Ý nghĩa cuộc sống là gì?

y-nghia-cuoc-song-la-gi

Ý nghĩa cuộc sống có thể được tìm trong 3 hoạt động riêng biệt: giao tiếp; thấu hiểu và sự phụng sự.

Ngày nay, mọi người thường nói, đôi lúc với giọng buồn chán, đôi lúc lại theo lối đầy xung đột và hoài nghi, rằng cuộc sống rõ là chẳng có ý nghĩa gì.

Hai lý do thường được nêu ra cho điều này.

Lý do thứ nhất liên quan đến tôn giáo. Câu chuyện như sau, ngày xửa ngày xưa, cuộc đời luôn có một ý nghĩa rõ ràng, do Chúa trời mang lại, đó là hãy suy tôn ngài, nhưng đức tin tôn giáo đã dần sụp đổ, không chỉ vì Chúa đã (bị cho là) chết mà cái giá trị ngài từng đảm bảo cho sự sống cũng đi theo luôn.

Khoa học hiện đại là nguyên nhân thứ hai chịu trách nhiệm cho khủng hoảng niềm tin hiện tại. Các nhà khoa học nói rằng cuộc sống được tạo ra nhờ sự tương tác ngẫu nhiên giữa các hợp chất hoá học và khí, do vậy nó cũng có ý nghĩa, nhưng là theo kiểu ảm đạm tàn nhẫn và hạn hẹp thì đúng hơn. Đối với con người và tất cả các sinh vật khác, kể cả như trùng amip, ý nghĩa cuộc sống là sự sinh tồn và di truyền gen của một loài. Điều này nghe có vẻ đúng đắn, nhưng cũng rõ ràng là thật vô ích và đáng buồn.

Ở đây chúng ta thảo luận như sau: tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống là một hoạt động vô cùng quan trọng, cuộc sống thực sự có ý nghĩa quan trọng. Và sự thật là ta cũng có thể trải qua hàng loạt những bước thiết thực để đảm bảo ta có thể sống một cuộc đời đầy đủ và viên mãn nhất.

Ta nên ngừng việc ta thán cuộc sống vô nghĩa lại, thay vào đó, với tư cách là một giống loài, ta có thể tự khám phá ra rằng chẳng có một loại ý nghĩa khách quan nào của cuộc sống được ghi chép trên những vì sao, trong một quyển sách hay trong các chuỗi ADN. Thứ khiến con người than phiền rằng cuộc sống vô nghĩa là nhũng hình thái đặc thù của nỗi bất hạnh. Hãy xem xét vài ví dụ nổi bật:

Bạn đang trong mối quan hệ, nhưng sự nồng nhiệt của tình yêu thuở ban đầu nay đã biến mất. Bạn dường như không thể nói về những điều quan trọng hay chia sẻ những tổn thương trong cảm xúc và ý nghĩ nữa. Khi rơi vào hoàn cảnh đó, bạn cảm thấy thật vô nghĩa hoặc cảm giác một mình.

Mặc dù bạn có nhiều bạn bè, mỗi lúc gặp họ, bạn cảm thấy cuộc trò chuyện thật nông cạn và tầm phào.

Hay bạn học đại học để có một tấm bằng. Bạn đăng kí vào đó một phần vì bạn thường xuyên thấy bối rối không biết mình là ai và bạn muốn gì, bạn nghĩ rằng việc đọc sách và nghe giảng sẽ giúp sáng tỏ phần nào, nhưng nhũng chủ đề về Darwin lại càng không có quan hệ gì với băn khoăn của bạn. Bạn than phiền rằng những điều đó thật vô nghĩa.

Hay bạn đang làm việc cho một doanh nghiệp lớn, ăn nên làm ra, hàng tuần đều kiếm được một khoản kha khá, nhưng công việc có vẻ không mang ý nghĩa lớn lao nào, nghĩa là có hai điều: bạn có vê đang không tạo ra thay đổi lớn nào trong cuộc đời người khác, và bạn cũng thấy rằng dù cố gắng đến mình cũng không thể cống hiến một cách tận tâm cho công việc của mình; đến rô bốt cũng có thể làm được thế. Từ những điểm này, chúng ta có thể áp dụng để mở rộng ra một lý thuyết về ý nghĩa cuộc sống.

Ý nghĩa cuộc sống có thể được tìm trong 3 hoạt động riêng biệt: giao tiếp; thấu hiểu và sự phụng sự.

Trước tiên là giao tiếp. Về bản chất, chúng ta là giống loài đơn độc, và có vẻ những khoảnh khắc có ý nghĩa nhất với chúng ta là việc đuọc kết nối, với người ta yêu chẳng hạn. Khi ta bộc lộ những phần riêng tư về thể xác và tâm hồn của chính mình, khi ta kết bạn, và những sự thật đáng kể về cuộc sống riêng của mỗi người được chia sẻ trong hành trình tới một đất nước khác, khi ta bắt chuyện với một người lạ và xúc động vô bờ với một cảm giác chiến thắng do vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hoá.

Sau đó là ý nghĩa được khởi phát từ sự thấu hiểu. Đây là niềm vui ta cảm nhận được bất cứ khi nào ta "giải mã" được những băn khoăn và bối rối của ta về chính mình hay về thế giới. Ta có thể là nhà nghiên cứu khoa học hay nhà kinh tế học, nhà thơ hay thân chủ tham gia trị liệu tâm lý. Niềm vui trong những hoạt động của chúng ta nảy sinh từ khả năng chung của loài người trong việc phác thảo và giải nghĩa những khái niệm từng bị xem là xa lạ và không quen thuộc.

Thứ ba, đó là sự phụng sự, một trong những điều có ý nghĩa nhất ta có thể làm là việc phụng sự người khác, nỗ lực cải thiện cuộc sống của họ dù bằng cách giảm nhẹ những cội nguồn gây đau khổ hay bằng cách tạo ra những niềm vui mới. Việc đó có thể từ các chuyên gia về y học, nhưng cũng có thể là những người làm bánh, nhạc sỹ, hay vũ công. Chúng ta thường đuọc gieo ý nghĩ rằng bản thân con người vốn dĩ đã ích kỷ, nhưng những khoảnh khắc có ý nghĩa nhất sẽ đến khi ta có thể vượt lên trên cái tôi của mình và đặt mình vào việc săn sóc người khác, loài khác hay cả hành tinh này.

Có thể thêm một điều rằng, để việc phụng sự thật sự có ý nghĩa, nó phải đồng bộ với mối quan tâm chân thành thuộc thiên tư của chính mình. Ta phải hiểu rõ về bản thân trước khi tìm ra con đường phụng sự phù hợp nhất.

Khi được những ý tưởng này hỗ trợ rồi, ta có thể tiến tới định nghĩa về ý nghĩa cuộc sống. Ý nghĩa cuộc sống là ở việc theo đuổi sự phát triển cá nhân thông qua sự kết nối, sự thấu hiểu và khả năng phụng sự.

  • Ta cần những giây phút “hẹn hò” với những như những cuốn sách hay hoặc là những bài hát đi vào lòng người.
  • Chúng ta cũng nên gây dựng nền văn hóa cổ vũ tinh thần thấu hiểu bản thân và thế giới xung quanh. Đối nghịch với điều này là hiện tượng báo chí truyền thông đang hàng ngày rải bom thông tin gây nhiễu trên mọi mặt trận, và khích những cuộc tranh luận vô ích mà chẳng đi đến hồi kết.
  • Và cuối cùng, chúng ta cần làm việc đúng đắn. Tức là đừng làm việc mà chỉ nhăm nhe đến lợi ích mình thu được, mà hãy hướng đến sự giúp đỡ, sự nâng cấp, cải thiện cuộc sống tốt hơn. Thêm nữa, ta cũng cần giúp mọi người khám phá ra được thanh âm của riêng họ trên bản nhạc đa âm sắc, để việc giúp đỡ không chỉ là cho có, mà là giúp với trái tim chân thành nhất.

Đáng buồn là, có rất nhiều chướng ngại vật trên con đường hướng đến cuộc sống tươi đẹp và đầy ý nghĩa đó. Như là trong Giao tiếp, chủ đề về sex đôi khi được bàn luận quá đà, tình bạn thì bị xem thường, tình làng nghĩa xóm thì phai nhạt, có khi gần nhà mà còn chẳng biết mặt nhau. Hoặc có những trường hợp bị mắc chứng tâm lý nào đó nên dẫn đến lo lắng, không dám đến gần và chia sẻ với người khác.

Còn trong phạm trù Thấu hiểu, ta đang thiếu trầm trọng những phương tiện truyền thông có tâm, thiếu đi những giây phút lắng đọng để ngẫm lại mà cứ thế chìm đắm trong một thế giới tráng lệ, khoa trương.

Về mảng phụng sự, Con người mỗi ngày lại thêm lo âu, trăn trở quá mức về tiền bạc, các công ty thì tập trung vào nguồn lợi tài chính chứ không để ý gì đến nhu cầu thực sự của khách hàng. Các cá thể thì đang sống trong một mạng lưới rộng lớn đến mức bị lạc lối, và chẳng thể thấy được kết quả công việc của anh/cô ấy. Và nhìn vào khía cạnh bên trong, có thể do tính cách nhút nhát, rụt rè, thói hợm hĩnh, hay là tâm lý đi theo đám đông là nguyên nhân ngăn cản một người thấu hiểu con người thực và khám phá được tài năng mà mình có.

Vậy, để xây dựng một thế giới giàu ý nghĩa hơn, ta phải chú trọng vào giáo dục cảm xúc, vào cộng đồng, vào văn hóa tự vấn. và nền chủ nghĩa tư bản tử tế hơn.

Có thể ta chưa có một cuộc đời ý nghĩa, nhưng cần khẳng định rằng khái niệm về một cuộc sống ý nghĩa là thực sự chính đáng, và nó hàm chứa những yếu tố có thể gọi rõ tên và ta đấu tranh vì chúng ngày này sang tháng khác.

 

Người dịch: Nguyễn Vân Anh, Trần Như Quỳnh

Nguồn: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/the-meaning-of-life/

menu
menu