Sống "hộ": Tìm kiếm sự "tươi rói" trong đời bằng cách tống cổ đám Robot trong bạn

song-ho-tim-kiem-su-tuoi-roi-trong-doi-bang-cach-tong-co-dam-robot-trong-ban

Ai trong chúng ta cũng có những "con Robot". Khi bạn mới học gõ chữ, tập đi xe máy, từ quê ra Hà Nội lần đầu... bạn cảm thấy mọi thứ thật mới lạ, kích thích, hấp dẫn và tâm trí bạn phải căng ra để: phím F ở đâu nhỉ, tăng ga thế này có bị phi vào tường không, HN nhiều thứ hay ho ghê.

Tuy nhiên, sau khoảng 2-3 tháng “vào nghề”, bạn sẽ có thể tự động làm mọi thứ, mà không cần căng mắt, dỏng tai, tim thổn thức, chú tâm... hay nói cách khác, bạn sẽ 'outsource' công việc đó cho đám Robot bên trong để đỡ phải nghĩ nhiều.

Triết gia Alfred North Whitehead viết: "Nền văn minh tiến bộ nhờ bằng cách gia tăng số lượng các hoạt động quan trọng mà chúng ta có thể thực hiện mà không cần nghĩ đến chúng."

Con người cũng đi lên bằng cách "outsource" phần lớn cuộc sống của mình cho lũ robot, để có thời gian cho tư duy bậc cao và sáng tạo: như khi giải phương trình bậc 2 thì bạn đã qua thời kì học bảng cửu chương hay khi đọc sách tiếng Anh trôi chảy thì bạn sẽ không còn mất 10s để hỏi peak experienece tiếng Việt là gì.

Nhưng vấn đề là đôi khi chúng ta để lũ robot trong mình tiếm quyền. Khi bạn nghe một bài hát, xem một bộ phim, đọc một cuốn sách, gặp một người tâm đắc lần đầu, bạn thấy vui sướng khôn nguôi, cảm giác phê pha tràn ngâp từng thớ thịt.

Nhưng khi, giả dụ nghe nhạc, khi bạn chơi nó đến lần thứ 3, 5, 10, con robot bắt đầu dự tính mọi bước đi, sự tươi rói bị biến mất, đời lại theo 1 chu trình, khoái lạc bị robot tước bỏ và bạn lại cảm thấy đời nhạt.

"Điều đó có nghĩa là gì? Tại sao một bản giao hưởng Mozart nghe có vẻ bớt hay, thú vị hơn sau khi chúng ta nghe thấy nó nhiều lần? Rốt cuộc, bản thân nó chẳng có gì thay đôi. Chúng ta nói rằng mình đã quen với nó.

Tuy nhiên, điều này có nghĩa là gì, ngoài việc chúng ta cho phép robot phân loại nó thành các nhiệm vụ lặp đi lặp lại [như kiểu đánh răng] và, như TE Lawrence than thở, thì trở thành "become typical through thought”. Biến mọi thứ thành "nhàm" là công việc của robot; vấn đề là lũ robot [nỡ] làm điều này cả với những thứ mà chúng ta không muốn trở thành nhàm [như công việc, người yêu, cảnh vật, sự thử thách...]". ***

Nhìn là một thói quen (vì thế mà các hoạ sĩ thường không chấp nhận giao cho lũ robot quyền được nhìn, để tự mình nhìn theo một cách mới). Bạn thử nghĩ xem tại sao đi du lịch lại mang đến cảm giác sung sướng đến thế?

Bởi vì trong những "lần đầu", mọi thứ đều mới mẻ, lũ robot chưa thể chiếm quyền, và vì vậy các giác quan của bạn sau cơn ngủ bất tận tại Hà Nội, lại được gọi dậy để hoạt động. Và vì vậy, bạn thấy như được sống lại, như một chiếc ô tô để trong gara đã vài năm, nay được lôi ra đi phượt.

Nhà thơ T. S. Eliot viết “Where is the life we have lost in living?”. Chính là bởi lũ robot, với chuyên môn “thích nghi và thói quen hoá mọi thứ”.

Khi bạn nhường việc sex với người yêu cho lũ robot bên trong bạn, bạn tất nhiên sẽ thấy chán, nhạt, và không còn hứng. Khi cuộc sống bạn quá êm đềm & không có khủng hoảng, bạn nhường quyền sống cho lũ robot: đi làm, về nhà, nấu cơm, ăn, ngủ rồi lại đi làm.

[Vì vậy, nhiều người nghiện rượu, hay nấm, vì nó làm lũ robot bất tỉnh tạm thời và khiến bạn trở lại nhìn thực tại "tươi rói"].

Tất nhiên, bạn không thể đuổi hết việc lũ robot, nhưng đôi khi hãy đuổi chúng ra ghế sau, cầm vô lăng, thử tiếp nhận mọi thứ với một cảm giác mới lạ như lúc đầu.

Người yêu 3 năm của bạn đột nhiên sẽ không chỉ là một thói quen, bông hồng sẽ không chỉ là một khái niệm & cuộc sống sẽ không chỉ là những gì mà lũ robot cho bạn vẫn nhìn bao lâu nay.

 

*** Beyond the Robot: The Life and Work of Colin Wilson

Minh Đào viết - https://www.facebook.com/mdaongoc/posts/10211347168314247

menu
menu