Trải nghiệm xo-ma (Somatic Experiencing) - Vượt qua sang chấn tâm lý bằng cơ thể

trai-nghiem-xo-ma-somatic-experiencing-vuot-qua-sang-chan-tam-ly-bang-co-the

Trải nghiệm xo-ma tập trung vào những phản ứng sinh lý xảy ra khi một người nào đó trải nghiệm hoặc nhớ lại một sự kiện sang chấn hoặc quá sức chịu đựng, trong cơ thể của anh/cô ấy, hơn là chỉ thông qua những suy nghĩ hoặc cảm xúc có liên quan với nó.

Daniel – Nhìn cuộc đời dưới 2 chiều kích

Khi gặp Daniel, một người đàn ông ngoài 60 tuổi đang mắc các triệu chứng của lo âu, cực kì thận trọng, khó tin tưởng người khác, và thường xuyên bị trầm cảm. Những triệu chứng này gây tổn hại đến chất lượng cuộc sống của ông ta, đặc biệt là mối quan hệ quan trọng, nơi Daniel gây ra quá nhiều cuộc cãi vã.  

Như nhiều người khác, Daniel có quá khứ bị sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu. 

Vài tuần sau trị liệu, ông ta tiết lộ rằng ông không có được tri giác sâu (depth perception)—Daniel chỉ nhìn sự việc ở hai chiều kích — nhưng rất thích chụp ảnh 3D, nơi ông có thể thực sự nhìn mọi vật với chiều sâu, nhìn các bức tranh và thấy các mô hình 3-D hiện lên. Đấy là một biểu hiện kỳ lạ; rõ ràng là Daniel có khả năng tri giác sâu, vì vậy hẳn phải có một nguyên nhân khác ngoài nguyên nhân sinh học đang gây trở ngại cho thị lực ông ấy.

Khi tiếp tục trị liệu, một trong những sang chấn đầu đời tác động đến: chứng kiến cha tự tử khi ông mới 4 tuổi. Nguyên nhân của cái chết chưa bao giờ được nói với ông và mẹ ông không có khả năng bảo vệ ông hoặc mang lại sự chăm sóc và thoải mái. Nhưng khi Daniel tái-xử lý trải nghiệm của ông về hành động tự sát của cha, ông đột nhiên nhận ra khả năng tri giác sâu của ông đã quay lại. Có một dạo, ông có cảm tưởng như mình bất ngờ sống trong một thế giới khác, một nơi thú vị mà những sự vật, con người và cây cối ở đó đều khác thường.  

Sang chấn xảy ra. Kéo theo các triệu chứng. Tất cả các loại triệu chứng.

Chúng ta chỉ dần nhận ra mọi người thuộc đủ mọi hoàn cảnh có thể mắc phải các triệu chứng của Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Ta đều biết rằng các sự kiện sang chấn như chiến tranh, những vụ tai nạn nghiêm trọng, hoặc hiếp dâm có thể dẫn đến PTSD, dù chúng ta có thể không hiểu nguyên do tại sao. Nhưng trên thực tế, bất cứ thứ gì bị xem như mối đe dọa đến sự sống còn hoặc sức khỏe của chúng ta có thể tạo ra các triệu chứng giống như PTSD và tác động tiêu cực đến các mối quan hệ và hoạt động hằng ngày của chúng ta. Và chúng ta có thể không nhận ra những gì chúng ta đang gặp phải là triệu chứng của PTSD. 

Daniel bị sang chấn tâm lý khi còn bé và các triệu chứng xuất hiện ở các dạng tâm lý rõ ràng, chẳng hạn như trầm cảm và lo âu, nhưng cũng ở dạng rối loạn thị giác suốt đời.

Tương tự thế, những vấn đề về tình dục có thể nảy sinh do hậu quả của sang chấn, đặc biệt là nếu một người từng bị tấn công tình dục không thể tránh được, chẳng hạn như lạm dụng tình dục, hiếp dâm hoặc loạn luân. Nhưng, những khó khăn này có thể xuất hiện từ những sự kiện sang chất ít rõ ràng hơn, chẳng hạn như những sự kiện thời thơ ấu tiêu cực lặp đi lặp lại trong gia đình, ở trường hoặc với bạn bè. Đôi khi, đó là về cảm giác khác biệt với mọi người, chẳng hạn như khi một đứa trẻ lớn lên trở thành người lưỡng tính, đồng tính hoặc chuyển giới mà thiếu sự hỗ trợ cho danh tính đó.

Nếu như quá nhiều thứ có thể đưa đến rất nhiều kiểu triệu chứng, vậy thì điều gì thực sự định nghĩa sang chấn?

Một định nghĩa đơn giản đó là: bất cứ thứ gì đến quá nhiều, quá sớm hoặc quá nhanh khiến cho hệ thần kinh của chúng ta không thể xử lý, đặc biệt nếu chúng ta không thể tìm ra được một giải pháp hữu hiệu. Lưu ý rằng khi chúng ta nói về sang chấn, hoặc sang chấn về tình dục, nó không ngụ ý rằng sang chấn dẫn đến sự suy sụp hoàn toàn ở tuổi trưởng thành; nó đơn giản chỉ là một sự suy giảm khả năng thỏa mãn hoặc khoái cảm về thể xác hoặc cảm xúc.  

Nhưng, tại sao những người khác nhau có thể trải qua những sự kiện tương tự nhưng với các kết quả khác nhau? Và quan trọng hơn, chúng ta có thể làm gì để chữa lành các hậu quả của những trải nghiệm sang chấn đó? Hay là chúng ta phải chấp nhận những chuyện đã xảy ra và học cách chung sống với các triệu chứng của mình?

Cho đến gần đây, các phương pháp điều trị sang chấn hiện đại là liệu pháp tiếp xúc (exposure therapy) và những dạng khác nhau của giải mẫn cảm (desensitization), bản thân chúng có thể khó thực hiện, thậm chí là quá sức chịu đựng. Liệu có phương cách nào khác để giải quyết những triệu chứng khuyết tật mà không cần phải trải qua một liệu pháp không thoải mái, gây khó chịu như các triệu chứng đã khiến chúng ta phải tìm kiếm sự trợ giúp ngay từ đầu không?

Trải nghiệm xo-ma

Điều thực sự cần phải xảy ra là không chỉ đối mặt với nỗi đau bằng hàm răng nghiến chặt. Thay vào đó, sau khi bị sốc bởi một thứ gì đó khiến chúng ta mất cân bằng, mất kiểm soát — dù là một khoảnh khắc trước hay nhiều thập kỷ trước—hệ thần kinh của chúng ta cần phải được “thiết lập lại”. Daniel nhận được sự trợ giúp của một kiểu trị liệu gọi là trải nghiệm xo-ma (Somatic Experiencing (SE)), đó là một cách tiếp cận toàn diện để thiết lập dòng chảy tự nhiên này giữa tâm trí và cơ thể.

 Được phát triển bởi tiến sỹ Peter A. Levine, trải nghiệm xo-ma được rút ra từ nhiều ngành khác nhau để giải quyết yếu tố sinh lý của stress và sang chấn. Tiến sỹ Levine tò mò trước thực tế rằng những động vật hoang dã không bị sang chấn tâm lý bởi cuộc sống luôn phải đối mặt với cái chết của chúng, trong khi ấy con người thì có thể bị chấn thương tâm lý bởi những sự kiện dường như tầm thường, không quan trọng đối với nhiều người trong chúng ta.   

Điều ông nhận ra đó là động vật sẽ hoàn thành toàn bộ chuỗi phản ứng trước nguy hiểm, bằng cách chú ý, nhận ra, phản ứng, và phục hồi sau mối đe dọa, nguy hiểm. Nhưng còn người thường làm gián đoạn nó. Khi gặp nguy hiểm, động vật sẽ tăng cường và tiêu tốn một mức năng lượng khổng lồ cung cấp “nhiên liệu” để thoát khỏi nguy hiểm. Tiến sỹ Levine quan sát thấy, một khi con vật đã thoát được mối nguy hiểm, nó phóng thích nguồn năng lượng dư thừa qua cơ thể. Cơ thể quay về lại trạng thái ban đầu bằng cách cho phép xả hóa chất di chuyển qua hệ thần kinh—ví dụ bằng cách run rẩy, rung lắc, giũ lông, nhảy chụm bốn vó, hoặc chạy xa hơn mức cần thiết chỉ đơn giản là để thoát khỏi thú săn mồi, giúp chúng dễ dàng thoát khỏi trạng thái kích động sau trải nghiệm kinh hoàng ấy—cài đặt lại tâm trí và cơ thể và chuẩn bị cho thử thách tiếp theo. 

Cài đặt lại nhịp điệu của hệ thần kinh

Áp dụng hiểu biết này cho con người, tiến sỹ Levine mô tả trong cuốn sách của ông Waking the Tiger and In an Unspoken Voice (Tạm dịch: Thức tỉnh mãnh hổ – Chữa trị sang chấn), trải nghiệm xo-ma tập trung vào những phản ứng sinh lý xảy ra khi một người  trải nghiệm hoặc nhớ lại một sự kiện sang chấn hoặc quá sức chịu đựng, trong cơ thể của anh/cô ấy, hơn là chỉ thông qua những suy nghĩ hoặc cảm xúc có liên quan với nó.

Lý do để làm điều này nhằm để phục hồi lại chu kỳ bình thường giữa sự nghỉ ngơi và cảnh giác của hệ thần kinh. 

  • Sự phấn khích là khi chúng ta bị kích thích về phương diện nào đó, cho dù là cảm thấy vui thích hay là phản ứng với mối nguy hiểm.  
  • Sự lắng xuống cho phép các trạng thái yên tĩnh cần thiết cho việc tiêu hóa, nghỉ ngơi và hồi phục. Sự lắng xuống này cũng cho phép chúng ta chuẩn bị cho lần tiếp theo khi ta cần phản ứng, nhưng với một yêu cầu về năng lượng mới.
  • Chu kỳ này vận hành suôn sẻ, lên và xuống, khi các chức năng của chúng ta hoạt động tốt.  

Khi bất cứ phần nào của chu kỳ bình thường này bị làm gián đoạn, nguồn năng lượng (xấu) bị ‘mắc kẹt’ trong cơ thể chúng ta. Khi đó chúng ta không thể dao động dễ dàng giữa các trạng thái cường độ khác nhau. Và cái gánh nặng bị mắc kẹt trong hệ thống của chúng ta có khả năng bị kích hoạt khi trong tương lai chúng ta gặp phải các sự kiện, những con người hay sự vật gợi nhắc cho ta về trải nghiệm trước đây chưa từng được xử lý rốt ráo. Do đó, cuộc sống trong hiện tại của chúng ta bị tô màu bởi quá khứ của ta, thường theo một cách tiêu cực, và khi quá khứ xen vào, chúng ta không thể hiện hữu trọn vẹn trong hiện tại.  

Liệu pháp xo-ma này yêu cầu bản thân phải tái tạo cảm giác kích thích trong một môi trường không hề nguy hiểm. Khi tôi bị lo lắng kéo dài, chuyên gia trị liệu của tôi đề nghị tôi tập theo bài Giải phóng cơn đau, bao gồm một chuỗi các động tác được tạo ra bởi David Berceli, giúp cơ thể không còn mệt mỏi và làm dịu đi các chấn thương cơ bắp. Bài tập này tập trung vào việc ép các nhóm cơ phải hoạt động hết mức thông qua động tác như ngồi dựa lưng vào tường – động tác sẽ gây ra sự rung lắc mạnh cho người tập. Bercelo tin rằng sự chấn động này, cũng giống như phản ứng ở động vật hoang dã sau khi bị tấn công, có thể hóa giải những căng thẳng mãn tính hoặc chữa lành những chấn thương nặng. Ngoài ra trong một cuộc điều tra, những người tham gia với chứng bệnh lo âu, sau khi trải qua bài tập, đã thuật lại rằng họ cảm nhận được “những cảm xúc tích cực hơn đối với bản thân và tự tin hơn nếu phải đối phó với nghịch cảnh.”

Shanna Donhauser, nhà trị liệu tâm lý cho trẻ nhỏ và những cặp đôi mới lên chức cha mẹ ở Seattle, nói rằng có nhiều hoạt động giúp giải tỏa rất đơn giản như la hét hoặc đấm vào gối. Cô ấy gợi ý cho khách hàng lớn tuổi nên học theo lũ trẻ và thể hiện cảm xúc của mình. Danhauser nói rằng: “Trẻ nhỏ thường rất giỏi thể hiện cảm xúc tiêu cực nhưng cha mẹ lại vô tình ngăn cản chúng bằng cách khuyên chúng bình tĩnh lại. Khi cha mẹ đề nghị con cái đánh vào gối hoặc la hét, thậm chí khuyến khích chúng thể hiện cảm xúc thật để giải phóng năng lượng, chính là họ đang khai thác bản năng của chúng ta theo cách hoàn toàn mới mẻ.”

Thử làm những việc điên rồ như chơi tàu lượn hay xem phim kinh dị cũng có hiệu quả trong việc giải tỏa cảm xúc. Nghiên cứu chỉ ra rằng đẩy bản thân vào nguy hiểm có thể giúp bạn rất nhiều nhờ việc tái cấu trúc lo âu thành cảm xúc tích cực. Giải phóng adrenaline trong môi trường được kiểm soát sẽ khiến bạn nghĩ rằng dù có đang ở trạng thái nguy hiểm thì thật ra, bạn vẫn đang an toàn.

Sang chấn và Tình dục

Còn ví dụ minh họa nào sinh động hơn cho chu kỳ thông thường của sự phấn khích và sự lắng xuống hơn biểu lộ tình dục lành mạnh? Tình dục, khi nó hoạt động bình thường, là một kinh nghiệm được trải nghiệm trọn vẹn! Người ta tận hưởng tình dục không chỉ trong trí óc mà còn trong thân thể, nơi trú ngụ của các cảm giác. Nhưng sự né tránh tình dục, sợ kích thích và thiếu ham muốn tình dục thường gắn kết chặt chẽ với sang chấn. 

Kaitlyn – Tình dục nhưng thiếu thân mật

Những nạn nhân của sang chấn có thể sợ bị người khác đụng chạm. Họ có thể cảm thấy mất kiểm soát trong các tình huống thân mật gần gũi, điều này có thể giải phóng những cảm giác sợ hãi. Bộc lộ cảm xúc, khôi phục lại những phản ứng chạy trốn bình thường, tạo dựng khả năng tin tưởng vào người khác, và nắm bắt được một ý thức cá nhân có thể khôi phục cả cơ thể, và ranh giới, sự thấu hiểu. Chúng ta bắt đầu nhận diện các cảm giác và lưu ý đến những cảm giác khoái lạc. Chúng ta tìm được cảm giác hỗ trợ cho các lựa chọn của chúng ta cả từ bên trong và từ môi trường. Chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi thể hiện sự tự tin thoải mái và hiểu rõ về khả năng của bản thân. 

Sau một thời gian dài bị cha ruột loạn luân (bao gồm cả lạm dụng thể xác và tinh thần) từ 6 đến 11 tuổi, một phụ nữ trẻ tên là Kaitlyn đang lo lắng đối phó với những con quỷ khi xưa bằng cách nỗ lực hợp nhất khả năng trải nghiệm tình dục một cách trọn vẹn và theo cách không bị ràng buộc bởi các phản ứng tiêu cực trước đây.

Để sống sót khi còn là 1 đứa trẻ, Kaitlyn tách mình ra khỏi những biến cố kinh hoàng, tạo khoảng cách giữa bản thân với sang chấn mà cô là đối tượng. Với sự hỗ trợ nhẹ nhàng và từ từ của nhà trị liệu, Kaitlyn bắt đầu đánh thức lại cơ thể của cô để ‘cảm nhận’ một cách trọn vẹn hơn. Từ từ, cô dấn thân vào hành trình mời gọi các bộ phận trên cơ thể ý thức trọn vẹn và khả năng đạt được khoái cảm thực sự. 

Trị liệu xo-ma cho phép Kaitlyn hợp nhất từng trải nghiệm cơ thể mới mẻ một cách trọn vẹn, trước khi thêm vào lớp thông tin tiếp theo. Nó giống như chơi “các khối Lego” để tạo ra các cấu trúc mới, những khả năng không bị buộc chặt với hình ảnh tiêu cực nhưng có những liên kết mới và rõ ràng. Tiếp theo, cô ấy được mời đưa ra quyết định khi nào cô ấy sẵn sàng hành động, chờ đợi một mức độ thoải mái nào đó với mỗi bài tập trước khi tiếp tục. Bằng cách hợp nhất từng khía cạnh của nhận thức, Kaitlyn phát triển một cách thức mới mẻ để hiểu được sự đụng chạm và tiếp cận tính dục của cô một cách đầy đủ hơn. 

Kaitlyn đã khám phá ra một khả năng mới để trải nghiệm và biểu lộ sự thân mật.

Chiến đấu, Chạy trốn hay Đóng băng?

Trong mọi tình huống, dù có bao hàm tình dục hay không, nơi mà có (hoặc khả năng có) một mối đe dọa đến sức khỏe, hạnh phúc của chúng ta, điều quan trọng phải hiểu rằng chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phản ứng, và chúng ta chỉ có 3 phản ứng cơ bản: chiến đấu, chạy trốn hoặc đóng băng.

Những phản ứng bảo vệ bản thân này xuất hiện khá nhanh và một cách tự động, đến từ những phần sâu xa và nguyên thủy của bộ não. Không có gì quan trọng hơn sự sống còn. Phản ứng đầu tiên thường là chạy trốn, tìm cách trốn thoát.  Nếu điều đó không khả thi (hay chúng ta đã học được điều này từ quá khứ rằng nó sẽ không có hiệu quả), thì khi đó chúng ta sẽ lao vào chiến đấu. Cuối cùng—và chỉ khi nào cả hai cách này đều vô tác dụng—thì hệ thống của chúng ta sẽ bị tê liệt, đóng băng. Khi chúng ta đóng băng, hệ thần kinh của chúng ta đang làm 2 việc: đó là “giả chết” để hy vọng rằng nguy hiểm sẽ qua đi mà không chú ý nhiều đến chúng ta, và hệ thần kinh ngừng hoạt động tới mức độ nếu nguy hiểm không qua đi thì chúng ta sẽ không cảm thấy đau đớn hoặc khổ sở đang đến.

Điều này diễn ra một cách tự động. 

Điều khác biệt giữa “đóng băng” với “chiến đấu” và “bỏ chạy” chính là trạng thái đóng băng không dễ dàng gỡ bỏ khi tình trạng căng thẳng kết thúc (khác với động vật vì chúng có thể run hoặc lắc cơ thể). Khi không được giải tỏa, chấn thương sẽ giống như bị kẹt trong hệ thần kinh. Các biểu hiện của sang chấn như nhịp tim tăng cao, thở gấp, thân nhiệt thay đổi, lo âu, mất ngủ, sợ hãi, xấu hổ, cảm thấy có lỗi) không phải được gây ra bởi lí do ban đầu của sự căng thẳng ức chế mà chúng bắt nguồn từ phần năng lượng thừa không được giải quyết và giải tỏa.

Thoát khỏi thứ đang bị mắc kẹt

Từ góc nhìn của trải nghiệm xo-ma, chúng ta hiểu rằng những triệu chứng này đơn thuần chỉ ra sự kích hoạt chưa được xử lý hoặc năng lượng bị “mắc kẹt” trong cơ thể. Chúng ta muốn xử lý những triệu chứng đó. Bằng cách chú ý đến những gì xảy ra và cho phép cảm nhận những xung lực bảo vệ bản thân một cách tự nhiên đó, đôi khi với nhận thức về các chuyển động vi mô cho phép cơ thể cảm nhận trọn vẹn khả năng bảo vệ bản thân nó, chúng ta trải nghiệm được thực tế rằng nguy hiểm đã qua và chúng ta cuối cùng có thể an ổn, hoàn tất toàn bộ chu kỳ. 

Bây giờ ta hãy quay lại với Daniel, người đàn ông đã đánh mất nhận thức sâu sắc khi còn bé. Khi mới 4 tuổi, người đàn ông này đã phải gánh chịu một sang chấn tâm lý khủng khiếp — hành động tự sát của cha ông. Hậu quả của sang chấn là hệ thần kinh của Daniel tê liệt, và thị lực của ông bị biến đổi về mặt tâm lý, đi cùng với sự thay đổi trong khả năng tri giác sâu của ông. Daniel không được cung cấp thông tin, không được bảo vệ và chăm sóc để giúp ông tích hợp những chuyện đã xảy ra, và ông cũng không thể thoát khỏi hoàn cảnh gia đình mình. Kết quả là, người đàn ông này mất đi tri giác sâu trong gần 61 năm, và ông đã phục hồi được nó bằng cách trải nghiệm lại sang chấn đầu đời theo cách cho phép ông nhìn rõ nó, cảm nhận nó và vượt qua nó.

Đến cuối quá trình trị liệu kéo dài 3 năm của Daniel, ông không còn bất kỳ triệu chứng lúc đầu nào nữa. Các mối quan hệ của ông ấy đã cải thiện đáng kể và chất lượng cuộc sống của ông tăng lên rõ rệt. Trong khi việc trị liệu chỉ tập trung vào một mẫu nhỏ của các sự kiện sang chấn mà người đàn ông này phải chịu đựng.

Khi trị liệu kết thúc, Daniel xem xét lại danh sách các sang chấn tâm lý ban đầu và không còn sót lại bất kỳ gánh nặng nào.

Dần dần, chúng ta biết được điều gì là an toàn và điều gì không, và chúng ta có khả năng hiện hữu trong hiện tại và trong cơ thể của chúng ta. Chúng ta có một sự tò mò để khám phá các cảm giác mà không tránh né hoặc đánh giá. Chúng ta trở nên kiên cường hơn và chúng ta bắt đầu tin tưởng rằng chúng ta có thể lèo lái cuộc đời mình vượt qua những điều khó chịu. Sự chữa lành diễn ra, các triệu chứng biến mất, và chúng ta có được sự tự do trong cuộc sống hằng ngày, trong hiện tại mà không bị can thiệp từ quá khứ. 

Trải nghiệm xo-ma giúp chúng ta học cách chú ý đến những gì đang diễn ra bên trong và đảm bảo rằng ta đã xử lý hết những năng lượng xấu —giống như việc giặt đồ của chúng ta—và quần áo bẩn không còn chất thành đống nữa!

Trong cuốn “Thức tỉnh mãnh hổ – Chữa trị chấn thương”, Peter Levine viết: “Sang chấn liên tục sinh ra các sang chấn khác, nó có thể truyền từ đời này sang đời khác, từ cá nhân cho tới cả cộng đồng và vượt qua khỏi phạm vi một nước cho đến khi chúng ta ngăn chặn sự lan truyền của nó”. 

Để biết thêm thông tin

Chúng tôi hy vọng rằng mô tả ngắn gọn về Trải nghiệm xo-ma này đã khơi dậy sự quan tâm của bạn đọc trong việc tìm hiểu thêm về cách thức mà trải nghiệm xo-ma có thể giúp bạn hoặc người thân yêu vượt qua các triệu chứng suy nhược khi sống cùng sang chấn.

Như Tiến sỹ Levine đã viết, “Sang chấn là một thực tế của cuộc sống. Tuy nhiên, nó không phải là một bản án chung thân.” Để biết thêm thông tin, hãy ghé thăm trang www.traumahealing.org, bạn sẽ tìm thấy mô tả về khóa đào tạo trải nghiệm xo-ma và một danh sách của những nhà thực hành trị liệu trải nghiệm Xo-ma trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam thì mình mới biết có tiến sỹ Lê Nguyên Phương, đã hoàn tất chứng chỉ thực hành điều trị tâm lý bằng liệu pháp Chánh niệm Nhận thức [Mindfulness-Based Cognitive Therapy] và chứng chỉ cao cấp liệu pháp Thân nghiệm [Somatic Experiencing]. Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100006037394935

Một bài báo được xuất bản gần đây của Payne, Levine và Crane (“Trải nghiệm xo-ma: Sử dụng nhận thức bên trong và khả năng tự cảm như những thành phần cốt lõi của trị liệu sang chấn tâm lý,” có sẵn trên mạng http://journal.frontiersin.org/Journal/10.3389/fpsyg.2015.00093/full) mô tả từ quan điểm khoa học về các thành phần của trải nghiệm xo-ma và cách nó hoạt động. 

 

Về các tác giả:

Roger Saint-Laurent, Psy.D, SEP, CGP là một nhà tâm lý học lâm sàng có văn phòng ở cả thành phố New York và Westchester, NY. Tiến sỹ Saint-Laurent thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Trang web của ông là www.DrSaintLaurent.com.

Sharlene Bird, Psy.D, SEP, là một nhà tâm lý học lâm sàng và trị liệu tình dục thực hành tại thành phố New York. Tiến sỹ Bird thông thạo tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Yiddish. Trang web của bà là www.DrSBird.net

Cả hai tác giả đều muốn cảm ơn Peter J. Taylor, Tiến sĩ, SEP, CGP, FAGPA vì sự hỗ trợ biên tập của ông. Trang web của ông ấy là www.DrPeterTaylor.com.

 

Nguồn:

https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-intelligent-divorce/201503/somatic-experiencing

https://medium.com/s/story/to-calm-down-try-calming-up-instead-86ebdceb7c1c

menu
menu