Tác động tai hại khi tiếp xúc quá liều với sắc đẹp

tac-dong-tai-hai-khi-tiep-xuc-qua-lieu-voi-sac-dep

Trải nghiệm với vẻ đẹp một cách quá mức có thể ảnh hưởng xấu đến hai phái một cách khác nhau.

Nickolay Lamm đã tạo ra hình ảnh về Barbie dựa trên số đo thực tế của phụ nữ Hoa Kỳ (phải). Nếu chúng ta chỉ tiếp xúc với Barbie (trái) thì liệu nhận thức và đánh giá của chúng ta về cơ thể người phụ nữ trong thực tế có bị méo mó? 

“Thái độ đối với sắc đẹp gắn liền với những mâu thuẫn ẩn sâu trong chúng ta về cơ thể và tâm hồn”, Nancy Etcoff từ Đại học Harvard viết về Tâm lí học về cái đẹp. Thế nhưng, sức hấp dẫn từ nguyên thủy của sắp đẹp và sự ảnh hưởng của nó lên thế giới nội tâm của chúng ta ẩn chứa nhiều tiêu cực.



Trong “Tại sao tạp chí Playboy có hại cho cơ chế tinh thần” trích từ cuốn sách Sex, Murder, and the Meaning of Life: A Psychologist Investigates How Evolution, Cognition, and Complexity are Revolutionizing our View of Nature (“Tình dục, Sát hại, và Ý nghĩa cuộc sống”), Douglas T. Kendrick đã khám phá bằng cách nào việc tiếp xúc quá nhiều với sắp đẹp có thể khiến chúng ta điều chỉnh lại tiêu chuẩn về cái đẹp của mình đến mức gây hại các mối quan hệ và trải nghiệm tình yêu của bản thân. Kendrick miêu tả một thí nghiệm kì lạ bắt nguồn cảm hứng từ trải nghiệm thường ngày của chính ông khi còn là sinh viên cao học hai mươi năm trước: Kendrick nhận ra mình chú ý một lượng nhỏ sinh viên nữ hấp dẫn trong đám đông đi qua sân trường vào giờ cao điểm. Thích thú với hiện tượng “chú ý có chọn lọc” liên quan đến sắc đẹp, Kendrick quyết định làm một thí nghiệm ở vị trí là nhà nghiên cứu với ý tưởng thời trẻ của mình.

“Khi giới hạn khả năng chú ý của người tham gia, chúng tôi tìm thấy chính xác những gì tôi đã nghi ngờ: Nam giới cho rằng số lượng phụ nữ hấp dẫn nhiều hơn so với thực tế, dù họ vẫn đánh giá chính xác số lượng đàn ông điển trai trong cuộc thí nghiệm. Đồng thời, nữ giới cũng cho rằng số lượng phụ nữ hấp dẫn nhiều hơn so với thực tế. Điều này chỉ ra một kết luận đơn giản về phụ nữ đẹp: Họ làm người khác chú ý, và luồng xử lý thông tin về họ giữ vị trí thượng phong trong não. Trong khi đó, luồng xử lý thông tin về những người đàn ông điển trai nhanh chóng bị nhấn chìm bởi các luồng thông tin khác”.


Thế nhưng, khi nhắc đến một nghiên cứu khác đang thực hiện với đồng nghiệp Sara Gutierres, Kendrick lập luận: “Trải nghiệm với vẻ đẹp một cách quá mức có thể ảnh hưởng xấu đến hai phái một cách khác nhau.” Dựa theo lý thuyết về “Sự thích nghi giác quan” của Harry Helson (1947): Chúng ta điều chỉnh tâm lý khi gặp những kích thích mới (nóng hay lạnh, mặn hay ngọt, nặng hay nhẹ, v.v.) theo hướng ngược lại với độ thích nghi của mình, Kendrick kiểm định giả chứng sự thích nghi giác quan có thể ảnh hưởng đến sự nhìn nhận sắc đẹp của chúng ta.

“Trong nghiên cứu thứ nhất, chúng tôi yêu cầu người tham gia đánh giá một phụ nữ có sắp đẹp trung bình sau khi đã tiếp xúc với một trong hai dạng phụ nữ khác. Một nửa người tham gia sẽ đánh giá người phụ nữ sau khi nhìn thấy một loạt những phụ nữ đẹp lạ thường; một nửa còn lại thì đánh giá người phụ nữ sau khi nhìn thấy một loạt những phụ nữ với sắp đẹp trung bình. Cũng như trường hợp khi ta tiếp xúc nước với nhiệt độ cực lạnh hay nóng, việc tiếp xúc với ngoại hình quá xuất sắc có thể ảnh hưởng đến đánh giá về những gì được coi là vừa phải. Như dự đoán, người phụ nữ với vẻ đẹp trung bình được đánh giá là xấu hơn bình thường nếu người tham gia vừa nhìn một loạt phụ nữ đẹp.”

Josef Albers: ‘Homage to the Square’


Một nghiên cứu khác cũng tìm cách xác định xem những quá trình trên có diễn ra tương tự như khi ta đánh giá người mình biết và yêu. Lấy lý do là làm nghiên cứu về chuẩn mực đánh giá sắc đẹp của cộng đồng, các nhà khoa học nói với người tham gia họ đang thu thập ý kiến từ sinh viên để làm rõ cuộc tranh luận về việc thế nào được coi là con mắt thẩm mỹ tốt hay kém khi đánh giá nghệ thuật:

“Người tham gia trong nhóm được kiểm soát (control group) đánh giá vẻ đẹp của các bức hoạ trừu tượng như Homage to the Square của Josef Albers. Những người đàn ông trong nhóm xử lý (experimental group) xem trang giữa ảnh nữ người mẫu khoả thân trong tạp chí Playboy và Penthouse; còn phụ nữ thì xem ảnh nam khoả thân điển trai từ tạp chí Playgirl. Sau khi đã nhìn các bức hoạ hoặc trang ảnh tạp chí, chúng tôi yêu cầu người tham gia đánh giá cảm nhận của họ về người đang trong mối quan hệ tình cảm với họ. Các nhà khoa học giải thích họ muốn xem xét việc đang ở trong mối quan hệ có thể làm chúng ta cởi mở hơn với những trải nghiệm sắc đẹp mới hay không.”

Playboy December 1972

Kết quả cho thấy sự khác biệt kì lạ giữa hai giới. “Đàn ông sau khi nhìn trang tạp chí với người mẫu khoả thân cho rằng họ ít yêu bạn đời của mình hơn; trong khi đánh giá của phụ nữ về bạn đời của mình không lay chuyển”. Kết quả của nghiên cứu gợi lên điều đáng ngại: Việc tiếp xúc với phụ nữ đẹp có thể khiến đàn ông thay đổi quan điểm thế nào là đẹp của mình, và đánh giá thấp hơn những phụ nữ trong cuộc đời của họ. Ngược lại, yếu tố quan trọng trong việc điều chỉnh đánh giá của phụ nữ là quyền lực. Việc nhìn thấy người đàn ông có vị thế xã hội cao làm giảm độ trách nhiệm trong mối quan hệ của phụ nữ, cũng như khi đàn ông nhìn thấy những phụ nữ hấp dẫn.

Điều gì đã gây ra sức cám dỗ độc hại của sắc đẹp? Kendrick cho rằng nó bắt nguồn từ cơ sở sinh lý của những giác quan đã tiến hoá để giúp cha ông ta ngày trước nhận thức cơ hội và mối đe doạ trong lúc tìm kiếm bạn tình. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, các giác quan của chúng ta đã bị ảnh hưởng quá mức bởi truyền thông, cơ chế tự nhiên của chúng ta đã bị lấn át và bắt đầu giảm chức năng.

Kendrick gợi ý: “Cũng như những người hiểu rõ sự tai hại của việc ăn uống quá độ có thể kiểm soát chế độ ăn uống, nếu hiểu rõ về tác động của hình ảnh truyền thông, chúng ta có thể ngưng nhồi nhét vào đầu những thông tin từ các ấn phẩm như Playboy, People, Sex and the City, hay Dancing with the Stars.”



Ngoc T - Vietpsy

Dịch từ Brain Pickings

menu
menu