Muốn bình yên tâm hồn và tăng hormone hạnh phúc, hãy làm ngay điều này!
Các nhà nghiên cứu của Anh và Mỹ đã có một phát hiện quan trọng, và điều này rất hữu ích khi ứng dụng vào cuộc sống của mỗi người trong đại dịch Covid-19.
Thời gian này, mọi người có xu hướng lên mạng nhiều hơn để đọc báo, trò chuyện, giải trí, lướt các trang mạng xã hội hay mua sắm trực tuyến... Có quá nhiều thứ để làm, để xem trên mạng Internet. Tuy nhiên, chọn hoạt động nào có lợi, mang lại cảm xúc tích cực và giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, lại là chuyện khác.
Như chúng ta đã biết, cảm giác hài lòng, mãn nguyện giúp giải phóng một trong những loại hormone hạnh phúc, đó là Dopamine. Khi Dopamine được giải phóng, nó sẽ khiến con người vui vẻ và muốn có được nó nhiều hơn.
Rượu bia và các chất kích thích có cocain, nicotin chứa một hàm lượng đáng kể hormone này. Đó cũng chính là lí do một số người thường tìm đến rượu bia khi cảm thấy căng thẳng, chán chường.
Nhưng, chất kích thích tất nhiên có hại cho sức khỏe. Vì thế, thay vì dùng chất kích thích, chúng ta có thể tự tạo cảm giác hài lòng cho bản thân bằng cách chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ qua những bức ảnh hay những thước phim chất lượng cao được sản xuất công phu.
Một nghiên cứu của Đại học California tại Berkeley (UC Berkeley) và BBC Earth đã chứng minh rằng xem video về thiên nhiên thực sự có thể làm tăng cảm xúc hạnh phúc.
Người đứng đầu nghiên cứu này là Dacher Keltner, giáo sư tâm lý học tại UC Berkeley.
Theo Giáo sư Keltner, chiêm ngưỡng thiên nhiên thông qua phim ảnh sẽ giúp người xem tăng các cảm xúc tích cực, như kinh ngạc, hài lòng, mãn nguyện, tò mò, đồng thời làm giảm các cảm giác tiêu cực, như mệt mỏi, căng thẳng, tức giận, giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó lợi ích lớn nhất là tăng cường miễn dịch và cảm giác hạnh phúc.
Nghiên cứu này được tiến hành dựa trên các cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 7.500 tình nguyện viên tại sáu quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Ấn Độ, Úc, Nam Phi và Singapore. Dữ liệu thu thập được mang tính đại diện cho dân số ở mỗi quốc gia.
Các tình nguyện viên được cho xem một trong năm video clip, bao gồm: hai clip được cắt ra từ series phim tài liệu về thiên nhiên đa quốc gia "Hành tinh Trái đất II" (Planet Earth II) do BBC sản xuất năm 2016; một clip cắt từ một bộ phim truyền hình nổi tiếng, một clip cắt từ một bản tin thời sự và một clip đối chứng có các cảnh quay trung lập về mặt cảm xúc.
Trước khi xem các đoạn clip, họ được yêu cầu hoàn thành một cuộc khảo sát ngắn để thiết lập trạng thái tâm lý.
Sau khi xem xong, họ được yêu cầu hoàn thành các bài kiểm tra tâm lý và một bảng câu hỏi để đánh giá tác động của việc xem các clip đến tâm trạng và cách nhìn nhận của họ. Họ phải "cho điểm" (theo thang điểm 10) đối với 14 loại cảm xúc.
Phản hồi theo thời gian thực của họ đối với các thước phim được ghi lại bằng công nghệ lập bản đồ khuôn mặt (facial mapping technology) của Crowd Emotion.
Kết quả: So với các clip tin tức, phim truyền hình và clip đối chứng, các clip về thế giới tự nhiên giúp tăng rõ rệt cảm xúc tích cực và giảm cảm xúc tiêu cực ở người xem.
Cụ thể, việc xem các clip về thiên nhiên làm gia tăng đáng kể các cảm xúc kinh ngạc, ngạc nhiên, thắc mắc, tò mò, thích thú và ý muốn khám phá; tăng niềm vui, sự hào hứng và nhiệt tình; tăng sự mãn nguyện, thư thái và yên bình; tạo cảm giác giải trí, vui vẻ và mang lại tiếng cười.
Đồng thời nó cũng làm giảm đáng kể trạng thái hồi hộp, lo lắng, sợ hãi; giảm căng thẳng và cảm giác bị quá tải; giảm sự tức giận và cáu kỉnh; giảm cảm giác mệt mỏi và trạng thái uể oải, thiếu sức sống.
"Những thay đổi trong cảm xúc được thể hiện trong nghiên cứu này rất có ý nghĩa vì chúng ta biết rằng cảm giác kinh ngạc và mãn nguyện là nền tảng của hạnh phúc con người," Giáo sư Keltner cho biết.
Đáng chú ý, nghiên cứu này mang lại một phát hiện bất ngờ: Xem video về thiên nhiên có tác dụng lớn nhất với người trẻ tuổi.
Theo Giáo sư Keltner, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người trẻ đang phải đối mặt với rất nhiều căng thẳng, và việc xem các video về thế giới tự nhiên thực sự có thể giúp họ tìm lại sự cân bằng về mặt tinh thần.
Ông cho rằng những thước phim về thiên nhiên với khả năng gây kinh ngạc và truyền cảm hứng có thể trở thành một công cụ tốt giúp người ta "cai nghiện" mạng xã hội.
Sâu xa hơn, những phát hiện của nghiên cứu này có thể được áp dụng để biến việc sử dụng mạng xã hội thành một trải nghiệm lành mạnh hơn.
"Đây có thể là một gợi ý cho chúng ta về việc chuyển sang các loại nội dung mạng xã hội khác để tìm thấy sự thanh thản cho bản thân trong những thời điểm căng thẳng cao độ như thế này," ông kết luận.
Theo Tri thức trẻ