Chất cồn: Kẻ an ủi giảo hoạt

chat-con-ke-an-ui-giao-hoat

Dù uống ít hay uống nhiều, là bợm hay không là bợm thì một khi đã uống vào, chất cồn trong rượu bia cũng tác dụng lên hệ thần kinh, nhẹ thì rối loạn vận động, suy nghĩ; nặng thì tổn thương các cấu trúc cụ thể.

Hầu hết chúng ta từng chứng kiến một người đã uống nhiều rượu: bước đi loạng choạng, nói năng trùng lặp, trí nhớ lộn xộn và mất hiệu lực. Những người đã uống rượu gặp rắc rối với sự cân bằng, khả năng phán đoán và phối hợp của họ, đặc biệt là phản ứng chậm với các kích thích. Đó là lý do tại sao uống rượu trước khi lái xe rất nguy hiểm, bởi cách mà rượu ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh trung ương.

Đã là thói quen, khi chiều tắt nắng và đã đưa xe vào sân, ông B. lấy trong tủ lạnh ra một chai bia vợ ướp sẵn. Ngay từ hớp đầu tiên, một ngày có căng thẳng hay chán chường đến mấy cũng như dịu đi vài bậc. Công dụng này của chất cồn, ông luôn quảng bá với mọi người, là làm “dịu não”.

Thao túng ban giao liên

Là trung tâm kiểm soát cơ thể, não và hệ thần kinh trung ương có khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh (nơron). Khi có một tín hiệu cần xử lý, các nơron tức tốc truyền đi. Chúng chạy đến báo với nhau? Không, chúng cứ ở yên đó, đã có “ban giao liên” là các chất dẫn truyền thần kinh bắc cầu để tín hiệu đi từ nơron này sang nơron kế tiếp, nhanh như điện, tốc độ khoảng 100m/giây.

Nhờ những cầu nối “giao liên” ấy, hệ thần kinh đáp ứng chính xác với ngoại cảnh, kiểm soát tốt các quá trình suy nghĩ, hành vi và cảm xúc. Ban giao liên ấy có nhiều loại. Loại kích thích (như glutamate) khiến hoạt động điện của não “hăng” lên. Loại ức chế (như GABA) làm hoạt động điện của não chậm lại.

Chất cồn trong bia rượu sẽ kích hoạt “giao liên” GABA, làm mọi thứ chậm bớt. Đầu tiên là cảm giác “dịu não”, lắng xuống như những người thích uống hay mô tả. Uống thêm nữa, mọi thứ như kéo giãn ra, người uống cử động quờ quạng, nói năng nhừa nhựa, buồn ngủ. Nhưng còn “giao liên” glutamate, kẻ có nhiệm vụ làm hệ thần kinh nhanh nhẹn? Cồn bèn ức chế luôn anh, khiến cho cử động cơ thể thành đờ đẫn, phản xạ chậm chạp, mắt nhìn mờ...

Chất cồn: Kẻ an ủi giảo hoạt
 

Nhưng chỉ làm cho toàn thân lười nhác, buông thả đi không thôi thì ngành công nghiệp rượu bia làm sao có thể lấy được nhiều tiền đến thế. Cồn còn làm tăng chất dopamine trong não, khiến người uống có cảm giác lâng lâng, thú vị. Cồn làm tăng cả norepinephrine, là chất dẫn truyền thần kinh cho cảm giác dễ chịu lúc mới uống hớp đầu tiên, lấy động lực làm tiếp nhiều hớp nữa. Làm thêm vài ly, lượng norepinephrine tăng lên, người uống chuyển sang hào hứng, bốc đồng, là nguyên nhân của những thứ “vạ mồm, vạ tay” trong cuộc nhậu.

Tóm lại, từ ban giao liên dẫn truyền thần kinh vốn phân chia công việc hợp lý, khi cần ức chế, khi cần kích thích, lúc cần mạnh bạo, lúc cần dịu đi... đã bị chất cồn thao túng, nâng kẻ này, dìm kẻ kia, cho một mục đích duy nhất là “không nghĩ nữa, không làm nữa, chỉ vui thôi”. Đầu lâng lâng nhưng mắt đã nhòa, tay chân quờ quạng, phản xạ chậm chạp... tóm lại là đầy đủ những điều kiện cần của một tai nạn.

Làm hỏng hồi hải mã

Mỗi buổi chiều, trong lúc uống bia, lòng lâng lâng ông B. nhớ lại những gì trải qua trong ngày. Chợt thấy một cô gái đi ngang, ông nhớ ngày xưa từng đưa đón một cô mặt nhang nhác. Rồi ông nhớ lại con đường ngoắt ngoéo đến xưởng may của cô. Nghĩ tới xưởng may ấy, ông nhớ hình ảnh những người thợ ngồi gù gù...

Chất cồn: Kẻ an ủi giảo hoạt
Vùng Hồi hải mã trong não

Ký ức miên man và tít từ tận đẩu đâu ấy mà ông B. có được là nhờ hồi hải mã, là cấu trúc trông rất giống con cá ngựa nhưng chỉ to cỡ một hạt hạnh nhân, nằm đối xứng mỗi “con” một bên bán cầu não. Hồi hải mã giúp ta có được trí nhớ xa gần, liên kết những cảm giác mới với ký ức cũ (thấy cô hàng xóm, nhớ người yêu cũ, thí dụ thế), định hướng trong không gian, ghi nhớ đường đi (một nghiên cứu cho thấy hồi hải mã của các tài xế taxi London lớn hơn người thường do phải nhớ đường).

Chất cồn trong một bữa tiệc có thể gây ức chế tạm thời trên hồi hải mã, gây hiện tượng thoáng mất trí nhớ, khiến sáng hôm sau người ta không nhớ mình đã làm gì, nói gì đêm qua! Một lượng cồn đều đặn và lâu dài sẽ hủy hoại hồi hải mã, làm tế bào não tại đó chết đi và những ký ức mới không được lưu giữ nữa.

Hậu quả là người ta có thể nói vanh vách (và nói đi nói lại) những ký ức rất cũ, nhưng chuyện mới xảy ra thì lại không nhớ được. Hồi hải mã bị ảnh hưởng cũng có nghĩa là khả năng định hướng trong không gian suy giảm. Người say có thể đi loanh quanh không tìm được đường ra trong một diện tích con con. Sự lúng túng trong việc định hướng, dù chỉ diễn ra trong tích tắc, cũng có thể khiến một người điều khiển xe gây tai nạn.

Khiến tiểu não la đà

Tiểu não là cấu trúc chuyên giúp ta phối hợp chuẩn xác các động tác và giữ thăng bằng cơ thể. Người say đi lảo đảo, vấp váp, cầm đâu rơi đấy, ấy là do tiểu não đã bị ảnh hưởng. Chất cồn vào đến não sẽ khiến tiểu não giảm tiêu thụ năng lượng, hoạt động chậm lại. Tiểu não la đà khiến các động tác trong cơ thể phối hợp không chặt chẽ, người ta khó mà vận hành máy móc nặng hoặc xe cộ.

Sau một cuộc nhậu, cảnh tượng hay gặp nhất ở bãi lấy xe là các ông khăng khăng: “Tôi uống có tí thôi mà, đáng gì, cứ để tôi chở!”. Nhưng các nhà khoa học phát hiện ra, có một thụ thể tên là delta tập trung nhiều ở hồi hải mã và tiểu não, rất nhạy với chất cồn, thậm chí chỉ một ly vang. Thụ thể delta này lại gắn bó với “anh giao liên” GABA đã nói bên trên. Dưới tác dụng của chất cồn, chúng cùng nhau ức chế việc hoạt động của hệ thần kinh, ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Cấu trúc của não có thể vẫn còn nguyên vẹn, nhưng một tí ti thay đổi về hóa chất thôi đã đủ làm não “ứng xử” khác đi và đưa đến thay đổi hành vi.

Chiếm tổng hành dinh vỏ não

Nghĩ thế nào, minh mẫn hay không, có lý trí hay không là tập trung ở vỏ não. Để bất hoạt “tổng hành dinh” này, chất cồn sẽ “đè nén” các trung tâm ức chế hành vi tại đây, khiến người uống rượu trở nên thiếu kiềm chế. Chất cồn sẽ kìm hãm việc xử lý các thông tin đến từ mắt, mũi, tai, xúc giác... Nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, ngã mà không đau, nói năng không biết nói gì... chính là do “tổng hành dinh” đã bị tiếm quyền.

Còn nhiều, nhiều nữa, các bộ phận khác của toàn bộ hệ thần kinh đều có thể kể ra sự tàn phá “thâm hiểm” của chất cồn. Tóm lại, dù uống ít hay uống nhiều, là bợm hay không là bợm thì một khi đã uống vào, chất cồn trong rượu bia cũng tác dụng lên hệ thần kinh, nhẹ thì rối loạn vận động, suy nghĩ; nặng thì tổn thương các cấu trúc cụ thể.

Và tai nạn do lái xe trong lúc có chất cồn thì cần gì đợi lâu, nó có thể diễn ra trong tích tắc, trong một cái lảo đảo, một cái gà gật của người điều khiển, trong sự chủ quan và kiêu ngạo của con người, nghĩ ý chí mình còn mạnh hơn những tế bào thần kinh của tự nhiên!

 

(Theo psychologytoday.com, science.howstuffworks.com)

Nguồnhttps://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20190526/chat-con-ke-an-ui-giao-hoat/1503634.html

menu
menu