Nhà trị liệu ghét tôi
Đi gặp một nhà phân tâm học trẻ em bốn lần mỗi tuần trong suốt ba năm đã là một trải nghiệm đủ tệ. Nhưng đọc những gì bà ấy viết về tôi còn tệ hơn gấp bội.
Tháng 1 năm 2022, Edna O’Shaughnessy – một nhà phân tâm học trẻ em hàng đầu, người từng gọi mình là “nữ tì của Melanie Klein” – qua đời. Bà được đào tạo tại Phòng khám Tavistock và hành nghề tư nhiều thập kỷ ở Bắc London. Năm 2015, bà xuất bản một tuyển tập các bài luận, trong đó có ba bài kể lại những phân tích của bà với một cậu bé 11 tuổi mà bà gọi là Leon.
Chỉ cần nhìn thoáng qua Leon trong lần đầu gặp tại “phòng chơi” – cái tên mà O’Shaughnessy đặt cho không gian làm việc của mình – bà đã thấy trước đây sẽ là một thử thách khó nhằn. “Vì bố mẹ cậu không hề đề cập đến trầm cảm,” bà nhớ lại, “nên tôi không ngờ lại gặp một đứa trẻ rất trầm cảm trong buổi đầu tiên: một cậu bé nặng nề, sụp đổ, ngồi xuống trước mặt tôi trên chiếc ghế nhỏ.”
Chẳng bao lâu sau, O’Shaughnessy tin rằng Leon không chỉ trầm cảm; cậu còn sống trong một thế giới đầy biểu tượng kỳ dị. Bà viết rằng những chiếc gối vây quanh Leon là “hình ảnh phi tính dục hóa của cha mẹ mà cậu giữ bên mình”. Cánh cửa phòng chơi được Leon nhìn nhận như “một dương vật với tinh hoàn”, còn lớp sơn trên sàn thì gợi lên trong cậu hình ảnh “một âm đạo và cái miệng lẫn lộn”.
Những mô tả này, theo góc nhìn của các nhà phân tâm học trường phái Klein, được xem là “chuyện thường ngày”. Nhưng khi tôi tình cờ đọc các bài viết của O’Shaughnessy gần đây, tôi không thể dễ dàng bỏ qua như vậy. Chỉ cần vài trang, tôi đã nhận ra cậu bé Leon lạ lùng đó chính là tôi. Tôi nhận ra mình không qua những phantasies (ảo tưởng) mà bà gán cho, mà qua hoàn cảnh của tôi và những đoạn hội thoại mà O’Shaughnessy cũng thấy đáng nhớ.
Cha tôi từng tham gia công việc chuyên môn với Phòng khám Tavistock – nơi những năm 1980 là trung tâm của các nhà phân tâm học Klein. Năm 1986, ông đăng ký cho tôi gặp O’Shaughnessy, và tôi bắt đầu trải qua ba năm trị liệu riêng – bốn ngày mỗi tuần, khoảng 40 tuần một năm – tại nhà riêng của bà ở Hampstead.
Nhưng thực tế là chẳng có gì ở tôi cần tới mức phải phân tâm học gần như hàng ngày suốt hàng tháng trời, thậm chí nhiều năm. Đúng là tôi nhút nhát và đôi khi ngại tham gia vào các hoạt động mới. Nhưng tôi hoàn toàn không trầm cảm. Ngoài một chút lo lắng khi sắp vào trường trung học, tôi là một đứa trẻ vui vẻ. Quan trọng hơn cả, chính bố mẹ tôi cũng không thống nhất về việc có cần can thiệp hay không. O’Shaughnessy viết: “Người mẹ khiêm tốn nghi ngờ điều này, khăng khăng rằng Leon chỉ là một cậu bé bình thường, không học giỏi, nhưng cũng chẳng gây rắc rối gì.”
O’Shaughnessy nhấn mạnh rằng môi trường bà làm việc với các bệnh nhân là môi trường mang tính lâm sàng. Nhưng nếu đúng như vậy, quá trình chẩn đoán và điều trị vấn đề – nếu thực sự tồn tại – lẽ ra phải nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Một người thực sự muốn tìm hiểu sẽ đặt ra những câu hỏi sâu sắc hơn. Ví dụ như: Đứa trẻ này có thực sự gặp bất ổn nào không? Nếu có, liệu cậu bé cần tới bốn buổi trị liệu mỗi tuần? Những mặt trái của việc kéo cậu bé ra khỏi bài vở ở trường và thời gian giao tiếp xã hội liệu có lớn hơn lợi ích mà trị liệu mang lại? Và ngay cả khi tất cả điều kiện này phù hợp, liệu phân tâm học có phải phương pháp can thiệp đúng đắn hay không?
Những kết luận mà bà đưa ra từ câu trả lời của tôi thường khiến tôi thấy vô lý, và tôi ngày càng sẵn sàng nói thẳng điều đó.
Trong một buổi, tôi đã nói với bà một cách đơn giản: “Tôi ghét cách bà nói chuyện.”
Theo thời gian, tôi coi các buổi trị liệu như một hình thức giam cầm. Tôi ngày càng khó chịu khi ở cạnh O’Shaughnessy và bắt đầu đi muộn trong các buổi hẹn. Đến năm cuối cùng, tôi dành nhiều giờ làm bài tập ở trường khi ngồi nửa khuất sau một chiếc hộp đồ chơi lớn. Thỉnh thoảng, tôi thậm chí trốn hẳn vào phòng tắm kế bên để đọc sách.
Hành vi đó lẽ ra nên được một nhà phân tâm học sắc sảo quan tâm. Dù mẹ tôi nhận xét tôi là đứa trẻ “không có vấn đề gì”, nhưng đến năm thứ ba trị liệu, tôi đã phải trốn khỏi O’Shaughnessy trong nhà vệ sinh. Liệu có điều gì tồi tệ xảy ra ở nhà hoặc trường không? Hay có lẽ chính việc trị liệu đang gây ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết?
Phân tâm học từ lâu đã bị chỉ trích vì dựa trên những niềm tin không thể chứng minh hoặc bác bỏ – tức là không có cách nào để khẳng định hoặc phủ định các lý thuyết mà nó xây dựng cũng như các kết luận mà nó đưa ra – vì vậy không thể coi là một ngành khoa học. Nhưng trong một bài luận có tiêu đề “Sự thật lâm sàng là gì?” (1994), O’Shaughnessy khẳng định rằng tính khách quan của phân tâm học được đảm bảo qua việc các nhà phân tâm được “giám sát và thảo luận với đồng nghiệp”. Nhưng những đồng nghiệp đó đã chia sẻ cùng một giáo lý, và những gì họ thảo luận trong một ngày bất kỳ hoàn toàn phụ thuộc vào những gì bà chọn kể bằng ngôn ngữ chung của họ.
Cả nhóm người đó chẳng khác gì một hội chiêm tinh cùng nhau luận bàn.
Sự khép kín trong cách làm việc của O’Shaughnessy được thể hiện rõ qua một bài viết tưởng niệm bà năm 2022 của nhà phân tâm học người Đức Gisela Klinckwort. Trong đó, Klinckwort mô tả một buổi hội thảo năm 2013 do O’Shaughnessy chủ trì, nơi bà chia sẻ về thời gian làm việc với Leon. Klinckwort viết: “Thật ấn tượng khi thấy cách Red quan sát hành vi và lời nói của đứa trẻ, cách bà ấy hiểu Leon sâu sắc và tiếp cận cậu bằng những từ ngữ đơn giản.” Tôi chợt biết được rằng “Red” là biệt danh mà đồng nghiệp đặt cho O’Shaughnessy, và tôi đoán Klinckwort đã mô tả chính xác sự ấm cúng trong các buổi “giám sát và thảo luận” mà bà có với họ.
Nhưng điều mà Klinckwort không thể biết, đó là những gì O’Shaughnessy viết về mối quan hệ giữa tôi và bà gần như hoàn toàn do bà tưởng tượng ra.
Khi đọc các bài luận của O’Shaughnessy với tư cách một người trưởng thành, tôi nhận ra rằng bà đã cố gắng nhét tôi vào khuôn khổ lý thuyết của mình – đôi khi bằng cách chỉnh sửa chính lý thuyết đó để khớp với những gì diễn ra trong các buổi trị liệu. Điều này được thể hiện rõ nhất qua những rắc rối của bà với phức cảm Oedipus của Sigmund Freud. Theo Freud, tất cả các bé trai đều trải qua một giai đoạn phát triển mà ở đó chúng khao khát mẹ mình và coi cha là đối thủ. Nhưng, như O’Shaughnessy đề cập trong bài luận Phức cảm Oedipus vô hình (1989), có một vấn đề nảy sinh: điều gì xảy ra nếu bệnh nhân không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào của phức cảm này?
Bà trích dẫn nhà phân tâm học người Áo Heinz Kohut, người từng gợi ý tạm gác phức cảm Oedipus sang một bên. Nhưng điều này không thể chấp nhận được, vì nó đe dọa đến nền tảng lý thuyết quan trọng nhất của Freud. May mắn thay, O’Shaughnessy có một “đột phá” – nhờ Leon. Dựa trên trường hợp của tôi, bà đề xuất rằng phức cảm Oedipuscó thể “vô hình” – và sự vô hình này không phải là dấu hiệu cho thấy nó không liên quan, mà ngược lại, là bằng chứng rằng nó quá trung tâm và mãnh liệt đến mức chi phối toàn bộ tâm trí của bệnh nhân.
Với kết luận này, O’Shaughnessy đạt được một kỳ tích: đối với các nhà phân tâm học băn khoăn về tính phổ quát của phức cảm Oedipus, họ có thể tự trấn an rằng, dù có hoặc không có dấu hiệu rõ ràng, sự tồn tại của nó vẫn được đảm bảo. Lý thuyết vẫn đứng vững, và đồng thời mở ra một con đường trị liệu “mới mẻ” để khám phá. Tất cả mọi ngả đều dẫn về phân tâm học.
Cái tôi khổng lồ của O’Shaughnessy đã khiến bà bóc tách cuộc đời tôi ra khỏi bất kỳ ý nghĩa nào, ngoại trừ sự phân tích.
Với tiêu chí dành cho “dấu hiệu Oedipus” được mở rộng để bao gồm cả dấu hiệu hữu hình lẫn vô hình, O’Shaughnessy bắt đầu phát hiện nó trong hầu như mọi tương tác của tôi. Một trong những ví dụ mà bà nhấn mạnh là suốt tám tháng đầu tiên, tôi luôn chọn ngồi trên một chiếc ghế dài nhỏ giữa hai chiếc gối. Theo trí nhớ của tôi, tôi chọn chỗ ngồi này vì nó gần cửa ra vào và đủ thoải mái cho 50 phút trị liệu. Nhưng với O’Shaughnessy, mọi lý do bình thường đều bị bác bỏ.
Bà quả quyết: “Những chiếc gối của Leon là hình ảnh phi tính dục hóa của cha mẹ mà cậu giữ quanh mình – những mảnh ghép dễ chịu mà từ đó các thành phần đáng sợ đã bị đẩy xuống sàn và cánh cửa.”
Thật đáng hỏi làm sao O’Shaughnessy có thể đi đến những suy luận kỳ lạ như vậy – và cả những hình ảnh được bà thêm thắt như dương vật, tinh hoàn, miệng và âm đạo mà bà cho là lơ lửng trước mặt tôi như con dao găm của Macbeth. Ở bất kỳ thời điểm nào, bà cũng không làm rõ rằng tôi đã từng nói với bà rằng tôi nhìn thấy những thứ đó. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu mình từng nói, bởi vì vào năm 11 tuổi, từ “miệng” là từ duy nhất trong số đó mà tôi hiểu nghĩa. Điều chúng ta có ở đây không phải là những hình ảnh từ vô thức của tôi, mà là những hình dung từ “kho tàng” lý thuyết của trường phái Klein.
Một khía cạnh đặc biệt nguy hiểm trong thời gian tôi ở bên O’Shaughnessy là cách bà âm thầm cố gắng xen vào giữa tôi và bố mẹ mình. Điều này đòi hỏi một sự tự tin không nhỏ, nhưng trong trường hợp của bà, nó được biện minh bởi khái niệm cốt lõi của phân tâm học: chuyển di. Theo đó, khách hàng được cho là sẽ chuyển những cảm xúc chưa được giải quyết từ thời thơ ấu lên nhà trị liệu.
Bởi vậy, O’Shaughnessy lập luận rằng tôi thường xem bà như mẹ mình. Bà viết rằng Leon muốn bà “rời xa cha, đến gần hơn bên Leon và dỗ dành cậu bằng những câu hỏi, không chỉ khi cậu lo lắng và cần tôi, mà cả khi cậu tức giận và chọn cách không giao tiếp.”
Hai tình huống đối lập này – tôi được cho là vừa khao khát gần gũi, vừa muốn xa lánh bà – đều được bà sử dụng làm bằng chứng để củng cố quan điểm rằng mọi thứ bà làm đều đúng đắn.
Sự quan trọng hóa bản thân của O’Shaughnessy đã biến cuộc đời tôi thành một chuỗi những phân tích không hồi kết. Bà từng khẳng định rằng: “Khoảng thời gian giữa các buổi trị liệu, hay những ngày cuối tuần, dường như không tồn tại với Leon.” Một lần, bà kể rằng tôi từng sốc đến mức không chịu nổi khi nghĩ đến việc phải xa bà trong một dịp cuối tuần, đến nỗi tôi “đá mạnh về phía bà và làm một cử chỉ thô lỗ, kiểu ‘đồ chết tiệt’.” Theo cách bà lý giải, hành vi đó thực chất là một sự công kích nhằm vào “người mẹ đang mang thai”, người mà tôi sợ sẽ sinh ra một đứa trẻ khác và chiếm hết sự chú ý dành cho tôi. Nhưng thực tế, cuối tuần với tôi quan trọng chính vì đó là khoảng thời gian tôi được giải thoát khỏi người phụ nữ luôn ám ảnh với việc phân tích này. Còn hành động thô lỗ của tôi, dù tôi chẳng tự hào gì, thực chất chỉ đơn giản là nhắm thẳng vào bà mà thôi.
Mối quan hệ giữa bà và tôi có thể được coi là một trường hợp điển hình của cái gọi là phản chuyển di trong phân tâm học. Nhưng tôi nghĩ, đúng hơn thì đây chỉ là một ảo tưởng rằng bà có vai trò quan trọng trong cuộc sống của tôi. Để củng cố cho nhận định rằng tôi không có hứng thú gì với thế giới bên ngoài, bà tuyên bố rằng tôi “không cố gắng ở nhà hay ở trường học”. Nhưng điều này hoàn toàn sai, và thậm chí mâu thuẫn với chính các bài luận của bà, nơi có nhắc đến việc tôi làm bài tập về nhà ngay trong các buổi trị liệu. Thay vì coi đó là nỗ lực của một đứa trẻ muốn bám víu vào thế giới ngoài căn phòng của bà – nơi đối với tôi ý nghĩa hơn nhiều – bà lại cho rằng tôi làm thế chỉ để thu hút sự chú ý của bà.
Nếu tôi thực sự khao khát sự chú ý của O’Shaughnessy, vậy tại sao các buổi trị liệu lại kết thúc? Ngay cả bà cũng phải thừa nhận rằng tôi đã đơn phương chấm dứt phân tích ở tuổi 13. Nhưng bà không tài nào chấp nhận được điều này, bởi nó mâu thuẫn với niềm tin của bà rằng tôi không có cuộc sống nào ý nghĩa ngoài những buổi trị liệu với bà. Thế nên, bà vẽ ra một câu chuyện phức tạp về một đứa trẻ tuyệt vọng muốn tiếp tục trị liệu. Trong buổi trị liệu thứ 15 tính từ cuối, tôi mang theo một hộp nước trái cây có dòng chữ “mua 15 tặng thêm” in bằng chữ hoa. Bà cho rằng tôi quá lo sợ trước viễn cảnh mất đi bà, đến mức trút mọi cảm xúc ấy lên hộp nước. Sau khi hút đến giọt cuối cùng, tôi ném nó vào thùng rác và đổ sụp xuống ngủ, theo lời bà mô tả: “Cậu ấy truyền đến tôi nỗi đau và lo lắng đến xé lòng. Và rồi đột nhiên cậu ấy thiếp đi – nó quá sức chịu đựng.” Nếu điều này không hoàn toàn là sự bịa đặt, thì sự thật nhỏ nhoi còn lại chính là tôi đã quá chán nản đến mức sẵn sàng ném mọi thứ trong tầm tay.
Điều duy nhất tôi đồng ý với O’Shaughnessy là việc các buổi trị liệu chẳng mang lại kết quả gì. Trong bài luận Thế nào là một sự kiện lâm sàng?, bà viết về một buổi trị liệu như sau:
"Khi viết bài này, tôi nhận ra sự tuyệt vọng của mình khi đối diện với trạng thái phòng thủ, chia tách của Leon. Cảm giác chỉ có thể chịu đựng nó, rất có thể bắt nguồn từ cảm giác thất bại của tôi với tư cách là một nhà phân tích – kết quả trị liệu của tôi với Leon quá hạn chế.”
Nhưng ngay cả khi nhận thấy kết quả tồi tệ, bà cũng chỉ quan tâm đến cảm giác tuyệt vọng của chính mình, cũng như nghị lực bà cần để chịu đựng nó. Bà chẳng hề bận tâm đến việc tôi đã phải trải qua quãng thời gian dài đầy khó chịu ấy thế nào. Hơn thế, các bài viết của bà không cho thấy bất kỳ mục tiêu nào bà mong tôi đạt được qua trị liệu, và câu hỏi liệu tôi có vượt qua được phức cảm Oedipus vô hình hay không cũng chẳng bao giờ được trả lời.
O’Shaughnessy chỉ tỏ ra tò mò về tôi đúng một lần, trong bài viết Về lòng biết ơn (2008), nơi bà kể chi tiết về buổi trị liệu đầu tiên của chúng tôi. Bà nhớ rằng cuối buổi, tôi đã quay lại và nói: “Cảm ơn. Cảm ơn. Cảm ơn cô.” Rồi bà tự hỏi: “Leon cảm ơn tôi vì điều gì?” Câu trả lời rất đơn giản: tôi là một đứa trẻ 11 tuổi lịch sự, được dạy phải cảm ơn người lớn. Nhưng O’Shaughnessy, như thường lệ, lại thích đưa ra những suy diễn có lợi cho mình: “Tôi nghĩ đó là vì tôi đã đối diện với thực tế tâm lý của cậu ấy, vì sự chú ý và những lời giải thích của tôi.” Bà viết rằng tôi đã:
"biết ơn vì trong tình huống mới mẻ của một buổi phân tâm, khi cậu để tôi thấy nỗi buồn, sợ hãi, những lời cầu xin được cảm thương, tôi đã… hiểu được cảm xúc của cậu và nói thẳng về chúng. Nói cách khác, tôi nghĩ cậu ấy biết ơn tôi vì tôi đã làm tốt công việc của mình.”
Không, điều đó hoàn toàn không đúng. Một câu hỏi hợp lý hơn – và có thể làm tổn thương chút “áo giáp” kiêu hãnh của bà – đó là: tại sao tôi không bao giờ cảm ơn bà lần nào nữa?
Khi đọc lại những gì O’Shaughnessy viết về quãng thời gian chúng tôi ở bên nhau, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là bà thực sự không ưa tôi. Nhiều lần bà mô tả những lời nói và hành động của tôi là độc ác, khó chịu. Bà cho rằng tôi là một đứa trẻ thích tự thương hại, thao túng, và – một cách kỳ lạ – lù xù, vụng về. Đây chỉ là phỏng đoán của tôi, nhưng có lẽ lý do khiến bà bực bội là vì bà không quen với việc bị chỉ trích. Những bài tưởng niệm đồng nghiệp viết về bà sau khi bà qua đời tràn ngập sự trìu mến, nhưng cũng ngầm cho thấy bà hiếm khi phải đối mặt với bất đồng hay sự chống đối. Thế nhưng, tôi, từ khi mới 11 tuổi, đã dám thẳng thắn chỉ trích bà – và ngày càng nhiều hơn trong suốt ba năm.
O’Shaughnessy chỉ chọn hé lộ một phần nhỏ điều này trong các bài viết của mình. Nhưng rõ ràng bà biết, và dường như bà chẳng bao giờ chấp nhận được điều đó.
Cảm giác của tôi thế nào khi bắt gặp một sự bóp méo đến kỳ lạ về bản thân mình thời thơ ấu? Là một người thường xuyên đọc các bài báo khoa học trong công việc, tôi chưa từng nghĩ một ngày nào đó mình sẽ thấy chính mình được nhắc đến trong ba bài luận của O’Shaughnessy. Ban đầu, tôi rất ngạc nhiên. Nhưng dần dần, sự ngạc nhiên ấy nhường chỗ cho cảm giác bị xâm phạm. Đó là bởi nhà phân tích kia đã tự cho mình cái quyền sở hữu một phần cuộc đời tôi và tùy ý chia sẻ nó với người khác.
Khi viết những dòng này, tôi tìm thấy một video phỏng vấn bà được ghi lại đâu đó vào năm 2015. Trong video, bà nhắc đến tôi một cách hờ hững: “Leon bé nhỏ của tôi.” Câu nói sở hữu ấy – thốt ra hơn 25 năm sau lần cuối bà gặp tôi – nghe như một nỗ lực chiếm đoạt. Nó vừa thể hiện rõ bản chất mối quan hệ giữa chúng tôi, vừa gợi lại cảm giác ngột ngạt mà tôi đã trải qua.
Những bài luận của O’Shaughnessy chính là minh chứng rõ ràng cho sự dễ tổn thương của con người trước những giáo điều. Chúng cho thấy cách mà niềm tin mù quáng có thể áp đảo những ý niệm thông thường về sự hợp lý trong mối quan hệ giữa người với người – đặc biệt là với trẻ em. Chúng cũng phơi bày xu hướng nguy hiểm của những cộng đồng khép kín, tự kiểm soát, nơi những sai lầm và tổn hại dễ dàng bị che giấu hoặc dung túng.
Hệ tư tưởng của Melanie Klein – người dạy rằng những đứa trẻ sơ sinh trong trạng thái "hoang tưởng - phân liệt" cố gắng cắn nuốt phân, những đứa trẻ khác, và cả dương vật của người cha được cho là ẩn trong bầu ngực mẹ – thực sự dễ dẫn đến sự điên rồ trong trị liệu. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở một hệ niềm tin cụ thể nào. Liệu pháp tâm lý thành công đòi hỏi, trước hết và trên hết, người trị liệu phải đồng điệu với người đối diện. Bất kỳ định kiến nào cũng có thể trở thành rào cản cho nhiệm vụ ấy.
Nếu O’Shaughnessy đã lãng phí ba năm thời thơ ấu của tôi trong sự thất vọng, thì không phải vì bà cố ý. Mà là vì bà chỉ nhìn tôi như một công cụ để diễn giải những ý tưởng đã được định hình sẵn trong đầu bà. Ngay từ đầu, bằng cách nào đó, tôi đã lờ mờ nhận ra điều này. Tôi phản kháng, và nhờ thế, tôi đã thoát khỏi những tổn thương sâu sắc hơn.
Nguồn: The therapist who hated me – Aeon.co