Tiến thoái lưỡng nan ở trong thiền

tien-thoai-luong-nan-o-trong-thien

Cái gai trong suy nghĩ của mọi người đó là, “Nếu ta không dính mắc vào thứ gì và không khao khát thứ gì thì làm quái nào ta có thể làm gì ra hồn được?”

Tôi vừa nhận được một email thú vị từ một người bạn hôm nay. Anh vừa bước chân vào cửa thiền và đã đụng phải những chướng ngại mà mà nhiều người đã gặp:

“Tôi đang đọc sách của Eckhart Tolle về Sức Mạnh của Hiện Tại và một lần nữa nó đưa đến cho tôi những thắc mắc về lý Thiền. Tôi nghe nói anh đã thực hành thiền trong khoảng thời gian khá lâu và tôi muốn anh giúp làm sáng tỏ một số thứ.

“Thiền học trái ngược hoàn toàn với những triết lý mà tôi dày công nghiên cứu, nhưng một điều vẫn không rõ ràng đó là liệu Thiền học có nhất quán hay không? Một trăn trở của tôi về lý Thiền nói là lang thang trong quá khứ hay vị lai sẽ làm lung lay chánh niệm của một người, cho dù suy nghĩ đó là về những điều tích cực đi chăng nữa. Tolle nói rằng: Ý tưởng về một thiên đường trong tương lai chính đã tạo ra địa ngục trong hiện tại. Chỉ là một sự liên tưởng thôi thì có đến nỗi nghiêm trọng vậy không? Giả sử tôi không thèm nghĩ về quá khứ lẫn tương lai, liệu tôi có trở thành một kẻ thờ ơ, lãnh đạm không?”

Tôi hành thiền năm tôi lên 16. Tôi đã rất hứng thú và đọc rất nhiều về tâm linh và triết lý phương Đông ở phổ thông và đại học. Tôi ít khi luận bàn hay viết về những sự thực hành tâm linh bởi tôi tin rằng những trải nghiệm tâm linh thì, theo định nghĩa, không thể cân đo đong đếm được và vì vậy cực kì khó khăn để đặt thành câu chữ. Những trải nghiệm này cũng mang tính cá nhân nên tôi khá ngại bàn về chúng.

Như đã nói, đây là tình trạng tiến thoái lưỡng nan thường thấy với những người vừa mới tiếp xúc với Thiền và triết lý phương Đông - rằng lý luận về sự “vô nhiễm” không hoàn toàn thực tế hay thực hành được trong xã hội hiện đại. Bạn nên nhớ rằng những triết lý này đã được xây dựng hàng ngàn năm trước khi xã hội có ít nhu cầu và cuộc sống cũng đơn giản hơn. Vì vậy, ý tưởng về đi tìm một hang động và ngồi ở đó nhìn bức tường trong 9 năm trời không còn phù hợp nữa.

Cái gai trong suy nghĩ của mọi người đó là, “Nếu ta không dính mắc vào thứ gì và không khao khát thứ gì thì làm quái nào ta có thể làm gì ra hồn được?” Quỷ thật! Làm sao Tolle có thể viết ra những cuốn sách 300 trang mà vẫn hoàn toàn không dính mắc gì đến tương lai? Chả lẽ ông ta chỉ nhìn chằm chằm cái máy tính và cười mỉm?

Vấn đề đến từ định nghĩa của “chấp” (attachment). Nhiều người nói rằng nó có nghĩa là muốn hoặc khao khát thứ gì đó. Đây là khởi điểm của việc các bạn, những người đang sống bình thường trong xã hội, bỏ hết tài sản và cuốn gói đến Tây Tạng. Đây cũng là lý do tôi cảm thấy không được thoải mái trong những cộng đồng tâm linh mà tôi tham gia, bởi vì tôi nghĩ họ đều sai ở ngay đúng một điểm, chỉ là về những hướng trái khác nhau.

Trớ trêu thay khi ta chủ động không để bản thân bị ràng buộc thì chính hành động đó là một sự ràng buộc. Khao khát để thoát khỏi cái muốn cũng là một loại khao khát. Buông bỏ suy nghĩ vẫn là một loại suy nghĩ. Xuôi theo cảm giác vẫn là một loại cảm giác. Tôi nghĩ rằng đa số mọi người (thông minh) bị triết lý phương Đông làm cho rối rắm đều linh cảm được điều này từ những bước đầu tiên. Và sự thật thì…

Ngay từ định nghĩa về sự khao khát và sự ràng buộc, nếu bạn không hiểu thì bạn “tạch”, nếu bạn hiểu tức là bạn đã được “đả thông”. 

Cái vòng luẩn quẩn: chấp vào cái ”vô chấp” (unattached) vẫn là một loại chấp. Cái chấp đó là cái chấp vào “sự hư vô”.

Một lời giải thích xác đáng hơn đó là không phải vấn đề ở thứ bạn muốn hay thèm khát mà là những thứ bạn sợ sẽ bị mất. Trong cuộc sống, mọi thứ đều sẽ bị mất. Tất cả mọi thứ. Ở giai đoạn nào đó, mọi thứ sẽ ra đi, và vì vậy dù sở hữu bất kì thứ gì đi nữa, chúng ta đều phải sẵn sàng để chấp nhận sự ra đi đó.

Bạn biết câu nói này không: “Bạn không thực sự có thứ gì cho đến khi bạn sẵn sàng để mất nó”. Tương tự như vậy.

Vấn đề không phải là làm hay không. Bạn làm hay không làm chỉ tạo nên lớp vỏ bên ngoài của bạn. Tất cả nằm ở việc bạn ý thức được bản ngã bao nhiêu.

"Sống trong hiện tại” không có nghĩa là bỏ mặc quá khứ hay tương lai. Điều đó thật ra là không thể, bởi vì hành động suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai đang xảy ra trong thời điểm hiện tại. Và bạn cũng không thể không ở hiện tại. Điều cần thay đổi đó là cách mà bạn nhận ra bản thân. Hay nói đúng hơn, cách mà bạn nhận thức bản ngã của bạn.

Đó là về mở rộng tầm nhìn của bạn, mở rộng ra ngoài những phần bạn vẫn thường hay cho là có triển vọng ở nơi bạn. Hãy nhận ra rằng bạn có rất ít ảnh hưởng và rất ít hiểu biết về, chà, bất kì thứ gì trên thế giới này, và bạn cũng sẽ dễ dàng buông bỏ và khiếm tốn trước mọi thứ. Hãy có những hoạch định sự nghiệp cho riêng mình, những suy nghĩ và những ý tưởng, hi vọng và ước mơ, nhưng đừng dán chặt bản ngã vào nó theo cách mà nếu bạn không đạt được những điều đó bạn sẽ rất đau khổ.

Hãy nhớ đến những kí ức và tận hưởng những khoảnh khắc đó nhưng đừng để quá khứ “định nghĩa” bạn. Dĩ nhiên là nói thì dễ hơn làm rất nhiều

Điều tôi đang cố giải thích đó là bạn hãy nhận ra mọi thứ chỉ là một trò chơi mà bạn đang chơi, trò chơi có tên là “Cuộc sống”. Tôi không muốn suy diễn quá xa, nhưng sự thật: Cuối cùng thì những thứ “ta là ai” và “ta làm gì” đều là một mối tương quan chung to lớn của ý thức nhưng được thể hiện với vẻ ngoài có vẻ như chẳng liên quan gì với nhau. 

Đa số mọi người không nhận ra đây chỉ là một trò chơi. Và kết quả là chúng ta bị cuốn trôi theo sự thăng trầm của cuộc chơi.

Nhưng có những người dần dần nhận thức được cuộc chơi này. Có những người nhận ra bằng cách từ chối không chơi. Một số người nhận ra khi đã bị loại. Một số người nhận ra khi họ tạm dừng và chiêm nghiệm về nó. Những người khác hiểu được khi chứng kiến những người bị loại trước mắt họ. Nhưng cuối cùng thì, vì bất cứ lí do nào đi nữa, họ sẽ nhận ra đó chỉ là một trò chơi. Và vì nó là một trò chơi, họ chẳng còn lí do để lo lắng hay e sợ lúc nào nữa, bởi nó chỉ là một trò chơi. Và dù ai thắng hay bại cũng chẳng quan trọng bởi vì cuộc chơi này rồi cũng sẽ đến lúc sang ván mới.

 

Dịch: Yue Ying

Nguồn: https://markmanson.net/the-zen-dilemma

menu
menu