Tại sao con người gần như không chịu được cảnh sống biệt lập?

tai-sao-con-nguoi-gan-nhu-khong-chiu-duoc-canh-song-biet-lap

Hãy tưởng tượng bạn đang bị nhốt trong một căn phòng tối tăm, chật chội, không có mối liên hệ hay tương tác nào với xã hội bên ngoài trong vòng 30 ngày. Trên thực tế, không nhiều người dám liều mình thử thách bản thân trong tình huống đó.

Hãy tưởng tượng bạn đang bị nhốt trong một căn phòng tối tăm, chật chội, không có mối liên hệ hay tương tác nào với xã hội bên ngoài trong vòng 30 ngày. Trên thực tế, không nhiều người dám liều mình thử thách bản thân trong tình huống đó.

Tuy nhiên, vẫn có những người can đảm. Vào tháng 11 năm 2018, một tay chơi bài xì người Mỹ có tên Rich Alati đã đánh cược 100.000 USD rằng anh có thể sống sót sau 30 ngày sống một mình trong bóng tối.

Anh được giam trong một căn phòng nhỏ, hoàn toàn không có một chút ánh sáng nào. Trong phòng để sẵn một cái giường, một tủ lạnh và một phòng vệ sinh nhỏ. Và ngay cả khi có đầy đủ mọi nguồn lực dự trữ để sống sót, Alati vẫn không thể hoàn thành được mục tiêu đề ra. Sau 20 ngày, anh buộc phải thoả thuận để ra ngoài, chấp nhận trả khoản tiền phạt trị giá 62.400 USD.

Có vô số những tác động tiêu cực đến cơ thể và hệ thần kinh mà việc sống tách biệt khỏi xã hội, hay tệ hơn, trong trường hợp của Alati là sống biệt lập hoàn toàn, mang lại. Alati cũng không phải là ngoại lệ; anh cho biết bản thân đã gặp phải khá nhiều tác động không mong muốn, trong đó có sự thay đổi về chu kỳ của giấc ngủ và tình trạng ảo giác.

Nhưng tại sao việc sống biệt lập lại khó khăn đến mức con người không thể chịu đựng nổi?

Một trong những lý do khiến cho việc sống biệt lập trở nên khó khăn đến vậy là bởi bản chất của con người là một sinh vật xã hội. Một số người do các lý do khách quan mà buộc phải sống trong các môi trường biệt lập – chẳng hạn các nhà nghiên cứu sinh sống dài ngày ở Nam Cực – cho biết rằng việc phải sống cô đơn là điều khó khăn nhất trong công việc của họ.

Yossi Ghinsberg, một nhà văn, nhà thám hiểm người Israel, người đã sống sót sau nhiều tuần sống một mình ở vùng rừng rậm Amazon, nói rằng sự cô đơn là điều giày vò anh nhiều nhất và anh đã phải tạo ra những người bạn tưởng tượng để mang lại cảm giác mình có bạn đồng hành.

Việc sống cô độc có thể gây hại đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta. Những người bị cô lập về mặt xã hội sẽ khó có khả năng đối phó với các tình huống căng thẳng.

Họ cũng nhiều khả năng cảm thấy chán nản và gặp vấn đề trong việc xử lý thông tin. Điều này có thể dẫn đến những khó khăn nhất định đối với họ trong việc đưa ra các quyết định và trí nhớ.

Những người cô đơn cũng dễ mắc bệnh hơn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hệ thống miễn dịch của một người cô đơn phản ứng với việc chống lại virus theo cách khác biệt so với những người bình thường, khiến họ dễ mắc bệnh hơn.

Tác động của sự cô lập xã hội sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu cùng lúc đó, con người được đặt trong môi trường bị cô lập về vật lý. Ví dụ, việc bị giam cầm trong trạng thái đơn độc có thể có tác động tiêu cực về mặt tâm lý đối với các tù nhân - bao gồm sự gia tăng đáng kể trạng thái cảm xúc lo âu và hoảng loạn, mức độ hoang tưởng và cuối cùng khiến họ ít có khả năng suy nghĩ rõ ràng.

Nhiều tù nhân cũng cho biết về các vấn đề sức khỏe tâm thần lâu dài mà họ phải đối mặt sau khi bị cách ly khỏi xã hội trong một thời gian.

Natascha Kampusch - một phụ nữ Úc bị bắt cóc năm 10 tuổi và bị giam cầm tám năm trong một căn hầm – thuật lại trong cuốn tự truyện của cô rằng việc sống thiếu ánh sáng và sự tiếp xúc với con người làm tinh thần cô bị suy yếu.

Cô cũng lưu ý thêm việc bị giam cầm trong nhiều giờ, nhiều ngày liên tục một cách hoàn toàn biệt lập khiến cô dễ nghe theo lệnh và tuân theo sự thao túng của kẻ bắt cóc.

Cô đơn trong bóng đêm

Những ảnh hưởng của việc bị cô lập có thể trở nên rõ rệt hơn nữa nếu bạn phải sống như vậy trong không gian tối một cách tuyệt đối, mang lại những hậu quả tiêu cực cả về thể chất và tâm lý. Một trong số đó là việc chu kỳ giấc ngủ của bạn có thể bị phá vỡ. Hai trong số các cơ chế chính để điều hòa chu kỳ giấc ngủ, gồm hoóc-môn melatonin và các nhân trên chéo(một cấu trúc thần kinh của não), đều dựa vào ánh sáng để hoạt động.

Ánh sáng ban ngày làm giảm lượng melatonin trong máu, giúp chúng ta cảm thấy tỉnh táo. Ánh sáng ban ngày cũng giúp nhân trên chéo thiết lập lại thời gian chúng ta thức dậy nếu chu kỳ giấc ngủ bị sai lệch. Không có ánh sáng ban ngày, nhịp sinh học 24 giờ của chúng ta sẽ thay đổi.

Lấy ví dụ, điều này có thể giúp giải thích tại sao những người tham gia thám hiểm hang động thường nhận thấy rằng thấy rằng chu kỳ ngủ-thức của họ bị gián đoạn. Điều này có nghĩa là những thời điểm trong ngày mà họ cảm thấy buồn ngủ không tuân theo các quy luật thông thường nào và có thể liên tục thay đổi theo từng ngày.

Sự gián đoạn về nhịp sinh học cũng có thể khiến con người ta cảm thấy chán nản và mệt mỏi. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, bệnh kháng insulin và bệnh tim, cũng như các vấn đề thể chất khác như béo phì và lão hóa sớm.

Những người bị cô lập cũng có thể gặp ảo giác. Việc thiếu đi các kích thích từ môi trường bên ngoài khiến con người bị nhầm lẫn các suy nghĩ, cảm xúc xảy ra ở bên trong nội tâm của chúng ta như là các cảm xúc, suy nghĩ diễn ra ở môi trường bên ngoài. Về cơ bản, ảo giác xảy ra trong trường hợp con người bị thiếu kích thích não.

Thực tế, Alati tiết lộ anh bắt đầu trải qua ảo giác từ ngày thứ ba sống biệt lập. Anh nhìn thấy căn phòng đầy bong bóng, rồi có lúc lại tưởng tượng rằng trần nhà đã mở ra và anh nhìn thấy một bầu trời đầy sao.

Những người bị cô lập hoàn toàn cũng có thể cảm thấy rằng có điều gì đó đang hiện diện một cách ma quái hoặc có ai đó đang theo dõi họ.

Mặc dù sự cô lập có thể đem đến những tác động nghiêm trọng tới cả thể chất và tinh thần của con người, song tin tốt là những điều này có thể đảo ngược. Người bệnh khi được cho tiếp xúc trở lại với ánh sáng ban ngày thường có thể điều chỉnh lại chu kỳ giấc ngủ - mặc dù có thể phải mất vài tuần hoặc thậm chí, trong một số trường hợp là vài tháng.

Việc kết nối lại với những người xung quanh có thể giúp làm giảm cảm giác cô đơn ở người bệnh và giúp họ phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, một số người khi bị cách ly khỏi xã hội trái với ý muốn của họ, có thể gặp phải một số vấn đề lâu dài về sức khoẻ tâm thần, chẳng hạn như chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

Dù vậy, có một số người khi phải đối mặt với thử thách ở một mình trong một thời gian dài đã cho thấy một số dấu hiệu sự phát triển bản thân - bao gồm sự tăng trưởng về cảm xúc, cảm giác gần gũi hơn với gia đình và bạn bè và có một cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống – vốn là kết quả của trải nghiệm của họ.

Sau 20 ngày sống hoàn toàn trong sự cô lập, ngay cả Alati cũng nói rằng bản thân anh đã thay đổi – anh cho biết trải nghiệm này giúp anh cảm thấy biết ơn cuộc sống và những người xung quanh mình nhiều hơn. Khả năng tập trung của anh cũng được cải thiện đáng kể, và nhìn chung, anh cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết.

 

Bài viết của tác giả Sarita Robinson, Giảng viên Tâm lý học, Trường Đại học Central Lancashire. VnReview chuyển ngữ và giới thiệu tới bạn đọc.

Nguồn: https://www.sciencealert.com/isolation-has-profound-effects-on-the-human-body-and-brain-here-s-what-happens

menu
menu