Trị liệu ACT - Bạn không phải là những ý nghĩ của bạn

tri-lieu-act-ban-khong-phai-la-nhung-y-nghi-cua-ban

3 nghi thức chánh niệm mang lại hạnh phúc

Tại sao hạnh phúc mãi mãi là điều quá khó ? Vì sao cuộc sống của chúng ta không giống như những gia đình hạnh phúc trong quảng cáo bảo hiểm và ít giống cuộc sống của những người đang đòi bồi thường bảo hiểm?

Vậy nghiên cứu cho biết điều gì sẽ làm ta hạnh phúc hơn? Chánh niệm. Nó bắt nguồn từ Phật giáo nhưng chúng ta sẽ không thảo luận về tôn giáo ở đây. Chúng ta sẽ xem xét ACT: Acceptance and Commitment Therapy (Trị liệu Chấp nhận và Cam kết), chi tiết cụ thể được viết trong cuốn sách tuyệt vời của Russ Harris, The Happiness Trap (Cạm bẫy hạnh phúc)

Đây là phiên bản chắt lọc về mặt khoa học của chánh niệm. Đã được kiểm tra và thử nghiệm. Bạn sẽ không phải tụng kinh, không mặc áo choàng tu sĩ. (Điều này là tốt, vì các bạn đều biết, màu vàng nghệ không phải màu tôi thích.)

Theo The Happiness Trap:

ACT (phát âm giống như từ “act-hành động”) được phát triển ở Hoa Kỳ bởi nhà tâm lý Steven Hayes và đồng nghiệp của ông, Kelly Wilson và Kirk Strosahl. ACT có hiệu quả đáng kinh ngạc trong việc giúp đỡ những người mắc một loạt vấn đề khác nhau từ trầm cảm và lo âu cho tới những cơn đau mãn tính và thậm chí nghiện ma túy.

Được rồi, chính xác thì: Tại sao duy trì hạnh phúc lại khó kinh khủng? Chà, lý do đầu tiên là vì chúng ta tin vào mấy điều hoang đường về hạnh phúc. Cần có thời gian để thay đổi chúng.

Bắt tay vào việc thôi…

4 giả thuyết hoang đường về hạnh phúc

Giả thuyết 1: “Hạnh phúc là trạng thái tự nhiên của loài người”

Xin lỗi, điều đó thật ngây thơ. 

Trạng thái mặc định của bộ não con người không phải là “hạnh phúc”. Bất cứ ai từng nói chuyện với tôi vào buổi sáng trước khi tôi uống cafe đều biết chuyện này.

Nhưng quảng cáo, Facebook và phần lớn nền văn hóa chúng ta gần như liên tục củng cố điều hoang đường này. Bạn đã gặp những người siêu hạnh phúc mọi lúc mọi nơi và, hãy thành thật: họ làm bạn thất vọng

Ai cũng có những lúc thăng trầm trong cuộc sống. Đó là điều bình thường và tự nhiên. Nhưng quan điểm rằng bạn nên hạnh phúc như trên mây 24/7 sẽ làm bạn trượt vào điều hoang đường #2…

Giả thuyết 2: “Nếu bạn không hạnh phúc, thì bạn là phế nhân”

Chúng ta cảm thấy nếu cuộc sống của mình có điều gì đấy trục trặc thì ắt hẳn phải có thứ gì sai sai ở ta. Và chúng ta cuống quýt “chỉnh sửa” bản thân vì điều này không thể nào là sự thật…

Giả thuyết 3: “Để có cuộc sống tốt hơn, ta phải thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực”

Tất cả mọi người lúc nào cũng cảm thấy tuyệt vời ông mặt trời (lời khuyên của chuyên gia: không phải đâu) vì vậy ta cũng nên như họ. Và sau đó chúng ta hấp tấp rơi vào…

Giả thuyết 4: “Bạn nên kiểm soát những suy nghĩ và cảm xúc của mình”

Chúng ta đã đến nơi. Vui lòng lấy hành lý của bạn ở cabin trên đầu và ra máy bay ở bên trái.

Tất cả chúng ta đều tốn nhiều thời gian tìm cách kiểm soát những gì ta nghĩ và cảm nhận. Hãy giúp tôi một việc: đừng nghĩ đến mấy con gấu… Sao mà làm được chứ? 

Vậy lần tới bạn đang buồn phiền rằng tại sao bạn không thể “bỏ qua chuyện đó đi”. Nó có tác dụng không? Tất nhiên cũng không được luôn.

Chúng ta chẳng thể nào kiểm soát được mấy cái suy nghĩ hay cảm xúc của mình – ít nhất thì không thể kiểm soát được trực tiếp và ngay lập tức. Nhưng tất nhiên, ta có thể ảnh hưởng đến những thứ đó – còn kiểm soát ư? Không đời nào.

Và chúng ta thường gắng sức để thay đổi điều ta không thể. Điều này chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa những cảm xúc mà chúng ta đang vật lộn với chúng. Rốt cuộc ta cảm thấy lo lắng về nỗi lo của mình, tức giận vì chứng trầm cảm của ta và chán nản về sự tức giận của chúng ta xếp chồng lên nhau như một phiên bản sức khỏe tâm thần của “Inception.

Hoặc chúng ta làm những việc để buộc những ý nghĩ và cảm xúc của ta tuân phục (trì hoãn, uống rượu, ...) mang lại sự cải thiện ngắn hạn cho cảm xúc của ta, nhưng về lâu dài sẽ khiến chúng ta rời xa những mục tiêu và giá trị của mình.

Đây không phải là con đường dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc. Đây là cạm bẫy hạnh phúc. Bạn không thể vui vẻ yêu đời mọi lúc. Rất tiếc. Và bạn cũng không thể kiểm soát trực tiếp và ngay tức khắc những suy nghĩ và cảm xúc của mình dễ dàng như việc thay đổi hình nền điện thoại thông minh của bạn.

Nhưng không sao cả. Định nghĩa hạnh phúc như một trạng thái ngây ngất không bao giờ ngớt là điều phi lý. Chúng ta có một định nghĩa sai về hạnh phúc. Hạnh phúc nên là một cuộc đời phong phú, đầy đủ và ý nghĩa— và cuộc đời đó bao gồm cả những lúc thăng trầm.

Theo The Happiness Trap:

Một ý nghĩa khác ít phổ biến của hạnh phúc là “sống một cuộc đời phong phú, trọn vẹn và đầy ý nghĩa.” Khi chúng ta  hành động hướng đến những điều thực sự quan trọng trong thâm tâm ta, phát triển theo hướng mà chúng ta xem là giá trị và xứng đáng, nói rõ những thứ mà ta ủng hộ, đứng lên vì nó trong cuộc sống và làm đúng theo, thì khi ấy cuộc sống của chúng ta trở nên giàu có, đầy đủ và ý nghĩa, và chúng ta trải nghiệm một cảm giác mạnh mẽ đầy sức sống. Đây không phải là cảm giác thoáng qua — mà nó là một cảm giác sâu sắc về một cuộc đời tốt lành. Và mặc dù cuộc sống như vậy chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta nhiều cảm giác vui vẻ, nhưng nó cũng sẽ mang đến cho chúng ta những cảm giác không thoải mái, chẳng hạn như nỗi buồn, sợ hãi và tức giận. Điều này không có gì là lạ. Nếu chúng ta sống một cuộc đời trọn vẹn, chúng ta sẽ kinh qua một loạt cung bậc cảm xúc của con người.

Tất cả đều ổn và tuyệt diệu— nhưng làm sao chúng ta thoát khỏi cái bẫy cảm xúc tích cực này?

Chúng ta cần nghĩ khác đi về chính những suy nghĩ …

Bạn không phải là những ý nghĩ của bạn 

Có “những sự thật” và có “những ý nghĩ.” Sự thật là điều mọi người có thể nhất trí (“Alice đang cau mày.”) Còn ý nghĩ là những đánh giá, diễn giải và những câu chuyện mà bộ não của ta nói liên tục, luôn mồm trong suốt một ngày (“Alice đang cau mày vì cô ta ghét tôi cũng như tất cả mọi người đều ghét tôi vì tôi là kẻ xấu xa và đó là lý do tại sao sau này tôi sẽ chết trong cảnh cô độc.”)

Vâng, những ý nghĩ này cũng hay tiêu cực. Bộ não bạn tạo ra các ý nghĩ. Đó là công việc của nó. Một số ý nghĩ thì đúng, một số thì sai, vài ý nghĩ là hữu ích, số khác thì tiêu cực, và một số ý nghĩ thì quá chừng phi lý, ngớ ngẩn. Nhưng đó là việc của bộ não, tìm cách hiểu được thế giới này để nó có thể hoàn thành mục tiêu tiến hóa của nó là giữ cho bạn không-chết bằng cách kéo dây rối của nỗi lo lắng, hối tiếc, và sợ hãi để cố gắng giữ cho bạn an toàn khỏi bất cứ thứ gì có thể thay đổi trạng thái không-chết của bạn.

Bạn không thể kiểm soát được những ý nghĩ của mình nhiều hơn kiểm soát một cơn đau đầu. Bạn chỉ có thể chịu trách nhiệm cho những hành động của bạn. Còn những ý nghĩ, không nhiều lắm đâu. Bởi vậy khi nói đến các ý nghĩ thì bạn không phải là ông chủ của chính mình. Nhưng vấn đề là chúng ta thường hợp nhất với các ý nghĩ của ta. Bạn cho rằng những ý nghĩ đó là bạn. Bạn tin rằng những ý nghĩ ấy là Phúc Âm. Cái giọng nói trong đầu bạn chỉ nói lên sự thật. Cũng giống như nghe thấy hệ thống PA trong Wal-Mart và cho rằng Chúa đang nói. 

Theo The Happiness Trap:

Nhiều khi chúng ta phản ứng lại trước những ý nghĩ của mình như thể chúng là chân lý tuyệt đối hoặc như thể ta phải dành cho chúng tất cả sự chú ý của ta. Thuật ngữ tâm lý cho phản ứng này là “sự hợp nhất.”

Bộ não của bạn thêu dệt một sự kiện thành một ý nghĩ, bạn hợp nhất với nó và thành thử chuyện Alice cau mày biến thành “Tôi là đứa không ưa nổi.” Chúng ta quá coi trọng những câu chuyện do bộ não của ta tạo ra và nó giống như một con virut máy tính tinh thần đã kiểm soát bộ não bạn.

Bạn có thực sự tin rằng hầu hết những suy nghĩ của bạn đều quan trọng? Tất nhiên là không rồi. Nếu chúng đều cực kỳ quan trọng, bạn đã không bỏ phiếu liệu có nên lắng nghe chúng nói. Bộ não của bạn làm những công việc siêu-quan trọng như là giữ cho bạn còn thở và tim bạn vẫn đập. Bạn thậm chí không được phép đụng vào phần mềm đó. Vì nếu không bạn sẽ bị điện thoại làm phân tâm, ngừng hít vào, chuyển sang màu xanh và chết.

Và quan trọng hơn, khi bạn bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực, bạn đang đánh mất cuộc sống. Bạn đang bị cuốn vào một câu chuyện buồn mà bạn đang kể cho bản thân— một câu chuyện thậm chí không phải sự thật. Bệnh trầm cảm mãn tính thường là do liên tục hợp nhất với những ý nghĩ về quá khứ. Và lo âu là sự hợp nhất với những lo lắng về tương lai. Những người mắc cả hai tình trạng này thường bị anhedonia- giảm khả năng trải nghiệm khoái cảm. Họ không thể trải nghiệm được niềm vui của thế giới xung quanh vì họ quá mải mê trong những câu chuyện mà họ đang tự kể với bản thân về thế giới.

Điều này không có nghĩa rằng sự hợp nhất là xấu. Đắm chìm trong một cuộc trò chuyện hay với những người bạn thân thiết có thể là một sự hợp nhất tích cực. Sự hợp nhất có thể là một trạng thái “dòng chảy” (flow). Và những ý nghĩ tiêu cực không hẳn là kẻ thù của ta. Thi thoảng bạn cần bị ăn một cú đá vào mông và bộ não khiến bạn cảm thấy tội lỗi là điều hữu ích.

Vấn đề là chúng ta cần có khả năng lùi lại và đánh giá những suy nghĩ này. Bởi vì khi ta hợp nhất, thật khó để ta nhìn ra đâu là sự thật và chúng ta có thể trở thành một con rối cho những câu chuyện sai lầm, tiêu cực.

Công bằng mà nói, đôi khi rất khó để phân biệt sự thật và suy nghĩ:

Ví dụ #1: “Họ sẽ không thích tôi.” Quả cầu pha lê của bạn thật đáng yêu nhưng, xin lỗi 

— đó là một suy nghĩ, không phải sự thật.

Ví dụ #2: “Tôi không thể chạy bộ vì tôi quá mệt.” Ý nghĩ-ý nghĩ-ý nghĩ. Không phải sự thật. Bây giờ “Tôi không thể chạy bộ vì một chấn thương cột sống đã làm tê liệt đôi chân của tôi.” Được rồi, đó là một sự thật.

Làm sao bạn biết được bạn đang hợp nhất với một ý nghĩ hoặc cảm giác? Hãy hỏi bản thân một câu đơn giản:

“Nếu tôi không nghĩ về điều này, liệu nó có còn là một vấn đề hay không?”

Một người đàn ông đang đứng trước mặt bạn với một khẩu súng? Được rồi, không phải sự hợp nhất. Là sự thực đấy.

“Alice đang cau mày, chứng tỏ tôi là một kẻ khốn nạn và tôi xứng đáng bị quăng vào cái vạc sôi sùng sục trong bức tranh Hieronymus Bosch của Hades.” Hãy cảnh giác với sự hợp nhất.

Alice có thể đang bị táo bón và bạn có thể là người tuyệt vời.

Một số người sẽ bật lại, “Nhưng lỡ nó đúng thì sao? Nhưng nếu Alice cau mày vì cô ấy ghét tôi thì sao?” Đoán xem nào?

Không quan trọng đâu…

Bạn phải tách ra (defuse)

Có rất nhiều ý nghĩ là “sự thật.” Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cần suy nghĩ về nó. Bạn sẽ không bao giờ nghĩ về phần lớn những sự thật trong môn hóa hữu cơ vì bạn thậm chí còn chả biết tới chúng. Vì thế, sự thật không phải là một lý do chính đáng để các bánh xe trong bộ não bạn cứ quay vòng vòng khổ sở về một điều nào đó.

Vấn đề quan trọng hơn khi xử lý những ý nghĩ phiền toái là: Nó có hữu ích không? Liệu khám phá thêm về ý nghĩ này sẽ giúp tôi sống cuộc đời mà tôi mong muốn?

Bởi vậy, khi những ý nghĩ tiêu cực trở thành vấn đề, chúng ta cần tách khỏi chúng (defuse). Chúng ta thực hiện điều đó bằng cách nào? Bằng cách chấp nhận chúng, đừng vật lộn với chúng.

Và bây giờ từ “chấp nhận” khiến tôi gặp nhiều rắc rối. Người ta nghĩ chấp nhận có nghĩa là chịu khuất phục, từ bỏ, nhượng bộ, vẫy cờ trắng đầu hàng… Nhưng đó không phải là cách “hữu ích” khi nhìn về sự chấp nhận.

Theo The Happiness Trap:

Chấp nhận không có nghĩa là chịu đựng hoặc từ bỏ. Chấp nhận tức là đón nhận cuộc đời, chứ không chỉ đơn thuần là chịu đựng nó. Chấp nhận theo nghĩa đen là “đón nhận những gì xảy đến.” Nó không có nghĩa là từ bỏ hay nhận thua; cũng không đồng nghĩa bạn phải nghiến răng chịu đựng. Nó có nghĩa là hoàn toàn mở lòng trước thực tế hiện tại của bạn—thừa nhận nó trước giờ đã như thế, ngay ở đây và bây giờ, và buông bỏ cuộc tranh đấu với đời trong khoảnh khắc này.

Tôi xem những ý nghĩ vô bổ giống như thư rác. Thế bạn có ngồi xuống và viết một lá thư hồi đáp lại người gửi để cho họ biết rằng mấy cái email của họ kinh khủng ra sao? Không. Bạn có phủ nhận sự tồn tại của nó? Cũng không luôn. Bạn chấp nhận nó. Và sau đó bạn dùng thời gian của mình để làm việc gì đó hữu ích.

Và đây là mục tiêu của defusion: chúng ta không cố gắng kiểm soát những ý nghĩ của mình vì việc đó không hiệu quả (Những chú gấu. Đừng nghĩ về bọn chúng.) Và chúng ta không tranh cãi với những ý nghĩ bởi chỉ khiến tình hình tệ hơn mà thôi.

Chúng ta phải nhận ra ý nghĩ là gì – chỉ là một ý nghĩ. Một câu chuyện, một lời đánh giá. Không hẳn là sự thật và dứt khoát không phải là bạn. Thừa nhận nó. Nhưng đừng vật lộn với nó và cung cấp năng lượng cho nó.

Theo The Happiness Trap:

Trong trạng thái hợp nhất, những ý nghĩ có vẻ là sự thật tuyệt đối và rất quan trọng. Nhưng trong một trạng thái không hợp nhất, chúng ta nhận ra điều đó: 

1) Những ý nghĩ chỉ là những âm thanh, từ ngữ, câu chuyện hoặc một phần ngôn ngữ. 

2) Những ý nghĩ có thể đúng hoặc không; chúng ta không tự động tin vào chúng. 

3) Những ý nghĩ có thể quan trọng hoặc không quan trọng; chúng ta chỉ chú ý đến chúng nếu chúng hữu ích. 

4) Những ý nghĩ dứt khoát không phải là mệnh lệnh; chúng ta chắc chắn không cần tuân lệnh chúng.

5) Những ý nghĩ có thể thông thái hoặc không; chúng ta không tự động làm theo lời khuyên của chúng. 

6) Những ý nghĩ không bao giờ là sự đe dọa; ngay cả những ý nghĩ đau đớn hay đáng lo ngại nhất cũng không phải là mối đe dọa đối với chúng ta.

Đánh giá những vấn đề của người khác và bảo với họ bạn sẽ làm gì khó đến mức nào? Ôi thật dễ dàng. Nhưng trở nên khách quan về những thất bại của chính bạn thì lại khó như lên trời, và sau đó tạo thói quen luôn luôn làm điều đúng đắn từ giờ trở đi mà không hành hạ bản thân?

Bước lùi lại giúp bạn giải quyết các vấn đề của mình như cách bạn giải quyết vấn đề của người khác. Điều này thực sự hợp lý vì những ý nghĩ của bạn không phải là bạn, đúng không?

Được rồi, bạn đang rất căng thẳng, lo âu hay chán nản. Giờ là lúc hành động với những kỹ năng mới của bạn...

1) Lùi lại và Cô lập nó

Dừng lại. Tự hỏi bản thân, “Bây giờ tâm trí đang kể cho tôi nghe câu chuyện gì?”

Điều này sẽ tạo ra khoảng cách ngay lập tức. Ví dụ, rất nhiều người vật lộn với lòng tự trọng (self-esteem) của họ. Nhưng lòng tự trọng chỉ là một ý nghĩ, một câu chuyện mà bộ não của bạn biên soạn. Vì vậy, ngay khi bạn nhận ra bạn không phải người nói câu “tôi là thằng thất bại”, mà chính bộ não của bạn đang nói, thì một điều tuyệt diệu xảy ra: bạn không cần phải đồng ý.

Một công thức đơn giản khác là lấy 1 ý nghĩ và thêm cụm từ này trước nó: “Tôi đang có ý nghĩ rằng…” Một lần nữa, điều này tạo ra khoảng cách.

Nghe thì đơn giản nhưng nó khá hiệu quả. “Tôi đang có ý nghĩ rằng tôi là thằng thất bại” là một câu đố cần giải.

Theo The Happiness Trap:

...trước tiên, hãy nhớ lại một ý nghĩ gây thất vọng, bực bội có dạng “Tôi là X.” Ví dụ, “Tôi không đủ tốt” hay “Tôi vô dụng.” Tốt hơn là chọn một ý nghĩ thường trở đi trở lại trong đầu bạn hay làm bạn phiền muộn và khó chịu… Tiếp theo, hãy chèn cụm từ này trước ý nghĩ đó: “Tôi đang có ý nghĩ rằng . . .” Lặp lại ý nghĩ đó lần nữa, nhưng lần này có gắn thêm cụm từ đó.

2) Chấp nhận và tách ra (defuse)

Bộ não của bạn thỉnh thoảng lại nảy ra những ý nghĩ điên rồ phải không? Nhưng đôi khi chúng ta lại quá coi trọng những ý nghĩ đó và cho phép chúng làm ta bất hạnh. Điều quan trọng cần nhớ là bản thu âm của bộ não bạn đâu có hoàn hảo.

Vì vậy khi những ý nghĩ tiêu cực của nó cố gắng và hợp nhất, hãy chế giễu nó một cách nhẹ nhàng. Đừng tức giận hoặc kích động, nhưng cũng không quá xem trọng nó và thử trêu chọc nó tí có thể giúp bạn vượt qua những lời đánh giá gây tổn thương của nó.

Bộ não: “Mày là thằng thất bại.”

Tôi: “Tôi đang có ý nghĩ rằng tôi là thằng thất bại. Hmm… lêu lêu, bộ não ngốc nghếch.”

Một số người sẽ bảo, “Tôi không thể gạt bỏ nó một cách dễ dàng; nếu tôi là thằng thất bại thật thì sao?” Tôi nhắc lại lần nữa, những ý nghĩ đúng không quan trọng, quan trọng là những ý nghĩ hữu ích kìa. Hoặc số khác thì nói, “Tôi không thể dễ dàng bỏ qua cái cảm giác ấy.” Điều đó nghĩa là bạn vẫn đang hợp nhất với nó. Bạn cần lùi lại và xem nó như một trong những câu chuyện kể của bộ não, không phải là câu chuyện duy nhất hay sự thật không thể chối cãi.

Những ý nghĩ tiêu cực sẽ trở đi trở lại với tất cả chúng ta. Bộ não của bạn có thể như một cái máy thường xuyên bật mấy bài hát chỉ trích không bao giờ tắt tiếng. Nhưng thay vì tuyệt vọng về điều này, hãy chấp nhận bản chất của nó và khiến nó trở nên bớt khó chịu hơn.

Hãy tưởng tượng về danh sách nhạc cá nhân của bạn gồm “những bản nhạc ý nghĩ-tiêu cực.” 

Bộ não: “Mày là thằng thất bại.”

Tôi: “Tôi đang có ý nghĩ rằng tôi là thằng thất bại. Hmm… Oh, lại là bài hát đó. Bài này có phải nằm trong danh sách nhạc ‘Tôi kém cỏi’ của tôi không nhỉ? Tôi đoán bài hát phiên bản acoustic tiếp theo sẽ là ‘Chẳng ai ưa tôi’, theo sau là bài ‘Đời khốn nạn.'”

Nếu bạn đang cười nhạo bộ não của mình, bạn sẽ khó mà cảm thấy chán nản, lo lắng hay tức giận.

Theo The Happiness Trap:

Sau khi làm bài tập này, bạn có lẽ nhận thấy đến lúc này, bạn không quá coi trọng ý nghĩ đó; bạn không tin quá nhiều vào nó. Nhận ra bạn hoàn toàn không thách thức ý nghĩ. Bạn cũng không tìm cách thoát khỏi ý nghĩ, xua đuổi nó, tranh luận xem nó đúng hay sai, hoặc thử thay thế nó bằng một ý nghĩ tích cực.

Tiết lộ đầy đủ: bạn cần luyện tập để làm tốt việc này. Bạn sẽ không chỉ nâng tạ có 1 lần và sau đó bỏ tập vì bạn thấy mệt ngày hôm sau. Hãy kiên trì. Cố gắng nhận ra khi nào bạn đang hợp nhất với một câu chuyện vô ích. Sau đó tách khỏi nó. Và hãy dựa vào khoảng chú tâm ngắn của bạn để giúp ý nghĩ vô ích trôi đi.

Vâng, một ý nghĩ khác chắc chắn sẽ xuất hiện và tìm cách tấn công, kiểm soát bộ não của bạn. Mãi mãi là thế. Nhưng với sự tập luyện, bạn sẽ ngày càng giỏi hơn trong việc xử lý cách đầu óc bạn hoạt động một cách tự nhiên.

Như câu nói, “Bạn không thể dừng những con sóng, thế nhưng bạn có thể học cách lướt sóng.”

Được rồi, chúng ta đã học được nhiều thứ. (Không phải là một ý nghĩ, đấy là một sự thật… tôi hy vọng thế.) Đã đến lúc tổng kết lại và hiểu tại sao hạnh phúc vĩnh cửu là một mục tiêu tồi…

Tóm tắt

Đây là 3 nghi thức chánh niệm sẽ giúp bạn hạnh phúc:

  • Những điều hoang đường về Hạnh phúc: Hạnh phúc không phải là trạng thái mặc định, bạn đừng tuyệt vọng, những cảm xúc tiêu cực là điều tự nhiên và bạn không thể trực tiếp kiểm soát được những ý nghĩ của mình. Và điều đó không sao hết.
  • Bạn không phải là những ý nghĩ của bạn: Bạn có thực sự cho rằng những ý nghĩ tiêu cực đều tùy thuộc bạn quyết định? Không. Nó không phải “bạn” đâu. Trái tim đập, mắt chớp chớp và bộ não suy nghĩ. (ND: ý là bạn không thể yêu cầu trái tim ngừng đặp, đôi mắt dừng chớp, và bộ não ngừng suy nghĩ)
  • Bạn phải tách ra (defuse): Ngay bây giờ bộ não đang kể câu chuyện gì với bạn? Ôi, bộ não ngớ ngẩn…

Một số người có thể thấy buồn vì rốt cuộc chẳng bao giờ có được hạnh phúc vĩnh cửu. Dẫu sao thì một chút khó khăn sẽ khiến cuộc đời phong phú hơn. Thiếu nó, ta sẽ chẳng có niềm tự hào vượt qua thử thách— bởi vì không có thử thách. Sẽ chẳng có cái gọi là niềm vui quay lại. Bạn sẽ không bao giờ cảm nhận được niềm vui của sự tiến bộ.

Đơn giản và rõ ràng: bạn sẽ hạnh phúc nhưng buồn chán. Chẳng ai muốn thế. Chúng ta muốn một cuộc sống cân bằng.

Nhưng khi những thách thức nội tại trở nên khốc liệt, hãy nhớ: bạn không phải là những ý nghĩ của bạn. Bạn cũng không phải là bộ não của bạn. Bởi thế, đừng quá coi trọng bộ não hay các ý nghĩ của bạn…

Nguồn: https://www.bakadesuyo.com/2019/06/mindfulness-rituals/

menu
menu