Sự nam tính đang giết đàn ông: Những nguyên nhân của tổn thương tâm lý và đàn ông

su-nam-tinh-dang-giet-dan-ong-nhung-nguyen-nhan-cua-ton-thuong-tam-ly-va-dan-ong

Ba từ nguy hiểm nhất mà mỗi người đàn ông nhận được khi anh ta là một cậu bé là khi anh ta được bảo “hãy là một người đàn ông” (be a man).

Ba từ nguy hiểm nhất mà mỗi người đàn ông nhận được khi anh ta là một cậu bé là khi anh ta được bảo “hãy là một người đàn ông” (be a man)
—Joe Ehrmann

Nếu chúng ta trung thực với bản thân, thì từ lâu chúng ta đã biết rằng sự nam tính đang giết đàn ông theo vô số cách và có thể đo lường được. Trong khi sự tạo dựng xã hội về sự nữ tính đòi hỏi người phụ nữ phải có thân thể thon thả, xinh đẹp, hay giúp đỡ người khác, thì sự tạo dựng xã hội về sự nam tính yêu cầu đàn ông liên tục chứng minh và tái chứng minh sự thật rằng họ là đàn ông.

Cả hai quan điểm trên đều độc hại và có khả năng huỷ hoại, nhưng theo thống kê, số lượng những người đàn ông nghiện ngập và đau khổ và tuổi thọ tương đối ngắn hơn đã chứng minh rằng sự nam tính trên thực tế là kẻ sát nhân hiệu quả hơn, hoàn thành công việc nhanh hơn và với số lượng nhiều. Những ca tử vong của sự Nam tính bị quy cho những biểu hiện cụ thể của nó như: nghiện rượu, nghiện việc và bạo lực. Ngay cả khi nó không giết người theo nghĩa đen, thì nó vẫn gây ra một kiểu cái chết về tinh thần, khiến nhiều đàn ông bị tổn thương tâm lý và bị trầm cảm mà không biết. Và đối với nhiều người đàn ông, quá trình bắt đầu từ lâu trước khi họ trở thành đàn ông.

Sự tổn thương cảm xúc vì “biến thành đàn ông” của các bé trai bắt đầu trước thời niên thiếu, trong thời thơ ấu. Nhà tâm lý Terry Real, trong cuốn sách của ông năm 1998 I Don’t Want to Talk About It: Overcoming the Secret Legacy of Male Depression, nêu bật nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các bậc cha mẹ thường vô thức bắt đầu phóng chiếu một kiểu “nam tính” bẩm sinh – và do đó, giảm đi nhu cầu cần được sự bảo vệ, yêu thương và được làm thoải mái – lên những bé trai sơ sinh. Mặc dù những hành vi giới tính thiếu vắng ở những bé sơ sinh; những bé sơ sinh nam trên thực tế đã hành động theo những cách mà xã hội chúng ta định nghĩa là “nữ tính.” Real giải thích, “Các bé trai và bé gái đều chào đời …ngang bằng nhau về cảm xúc, biểu cảm và sự phụ thuộc, khao khát sự âu yếm như nhau. Ở những độ tuổi nhỏ nhất, cả bé trai và bé gái đều giống như một bé gái. Nếu có bất kì sự khác biệt nào, thì trên thực tế là những bé trai hơi nhạy cảm hơn và bộc lộ tình cảm nhiều hơn những bé gái. Chúng dễ khóc hơn, dễ thất vọng, tỏ ra cáu giận khi một người chăm sóc rời khỏi phòng.”

Nhưng cả bố lẫn mẹ đều tưởng tượng rằng có những sự khác biệt bẩm sinh về giới tính giữa những bé trai và bé gái. Ngay cả khi các nhà nghiên cứu kiểm soát “cân nặng, chiều dài, sự nhanh nhẹn và sức mạnh” của các bé thì các bậc cha mẹ vẫn thông báo rằng các bé gái mềm yếu hơn các bé trai; họ tưởng tượng rằng các bé trai thì to hơn và nhìn chung là “mạnh hơn”. Khi một nhóm gồm 204 người trưởng thành được cho xem video cùng một em bé đang khóc và được đưa cho những thông tin khác nhau về giới tính của em bé, thì họ đánh giá là bé “gái” đang sợ hãi, còn bé “trai” thì được miêu tả là đang “tức giận”.

Về trực giác, những khác biệt đó về nhận thức tạo ra những khác biệt theo tương quan trong kiểu chăm sóc của cha mẹ đối với các bé trai sơ sinh. Theo lời của các nhà nghiên cứu, “dường như có lý khi giả định rằng một đứa bé được cho là đang sợ hãi thì được ôm ấp và cưng nựng nhiều hơn một đứa bé được cho là đang tức giận.” Giả thuyết đó được hỗ trợ bởi các nghiên cứu khác mà Real trích dẫn, đều phát hiện thấy “từ lúc chào đời, các bé trai được nói chuyện ít hơn các bé gái, được vỗ về ít hơn, được chăm sóc ít hơn.” Nói thẳng ra, chúng ta bắt đầu cắt giảm nhu cầu tình cảm của các bé trai ngay từ lúc chào đời, thời điểm dễ bị tổn thương nhất trong cuộc đời của chúng.

Khuôn mẫu đó tiếp tục tồn tại trong suốt thời thơ ấu và bước vào thời thanh niên. Real chỉ ra một nghiên cứu phát hiện thấy cả bố lẫn mẹ đều nhấn mạnh “thành tích và sự cạnh tranh ở những đứa con trai của họ” và dạy chúng “kiểm soát cảm xúc của chúng” – các bé trai đuọc dạy phớt lờ hoặc xem nhẹ những nhu cầu và mong muốn cảm xúc của mình. Tương tự như vậy, bố mẹ của cả hai giới trừng phạt những đứa con trai của họ nhiều hơn. Beverly I. Fagot, nhà nghiên cứu và tác già của cuốn The Influence of Sex of Child on Parental Reactions to Toddler Children, phát hiện thấy các bậc cha mẹ trao cho trẻ sự củng cố tích cực khi chúng có những hành vi “cùng giới tính được ưa thích”. Các bậc cha mẹ nói họ “chấp nhận bình đẳng giới” nhưng lại có những phản ứng tích cực hơn trước những bé trai khi chúng chơi với những toa xe và có phản ứng tiêu cực với bé gái khi chúng tham gia hoạt động thể thao. Và khi chúng chơi độc lập thì “những thành tích độc lập” được khuyến khích ở các bé trai, còn các bé gái nhận được nhiều phản hồi tích cực khi chúng xin được giúp đỡ. Các bậc cha mẹ đó không nhận ra được vai trò chủ động mà họ đang đóng trong việc xã hội hoá những đứa con của họ sống phù hợp với những chuẩn mực về giới. Fagot nhận thấy tất cả bố mẹ đều nói họ đối xử với con trai và con gái giống nhau, thì lời nói đó trái ngược với những phát hiện từ nghiên cứu.

Không thể phủ nhận, những kiểu bài học đó truyền đạt các thông điệp gây tổn thương sâu sắc đến cả các bé trai và gái, và có những hậu quả kéo dài suốt đời và có thể quan sát được. Terry Real nói, “các bé gái được cho phép duy trì những biểu hiện cảm xúc và trau dồi mối quan hệ,” các bé trai không chỉ được yêu cầu nên kìm nén những cảm xúc của chúng, mà còn cả sự nam tính của chúng phụ thuộc vào chúng khi làm vậy. Mặc cho tiền đề phi logic của nó, xã hội của chúng ta hoàn toàn tin vào quan điểm cho rằng mối quan hệ giữa đàn ông và sự nam tính là bấp bênh và không chắc chắn, và chấp nhận điều hoang đường rằng “các bé trai phải được biến thành đàn ông…các bé trai, không giống các bé gái, phải đạt được sự nam tính.”

Các bé trai tiếp thu quan điểm này từ sớm; khi tôi nói với Real, ông chỉ ra rằng nghiên cứu cho thấy chúng bắt đầu che giấu những cảm xúc của chúng từ độ tuổi rất nhỏ 3-5 tuổi. “Nó không có nghĩa rằng chúng có ít cảm xúc hơn. Mà chúng đã học được trò chơi – rằng bộc lộ cảm xúc không phải là một ý tưởng hay,” Real nói. Những cậu bé trở thành đàn ông không phải bằng việc bước vào tuổi trưởng thành, mà là thông qua sự xã hội hoá. Nhưng Real chỉ ra: “[họ] không cần phải trở thành đàn ông. Họ là đàn ông. Các cậu bé không cần phải phát triển sự nam tính của chúng.”

Không thể xem thường ảnh hưởng xảy ra đồng thời của những hình ảnh và thông điệp về sự nam tính đang thấm sâu trong truyền thông của chúng ta. Các chương trình truyền hình và phim ảnh giới thiệu với trẻ em – và với tất cả chúng ta – không nhiều về những người đàn ông (và phụ nữ) thực sự là ai, mà họ nên là người như thế nào. Chắc chắn là chúng ta đều nhận ra những đặc điểm được đánh giá cao ở những người đàn ông trong phim, TV, game, truyện tranh và nhiều hơn nữa: sức mạnh, sự dũng cảm, độc lập và khả năng chu cấp và bảo vệ.

Trong khi những miêu tả về đàn ông đã trở nên phức tạp hơn, nhiều sắc thái theo thời gian, thì những phẩm chất “nam tính” nhất định vẫn được coi trọng hơn những phẩm chất khác. Amanda D. Lotz viết trong cuốn sách của cô năm 2014 Cable Guys: Television and Masculinities in the 21st Century, dù những miêu tả về đàn ông trên truyền thông đã trở nên đa dạng hơn, thì nó vẫn”…ủng hộ những nhân vật nam mà nó xây dựng như anh hùng hoặc đáng ngưỡng mộ, trong khi chê bai những người khác. Vì vậy, dù các chương trình truyền hình có thể phát một loạt hình mẫu đàn ông và sự nam tính thì vẫn có một hình mẫu nam tính “được ưa thích” hoặc “tốt nhất”.

Chúng ta đều quen thuộc với những nhân vật hay xuất hiện. Họ là những anh hùng hành động dũng cảm, những kẻ thái nhân cách trong Grand Theft Auto… Ở đây, nó quan trọng khi đề cập đến một nghiên cứu của liên minh quốc gia về bạo lực trên tv phát hiện thấy theo trung bình, những chàng trai Mĩ 18 tuổi đã thấy khoảng 26,000 vụ giết người trên tv, “hầu như tất cả chúng đều do đàn ông làm.” Kết hợp những con số đó với bạo lực trên phim và truyền thông, các con số có thể vô cùng lớn.

Kết quả của tất cả điều này – sự chối bỏ từ sớm những cảm xúc của bé trai, và các bé trai đã cắt đứt thành công khỏi những cảm xúc của chúng, những cái tôi sâu sắc nhất và dễ tổn thương nhất của họ. Nhà sử học Stephanie Coontz đã gọi hiệu ứng này là “masculine mystique” (hình mẫu nam tính: niềm tin rằng một bộ những hành vi và sức mạnh nào đó là đại diện cho đàn ông.) Nó khiến các bé trai và sau này là đàn ông xa rời cảm xúc, sợ bộc lộ yếu điểm và thường không có khả năng tiếp cận, nhận diện và đối mặt trọn vẹn với những cảm xúc của họ.

Trong cuốn sách của ông, Why Men Can’t Feel, Marvin Allen nói, “Những thông điệp đó khuyến khích các bé trai trở nên cạnh tranh, tập trung vào thành công bên ngoài, dựa vào trí tuệ của họ, chịu đựng đau đớn thể xác và kìm nén những cảm xúc dễ tổn thương của họ. Khi các bé trai xâm phạm các quy tắc, thì chúng sẽ bị trêu chọc, bị làm xấu hổ và chế nhạo.” Câu nói sáo về đàn ông không tiếp xúc được với những cảm xúc của họ không nói lên điều gì về những dấu chỉ cố hữu của đàn ông. Thay vào đó nó xác định những hệ quả hành vi từng được dạy một cách nghiêm khắc bởi bố mẹ và xã hội. Như Terry Real đã nói khi tôi nói chuyện với ông ấy, quá trình tách rời những cậu bé khỏi “tính nữ” của nó —hoặc chính xác hơn, “tính người” – những cái tôi cảm xúc bị tổn thương sâu sắc. “Mỗi bước…là có hại” Real nói. “Nó gây tổn thương. Nó là tổn thương khi bị buộc phải từ bỏ một nửa tính người của bạn.”

Tổn thương đó bộc lộ rõ rệt trong những cách mà đàn ông cố gắng làm thăng hoa những cảm xúc của nhu cầu cảm xúc và tính dễ tổn thương. Trong khi phụ nữ có xu hướng nội tâm hoá nỗi đau thì đàn ông lại hành động bộc phát, chống lại bản thân họ và những người khác. Real nói với tôi là, phụ nữ “đổ lỗi cho bản thân họ, họ cảm thấy tồi tệ, họ biết họ cảm thấy tồi tệ, họ muốn thoát ra khỏi nó. Những cậu bé và đàn ông có xu hướng phóng stress ra bên ngoài. Chúng ta hành động một cách bộc phát và thường không nhìn thấy một phần trách nhiệm của chúng ta trong nó. Nó ngược lại với sự đổ lỗi cho bản thân; họ cảm thấy mình như một nạn nhân tức giận.” Khối liên minh quốc gia về bệnh tâm thần nói rằng khắp các chủng tộc và sắc tộc, phụ nữ trải nghiệm bệnh trầm cảm cao gấp hai lần đàn ông. Nhưng Real tin rằng những hành vi bộc phát của đàn ông chủ yếu nhằm che giấu bệnh trầm cảm của họ, phần lớn không được nhận ra và chẩn đoán.

Những ví dụ của những hành vi mang tính huỷ hoại được xếp từ những hành vi nhận được sự ủng hộ của xã hội, như nghiện việc, đến sự trừng phạt hình sự như nghiện ma tuý và bạo lực. Số đàn ông mắc chứng rối loạn tức giận cao hơn gấp đôi phụ nữ. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật, đàn ông có nhiều khả năng uống rượu quá mức hơn phụ nữ, dẫn đến “tỷ lệ các ca tử vong liên quan đến rượu và nằm viện cao hơn.” (Có thể vì đàn ông dưới ảnh hưởng đó có nhiều khả năng tham gia vào các hành vi nguy hiểm như đua xe hoặc không cài dây an toàn.”) Các bé trai có nhiều khả năng dùng thuốc ở độ tuổi 12 hơn các bé gái, điều này dẫn đến khả năng lạm dụng thuốc cao ở đàn ông hơn phụ nữ về sau trong cuộc sống. Những người đàn ông Mĩ có nhiều khả năng giết người (phạm 90.5 phần trăm của tất cả các vụ giết người) và bị giết (chiếm 76.8 phần trăm của các nạn nhân bị giết). Điều này mở rộng đến cả bản thân họ, theo các nghiên cứu: “đàn ông tự sát gần gấp bốn lần tỷ lệ của phụ nữ và chiếm khoảng 80 phần trăm của tất cả các vụ tự sát.” (Điều thú vị là, những nỗ lực tự tử ở phụ nữ được ước tính là cao hơn ba đến bốn lần nam giới.) Và theo Cục nhà tù liên bang, đàn ông chiếm đến hơn 93% số tù nhân.

Những ảnh hưởng tai hại của sự đòi hỏi khắt khe về cảm xúc đã nói ở trên đóng một vai trò trong khoảng cách tuổi thọ của hai giới. Terry Real giải thích:

“Sự sẵn sàng xem nhẹ yếu điểm và đau đớn của đàn ông rất lớn đến nỗi nó từng được xem là một yếu tố trong tuổi thọ ngắn hơn của đàn ông. Sự khác biệt 10 năm trong tuổi thọ giữa đàn ông và phụ nữ hoá ra ít liên quan đến gen. Đàn ông chết sớm hơn vì họ không quan tâm chăm sóc bản thân. Đàn ông chờ đợi lâu hơn để thừa nhận rằng họ đang ốm, mất nhiều thời gian hơn để nhận sự trợ giúp và khi họ được điều trị thì họ không tuân theo nó tốt như phụ nữ.”

Sự nam tính vừa khó đạt được cũng như không thể duy trì, một sự thật mà Real nhận ra là bằng chứng trong thành ngữ “cái tôi đàn ông mong manh.”

Thông thường, những người đàn ông đang đau khổ thì chịu đựng một mình, tin rằng tiết lộ nỗi đau của họ là tương đương với sự thất bại của sự nam tính của họ. Xã hội chúng ta vẫn dành nhiều sự tôn trọng cho những chiến binh bị thương, những người phủ nhận những khó khăn của họ. Và cái giá của việc không nhận ra tổn thương tâm lý của đàn ông lớn hơn rất nhiều so với việc chăm sóc những tổn thương đó, hoặc tránh tạo ra chúng ngay từ đầu. Điều quan trọng là chúng ta bắt đầu xem xét nghiêm túc hơn đến những gì chúng ta làm với các bé trai, chúng ta làm nó như thế nào, và cái giá đắt về cảm xúc do sự nam tính đòi hỏi, biến những bé trai giàu cảm xúc thành những người đàn ông trưởng thành suy yếu về tình cảm

Khi sự nam tính được định nghĩa bởi quan điểm ngớ ngẩn và nguỵ biện rằng cách duy nhất để trở thành một người đàn ông là không thừa nhận một phần quan trọng của bản thân bạn, để lại những hậu quả xấu và tâm hồn tan nát. Nó khiến đàn ông dễ bị tổn thương hơn và cần đến chỗ nương tựa giúp xoa dịu nỗi đau được tạo ra bởi những yêu cầu về sự nam tính của chúng ta.

Chúng ta đã thiết lập nên một tiêu chuẩn bất công và không thể đạt được, và khi cố gắng sống theo tiêu chuẩn đó, nhiều người đàn ông đang từ từ giết bản thân họ. Chúng ta phải vượt qua những quan điểm lỗi thời về sự nam tính của chúng ta và những quan điểm của chúng ta về việc trở thành một người đàn ông là như thế nào. Chúng ta phải bắt đầu nhìn những người đàn ông là vốn sinh ra đã vậy, mà không cần phải chứng minh họ là ai, với bản thân hoặc bất kì ai khác.

 

Tác giả: Kali Holloway

Rubi dịch

Nguồn: http://www.alternet.org/gender/masculinity-killing-men-roots-men-and-trauma

menu
menu