Một cuộc đời vô dụng rực rỡ là một cuộc đời đáng sống

Giống như lớp đất màu mỡ trong khu vườn được chăm chút kỹ lưỡng, một cuộc đời vô dụng rực rỡ có thể sản sinh ra những hoa trái vượt xa những gì ta mong đợi.
John Alec Baker không phải là một nhà điểu học chuyên nghiệp. Ông chỉ nhận một nền giáo dục bình thường ở một trường trung học Anh quốc, rồi kiếm sống bằng những công việc lặt vặt, những vị trí văn thư nhỏ ở thị trấn Essex, nơi ông sinh ra và lớn lên – và cũng là nơi ông sẽ trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 61. Dù từng làm việc cho Hiệp hội Ô tô, ông chưa bao giờ học lái xe. Khi muốn đi vào những vùng quê yên tĩnh quanh Chelmsford để quan sát chim chóc, ông chỉ có hai lựa chọn: đi bộ hoặc đạp xe – dù thị lực kém và chứng viêm khớp dạng thấp ngày càng khiến cơ thể ông suy nhược.
Trong những khoảng thời gian rảnh rỗi, Baker lặng lẽ theo dõi, ghi chép tập tính của chim, đặc biệt là loài cắt lưng xám, một loài chim săn mồi đã rơi vào tình trạng nguy cấp vào giữa thế kỷ XX. Những buổi chiều đắm mình trong rừng, những buổi tối cặm cụi ghi lại từng quan sát vào cuốn nhật ký – một thập kỷ kiên trì như thế đã kết tinh thành kiệt tác nhỏ bé nhưng rực rỡ của ông: The Peregrine (1967), một trong những tác phẩm xuất sắc nhất về thiên nhiên từng được chắp bút:
"Mười năm qua, tôi dành tất cả mùa đông của mình để truy tìm thứ ánh sáng không ngừng dịch chuyển, thứ đam mê chớp nhoáng và bạo liệt mà loài cắt lưng xám khuấy động giữa trời cao. Mười năm qua, tôi vẫn ngước nhìn lên bầu trời, kiếm tìm hình hài như mỏ neo xuyên qua mây, như mũi tên bật khỏi nỏ lao đi giữa không trung."
Không phải tiền bạc, không phải danh vọng, cũng chẳng phải khao khát cải thiện đời sống nhân loại như động lực của những nhà khoa học hiện đại – nỗ lực của Baker hoàn toàn không vì những mục đích ấy. Ông chỉ kiếm tìm một điều gì đó rực rỡ và đẹp đẽ, một điều mà, theo cách nhìn của thế gian, hoàn toàn và tuyệt đối vô dụng.
Chưa đầy một thập kỷ sau ngày The Peregrine ra mắt, cách đó nửa vòng Trái Đất, hai thiếu niên thuộc tầng lớp lao động ở California quyết định lập một ban nhạc. Cả hai chẳng ai biết chơi nhạc cụ – theo lời một nhà sử học, "họ còn không phân biệt được guitar bass với guitar bình thường, thậm chí còn chẳng biết chỉnh dây đàn" – nhưng mẹ họ nghĩ rằng chơi nhạc vẫn là lựa chọn tốt hơn là lang thang vô định trên những con phố đầy nguy hiểm của San Pedro. Và thế là họ thử sức.
Chỉ sau vài tháng tập tành vụng về với những bản cover thô ráp của Alice Cooper và Blue Öyster Cult, một cuộc chạm trán với The Ramones và The Clash đã kéo họ về với punk rock. Họ bắt đầu sáng tác, thay đổi vài tay trống, đổi tên nhóm vài lần trước khi cuối cùng quyết định gọi mình là Minutemen. Trong năm năm ngắn ngủi nhưng mãnh liệt, họ trở thành một trong những ban nhạc punk được yêu mến và truyền cảm hứng nhất nước Mỹ.
Punk rock, dĩ nhiên, chẳng có vẻ gì giống với thú quan sát chim. Đó là một thế giới của danh vọng, hào nhoáng và những cái tôi khát khao khẳng định bản thân. Người ta lập ban nhạc để nổi tiếng, để được ký hợp đồng, kiếm tiền, và hưởng thụ. Nhưng Minutemen chẳng màng đến điều đó. Với họ, punk là một thế giới đáng để tham gia, và cách rõ ràng nhất để hòa mình vào nó là sáng tác nhạc.
"Đôi khi, bạn phải biến giấc mơ thành hành động," Mike Watt – tay bass kiêm giọng ca của nhóm – từng nói. "Vì hoàn cảnh có thể nghiền nát bạn bất cứ lúc nào. Vậy thì, thay vì nổi giận hay ghen tị với những gì người khác có, tại sao không sáng tạo? Tại sao không tự dựng lên một ‘công trường nghệ thuật’ của riêng mình, một vương quốc nhỏ của riêng mình?"
Với họ, việc gặp gỡ những ban nhạc khác, rong ruổi trên những chuyến lưu diễn "tiết kiệm tối đa", thu âm những bản nhạc mới, sống trọn vẹn với giấc mơ punk rock – tất cả những điều đó chính là mục tiêu. Còn lợi nhuận ít ỏi từ âm nhạc? Nó chỉ đủ để giúp họ giữ vững vương quốc bé nhỏ ấy mà thôi.
Câu chuyện về Baker được thuật lại đầy mê hoặc trong cuốn sách Lost in Thought: The Hidden Pleasures of an Intellectual Life (2020) của triết gia Zena Hitz; còn câu chuyện về Minutemen được ghi chép trong Our Band Could Be Your Life: Scenes from the American Indie Underground, 1981-1991 (2001) của Michael Azerrad. Cả hai tác phẩm, theo những cách rất khác nhau, đều là những minh chứng sống động cho một chân lý: khi con người theo đuổi những hoạt động sáng tạo và trí tuệ đơn thuần vì chính chúng, cuộc sống lại ban tặng những phần thưởng không ngờ tới.
Những kiệt tác nghệ thuật và những tư tưởng vĩ đại chưa bao giờ chỉ đơn thuần là sản phẩm của lòng tham kiếm tiền – dù tiền bạc có thể đến theo cách này hay cách khác. Nhưng nền văn hóa thực dụng của chúng ta đã phủ một màn sương dày đặc lên ý niệm rằng có những điều đáng theo đuổi chỉ vì chúng thuộc về cái đẹp, cái thiện, và chân lý.
Không một ai trở thành tổng thống hay sở hữu biệt thự ở Beverly Hills nhờ quan sát chim chóc. Chơi nhạc với bạn bè cũng chẳng thể chữa ung thư hay xây dựng một thuộc địa trên sao Hỏa. Nhưng dự án thực sự của nhân loại – việc thấu hiểu chính mình, kiến tạo một thế giới đáng sống, và cùng nhau vươn tới sự thịnh vượng chung – lại phụ thuộc một cách nghịch lý vào những điều mà Zena Hitz gọi là "sự vô dụng rực rỡ".
Văn hóa thế kỷ XXI – trên quy mô toàn cầu ngày càng mở rộng – xoay quanh những nguyên tắc thực dụng về tính hữu ích, hiệu quả và tác động. Giá trị của mọi thứ – một ý tưởng, một hoạt động, một tác phẩm nghệ thuật, một mối quan hệ giữa con người với con người – đều được đánh giá theo lăng kính thực tế: một điều chỉ được coi là tốt khi nó có công dụng nhất định, và công dụng này thường được định nghĩa là khả năng tạo ra tiền bạc hoặc vật chất.
Những người trẻ sáng dạ bị đẩy vào một số ít con đường sự nghiệp “đầy hứa hẹn” trong kinh doanh, tư vấn, và luật pháp. Những “chuyên gia tình yêu” khuyên con người tìm kiếm bạn đời dựa trên giá trị địa vị, hướng tới việc “chinh phục” một nửa kia được xem là “xứng tầm.” Các cẩm nang về “năng suất” – phẩm chất tối thượng của nước Mỹ thế kỷ XXI, nay đã lan rộng khắp thế giới – đứng đầu danh sách sách bán chạy nhất. Ngay cả cách con người ở bên nhau, như việc thực hành tôn giáo, cũng bị coi là một dạng “công nghệ xã hội.” Việc học một kỹ năng, hay thậm chí chỉ đơn giản là lặng lẽ chiêm nghiệm sự kỳ lạ của kiếp người, cũng bị biến thành một dạng “mẹo sống.” Với những kẻ mang danh minh triết thời nay, công dụng là tiêu chí tối thượng – là thước đo duy nhất của mọi giá trị.
Sự vô dụng rực rỡ nuôi dưỡng tâm hồn con người
Thế nhưng, điều mà W. E. B. Du Bois từng nói về giáo dục trong The Souls of Black Folk (1903) có thể áp dụng cho toàn bộ những nỗ lực của nhân loại: mục đích không phải là “kiếm miếng ăn, mà là hiểu được ý nghĩa và đích đến của cuộc đời mà miếng ăn ấy nuôi dưỡng.”
Một cuộc sống thực sự có ý nghĩa đòi hỏi con người phải tìm thấy mục đích và giá trị nội tại – điều mà không thể đạt được một cách ổn định thông qua những thứ như tiền bạc hay khoái lạc, bởi chúng vốn dĩ chỉ là phương tiện. Có thể tồn tại bằng những quy tắc thực dụng, nhưng để sống tốt, điều đó là không đủ.
Zena Hitz từng viết: “Tự do không chỉ là sự giải phóng khỏi những công dụng nhỏ bé hay lớn lao, khỏi một thế giới vô vị, khỏi những khuôn khổ chật hẹp mà xã hội áp đặt lên con người – tự do còn mở ra muôn vàn khả năng của nhân loại.”
Ngay từ những thế kỷ đầu thời hiện đại, các nhà nhân chủng học và triết gia thực dụng Mỹ đã tin rằng con người là một Homo faber – sinh vật được định nghĩa bởi lao động và công cụ. Nhưng giả thuyết đó chưa bao giờ đủ để diễn giải con người. Khỉ và đười ươi cũng biết dùng công cụ và vũ khí; kiến và mối có thể xây dựng những thành phố phức tạp. Nhưng chưa có con vượn hay con côn trùng nào từng viết thơ, suy tư về triết học hay cất lên những khúc blues từ tận đáy lòng.
Tất nhiên, không phải mọi hoạt động “vô dụng” đều có giá trị. Việc cắm mặt vào màn hình cả ngày để xem phim, nghiện ngập những chất kích thích, hay chỉ quanh quẩn ăn uống mà chẳng làm gì khác – tất cả đều là những dạng vô dụng, nhưng không phải là sự vô dụng rực rỡ.
Một sự vô dụng thực sự rực rỡ không chỉ mang lại khoái cảm nhất thời cho trí óc hay cơ thể, mà còn nâng cao và nuôi dưỡng tâm hồn. Giá trị nó tạo ra luôn lớn hơn những gì được bỏ vào: việc chiêm ngưỡng thiên nhiên, niềm vui trong âm nhạc, hay ngay cả việc nghiên cứu toán học đều có thể trở thành những hành động cao quý, vừa đem lại sự hứng thú, vừa bồi đắp trí tuệ và tinh thần. Càng dấn thân vào những điều như vậy, ta càng mài giũa được khả năng cảm nhận và đón nhận cái đẹp – và chính những phẩm chất ấy mới giúp con người thật sự thấu hiểu thế giới, học hỏi từ nó, và hành động một cách sâu sắc hơn.
Nhưng điều này không có nghĩa là sự vô dụng rực rỡ chỉ phục vụ cho bản thân. Ngược lại, trong khi làm giàu cho tâm hồn mỗi người, nó còn lan tỏa và làm giàu cho thế giới xung quanh. Giống như lớp đất màu mỡ của một khu vườn được chăm sóc cẩn thận, một cuộc đời đầy những điều vô dụng rực rỡ có thể sản sinh ra những hoa trái vượt xa mục tiêu ban đầu.
Khi con người theo đuổi cái đẹp và điều thiện vì chính bản thân chúng, những giá trị đó có xu hướng nhân lên, lan tỏa, sinh sôi. Một bài thơ hay có thể gợi cảm hứng cho cả chục bài thơ khác, và một bài thơ vĩ đại có thể đánh thức cả ngàn tâm hồn. Một cuộc hôn nhân được xây dựng trên sự yêu thương và bao dung, thay vì dựa trên địa vị hay quyền lợi, có thể trở thành hình mẫu và nguồn động viên cho gia đình, bạn bè và cả cộng đồng.
Cuốn sách của John Alec Baker đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ những người yêu thiên nhiên, các nhà văn và người quan sát chim. Ban nhạc Minutemen từng bị xem là một nhóm punk vô danh, nhưng sau cùng lại được công nhận là một trong những huyền thoại lớn nhất của dòng nhạc này. Và hiện tượng ấy cũng xuất hiện trong khoa học: như Abraham Flexner đã viết năm 1939, “trong suốt lịch sử khoa học, hầu hết những phát minh vĩ đại nhất, có lợi ích sâu sắc nhất cho nhân loại, đều đến từ những con người không hề bị thôi thúc bởi mong muốn làm điều hữu ích, mà chỉ đơn thuần là khao khát thỏa mãn trí tò mò.”
Bằng cách dấn thân vào một công việc chỉ vì niềm say mê thuần túy, và làm nó với tất cả sự tận tâm, con người tạo ra những ảnh hưởng vượt xa những gì họ có thể lường trước hay mong đợi.
Dĩ nhiên, tính thực dụng không phải là điều đáng bị khinh thường. Mọi hoạt động hướng đến mục tiêu – ngay cả những lý tưởng cao đẹp nhất – đều đòi hỏi sự cân nhắc cẩn trọng về phương tiện để đạt được mục tiêu đó.
Nhưng từ thời Aristotle, ta đã biết rằng điều thiện cao nhất của đời người không thể bị giản lược thành việc theo đuổi những phương tiện như tiền bạc hay khoái lạc. Để sống, con người cần có những điều kiện vật chất tối thiểu – thức ăn, quần áo, chỗ ở. Nhưng để sống tốt, điều thiết yếu hơn cả lại chính là sự vô dụng.
Nguồn: A life of splendid uselessness is a life well lived | Psyche.co