Sự đầu độc của chủ nghĩa lãng mạn

su-dau-doc-cua-chu-nghia-lang-man

Tình yêu có cả một lịch sử, và chúng ta, đôi lúc hoàn toàn bất khả kháng, phải trôi trên dòng chảy ấy.

Từ “yêu” gợi cảm nghĩ đến một quá trình rất bộc phát và riêng tư của con người. Thế nên, nhiều người sẽ thấy lạ lẫm, thậm chí là thấy bị xúc phạm, khi có quan điểm cho rằng đang có một thứ gì khác (có thể được gọi là xã hội hay văn hóa) đang đóng một vai trò ít ai nhận ra nhưng rất quan trọng trong việc điều khiển các mối quan hệ của chúng ta ngay cả trong những khoảnh khắc riêng tư nhất.

Tuy lịch sử loài người đã chỉ cho chúng ta rất nhiều cách tiếp cận để hiểu được tình yêu, rất nhiều giả thuyết về duyên phận đôi lứa cũng như những cách giải mã cảm xúc khi yêu. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cũng phải gật gù công nhận rằng cách chúng ta yêu trong một mối quan hệ, trong thực tế, phải chịu chi phối từ môi trường xã hội đương thời, một môi trường ở ngoài phạm vi nơi phòng ngủ đôi lứa. Tình yêu của chúng ta phát triển dựa trên một nền tảng văn hóa. Điều này tạo cho chúng ta cảm giác tin tưởng mạnh mẽ về những tiêu chuẩn trong tình yêu. Văn hóa chỉ dẫn tinh vi cho chúng ta về việc nên đặt những trọng điểm cảm xúc trong tình yêu vào đâu, thuyết giáo chúng ta phải tôn vinh những giá trị gì, hay phải đối mặt với các xung đột như thế nào, nên thấy hứng thú với điều gì, nên tha thứ khi nào, và tức giận vì điều gì cho hợp lý. Tình yêu có cả một lịch sử, và chúng ta, đôi lúc hoàn toàn bất khả kháng, phải trôi trên dòng chảy ấy.

Kể từ năm 1750, chúng ta đã sống trong một trong một thời kỳ rất khác biệt của lịch sử tình yêu mà chúng ta vẫn gọi là chủ nghĩa lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn nổi lên như một trào lưu tư tưởng của các nhà thơ, nghệ sĩ và triết gia ở châu Âu vào giữa thế kỷ 18. Giờ đây nó đã chinh phục toàn thế giới, quyết định một cách mạnh mẽ (nhưng luôn âm thầm) từ cách mà cậu con trai của ông chủ cửa hàng ở Yokohama hẹn hò lần đầu thế nào, đến cách một nhà biên kịch ở Hollywood sẽ định hình cho cái kết của bộ phim ra sao, hay khi nào thì một phụ nữ trung niên nọ ở Buenos Aires quyết định chia tay với ông chồng công chức của mình sau 20 năm chung sống.

Không có một mối quan hệ nào tuân theo khuôn mẫu của chủ nghĩa lãng mạn một cách chính xác, tuy nhiên có thể phác ra một vài điểm chính thường xuất hiện, và được tóm tắt như sau:

– Chủ nghĩa lãng mạn hy vọng sâu sắc vào hôn nhân. Nó nói với chúng ta rằng một cuộc hôn nhân dài lâu có thể có tất cả sự nồng nàn của một tình yêu. Cảm xúc yêu đương mà chúng ta đã quen thuộc ngay từ khi bắt đầu tình yêu được kỳ vọng sẽ theo ta trong suốt cuộc đời. Chủ nghĩa lãng mạn lấy hôn nhân (cho đến nay vẫn được xem là một sự hòa hợp giữa lý trí và cảm xúc) và hòa trộn nó với câu chuyện tình yêu đầy đam mê để tạo nên một mục tiêu độc nhất: cuộc hôn nhân ngập tràn tình yêu say đắm suốt đời.

– Theo đó, chủ nghĩa lãng mạn dung hợp giữa tình yêu và tình dục. Trước đó, con người ta đã có suy nghĩ rằng họ có thể sex với cả những người họ không yêu, và ngược lại có thể yêu một ai đó mà không cần tình dục. Chủ nghĩa lãng mạn đã nâng tầm tình dục lên thành biểu hiện tối thượng của tình yêu. Việc duy trì quan hệ tình dục một cách đều đặn và làm thỏa mãn lẫn nhau đã trở thành thước đo độ lành mạnh cho bất kỳ một mối quan hệ yêu đương nào. Mặc dù không có một giải thích rõ ràng nào, nhưng chủ nghĩa lãng mạn đã biến sex không thường xuyên và ngoại tình trở thành thảm họa.

– Chủ nghĩa lãng mạn cho rằng tình yêu đích thực phải là dấu chấm hết cho tất cả mọi nỗi cô đơn. Nó hứa hẹn rằng người bạn đời đích thực chắc chắn sẽ hiểu rõ chúng ta mà không cần phải nói ra. Họ cảm nhận được tâm hồn chúng ta bằng trực giác. (Những người thuộc chủ nghĩa lãng mạn nhấn mạnh quan điểm người bạn đời có thể hiểu chúng ta mà không cần ta phải nói thành lời bất cứ điều gì…).

– Chủ nghĩa lãng mạn tin rằng khi chọn bạn đời, nên để cảm xúc chỉ dẫncho bản thân chứ không để những suy tính thực tế xen vào. Lịch sử đã cho thấy, phần lớn con người ta bắt đầu một mối quan hệ rồi tiến tới kết hôn đều bởi những lý do hết sức thực dụng: mảnh đất nhà em kế bên nhà anh, gia đình anh làm ăn phát đạt, bố em làm quan to, rồi thì nhà bên đó có cả đàn gia súc, hay là bố mẹ hai nhà cùng gật gù tâm đắc một đoạn giảng kinh. Và từ những cuộc hôn nhân ‘hợp lý hợp tình’ đó, con người bị đẩy vào vòng xoáy của những nỗi cô đơn, nạn hiếp dâm, những vụ ngoại tình, bạo lực, những con tim dần hóa đá và những tiếng la hét lọt qua khe cửa phòng bọn trẻ.

Đối với chủ nghĩa lãng mạn, những cuộc hôn nhân dựa trên lý trí thực ra lại không có lý một chút nào. Thế nên, phương án thay thế – những cuộc hôn nhân dựa trên cảm xúc -tồn tại mà không cần bất kì lời giải thích nào thêm. Điều quan trọng là hai người khao khát tình yêu xảy đến, bị hút nhau bởi một bản năng không thể chống đỡ, và con tim họ biết đây là điều đúng đắn. Thời kỳ chủ nghĩa hiện đại không còn tha thiết với những “lí trí”, những chất xúc tác của nỗi đau, những nhu cầu tính toán chi li. Thực tế, một cuộc hôn nhân càng thiếu thận trọng (có thể diễn ra chớp nhoáng chỉ sáu tuần sau khi cả hai bắt đầu gặp gỡ; một trong hai người không có công ăn việc làm hay cả hai đều còn quá trẻ), thì con người ta có lẽ càng nghĩ nó an toàn, vì sự bất cần được xem như đối trọng với tất cả những sai lầm và bi kịch được chiếu cố bởi cái gọi là sự tác thành thông thái của thế hệ đi trước. Sự tôn thờ bản năng là di sản để lại của phản ứng tổn thương tập thể đối với hàng thế kỉ tôn thờ “lý trí” hết sức vô lý.

– Chủ nghĩa lãng mạn đã thể hiện thái độ khinh thị mạnh mẽ đối sự thực dụng và tiền bạc. Ngày nay, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, chúng ta không thích thú với việc đặt những vấn đề này lên hàng đầu trong tâm trí khi cân nhắc một mối quan hệ, đặc biệt là trong những ngày đầu quen biết. Chúng ta cảm thấy thật lạnh lùng – hay thật thiếu lãng mạn – nếu nói rằng bạn biết bạn yêu đúng người bởi cả hai phù hợp với nhau về mặt tài chính, hay bởi bạn cho qua những vấn đề như quy tắc lịch sự trong phòng tắm hay tính đúng giờ. Chúng ta thấy rằng con người ta chỉ quay sang xem xét thực tế khi mọi thứ đã thất bại (‘Tôi không tìm thấy tình yêu, tôi đành phải ổn định’) hay bởi họ chính là những kẻ không ra gì (những kẻ đào mỏ, những kẻ muốn trèo cao).

– Chủ nghĩa lãng mạn tin rằng tình yêu đích thực phải là say mê mọi mặtcủa đối phương. Tình yêu đích thực đồng nghĩa với việc chấp nhận tất cả mọi thứ thuộc về nửa kia. Khi có ý niệm rằng người bạn đời của bạn (hay chính bạn) có thể cần phải thay đổi thì có nghĩa là mối quan hệ của bạn đang trên bờ vực của sự đổ vỡ; ‘bạn sẽ phải thay đổi’ là lời đe dọa sau cuối.

Những khuôn mẫu tình yêu như trên là một sản phẩm của lịch sử. Đó là một sản phẩm đẹp đẽ và thú vị. Những người thuộc chủ nghĩa lãng mạn nhạy cảm với các mặt của đời sống tình cảm và có khả năng tuyệt vời trong việc thể hiện mong muốn và khao khát. Có rất nhiều cảm xúc đã xuất hiện từ trước đó, nhưng những người theo chủ nghĩa lãng mạn mới có thể nâng tầm chúng, biến chúng từ những thú vui nhất thời trở thành những khái niệm nghiêm túc để xây dựng một mối quan hệ trong suốt cuộc đời.

Thế nhưng đến lúc này, chúng ta có thể tuyên bố mạnh bạo rằng: chủ nghĩa lãng mạn là một thảm họa với các mối quan hệ của chúng ta. Nó là một phong trào về trí thức và tinh thần, có tác động phá hủy đối với khả năng sống một đời sống cảm xúc lành mạnh của những con người bình thường. Sự cứu rỗi trong tình yêu nằm ở chỗ vượt qua được chuỗi các sai lầm trong chủ nghĩa lãng mạn. Những tiếng nói văn hóa mạnh mẽ nhất của chúng ta lại đang khiến chúng ta phải trả giá đắt khi đã tạo dựng lên cho chúng ta những kỳ vọng sai lầm. Những tiếng nói này nhấn mạnh vào những cảm xúc không giúp chúng ta duy trì một mối quan hệ, trong khi đó lại bỏ qua những cảm xúc lẽ ra có thể cho chúng ta những hướng dẫn mang tính xây dựng. Chúng ta xứng đáng có được sự cảm thông. Chúng ta bị bao vây trong một bức tường văn hóa tiêm nhiễm cho ta một lí tưởng xuyên tạc chết người về cách các mối quan hệ vận hành. Chúng ta đang cố áp dụng một kịch bản vô dụng vào một nhiệm vụ cực kỳ khó nhằn.

Kịch bản lãng mạn này vừa có tính quy chuẩn lại vừa rất ảo tưởng. Để được coi là bình thường trong thời đại của Chủ nghĩa lãng mạn, cần rất nhiều điều sau đây:

– Chúng ta cần gặp một người có vẻ đẹp tâm hồn và ngoại hình vô cùng đặc biệt, và ngay lập tức chúng ta bị thu hút bởi họ, cũng như họ với ta.

– Chúng ta cần có đời sống tình dục thỏa mãn, không chỉ là lúc mới bắt đầu, mà là mãi mãi.

– Chúng ta không bao giờ bị hấp dẫn bởi bất kỳ người nào khác nữa.

– Chúng ta phải hiểu nhau bằng trực giác.

– Chúng ta không cần giáo dục về tình yêu. Chúng ta có thể cần được đào tạo để trở thành phi công hay bác sĩ phẫu thuật não, nhưng không phải là một người yêu. Chúng ta sẽ học được về tình yêu trên đường đời, bằng cách thả mình đi theo cảm xúc của bản thân.

– Chúng ta không nên có bí mật nào và luôn dành thời gian cho nhau (đừng lấy công việc làm lý do cản trở).

– Chúng ta xây dựng một gia đình mà không mất mát độ mãnh liệt về tình dục hay cảm xúc.

– Người yêu của chúng ta phải là một người bạn tâm giao, một tri kỷ, là người cùng ta nuôi dạy con cái, cùng nhau lèo lái, là người tính toán chi tiêu, người quản lý gia đình và người chỉ dẫn tinh thần.

Văn hóa là một tập hợp những quan niệm lưu truyền phổ biến về cách chúng ta nên nhìn nhận bản thân và cuộc sống. Chúng ta không mấy khi chú tâm đến nó nhưng nó luôn là khung nền dẫn dắt chúng ta đánh giá liệu mình đã đi đúng hướng hay chệch đường.

Hiểu biết về chủ nghĩa lãng mạn nên giúp người ta thấy được an ủi bởi vì nó chỉ ra rằng khá nhiều vấn đề mà chúng ta gặp phải trong những mối quan hệ không bắt nguồn từ việc ta không dung hoa (như chúng ta vẫn thường nghĩ) hay rằng ta “chưa đủ tốt” hay rằng ta chọn nhầm bạn đời. Hiểu biết lịch sử gợi mở ra một suy nghĩ khác, hữu ích hơn: lỗi lầm không phải chỉ thuộc về chúng ta, chúng ta đã được nền văn hóa giao cho một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, rồi sau đó văn hóa lại tiếp tục tô vẽ rằng thứ tình yêu này vô cùng dễ dàng.

Dường như việc nghi ngờ các giả thuyết của quan điểm lãng mạn là rất quan trọng – không phải để hủy hoại tình yêu, mà là để cứu vớt nó. Chúng ta cần phải cùng nhau tạo ra một lý thuyết hậu lãng mạn của các cặp đôi, bởi để duy trì một mối quan hệ dài lâu, chúng ta gần như sẽ phải phản bội lại những những cảm xúc của chủ nghĩa lãng mạn từng khiến ta bước vào mối quan hệ đó. Suy nghĩ về thời kỳ ‘hậu lãng mạn’ không nên hàm ý sự hoài nghi; điều mà đã dập tắt niềm hy vọng của những mối quan hệ có thể nảy nở tốt đẹp. Quan điểm hậu lãng mạn cũng ẩn chứa khao khát về mối quan hệ tốt đẹp, nhưng nó còn có một ý thức rất khác về việc nuôi dưỡng những niềm hy vọng.

Chúng ta cần phải thay thế cái khuôn mẫu lãng mạn bằng một tầm nhìn tâm lý trưởng thành hơn trong tình yêu mà ta có thể gọi là sự cổ điển. Điều đó khuyến khích chúng ta đến với những thái độ mới mẻ nhưng hy vọng là có thể đem lại hiệu quả:

– Tình yêu và tình dục không đi đôi với nhau là chuyện bình thường.

– Việc thảo luận về vấn đề tiền bạc một cách quá sớm, thẳng thắn và nghiêm túc không phải là một hành động phản bội tình yêu.

– Khi chúng ta nhận ra mình còn thiếu sót, và nửa kia của mình cũng vậy, đây là một điều tốt giúp các cặp đôi gia tăng lòng khoan dung và sự độ lượng trong mối quan hệ.

– Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy mọi thứ ở một người khác và ngược lại, không phải bởi vì ta có khuyết điểm độc nhất nào đó mà bởi tự nhiên của loài người là như vậy

– Chúng ta cần phải không ngừng cố gắng để thấu hiểu đối phương dù có lúc những nỗ lực này nghe có vẻ giả tạo; trực giác không thể giúp ta hiểu người khác.

– Dành hai giờ đồng hồ để tranh luận về việc nên treo khăn tắm trên tường hay để dưới sàn không phải là việc vớ vẩn hay vô ích, việc giặt ủi và đúng giờ cũng có phẩm giá đặc biệt của nó.

Toàn bộ những quan điểm trên đây và có thể còn nhiều hơn nữa nhằm hướng về một tương lai mới, đầy hy vọng cho tình yêu.

 

Translator: Sơn Trà, Phuong Thu

Editor: Nevange

Source: The Book of Life

menu
menu