Tại sao người bạn đời của tôi lại kém cỏi đến thế?

tai-sao-nguoi-ban-doi-cua-toi-lai-kem-coi-den-the

Dường như không có cách nào chạy trốn khỏi sự thật rằng người bạn đời mà chúng ta chọn có phản ánh chút gì đó về những mối quan hệ đầu đời của chúng ta.

Tác giả: John Bowlby • Mary Ainsworth • Donald Winnicott • Judith Solomon • Mary Main

 

Dường như không có cách nào chạy trốn khỏi sự thật rằng người bạn đời mà chúng ta chọn có phản ánh chút gì đó về những mối quan hệ đầu đời của chúng ta. Từ gợi ý của Freud về vấn đề này tại thời điểm những năm 1890 cho đến những nhà lý luận về sự gắn bó thời hiện đại, nguyên tắc ấy vẫn đúng. Rõ ràng khi chúng ta lựa chọn bạn đời ở tuối trưởng thành, chúng ta sẽ lặp lại những quan hệ mình từng trải nghiệm khi còn bé. Những mô hình vận hành đó chi phối không chỉ lựa chọn bạn đời, mà còn cả cách chúng ta nhìn nhận về người ấy, và điều đó có liên quan đến câu hỏi của bạn ở đây. Tại sao người bạn đời mà bạn chọn lại kém cỏi đến thế? 

Có vẻ như sẽ là suy diễn quá đà khi thừa nhận rằng quan hệ của chúng ta với cha mẹ sẽ tiếp tục ám ảnh chúng ta theo những cách đặc biệt, nhưng có rất nhiều bằng chứng được thu thập từ nhiều quốc gia giờ đây đang ủng hộ quan điểm chính của lý thuyết gắn bó. Lý thuyết này khẳng định rằng cách cha mẹ đáp ứng chúng ta hằng ngày và phản ứng của chúng ta với cha mẹ về cơ bản tạo thành một mô hình hoạt động hoặc khuôn mẫu cho tất cả các mối quan hệ sau này. Freud đã tuyên bố rằng những mối quan hệ này rất quan trọng, nhưng phải cho đến những năm 1960 thì các nhà nghiên cứu mới phát hiện ra rằng các tương tác trong từng khoảnh khắc thực tế với cha mẹ khi ta còn nhỏ sẽ thiết lập vĩnh viễn các tương tác quan hệ của chúng ta.

Freud và phần lớn những người chịu ảnh hưởng của ông đều tin rằng những ảo tưởng nội tâm của con trẻ về thế giới bên ngoài đã góp phần quan trọng vào việc hình thành các khuôn mẫu quan hệ của chúng, nhưng vào năm 1960, nhà tâm thần học John Bowlby đã phá vỡ truyền thống này và khẳng định rằng chính thực tế (chứ không phải ảo tưởng) trong tương tác giữa trẻ em và cha mẹ mới là thứ tạo ra khác biệt. Ông cho rằng có một mối liên hệ gắn bó giữa người chăm sóc và đứa trẻ qua những dạng thức có ý nghĩa về mặt tiến hóa, điều thường phụ thuộc vào đặc điểm cụ thể của những tương tác đó. Quan điểm này tiếp tục được kiểm tra trong các bối cảnh thực nghiệm bởi đồng nghiệp của Bowlby — nhà tâm lý học phát triển Mary Ainsworth, người phát hiện ra rằng các mối quan hệ gắn bó có thể nằm trong ba loại sau: An Toàn, Tránh Né/Xua Đuổi hoặc Mâu Thuẫn

Cả em bé và người chăm sóc đều dự phần trong kiểu gắn bó được hình thành giữa họ, bởi vì người chăm sóc đối xử với em bé theo cách phản ánh trạng thái tâm lý và bản chất của chính họ, còn em bé sẽ phản ứng lại sự chăm sóc dành cho mình. Nhà nghiên cứu Alison Gopnik cho rằng các trẻ nhỏ chính là “Ngành Nghiên cứu và Phát triển” của loài người, bởi vì chúng liên tục kiến tạo và kiểm tra các giả thuyết để tìm ra những điều hiệu quả nhất trong thế giới mới mẻ mà chúng đang được sống. Chúng thử nghiệm mọi thứ, nhưng trước hết và quan trọng nhất là, chúng lập ra những điều cần làm để tồn tại. Chẳng hạn, nếu việc khóc lóc giúp chúng được ăn và ôm ấp vỗ về, thì khóc lóc sẽ được đưa vào trong các chiến lược khả dĩ. Nhưng nếu chúng khóc rồi mà vẫn bị tảng lờ hoặc tệ hơn –  có thể bị đánh hoặc làm cho khiếp sợ – thì khóc sẽ không còn là một chiến lược hữu dụng nữa, và đứa bé sẽ học cách giữ im lặng dù nó có muốn gì đi nữa. Theo cách này, trong một thời gian ngắn, trẻ sơ sinh sẽ thích ứng với người chăm sóc theo những cách duy trì dược mối liên kết và ít nhất là vẫn cho phép những nhu cầu tồn tại tối thiểu được thỏa mãn. 

Tất cả những điều này trở nên quan trọng đối với tuổi trưởng thành bởi những tương tác đầu đời này được mã hóa trong mạch thần kinh của bộ não. Bởi vì chúng được lặp đi lặp lại hằng ngày, và như nhà tâm lý học Donald Hebb đã nói hồi những thập niên 1940: “Các tế bào thần kinh nào nháy cùng nhau thì liên kết cùng nhau”. Điều này có nghĩa là chúng ta tạo ra các đường dẫn thần kinh nhanh nhạy với mọi thứ có liên quan đến những mối quan hệ. Trong giai đoạn từ 12 đến 18 tháng tuổi, các thói quen gắn bó của chúng ta đã trở thành quy tắc hoặc khuôn mẫu về cách nhìn nhận người khác. Chúng vận hành trong suốt đời người, trừ phi đến một lúc nào đó chúng bị can thiệp có ý thức. Chúng hoạt động trong vô thức (hoặc “ký ức hàm ẩn”) của ta như chương trình chạy nền trên máy vi tính, cũng như cho chúng ta biết chúng ta nên hành xử thế nào trong các mối quan hệ và nên mong đợi gì từ những người gần gũi với mình.

Những ngày tháng hạnh phúc

Khi cha mẹ nhạy cảm, trách nhiệm và hào phóng, trẻ sơ sinh sẽ học được rằng bộc lộ nhu cầu và mong đợi được đáp ứng là một điều tốt. Khi lớn hơn một chút, chúng nhận thấy rằng đôi lúc mình vẫn phải đợi để được thỏa mãn nhu cầu (không có cha mẹ nào là hoàn hảo), và điều đó cũng tốt thôi. Nhà phân tâm học Donald Winnicott chỉ ra rằng việc phụ huynh thỉnh thoảng không thể đáp ứng nhu cầu của trẻ là rất cần thiết, để qua đó trẻ học được cách sống trong một thế giới không hoàn hảo. Nếu các bậc phụ huynh là “đủ tốt” (phản hồi linh hoạt và nhạy cảm ít nhất 40% trong các trường hợp) thì trẻ sẽ phát triển được một cảm quan an toàn về bản thân và một sự độc lập cho phép chúng khám phá thế giới nhiều hơn. Như vậy chúng được coi là đã phát triển một kiểu gắn bó An Toàn.

“Việc làm cha mẹ không chỉ đơn giản là một tập hợp những hành vi, mà là sự tham gia vào một mối quan hệ tình cảm lâu dài và đòi hỏi giao tiếp.”

Nancy Chodorow

Bất an trong mối quan hệ  

 Tuy nhiên, khi cha mẹ không thể đáp ứng một cách dễ dàng và nhạy cảm đối với đứa trẻ, thì trẻ sẽ bắt đầu chú ý nhiều đến nhu cầu của cha mẹ hơn là đến nhu cầu của bản thân. Điều này gây ra những kiểu gắn bó không an toàn như Mâu Thuẫn và Xua Đuổi (đều đã được Ainsworth ghi nhận), và kiểu thứ tư là Hỗn Loạn, lần đầu tiên được Judith SolomonMary Main đề xuất vào những năm 1980. Khả năng cao là chính kiểu thứ tư đó sẽ nắm giữ câu trả lời vì dù ta không thể nhận định được liệu người bạn đời của bạn có phải là “kẻ kém cỏi” hay không, nhưng bạn đang ở trong một mối quan hệ với một người mà bạn cảm thấy có thể gọi là “kẻ kém cỏi”. Và bởi vì hai người trưởng thành có gắn bó An Toàn cũng sẽ có một mối quan hệ bình đẳng, trung thực, cởi mở, tin tưởng và thấu hiểu, nên họ sẽ không có xu hướng phát sinh ra loại quan điểm này. Đây là một dạng thức của mối quan hệ mà Erich Fromm (xem trang 88) khuyên chúng ta nên hướng tới – một quan hệ mà trong đó mỗi bên đều thực sự độc lập, hai người hạnh phúc và thoải mái bên nhau mà không hề có sự lợi dụng. 

Thật không may, chỉ có khoảng 50–60% dân số có thể được coi là thuộc kiểu gắn bó An Toàn, còn những người còn lại thì bất an theo cách này hay cách khác – và cùng với đó là nguy cơ sẽ nói thẳng vào mặt vợ/chồng mình những lời lẽ như “Đồ kém cỏi!”. 

Các kiểu gắn bó

An Toàn

• Tương đối dễ trở nên gần gũi với người khác

• Có xu hướng thỏa mãn trong các mối quan hệ hơn so với những người lớn không an toàn

• Cảm thấy tự tin rằng người bạn đời sẽ luôn có ở bên khi cần

• Thoải mái khi là chỗ dựa của người khác hoặc khi cần được giúp đỡ

• Các đặc trưng của mối quan hệ là dài lâu, đầy tin tưởng và cam kết, và có thể nương tựa lẫn nhau

• Mong đợi được đối xử tốt và đối xử tử tế với người khác

• Có khả năng kết nối nổi bật

Mâu Thuẫn (ở người trưởng thành, đây còn được gọi là kiểu Lo âu)

• Lo sợ rằng không được yêu thương trọn vẹn

• Dễ thất vọng hoặc nổi giận khi các nhu cầu gắn bó không được đáp ứng 

• Tiếp tục nếm trải lại những tổn thương và sự từ chối trong quá khứ theo những cách độc hại 

• Thích khiêu khích và thường phá hoại mối quan hệ  

• Có cảm giác rằng những người khác không thân thiết với mình như mong muốn

• Khao khát sự gần gũi nhưng lại nghi ngờ giá trị bản thân, do đó hoài nghi những ai chủ động thân thiết

• Đòi hỏi được đảm bảo liên tục rằng bạn đời phải yêu thương mình 

Tránh Né (ở người trưởng thành, đây còn được gọi là kiểu Tránh Né-Xua Đuổi)

• Tỏ ra không quá quan tâm đến các mối quan hệ

• Tránh né sự thân mật và xung đột

• Cảm thấy khó có thể gần gũi, tin tưởng và trông cậy người khác

• Nếu được người khác tỏ ra gần gũi, họ sẽ thấy có nhu cầu cần phải xa lánh 

• Nhìn nhận bản thân là người độc lập

• Lý tưởng hóa mối quan hệ tình cảm trước đây để người yêu hiện tại không thể “đạt chuẩn”

• Có thể đổ lỗi cho nửa kia về sự thất bại của mối quan hệ trong khi thực chất phải chịu đựng cảm giác cực độ về giá trị thấp kém của mình

Hỗn Loạn

• Gặp khó khăn trong việc hiểu được trải nghiệm của mình

• Có khuynh hướng dao động cực đoan trong mối quan hệ

• Có thể xoa dịu xáo trộn tâm lý bằng những phương thức có hại như rượu bia hoặc chất gây nghiện

• Khó tin tưởng người khác 

• Phải cố gắng mới có thể hiểu hoặc duy trì các mối quan hệ 

• Sợ phải gần gũi

• Cảm giác mình không xứng đáng với tình yêu hoặc sự hỗ trợ

• Bất chấp các quy tắc và cảm thấy rất khó để ứng xử với những nhân vật quyền lực 

• Gặp vấn đề về tiết chế cảm xúc  

Cảm giác mâu thuẫn

Nếu bạn được nuôi dạy bởi những người chăm sóc không nhất quán hoặc bảo vệ quá mức, bạn sẽ không thể nào thư thái giống như một đứa trẻ có được sự gắn bó An Toàn. Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy những đứa trẻ trong mối quan hệ kiểu đó sẽ cố gắng hết sức để duy trì sự gắn bó ấy. Chúng luôn theo sát người chăm sóc, phản ứng thái quá khi gặp rắc rối (để phát ra một tín hiệu đủ mạnh nhằm thu hút sự chú ý của người chăm sóc) và liên tục cần sự trấn an. Những đứa trẻ này được cho là có kiểu gắn bó Mâu Thuẫn. Khi trưởng thành, chúng có xu hướng kết nối với người yêu/bạn đời thông qua sự bất lực, bởi vì điều này từng có hiệu quả ở tuổi thơ. Họ có thể trông tháo vát và thành đạt, nhưng trong một mối quan hệ chính thức, họ sẽ lặp lại và dần hình thành khuôn mẫu tỏ ra bất lực, cùng với mong muốn làm hài lòng người khác.  

Những người có kiểu gắn bó này thường luôn có một cảm giác đói khát tình cảm khôn nguôi. Khao khát tình yêu đến mức tuyệt vọng, thế nhưng họ lại không thực sự tin tưởng vào nửa kia, và thường trở thành người hay đeo bám, đòi hỏi và có tính sở hữu, lúc nào cũng lo sợ rằng nửa kia sắp rời bỏ mình. Sự mâu thuẫn (bất nhất) của mối quan hệ đầu đời được họ mang vào kiểu quan hệ đẩy-kéo khi trưởng thành – họ khao khát được an toàn và đảm bảo nhưng lại làm những chuyện khiến nửa kia rời xa khỏi họ. Người này có lẽ sẽ gọi nửa kia của mình là một kẻ kém cỏi chăng? Đúng thế, trong giai đoạn hắt hủi của mối quan hệ thì có. Nếu bạn cảm thấy cần níu kéo nửa kia quay trở lại ngay cả khi bạn đã xua đuổi họ bằng lời nhận xét “kẻ kém cỏi”, thì đây có thể là tình trạng cố định của bạn: không bao giờ thoải mái trong một mối quan hệ. 

Chẳng cảm thấy gì hết

Con cái của những bậc cha mẹ không sẵn sàng thể hiện và tiếp nhận tình cảm – những bậc cha mẹ chỉ có thể chăm lo về mặt vật chất nhưng không thể cho con cái sự chăm sóc cảm xúc. Đứa trẻ đã học cách tự chăm lo cho nhu cầu của bản thân và không làm phiền người khác. Sau một thời gian, trẻ thậm chí còn ngừng quan tâm đến những nhu cầu đó, hoàn toàn không nhận thấy chúng và cũng tỏ ra thờ ơ, khẳng định rằng mình chẳng có cảm xúc nào hết. Ở tuổi trưởng thành, các mối quan hệ của những người này luôn ở tình trạng “chân trong chân ngoài”, và họ sợ sự thân mật và gần gũi. Việc thừa nhận rằng mình cần sự giúp đỡ sẽ giống như đang cầu xin người khác chối bỏ mình, hoặc như đang thú nhận đầy tủi hổ về việc không đủ tốt trên phương diện nào đó. Cảm xúc duy nhất mà họ cho phép là sự tức giận, vì nó tạo ra khoảng cách, thay vì sự thân mật. Nhà trị liệu tâm lý David Wallin gọi những người trưởng thành với kiểu quan hệ này là “sự dè chừng hủy hoại tình yêu”. Ông nói rằng họ vốn lớn lên trong một “sa mạc cảm xúc” và họ đã học được cách bảo vệ bản thân trước những cảm xúc và nhu cầu của chính mình bằng cách nghĩ tốt về bản thân và nghĩ xấu về những người khác. Trên thực tế, họ có thể muốn gọi nửa kia của họ là “đồ kém cỏi”. Quy tắc ở đây là phải giữ khoảng cách bằng mọi giá. Phải chăng đây là kiểu gắn bó của bạn?

“Đằng sau mặt nạ của sự thờ ơ là nỗi khổ đau không đáy, và đằng sau sự nhẫn tâm, là nỗi tuyệt vọng”

John Bowlby

Cảm thấy sợ hãi

Kiểu gắn bó thứ tư, Hỗn Loạn, mô tả một mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái kiểu vừa yêu vừa ghét, nhưng cũng gây nguy hiểm, nên đứa trẻ vừa muốn đến gần cha mẹ vì những lý do sinh tồn, nhưng đồng thời lại cảm thấy sợ hãi khi gần cha mẹ vì họ bị xem là mối đe dọa cho sự tồn tại của chúng. Khi trở thành người lớn, đứa trẻ ấy muốn gần gũi với người khác, nhưng cũng sợ bị tổn thương. Họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc của mình, vì khi còn bé, họ không được ai giúp đỡ cả. Do đó, tâm trạng và hành vi của họ cũng khó đoán giống như của cha mẹ của họ vậy. Liệu người này có thể coi nửa kia của mình là “kẻ kém cỏi” hay không? Có chứ. Nhưng họ có dám thẳng thắn không? Có lẽ là không, ngoại trừ trong những thời điểm bất ổn mà mối quan hệ này sẽ thường xuyên sa vào. Hoặc trong tâm trí họ, nơi lời phán xét có thể lộn ngược vào nội tâm như một lời tự chỉ trích đau đớn. 

Bây giờ thì tôi lại đang lo lắng về chính mình hơn… 

Tin tốt là ta có thể “đạt được” (trích lời các nhà trị liệu tâm lý) kiểu gắn bó An Toàn. Điều này có nghĩa là bằng sự quyết tâm, sự tự ý thức đầy can đảm, lòng trung thực, sự đầu tư công sức và phản hồi tích cực từ những người có mối quan hệ mật thiết với chúng ta (bao gồm cả nhà trị liệu tâm lý), khuôn mẫu ban đầu có thể được nhận diện, tháo gỡ và tái cấu trúc. Với sự hiểu biết sâu sắc mà điều này mang lại, cũng như một cảm nhận mạnh mẽ hơn về bản thân, sẽ không có ai trong chúng ta xem người khác là “kẻ kém cỏi” nữa cả.  

Cứ như thể là bạn từng cho rằng mình “trên cơ” hay “dưới cơ” so với nửa kia của mình với lý do duy nhất là những “lập trình tâm thức cũ”, và bây giờ bạn đang đưa mối quan hệ về bình đẳng. Cuối cùng, bạn sẽ có một quan điểm rõ ràng về thế giới và nhận ra rằng, bạn thực sự ổn, bất kể người khác có nghĩ gì hay làm gì. Giống cách mà nhà trị liệu tâm lý Eric Berne sẽ nói, chúng ta đang hướng tới một thái độ rằng “Tôi ổn, bạn cũng ổn”. Nhiều người trong chúng ta đang vật lộn với di chứng từ quá khứ riêng và những thách thức của hiện tại, nhưng chúng ta sẽ biết rằng tất cả đang cùng tiến bộ khi tất cả đều có thể nhất trí rằng chẳng có ai là “kẻ kém cỏi” cả.    

Những lý thuyết chính

Lý thuyết gắn bó – John Bowlby và Mary Ainsworth  

Cha mẹ “đủ tốt” – Donald Winnicott

 

Bài viết trích từ cuốn Ơn giời, Freud trả lời - Lời khuyên từ những nhà tâm lý trị liệu hàng đầu - tác giả Sarah Tomley

Đặt sách: https://www.fahasa.com/on-gioi-freud-tra-loi.html?attempt=1

menu
menu