những ý nghĩ và cảm xúc có vấn đề với những ý nghĩ và cảm xúc bình thường để mọi thứ có vẻ không mang tính đe doạ.

Bạn có thể học cách chuyển những cảm xúc bất lực của bạn thành những cảm xúc có sức mạnh.

Bạn có thể học cách nghĩ về bản thân một cách ít tiêu cực hơn.

Học cách nói về nỗi đau và nỗi sợ không lời của một sang chấn mang đến cảm giác an toàn, thông qua sự chấp nhận những ý nghĩ và cảm xúc của bạn là không mang tính đe doạ; nó làm bạn bớt nhạy cảm trước những khía cạnh khó chịu của những ký ức của trải nghiệm sang chấn; và nó hợp nhất sự phát triển tích cực vào lối sống của bạn. Do đó bạn có thể thu được sự khôn ngoan từ nỗi đau và bi kịch.

Nếu mọi thứ được chấp nhận với niềm tin hoàn toàn, thì không có gì phải trở thành một chứng rối loạn tâm thần.

Lo lắng và những cơn ác mộng theo sau một sang chấn có thể thường là kết quả của cơn giận bị kìm nén, và nếu cơn giận được xử lý trong một bối cảnh tâm linh, hơn là cơn giận bị kìm nén bằng thuốc, thì bệnh rối loạn tâm thần của PTSD (rối loạn stress sau sang chấn) sẽ luôn tan biến cùng với cơn giận. Tương tự thế, bệnh trầm cảm thường là kết quả của cơn giận hướng vào bên trong bản thân; nó có thể bắt nguồn từ một nhu cầu mong nhận được sự ủng hộ của xã hội một cách dữ dội và lên án bản thân vì không có được sự ủng hộ đó. Nhưng nếu bạn chỉ tìm kiếm Chúa (Tình yêu) chứ không tìm kiếm sự ủng hộ của thế giới thì bạn không có lý do gì để tức giận và chỉ trích bản thân bạn.

Những điều huyền bí từ tôn giáo từng nói trong nhiều thế kỷ qua rằng bạn chỉ bắt đầu sống khi bạn học cách cho bản thân chết đi trong từng khoảnh khắc. Vì vậy khi cuộc sống của bạn được thúc đẩy bởi niềm tin, hy vọng và tình yêu thuần khiết, khi bạn sẵn sàng để chết trong bất kỳ khoảnh khắc nào, và khi cái chết không còn là một bí ẩn xấu xí và đáng sợ, thì sang chấn tâm lý không có chỗ để xuyên nanh vuốt của nó vào bạn.

Sự thật của vấn đề là một cuộc sống mà không sẵn sàng để chết – hoặc không sẵn sàng cho cái chết của một người khác – thì đấy không phải là một cuộc sống ngay từ đầu. Nó là một cuộc sống mà xung lực đầu tiên là chối bỏ, phủ nhận. Nó là một cuộc sống chỉ chờ đợi bị sang chấn tát vào mặt. Ngược lại, một số vị thánh đã sống những cuộc đời có niềm vui và sự yên an hoàn hảo vì họ đã sống như thể họ đang chết trong từng khoảnh khắc.

Vì vậy, để có một cuộc sống gia đình thật sự thân thiết, hãy học cách nói về cái chết. Học cách hỏi những câu “Bạn sẽ làm gì nếu …?” Học cách ra khỏi nhà với ý thức rằng bạn có thể không còn quay lại đó nữa. Vì nó có thể là việc cuối cùng mà bạn làm.

 

Dịch từ sách

Psychology from the heart (Tâm lý học từ con tim)

The spiritual depth of clinical psychology (chiều sâu tâm linh của tâm lý trị liệu)

Tác giả: Tiến sĩ Raymond Lloyd Richmond.

menu
menu