Yêu thương con người, không yêu lạc thú

yeu-thuong-con-nguoi-khong-yeu-lac-thu

Abd al-Rahman không bao giờ có thể biết tổng hạnh phúc mà ông có được. Bởi vị vua này không bao giờ biết được công thức đúng để tìm kiếm hạnh phúc.

Abd al-Rahman đệ tam là một vị vua và một thủ lĩnh Hồi giáo của xứ Córdoba ở Tây Ban Nha thế kỷ thứ 10. Ông là người cai trị tối cao và sống trong sự xa hoa tuyệt đối. Đây là cách mà ông nhận định về cuộc sống của mình:

“Cho tới bây giờ, ta đã trị vì hơn 50 năm trong phồn thịnh và hoà bình; thần dân yêu thương ta, kẻ địch khiếp sợ ta, và các đồng minh kính nể ta. Giàu sang và địa vị, quyền lực và lạc thú đợi lệnh ta, và ta có tất cả mọi lời chúc tụng trên mặt đất này.”

Vinh hoa, phú quý, và lạc thú trên cả tưởng tượng. Nghe có vẻ quá hoàn hảo? Ông đã viết tiếp:

“Ta đã cẩn trọng và kiên trì đếm số ngày mà ta cảm nhận được niềm vui thuần khiết thật sự trong đời mình: chỉ vỏn vẹn có 14 ngày.”

Vấn đề của Abd al-Rahman, như ông đã nghĩ, không phải là sự hạnh phúc, mà là sự bất hạnh. Nếu điều đó nghe có vẻ như một sự phân biệt không hề có chút khác biệt nào, có lẽ bạn cũng có vấn đề tương tự như vị vua vĩ đại kia. Nhưng với một chút hiểu biết, bạn có thể tránh được sự khổ sở mà ông ấy đã chịu.

Thế nào là sự bất hạnh? Trực giác của bạn có thể mách bảo rằng “bất hạnh” đơn giản là đối lập của hạnh phúc, như bóng tối là sự thiếu vắng ánh sáng. Điều đó là không đúng. Hạnh phúc và sự bất hạnh chắc chắn là có liên hệ với nhau, nhưng chúng không thật sự là hai mặt đối lập. Ảnh chụp bộ não cho thấy nhiều khu vực của vỏ não bên trái hoạt động mạnh hơn so với với bên phải khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc, trong khi vỏ não phải trở nên hoạt động mạnh hơn khi chúng ta không hạnh phúc.

Nghe có vẻ lạ, nhưng một người vui vẻ hạnh phúc hơn mức bình quân không có nghĩa là người đó không thể cảm thấy buồn bã bất hạnh hơn mức trung bình. Có một bài kiểm tra về mức độ hạnh phúc lẫn bất hạnh, đó là bài kiểm tra Phân hạng Cảm xúc tích cực và Cảm xúc tiêu cực. Tôi đã tự mình làm bài kiểm tra đó. Tôi phát hiện ra rằng, đối với “hạnh phúc”, tôi nằm trong tốp đầu của những người có cùng độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp và trình độ văn hoá. Nhưng tôi cũng có điểm khá cao đối với hạng mục “không hạnh phúc”. Tôi là một người u sầu, nhưng u sầu một cách vui vẻ.

Vì thế khi một người nói, “Tôi là một người bất hạnh,” họ thật ra là đang nói về tổng thể cho dù họ có nhận ra điều đó hay không. Họ sẽ nói, “Sự bất hạnh của tôi là x, sự hạnh phúc của tôi là y, và x>y.” Câu hỏi thật sự là tại sao, và bạn có thể làm gì để làm y>x.

Nếu bạn hỏi một người cảm thấy không hạnh phúc tại sao anh ta lại cảm thấy như vậy, anh ta hầu như luôn luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tất nhiên trong nhiều trường hợp, điều đó có thể đúng. Một số người phải gánh chịu sự đàn áp, nghèo đói hay bệnh tật thể xác, những yếu tố làm cho cuộc sống của họ như một công việc nhàm chán. Không ngạc nhiên khi các nghiên cứu cho thấy rằng phân biệt giới tính làm cho trẻ em cảm thấy không hạnh phúc, và nhiều công trình học thuật chỉ ra mối liên kết giữa sự bất hạnh và sự nghèo khó. Một nguyên nhân thông thường khác mang đến sự không hạnh phúc chính là sự cô đơn, và có khoảng 20% dân số Mỹ khổ sở vì điều này đến độ đủ để xem sự cô đơn là một nguyên nhân chủ đạo của sự bất hạnh trong cuộc đời họ.

Cũng có những nguyên nhân mang tính hoàn cảnh khác cho sự bất hạnh. Nhà tâm lý học Daniel Kahneman và các đồng nghiệp của mình ở Princeton đã đo “cảm xúc tiêu cực” (các trạng thái tinh thần không tốt) mà các hoạt động và tương tác thông thường hàng ngày có thể mang lại. Họ nhận thấy sự kiện kích động sự không hạnh phúc số 1 trong một ngày điển hình chính là trải qua thời gian với cấp trên của một người (điều này làm cho tôi, một ông sếp, cảm thấy không vui khi được biết).

Không nghi ngờ gì, hoàn cảnh rất quan trọng. Chắc chắn Abd al-Rahman có thể chỉ ra một vài tình huống trong quãng đời của ông. Nhưng nghịch lý là, lời giải thích đúng đắn hơn cho sự bất hạnh của ông hẳn có thể là quá trình tìm kiếm hạnh phúc của ông. Và điều tương tự cũng có thể đúng đối với bạn.

Đã bao giờ bạn quen biết một người nghiện rượu? Những người nghiện rượu thường uống để giải toả cơn ghiền hay nỗi lo âu nào đó – nói cách khác, để kiềm hãm một “nguồn” của sự bất hạnh. Nhưng suy cho cùng chính rượu mới kéo dài sự đau khổ của họ. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho trường hợp của vua Abd al-Rahman khi ông theo đuổi danh vọng, giàu sang và lạc thú.

Hãy xem xét đối với trường hợp “danh vọng”. Trong năm 2009, các nhà nghiên cứu từ đại học Rochester đã tiến hành một nghiên cứu, họ theo dõi sự thành đạt của 147 tân cử nhân trong việc đạt được những mục tiêu mà các sinh viên đã đề ra sau khi tốt nghiệp. Một số người có những mục tiêu “nội tại”, chẳng hạn như các mối quan hệ sâu sắc và bền vững. Những người khác có những mục tiêu “ngoại tại”, như đạt được tiếng tăm hay danh vọng. Các học giả đã nhận thấy rằng các mục tiêu nội tại có liên hệ với đời sống hạnh phúc hơn. Còn những người theo đuổi các mục tiêu ngoại tại thường phải chịu nhiều cảm xúc tiêu cực hơn, như sự tủi hổ hay sợ hãi. Những người này thậm chí còn phải chịu nhiều bệnh tật về mặt thể chất.

Đây là một trong những sự mỉa mai tàn nhẫn nhất trong cuộc sống. Tôi làm việc ở Washington, ngay trong lòng của những cuộc chiến chính trị công khai. Không loại một trường hợp nào, những người không hạnh phúc nhất tôi từng gặp là những người cống hiến hết sức lực cho việc làm cho họ trở nên vĩ đại – các (pundit), những kẻ to mồm trên TV, những nhân vật “biết tất”. Họ tự dựng lên và quảng bá hình ảnh của họ, nhưng thường xuyên cảm thấy tồi tệ.

Đó là nghịch lý của danh vọng. Cũng giống như các loại thuốc nghiện và rượu, một khi bạn trở nên nghiện ngập, bạn không thể sống thiếu nó. Nhưng thực ra bạn cũng không thể sống với nó. Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Donna Rockwell, những người nổi tiếng diễn tả danh vọng như là “một con thú trong chuồng, một món đồ chơi trong một cửa kính trưng bày, một con búp bê Barbie, một vỏ bọc nơi công cộng, một tượng đất sét, hay, một gã nào đó trên TV.” Thế nhưng họ không thể từ bỏ nó.

Sự khao khát danh vọng của người thường đã tạo ra nhiều phát kiến đáng kinh ngạc. Một trong số đó là sự ra đời của truyền hình thực tế, nơi những con người bình thường chẳng tên tuổi trở thành những diễn viên diễn về cuộc sống hằng ngày của họ cho người khác xem. Tại sao? “Được chú ý, được săn đón, được yêu thích, khi bước chân đến một nơi nào thì được người khác quan tâm xem bạn đang làm gì, thậm chí là bạn ăn gì cho buổi trưa hôm đó: đó là những gì người ta muốn, theo quan điểm của tôi,” một thí sinh 26 tuổi trong chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng “Big Brother” cho biết.

Và còn đó các mạng xã hội. Ngày nay, mỗi người chúng ta đều có thể tạo cho mình một lượng fan cá nhân nho nhỏ, nhờ vào Facebook, YouTube, Twitter và các mạng xã hội tương tự. Chúng ta có thể “phát sóng” tất cả các chi tiết cuộc sống của chúng ta đến bạn bè và cả những người xa lạ một cách cực kỳ hiệu quả. Điều đó khá tốt để giữ liên lạc với bạn bè thân thích, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra một dạng “tìm kiếm tiếng tăm” thứ yếu, nằm trong tầm với của mỗi chúng ta. Và một vài nghiên cứu cho thấy nó có thể làm chúng ta cảm thấy bất hạnh.

Điều đó hoàn toàn có lý, đúng không? Bạn đăng cái gì trên Facebook? Đăng hình ảnh bạn đang la mắng con cái mình, hay hình ảnh bạn đang bù đầu bù cổ nơi làm việc? Không, bạn đăng hình bạn đang cười toe trong một chuyến leo núi với bạn bè. Bạn dựng nên một cuộc sống giả – hay ít nhất là một cuộc sống thật nhưng không phải toàn bộ sự thật – và chia sẻ nó với người khác. Hơn nữa, bạn tiếp nhận gần như toàn bộ là thông tin về những cuộc sống ảo của những người “bạn” trên mạng xã hội. Chỉ trừ khi bạn cực kỳ hiểu rõ bản thân mình là ai, mình có gì, không thì bạn sẽ khó mà không cảm thấy tồi tệ khi bạn sống hầu hết thời gian để tỏ ra bạn vui vẻ hơn bạn của thực tế, và phần còn lại thời gian thì xem xem người khác dường như hạnh phúc hơn bạn bao nhiêu.

Một số người tìm sự giải cứu khỏi tâm trạng bất hạnh từ tiền bạc và vật chất. Trường hợp này hơi phức tạp hơn so với danh tiếng. Tiền bạc đúng là có thể giải thoát người ta khỏi khổ sở nếu như nó là phương tiện cho một nhu cầu vật chất đích thực nào đó (như nhu cầu ăn mặc cơ bản của con người – ND, và theo tác giả bài viết, đây là một luận cứ mạnh mẽ cho các chính sách hỗ trợ xoá đói nghèo). Nhưng khi tiền bản thân nó trở thành mục đích, nó cũng có thể mang lại đau khổ.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà tâm lý học đã sàn lọc, biên soạn một lượng lớn các tài liệu về các mối liên hệ giữa các khát vọng khác nhau và sự hạnh phúc. Bất kể các văn kiện này khảo cứu người mới trưởng thành hay người ở mọi độ tuổi, hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra cùng một kết luận quan trọng: những người xếp các mục tiêu về vật chất như sự giàu sang thành các ưu tiên các nhân hàng đầu có khả năng rất cao họ cũng lo âu nhiều hơn, buồn rầu chán nản nhiều hơn, và sử dụng thuốc gây nghiện nhiều hơn, hay thậm chí có các vấn đề về sức khoẻ nhiều hơn so với những người quan tâm đến những giá trị nội tại (những giá trị không chịu phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài để tồn tại và phát triển, ví dụ như các mối quan hệ thân thiết trong gia đình, bạn bè, lương tâm nghề nghiệp, đạo đức lối sống, v.v. – ND)

Không một ai nổi tiếng hơn thánh Paul trong việc tóm lược những cạm bẫy đạo đức của chủ nghĩa vật chất trong Lá thư đầu tiên gửi Timothy của ngài: “Vì tình yêu đối với bạc tiền là nguồn gốc của mọi tội ác: trong khi họ khao khát nó, họ bị lạc lối khỏi đức tin của mình, và tự đâm xuyên người họ bằng những nỗi buồn.” Hay như đức Dalai Lama dạy rằng, chúng ta nên muốn những gì chúng ta có hơn là có những gì chúng ta muốn.

Vì vậy, danh vọng và tiền bạc không mang lại cho ta hạnh phúc. Còn các lạc thú của thể xác thì sao? Hãy xem xét lạc thú kinh điển nhất của chủ nghĩa khoái lạc (chủ nghĩa xem sự hưởng thụ các lạc thú là mục tiêu quan trọng nhất của cuộc sống – ND): dục vọng. Từ Hollywood cho tới khuôn viên các trường đại học, nhiều người cho rằng tình dục luôn tuyệt vời, và tình dục với nhiều người khác nhau thậm chí còn tuyệt vời hơn.

Và ý niệm đó thực ra được gọi với cái tên: “Hiệu ứng Coolidge”, đặt theo tên của tổng thống Mỹ đời thứ 30. Câu chuyện (rất có khả năng là một ngụy tác) bắt đầu với Silent Cal và phu nhân Coolidge trong một chuyến viếng thăm một trang trại gia cầm. Bà Đệ nhất phu nhân nhận thấy có rất ít gà trống, và đã hỏi làm thế nào mà nhiều trứng gà như thế lại có thể được thụ tinh. Người chủ trang trại trả lời bà rằng những con gà trống trong thời kỳ giao phối thực hiện công việc thụ tinh hết lần này tới lần khác trong ngày. Bà Đệ nhất phu nhân liền bảo, “Có lẽ ông có thể chỉ ra điều đó cho ngài Coolidge.” Ngài tổng thống nghe thấy hỏi người chủ trang trại xem liệu có phải một con gà trống chỉ giao phối với cùng một con gà mái. Người chủ trang trại trả lời với ông rằng không, một con gà trống thụ tinh cho nhiều con gà mái. Và ngài tổng thống bảo, “Có lẽ ông nên chỉ ra điều đó cho bà Coolidge.” Ngài tổng thống hẳn đã biết đó là những con gà trống “hạnh phúc”. Và mặc cho những chuẩn mực đạo đức, nguyên lý tương tự cũng đúng đối với con người chúng ta. Đúng không?

Câu trả lời là không. Trong năm 2004, hai nhà kinh tế học đã xem xét liệu quan hệ tình dục với nhiều người khác nhau có làm cho người ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Họ xem xét dữ liệu từ khoảng 16000 người Mỹ trưởng thành đã được hỏi, và giữ bí mật, xem họ đã sex với bao nhiêu bạn tình trong năm trước đó, và họ có cảm thấy hạnh phúc hay không. Kết quả cho thấy, đối với cả nam giới cũng như nữ giới, con số tối ưu là 1 người.

Điều này có vẻ rất phản trực giác. Suy cho cùng, chúng ta rõ ràng được thôi thúc để tích trữ của cải vật chất, đuổi theo danh vọng và tìm kiếm lạc thú. Làm thế nào mà những thứ này lại có thể làm cho chúng ta không hạnh phúc thay vì hạnh phúc? Có 2 cách giải thích, một theo sinh học và một theo triết học.

Từ góc nhìn của quá trình tiến hoá, việc chúng ta được “lập trình” để theo đuổi danh tiếng, giàu sang và nhiều bạn tình khác nhau. Những thứ đó cho chúng ta lợi thế về mặt sinh học theo nghĩa chúng ta có khả năng truyền lại DNA của mình cao hơn. Nếu tổ tiên thời tiền sử của chúng ta đã không có được những điều kể trên dưới một hình thức nào đó (ví dụ như tổ tiên chúng ta là những người mài đá lẫy lừng, hay có nhiều lớp “da” khác nhau, tức da thú mà tổ tiên chúng ta khoác lên), họ đã không thể tìm thấy đủ bạn tình để có thể sinh sôi nảy nở và tạo nên dòng dõi chúng ta ngày nay.

Nhưng đây chính là điểm mà quá trình tiến hoá đã quá trớn: Chúng ta nghĩ rằng những thứ khiến chúng ta cảm thấy bị thu hút đồng thời cũng sẽ giảm mức độ đau khổ của ta xuống và nâng mức độ hạnh phúc của ta lên. Ví như, não của tôi bảo rằng, “Hãy trở nên nổi tiếng”. Nó cũng bảo tôi rằng, “Bất hạnh rất là tồi tệ và có hại.” Tôi ghép hai điều đó lại và được “Hãy trở nên nổi tiếng và mày sẽ bớt bất hạnh.” (?!)

Và đó chính là trò đùa của Mẹ tạo hoá. Bà không thật sự quan tâm bạn cảm thấy thế nào, hạnh phúc hay bất hạnh – bà chỉ muốn bạn có thể nối dõi tông đường. Nếu bạn gán một khái niệm hết sức chung nhất như “sự tồn tại” với “hạnh phúc”, đó là vấn đề của bạn, không phải của tạo hoá. Và vấn đề không hề được giải quyết bởi những thằng ngốc nhưng hữu dụng đối với tạo hoá trong xã hội này, những kẻ tuyên truyền một lời khuyên mang tính huỷ hoại cuộc sống khá là nổi tiếng: “Nếu làm một cái gì mà làm cho bạn cảm thấy thoải mái, cứ làm.” Trừ khi chúng ta có cùng mục tiêu tồn tại như các sinh vật đơn bào, không thì điều đó thường là sai bét.

Nếu nhìn dưới góc nhìn triết học hơn, vấn đề nảy sinh từ trạng thái không thoả mãn – tức cảm giác không có cái gì là đủ đầy, và chúng ta không ngừng tiềm kiếm và muốn thứ khác. Chúng ta không thể chỉ rõ chúng ta tìm kiếm thứ gì. Nếu như không cố gắng chiêm nghiệm và rèn luyện tinh thần, chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho vật chất, những thú vui xác thịt và sự tung hô của bạn bè cũng như những người xa lạ.

Chúng ta tìm kiếm những thứ giúp chúng ta lấp đầy khoảng trống bên trong tâm hồn chúng ta. Những thứ đó có thể cho chúng ta sự thoả mãn ngắn ngủi, nhưng nó không bao giờ kéo dài, và không bao giờ là đủ. Và vì vậy chúng ta thèm muốn những thứ khác. Nghịch lý này trong tiếng Phạn gọi là upadana, có nghĩa là một vòng lặp của ham muốn và chiếm đoạt. Như trí đạo trong nhà Phật có nói: “Gieo sự ham muốn của một người vào một cuộc sống không chút ý thức của người đó, nó sẽ phát triển như cây tầm gửi. Như loài khỉ tìm kiếm hoa quả trong rừng, nhảy từ cuộc sống này sang cuộc sống khác… Bất kể ai bị sự ham muốn hết sức tệ hại và đeo bám này chế ngự, nỗi buồn của người đó sẽ nhiều như cỏ mọc sau mưa.”

Những cuộc săn lùng danh tiếng, những thèm muốn vật chất và việc coi người khác như đồ vật – hay cũng chính là vòng lặp của ham muốn và chiếm đoạt – tuân theo một công thức rất đơn giản, rất hàm súc và cũng rất nguy hiểm:

Yêu vật chất và sử dụng người khác.

Đây chính là công thức của Abd al-Rahman khi ông “mộng du” qua những năm tháng của cuộc đời mình. Đó là một phương thuốc của lang băm được rao bán bởi những người tiên phong trong việc tạo nên một nền văn hoá từ Hollywood đến Đại lộ Madison. Nhưng từ sâu thẳm trong lòng, bạn biết công thức đó là một sự tha hoá đạo đức và là con đường dẫn tới những khổ đau. Bạn muốn thoát khỏi những ham muốn luôn đeo bám và khiến chúng ta bất hạnh, và thay vào đó tìm một công thức khác cho hạnh phúc. Nhưng bằng cách nào? Đơn giản là bạn hãy đảo ngược công thức đáng sợ ở trên và biến nó thành qui tắc đạo đức của mình:

Yêu con người và sử dụng vật chất.

Tôi cũng biết, nói dễ hơn làm. Để làm được như công thức đạo đức trên cần phải có dũng khí để từ bỏ lòng kiêu hãnh và sức mạnh để yêu thương người khác – bao gồm gia đình, bè bạn, đồng nghiệp, người quen, Chúa trời/Trời Phật và cả những người ta không quen biết hay thậm chí là kẻ thù của ta. Chúng ta chỉ nên chối bỏ tình yêu đối với những thứ thật sự là đồ vật. Và hình thức rèn luyện để đạt được điều này là từ thiện. Có rất ít thứ làm cho ta cảm thấy được giải thoát như việc cho người khác những thứ mà ta quí báu.

Chúng ta còn cần phải lên án chủ nghĩa vật chất. Đây rõ ràng không phải là một luận cứ dành cho một hệ thống kinh tế nào. Những ai đã từng sống ở một nước xã hội chủ nghĩa đều phải công nhận rằng chủ nghĩa vật chất và sự ích kỷ, dưới chế độ chủ nghĩa tập thể, là vô cùng tồi tệ hay thậm chí còn tệ hơn trường hợp thị trường tự do. Và không có một hệ tư tưởng chính trị nào lại có thể miễn nhiễm với chủ nghĩa vật chất.

Cuối cùng, chúng ta cần phải tự vấn sâu sắc đối với các ham muốn cơ bản của bản thân. Tất nhiên chúng ta bị thúc đẩy để có được sự ngưỡng mộ, sự huy hoàng và sự tự do sử dụng cơ thể của mình theo ý mình muốn. Nhưng khuất phục trước những ham muốn đó sẽ mang lại bất hạnh. Bạn có trách nhiệm với chính bản thân rằng mình phải đấu tranh. Một khi bạn tuyên bố đình chiến là khi bạn trở nên kém hạnh phúc. Tuyên bố chống lại những ham muốn mang mang tính phá hoại này không phải là sự khổ hạnh hay hay theo chủ nghĩa Thanh giáo (tôn giáo mà những người theo đạo sẽ phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt các qui tắc sống và xử sự – ND). Nó chỉ đơn giản là trở thành một người khôn ngoan biết né tránh những khổ ải không cần thiết.

Abd al-Rahman không bao giờ có thể biết tổng hạnh phúc mà ông có được. Bởi vị vua này không bao giờ biết được công thức đúng để tìm kiếm hạnh phúc. Chúng ta thì có.

Trần Đình Tuấn dịch

Nguồn: http://www.nytimes.com/2014/07/20/opinion/sunday/arthur-c-brooks-love-people-not-pleasure.html?smid=fb-share

menu
menu