Rèn luyện tâm linh: Nhịn ăn

ren-luyen-tam-linh-nhin-an

Bằng việc nhét đầy thức ăn vào cơ thể, anh đang bóp nghẹt linh hồn và khiến nó trở nên chai lỳ.-Seneca

Bằng việc nhét đầy thức ăn vào cơ thể, anh đang bóp nghẹt linh hồn và khiến nó trở nên chai lỳ.” 

—triết gia Khắc kỷ Seneca

Thực tập nhịn ăn có từ thời cổ đại, phổ biến đối với hầu hết mọi tôn giáo trên khắp thế giới (cũng như các hệ thống triết học như Chủ nghĩa Khắc kỷ), và được nhiều lần nói đến trong Kinh thánh còn hơn cả lễ rửa tội. Có một lý do cho sự phổ biến này.

Nhịn ăn là hiện thân cụ thể, chắc chắn và bản năng nhất của các thực tập tâm linh, và sự giao nhau của cơ thể và siêu hình tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ độc nhất vô nhị, rõ rệt, khơi dậy các giác quan, thu hẹp khoảng cách thường là quá rộng giữa cơ thể và tâm hồn.

Trong thời gian gần đây, nhịn ăn đã trở nên phổ biến vì những lợi ích sức khỏe của nó, nhưng khi cũng được thực hành như một sự rèn luyện tâm thì nó có thể khơi mở nhiều khả năng vượt xa những những con số hiển thị trên bàn cân.

Ngày hôm nay, chúng ta sẽ đào sâu vào cách gặt hái được lợi ích tối đa từ nhịn ăn— sử dụng nó như một sự điều chỉnh quan trọng không chỉ vì lợi ích sức khỏe cho cơ thể, mà còn cho cả sự lành mạnh của tinh thần.

Nhịn ăn là gì?

Nhịn ăn là tự nguyện nhịn trong một khoảng thời gian giới hạn; nếu bạn lên kế hoạch từ bỏ vĩnh viễn thứ gì đó thì đấy không phải là nhịn ăn, mặc dù vào lúc kết thúc một đợt nhịn ăn, bạn có thể quyết định không ăn lại thức ăn đó trong cuộc sống của bạn. Tùy thuộc vào việc nhịn thứ gì mà nhịn ăn có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.

Một số người sẽ nhịn tất cả đồ ăn đặc, song vẫn cho phép bản thân uống nước trái cây. Những người khác thì sẽ nhịn một số loại thức ăn; ví dụ người theo đạo Cơ đốc Chính thống Đông phương nhịn thịt, cá, sữa, dầu oliu và rượu vang vào mỗi ngày thứ Tư và thứ Sáu.

Bạn cũng có thể nhịn ăn những thứ không có-dinh dưỡng như công nghệ hay những thói quen hành vi nào đó.

Tuy nhiên, cơ bản và phổ biến nhất, nhịn ăn bao gồm tránh tất cả các loại đồ ăn và đồ uống chứa năng lượng (đôi lúc nhịn cả uống nước). Và trong khi chúng ta sẽ đề cập đến việc nhịn ăn không liên quan-đến ăn kiêng ở dưới đây, thì đây là hình thức trung tâm của bài viết này.

MỤC ĐÍCH RÈN LUYỆN TÂM LINH CỦA NHỊN ĂN LÀ GÌ?   

Việc nhịn ăn đã nhận được rất nhiều sự chú ý trong những năm gần đây bởi những lợi ích mà nó mang đến cho sức khỏe thể chất. Mặc dù nghiên cứu về chủ đề này vẫn còn khá mới mẻ, nhưng nhịn ăn có thể giúp bạn giảm cân, bình thường hóa nồng độ insulin, tăng cường hệ miễn dịch, tăng hoc-mon tăng trưởng ở con người, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào và kéo dài tuổi thọ. Để cho cơ thể nghỉ ngơi không phải tiêu hoá thức ăn, dự trữ chất béo và các tế bào có cơ hội để chuyển sang chế độ sửa chữa—những tế bào cũ và hư hỏng bị phá hủy để tế bào mới được sinh ra. Như Fr. Thomas Ryan đã nói trong The Sacred Art of Fasting (Nghệ thuật thiêng liêng của Nhịn ăn): nhịn ăn “cho cơ thể một cơ hội để hồi phục bản thân. Đó là thời điểm mà cơ thể đốt hết rác rưởi của nó. Nó cũng giống như ngày tổng vệ sinh dọn dẹp nhà cửa.”

Bằng cách “dọn sạch những thứ rác rưởi,” nhịn ăn dường như có tác dụng tiếp thêm sức sống, cân bằng tác động lên hệ thống nội tiết tố và hệ thống chuyển hóa của cơ thể, và những người tập nhịn ăn cũng thông báo về sự nhạy bén trong các chức năng tinh thần.  

Mặc dù những người thực tập nhịn ăn không thực hành chủ yếu vì lý do sức khỏe, song những lợi ích đó không hoàn toàn tách biệt khỏi mục đích của nó. Như Ryan giải thích, việc rèn luyện tích hợp những lợi ích cho cả thể xác và tâm hồn:

“Nó không cần phải là một trong hai . . . Nó có thể và nên là cả hai, vì chúng ta không chỉ là cơ thể và chúng ta cũng không phải chỉ là tâm hồn. Chúng ta là những linh hồn hiện thân. Là nhục thể được thổi linh hồn vào. Cái gì tốt cho tôi về thể xác thì cũng tốt cho tôi. Và cái gì tốt cho tôi về mặt tâm linh thì cũng tốt cho tôi. Chỉ có duy nhất một ‘cái tôi’ mà tất cả đều quay trở lại.”

Do vậy, điều quan trọng là hiểu rằng thực tập nhịn ăn như một sự rèn luyện tâm linh, thể xác là phụ, và phục vụ như một phương tiện đi đến tâm linh; Ryan nói, “Chúng ta thao túng thể xác để tiếp cận được tâm linh”; nhịn ăn “mang đến những cảm giác vật lý chỉ về những thực tại tâm linh.” Cơn đói của dạ dày được định sẵn để đưa chúng ta tiếp xúc được với cơn đói của tâm hồn.

Trên thực tế, điều thú vị là cách mà những lợi ích thể lý của việc nhịn ăn phản chiếu tượng trưng cho những lợi ích tâm linh của nó; giống như cách mà mà việc nhịn ăn cân bằng nội tiết tố cơ thể và tái tạo các tế bào của nó, nó điều chỉnh lại các ưu tiên của linh hồn và sửa chữa những nơi trong tính cách của một con người đang bị bệnh và bị tổn hại. Khi nhịn ăn, bạn vừa thanh tẩy cả cơ thể và gột sạch tâm hồn.

Cuối cùng, việc nhịn ăn không đạt đến mức độ của một sự rèn luyện tâm linh trừ phi bạn cố tình tiếp cận với nó theo cách đó. Nếu bạn nhịn ăn với mục đích tâm linh, bạn vẫn sẽ tự động gặt hái được những lợi ích về mặt cơ thể; nhưng nếu bạn nhịn ăn mà không nhằm mục đích tâm linh thì các hiệu ứng sẽ chỉ mở rộng đến cơ thể mà thôi chứ không chạm đến tâm hồn.

Cho dù mục đích tâm linh cụ thể của việc nhịn ăn thay đổi tùy theo truyền thống đức tin của một người, có nhiều mục đích giao thoa giữa các trường phái triết học và tín ngưỡng:

Dạy rằng sự khó chịu ≠ Xấu

Nhịn ăn được cho là thứ phản văn hóa nhất của việc rèn luyện tâm linh. Trong thời đại tiện nghi tiện lợi chưa từng thấy này—khi mọi bầu không khí đều có thể điều hòa, người ta có thể đặt đồ ăn chỉ bằng một cái nút bấm, chuyện giải trí có thể được quản lý một cách hoàn hảo theo sở thích cá nhân, và chúng ta có cảm giác đặc quyền để thoả mãn mọi ham muốn ngay tức khắc—bất cứ thứ gì bất tiện có vẻ như là một sự phiền toái hoàn toàn không cần thiết. Chúng ta mong đợi trạng thái no nê, thậm chí là thừa mứa đến phát ngấy.

Song no không phải lúc nào cũng tốt, và đói không phải lúc nào cũng xấu. Liên tục thèm thuồng khoái lạc có thể có hại, và đôi lúc, sự khó chịu có thể chính xác là những gì chúng ta cần.

Richard Foster viết về việc đạt đến nhận thức sâu sắc này trong cuốn The Celebration of Discipline (Tán dương Kỷ luật):

“Sự thật đầu tiên được tiết lộ trong trải nghiệm ban đầu của tôi với việc nhịn ăn đó là sự thèm muốn có được những cảm giác tốt đẹp của tôi. Muốn cảm thấy tốt chắc chắn không phải là điều xấu, nhưng chúng ta phải có khả năng mang cảm giác đó đến một nơi dễ dàng, nơi nó không kiểm soát chúng ta.”

Về mặt văn hóa, chúng ta đã đạt đến một sự hiểu biết rằng nỗi đau của việc tập luyện là điều cần thiết nếu ta muốn nâng cao sức khỏe thể chất. Nhưng chúng ta hiếm khi mang theo sự chấp nhận này vào những lĩnh vực khác của cuộc sống. Đôi lúc, hầu như xưa nay vẫn thế, bạn cần phải làm cho bản thân cảm thấy khó chịu để trở nên tốt hơn.

Đôi lúc bạn phải bỏ đói bản thân để cảm thấy no.

Tăng cường Ý chí

“Hơn bất kỳ sự kỷ luật nào, nhịn ăn hé lộ những thứ đang kiểm soát chúng ta.” 

—Lynne M. Baab, Fasting

Ý chí của tinh thần là một cơ bắp rất giống với cơ bắp của cơ thể; nó càng được luyện tập thì càng trở nên mạnh mẽ. Và nhịn ăn ban cho cơ bắp ý chí của chúng ta một bài tập vô song không chỉ tăng cường sức mạnh của nó liên quan đến những gì chúng ta tiêu thụ, mà còn trong mọi phương diện của cuộc sống.

Đây là nơi mà nhịn ăn gắn kết chặt chẽ với tính đơn giản. Để sống cuộc đời đơn giản, một người phải giữ cho các ưu tiên theo mục đích—những sở thích của anh ta—ở đúng trật tự. Thách thức đó là những dục vọng thấp hèn không ngừng tìm cách khẳng định bản thân chúng cao hơn những lý tưởng cao quý.

Nhịn ăn mang đến bài thực tập cụ thể, một trải nghiệm thấu tận tim gan trong việc lựa chọn những tiêu chuẩn cao cấp hơn sự thèm ăn thấp kém. Khi cảm nhận cơn đói thể lý nhưng vẫn làm ngơ sức kéo của nó, bạn đang dạy cho bản thân rằng bạn mới là chủ nhân của cơ thể này—rằng bạn không nhận mệnh lệnh từ cái bụng. Bạn dạy bản thân rằng bạn là chủ nhân của những ham muốn của bạn, thay vì làm nô lệ của chúng.

Khi nhịn ăn, chúng ta phải đối mặt với sự thèm ăn của mình, nhưng cơn đói này tượng trưng cho tất cả những cơn thèm ăn khác đang dày vò chúng ta. Để vượt qua những thứ tưởng chừng là một ham muốn ăn vô độ, chúng ta nhận ra những ham muốn khác dường như đang đòi hỏi phải được đáp ứng ngay bây giờ, trên thực tế có thể trì hoãn. Chúng ta dần nhận ra mình có thể làm được. Chúng ta có thể kiểm soát những thứ đang tìm cách kiểm soát chúng ta.

Sự tự kiềm chế có được nhờ nhịn ăn trở thành một sự hỗ trợ trong việc giữ cho các điều ưu tiên của chúng ta luôn rõ ràng trong tâm trí, giúp chúng ta nắm bắt được tốt hơn về trận chiến không ngừng giữa những khoái lạc ngắn hạn và những mục tiêu dài hạn. Nó là một thực hành cụ thể giúp phát triển một thứ mơ hồ gọi là tính cách.

Tăng cường cho lời cầu nguyện

“Ở mọi nền văn hoá và tôn giáo trong lịch sử, nhịn ăn là một ngôn ngữ theo bản năng và thiết yếu trong cách chúng ta giao tiếp với Thần thánh.” 

—Fr. Thomas Ryan

Mặc dù mục đích nhịn ăn này rõ ràng chỉ áp dụng cho những người hữu thần, nó nằm ở vị trí trung tâm đối với những ai tin vào Chúa; trong kinh thánh tôn giáo, bất cứ khi nào đề cập đến nhịn ăn, nó gần như luôn luôn kết nối với người cầu nguyện.

Nhịn ăn giao thoa và tăng cường cho lời cầu nguyện theo nhiều cách.

Trước tiên, lời cầu nguyện đi cùng với nhịn ăn chỉ rõ ý định chân thành. Như Lynne M. Baab nói, “Nhịn ăn là một lời tuyên bố: Thứ mà tôi đang cầu nguyện quan trọng đến nỗi tôi sẵn sàng gạt sang một bên ngay cả chính cuộc đời tôi—kể cả thức ăn—để tập trung vào việc cầu nguyện cho nó.”

Thứ hai, những người nhịn ăn vì mục đích tâm linh thường sẽ chọn một mục đích cụ thể nào đó cho việc nhịn ăn của họ (một vấn đề đang cần sự chỉ dẫn; một người thân yêu đang cần cứu chữa) và sau đó sử dụng cơn đói do nhịn ăn như một lời nhắc nhở cầu nguyện cho nó; bất cứ khi nào họ nhận thấy cơn thèm ăn của mình, họ dâng lên một lời khẩn cầu. Baab so sánh thực tập này với “buộc một dải ruy-băng quanh ngón tay của bạn để nhớ về Chúa.” Theo cách này, nhịn ăn làm tăng số lần bạn cầu nguyện trong ngày.

Cơn đói thể lý cũng tăng cường tính khẩn thiết của lời cầu nguyện của người đó. Nếu nhịn ăn “mang đến những cảm giác thân thể chỉ về thực tại tâm linh,” sự thèm muốn đối với thức ăn gia tăng khao khát thấu hiểu những nhu cầu sâu sắc hơn của người đó. Sự thỉnh cầu trở thành sự nài xin.

Cuối cùng, vì nhịn ăn lấy đi nhu cầu ăn nên thời gian mà một người sẽ dùng cho việc chuẩn bị bữa ăn có thể dùng cho cầu nguyện, điều này lại gia tăng tần suất và sự tập trung của họ.

Những tác động tăng cường do nhịn ăn ảnh hưởng ra sao đến tính hiệu quả của lời cầu nguyện? Câu trả lời còn phụ thuộc vào thần học của bạn.

Một số người sẽ nói rằng sự hy sinh của việc nhịn ăn có thể “đem đến” một may mắn hoặc một câu trả lời mà nếu không nhịn ăn thì người đó sẽ không được ban cho— như trong truyện ngụ ngôn về người phụ nữ và vị thẩm phán bất công của Jesus, Chúa sẽ lắng nghe những ai thể hiện nỗ lực bền bỉ. Những người khác sẽ nói rằng bạn không thể, như Baab có nói, “điều khiển Chúa để làm những việc mà chúng ta muốn.” Người thỉnh cầu đơn giản là nhận được sự chỉ dẫn về cách cầu nguyện, và tìm thấy một mối liên kết sâu sắc hơn với Chúa thông qua lời cầu nguyện sâu hơn.

Cho dù lời cầu nguyện song song với việc nhịn ăn có làm thay đổi mức độ cảm ứng của Chúa với những lời khẩn cầu hay không, thì cả hai bên đều đồng ý rằng nó làm thay đổi mức độ cảm ứng của người cầu nguyện với sự dẫn dắt của Chúa. Sự trống rỗng của cơ thể do nhịn ăn làm thanh sạch những kênh giao tiếp để những trực giác tâm linh có thể được nhận biết dễ dàng hơn. Như Ryan đã nói, nhịn ăn là “một hành động làm mới mối liên hệ với Chúa, giống như việc loại bỏ rỉ sét và sự ăn mòn từ một bình ắc quy xe hơi để cho dòng điện hoạt động tự do hơn.” Nếu bạn đang vật lộn với việc đưa ra một quyết định thì thay vì chỉ cầu nguyện về nó, hãy thử kết hợp những lời cầu nguyện đó với việc nhịn ăn.

Thiết lập nhịp điệu giữa Thiếu thốn và Dồi dào

Trong nhiều tôn giáo, các bữa tiệc tùng được cho là xuất hiện sau các đợt nhịn ăn: tín đồ Công giáo và Chính thống giáo Đông phương được yêu cầu nhịn ăn vào Thứ Sáu Tuần Thánh trước khi cử hành Lễ Phục sinh; người Do Thái phải nhịn ăn đến 25 giờ cho Yom Kippur trước khi kết thúc ngày lễ thánh bằng một bữa tiệc lễ hội lớn. Và điều ngược lại cũng đúng; những người theo đạo Cơ đốc có thể tiệc tùng vào “Thứ Ba Béo” (lễ hội Mardi Gras) trước khi nhịn ăn Mùa Chay bắt đầu vào Thứ Tư Lễ Tro, và người Do Thái tiệc tùng tưng bừng vào buổi chiều trước khi lễ nhịn ăn Yom Kippur bắt đầu.

Mặc dù ngày nay các tín đồ của những tôn giáo tiếp tục giữ vững những thực tập đó thì phần lớn mọi người thời hiện đại thay vì chọn làm theo một chu kỳ nhịp nhàng của nhịn ăn và tiệc tùng, họ lại liên tục sống trong chế độ tiệc tùng. Chúng ta ăn uống phủ phê quanh năm, rồi lại đến những ngày lễ, chúng ta tiếp tục cố nhét cho đầy thức ăn vào bụng.  

Không có nhịp điệu trong trạng thái no nê thừa mứa theo đường thẳng tuyến tính này—không có âm dương trong lịch trình của chúng ta, không còn sự háo hức chờ mong đối với các ngày lễ của chúng ta.

Thành thử, những bữa tiệc tùng của chúng ta mất đi rất nhiều sự thoả mãn.

Bạn có lẽ từng nghe đến cụm từ “vòng xoáy khoái lạc”—quan điểm cho rằng mặc dù những thứ mới mẻ mang đến cho chúng ta rất nhiều vui thú, song chúng ta sẽ sớm thích nghi với chúng và những lạc thú của chúng sẽ giảm dần. Cách duy nhất để đưa “khoái lạc” cũ quay trở lại là tiếp tục theo đuổi ngày càng nhiều hơn. Nhưng tất nhiên chu kỳ này vẫn cứ lặp đi lặp lại, và kết cuộc là ta bị mắc kẹt trong bánh xe ham muốn bất tận, không thỏa mãn.

Nhịn ăn làm gián đoạn và thiết lập lại vòng xoáy khoái lạc. Nó hồi phục lại niềm mong đợi với chuyện ăn uống mà từ lâu đã trở nên buồn tẻ. Khi kiêng cử, cảm giác no bình thường của chúng ta có cơ hội được điều chỉnh lại, để rồi khi chúng ta ăn trở lại, một chút hương vị “mới mẻ” thức ăn sẽ quay trở lại và mùi vị ngon hơn bao giờ hết. Như một câu ngạn ngữ đã nói, “cơn đói là thứ gia vị tốt nhất.”

Lễ tạ ơn này, thay vì ngồi xuống ăn tối hơi nhiều và sau đó lại tiếp tục ăn cho tới khi bạn thấy muốn bể bụng thì hãy thử đừng ăn trong 24 giờ trước bữa tiệc. Nhịn ăn trước một bữa tiệc, và bạn sẽ khám phá ra một nhịp điệu khiến cho những dịp đặc biệt như vậy quả thực có cảm giác đặc biệt.

Bồi dưỡng lòng biết ơn và Khiêm cung  

“Rút ra từ lời dạy của những người đàn ông vĩ đại, ta cũng sẽ cho anh một bài học: Hãy dành riêng một số ngày nhất định mà trong đó anh sẽ bằng lòng với những phần ăn ít ỏi và rẻ tiền nhất. . . nó có thể là một bài kiểm nghiệm khí phách của anh thay vì chỉ là một thú vui. Sau đó, ta cam đoan với anh rằng, Lucilius thân mến, anh sẽ nức lòng vui sướng khi ăn một món ăn chỉ đáng giá một xu để mua.” 

—Seneca, triết gia Khắc kỷ

Nói về Lễ Tạ ơn, nhịn ăn không chỉ tăng khoái cảm ăn uống của bạn mà còn khiến bạn thấy biết ơn nhiều hơn với thức ăn. Khi nhịn ăn một thời gian thì bạn khó có thể xem thường nó.

Nhịn ăn cũng bồi dưỡng sự khiêm nhường theo nhiều cách khác. Nó là cơ hội tốt để ngẫm nghĩ về cái chết và sự hữu hạn của bạn—điểm yếu của bạn, cảnh túng thiếu, và ốm yếu của bạn. Bạn là một sinh vật mong manh yếu ớt dựa vào việc liên tục ăn thức ăn từ bên ngoài để hoạt động. Nhiều tuần không ăn và bạn sẽ chết. Bạn không phải là đấng toàn năng. Bạn không thể hoàn toàn tự lực.

Đối với một người hữu thần, cảm giác khiêm nhường do nhịn ăn đem lại này có thể mở rộng đến việc suy ngẫm về sự phụ thuộc của họ vào Chúa như nguồn sống tối thượng. Vì lý do này mà các tôn giáo thường liên kết việc nhịn ăn với sự ăn năn sám hối—nó là một dấu hiệu bên ngoài của sự hạ mình bên trong.

Giúp bạn thoát khỏi một thói quen cũ rích và Tái khẳng định nhân tính của bạn

Bất chấp việc chúng ta thường xem mình là người trí tuệ, phức tạp, thú vị và thông minh ra sao, hành vi của chúng ta có thể đôi lúc giống với thuyết Pavlovian (phản ứng có điều kiện). Nghe ai đó mở một lon soda và chúng ta cũng muốn làm một lon. Ngửi thấy mùi nấu nướng và tự nhiên chúng ta thấy đói bụng. Một cách đều đặn như cái máy, dạ dày của chúng ta bắt đầu sôi sùng sục vào buổi trưa, vì đó là lúc chúng ta vẫn thường ăn trưa.

Và đó chỉ là những thói quen của chúng ta đối với thức ăn. Rồi sau đó lại đến điện thoại thông minh của chúng ta có thể khiến chúng ta cảm thấy mình giống như con chuột trong phòng thí nghiệm, học cách nhấn cần gạt để lấy được đồ ăn. Nghe một thông báo, kiểm tra điện thoại, lại nghe một thông báo, lại kiểm tra điện thoại. Nhấn cần gạt, nhấn cần gạt, nhấn cần gạt. Ngay cả khi điện thoại của ta không kêu ping, khi chúng ta thấy nó nằm trên tủ quần áo, chúng ta sẽ tự động làm một vòng để kiểm tra màn hình.

Ngay cả khi hành vi của chúng ta không bị điều khiển bởi bản năng bò sát thì chúng ta vẫn có thể bị mắc kẹt trong một số thói quen khá cứng nhắc và không phải lúc nào cũng có lợi cho ta.

Phật tử coi nhịn ăn là một trong những khổ hạnh “dhutanga”—một nhóm gồm 13 thực tập khổ hạnh. Dhutanga có nghĩa là “tiếp thêm sinh lực” hay “đánh thức/thay đổi” và đó chính xác là những gì nhịn (dù là nhịn thức ăn hay công nghệ) có thể làm. Nó làm xáo trộn thói quen hằng ngày của bạn theo một cách thức định hướng tốt cho cuộc sống.

Bạn cảm nhận một cơn đói, và bạn lờ nó đi. Bạn luôn ăn vào buổi trưa, nhưng hôm nay bạn sẽ không ăn gì cả. Bạn nghe điện thoại kêu ping, và bạn phớt lờ nó. Bạn thấy điện thoại trên tủ quần áo của bạn, và bạn cứ thế mà đi qua nó thôi. Như Baab viết, “nhịn ăn truyền đạt một sự tự do sâu sắc. Tôi không cần phải làm những việc theo cách tương tự, hết ngày này qua ngày khác. Tôi không phải nô lệ cho những thói quen của tôi. Tôi có thể thay đổi nhiều thứ xung quanh, tôi có thể thử làm những điều mới mẻ.”

Con người là sinh vật duy nhất có khả năng quyết định dập tắt một bản năng thấp hơn để đạt được một mục đích cao hơn.

Vì vậy nhịn ăn là để ghi nhớ rằng bạn là con người chứ không phải con chuột. 

Xây dựng tình đoàn kết qua nỗi khổ đau, và trong một cộng đồng  

Điều tồi tệ nhất khi có một người bạn hay một người thân yêu đang phải trải qua một thời gian khó khăn đó là sự bất lực mà bạn cảm nhận như một người ngoài cuộc trước nỗi đau đớn và khổ sở của họ. Ngoài việc nói lời động viên, nấu cho họ một bữa ăn, và gửi những suy nghĩ và lời cầu nguyện của bạn, bạn không thể làm được gì nhiều.

Nhịn ăn ít ra cũng góp thêm một chút lòng thành và dấu ấn riêng cho những ý nghĩ và lời cầu nguyện mà ở đâu cũng có. Bằng việc tự nguyện chấp nhận một chút khó khăn, bạn cũng cho phép bản thân cảm nhận một chút đau khổ mà ai đó đang trải qua, điều này khiến cho sự đồng cảm của bạn trở nên thật hơn và thấu tận tim gan hơn.

Nhịn ăn không phải là một điều gì đó có thể giúp biến những nỗi lo âu cá nhân của một người thành một hành động cụ thể; nhưng nó cũng có thể phát động một cộng đồng muốn giúp đỡ. Khi một ai đó đang cần được giúp đỡ, các nhóm người thân, bạn bè hay các hội thánh nhà thờ đôi lúc quyết định tất cả sẽ cùng nhịn ăn và cầu nguyện cho người đó trong cùng một ngày. Ngay cả nếu việc nhịn ăn không có tác động siêu hình nào lên tình trạng của người đang trải qua khó khăn, thì biết rằng có một nhóm người sẵn sàng làm gì đó vượt xa hơn “những suy nghĩ và lời cầu nguyện” và thực sự hy sinh thứ gì đó, gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về tình yêu và sự hỗ trợ. Đồng thời, được đoàn kết vì một mục đích chung, và cùng chia sẻ một chút đau khổ khiến cộng đồng những người nhịn ăn xích lại gần nhau hơn.

Như Baab cho biết, quả thực từng có thời kỳ ở quốc gia này khi mà việc nhịn ăn trở thành một nghĩa vụ của công dân với đất nước:

“Vào năm 1774, khi Nghị viện Anh ra lệnh cấm vận đối với Cảng Boston, cơ quan lập pháp của Bang Virginia kêu gọi một ngày khổ nhục, cầu nguyện và nhịn ăn. George Washington đã viết trong nhật ký của ông rằng ông đã nhịn ăn ngày hôm đó. Năm 1798, khi Hoa Kỳ đang trên bờ vực chiến tranh với Pháp, John Adams tuyên bố một ngày khổ nhục trang nghiêm, cầu nguyện và nhịn ăn. Trong cuộc chiến tranh năm 1812, hai viện của Quốc hội đã thông qua một nghị quyết chung kêu gọi một ngày khổ nhục, cầu nguyện và nhịn ăn.

Trong cuộc Nội chiến, Abraham Lincoln kêu gọi ba lần một ngày cho nỗi nhục quốc thể, cầu nguyện và nhịn ăn. Lincoln khuyến khích nhịn ăn và cầu nguyện ở cả những nơi thờ phụng và ở nhà.”

Những ngày nhịn ăn cả nước này nhằm mục đích thỉnh cầu sự bảo vệ và chỉ dẫn của thần linh, tăng cường chí khí của công dân cho thử thách trước mắt, và tạo ra sự đoàn kết giữa họ.

Khơi dậy lòng cảm thông (và làm từ thiện) cho người nghèo  

Trong khi phần lớn chúng ta ở thế giới phương Tây hiện đại đã có đủ—quá nhiều cái—để ăn mỗi ngày thì vẫn còn nhiều người trên thế giới, và ngay cả trong đất nước của chúng ta, không đủ ăn.  

Nhịn ăn bồi dưỡng cảm giác đoàn kết với những người bần cùng và thường bị quên lãng này; bằng cách trải nghiệm một cơn đói tạm thời, bạn có thể cảm thông nhiều hơn với những người thường xuyên trải qua cơn đói như vậy. Ý tưởng ở đây không phải là cảm thấy thương hại người nghèo, mà để cho sự cảm thông này thúc đẩy bạn hành động. Quả thật, hầu như mọi tôn giáo đều khuyến khích việc bố thí như một phần của thực tập nhịn ăn.

BẠN THỰC HÀNH KỶ LUẬT TÂM LINH CỦA NHỊN ĂN NHƯ THẾ NÀO?

Hầu hết các tôn giáo đều đưa ra những chỉ dẫn về cách nhịn ăn “chính thức” được thực hiện như thế nào. Nhưng đa số tôn giáo cũng khuyến khích tín đồ thực hành nhịn ăn bên ngoài những ngày thánh và những thời kỳ bắt buộc khác.

Dù bạn là người theo tôn giáo và bắt đầu tính đến việc nhịn ăn, hay không theo tôn giáo mà chỉ muốn thử thực hành nhịn ăn, thì những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn biến thực tập này thành một thói quen thành công và mẫu mực:

Xác định các Thông số của việc nhịn ăn của bạn  

Chúng bao gồm chính xác những thứ mà bạn sẽ nhịn, và nhịn trong bao lâu.

Với một đợt nhịn ăn theo truyền thống thì bạn sẽ bỏ đồ ăn và đồ uống chứa năng lượng. Bạn cũng có thể quyết định bỏ cả uống nước.

Nghiên cứu chỉ ra rằng 16 giờ dường như là khoảng thời gian tối thiểu mà bạn phải nhịn ăn để thu được một số lợi ích của nhịn ăn tích lũy cho sức khỏe thể chất. Như vậy người đó dừng ăn vào 8 giờ tối ngày đầu tiên và sau đó không ăn lại cho đến trưa ngày hôm sau; về cơ bản thì bạn chỉ bỏ bữa sáng. Mặc dù kiểu “nhịn ăn gián đoạn” này dễ thực hiện mỗi ngày, và lại tốt cho cơ thể, nhưng nó không đủ căng thẳng và gắng sức để đạt được nhiều lợi ích về mặt tâm linh. Nhưng nó có thể là một biện pháp hay để thử nhịn ăn, tuy nhiên, vì nó sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu để việc nhịn ăn thời gian dài hơn trở nên dễ dàng thực hiện.  

Ngay cả khi bạn là người mới bắt đầu và trước giờ chưa từng tập nhịn ăn, bạn nên lao vào chế độ nhịn ăn 24-giờ mà theo đó bạn sẽ bỏ ăn 2 bữa: dừng ăn sau bữa tối và bắt đầu nhịn ăn; sau đó bỏ bữa sáng và bữa trưa ngày hôm sau, dừng nhịn ăn với bữa tối tiếp theo của bạn. Hãy nhớ rằng mặc dù bạn có thể tập luyện thể dục vào ngày nhịn ăn, song nó sẽ làm cho cơn đói của bạn cồn cào hơn và khó tiếp tục duy trì nhịn ăn, vậy nên bạn có thể nên nhịn ăn vào ngày mà bạn ít vận động.

Tôi cũng khuyên người mới bắt đầu nhịn ăn nên tiếp tục uống nước và những loại đồ uống không chứa calo khác (một điều bắt buộc nếu bạn tập thể dục vào ngày đó). Cá nhân tôi thì không tìm thấy lợi ích bổ sung nào từ việc kiêng cả uống nước trong giai đoạn nhịn ăn; nó chỉ khiến tôi cảm thấy tồi tệ thay vì bừng ngộ về tâm linh, và một chút caffeine có thể khiến tôi dễ dàng tiếp tục việc nhịn ăn. Song cần nhớ rằng đồ uống có chất tạo ngọt nhân tạo có thể bắt đầu làm bạn thèm ăn.   

Cá nhân tôi thì nhịn ăn trong 24 giờ một lần một tuần, nhưng ngay cả nhịn ăn một lần mỗi tháng cũng được chứng minh là mang đến những lợi ích cho sức khỏe như đã nói ở trên.

Một khi bạn đã nhịn ăn được 24 giờ, với kinh nghiệm chỉ nhịn-đồ ăn lận lưng, bạn có thể muốn thử nghiệm nhịn ăn lâu hơn, hoặc cũng nhịn cả nước. Hãy áp dụng trí tuệ thực tiễn với việc nhịn ăn của bạn, và tất nhiên có trao đổi với bác sĩ về bất kỳ vấn đề y khoa nào có thể khiến cho việc nhịn ăn trở nên bất khả thi đối với bạn.

Nếu bạn có một vấn đề về sức khỏe khiến bạn không thể nhịn hoàn toàn đồ ăn, thì hãy cân nhắc đến việc nhịn ăn bằng cách chỉ kiêng một loại thức ăn nào đó, hoặc nhịn ăn không-ăn kiêng.

Trên thực tế, bạn có thể “nhịn” bất cứ thứ gì trong cuộc sống của bạn mà chiếm nhiều không gian, sự chú ý, sức mạnh hay sự ảnh hưởng hơn mức bạn mong muốn, và rồi thì gây rối loạn đến những điều bạn yêu thích; hãy xem xét đến việc kiêng khem bất cứ thứ gì khiến bạn phân tâm khỏi những điều ưu tiên cao hơn và cần phải được cân bằng lại trong cuộc sống của bạn.

Điều này bao gồm:

  • Bất kỳ và tất cả các thiết bị nào có màn hình (tivi; điện thoại thông minh)
  • Thể thao hoặc những sở thích
  • Nói chuyện
  • Phương tiện truyền thông xã hội (hay internet nói chung)
  • Tin tức
  • Âm nhạc (toàn bộ, hoặc một thể loại nào đó)

Trong khoảng thời gian kiêng khem, bạn có thể đánh giá vai trò của thứ mà bạn nhịn trong cuộc sống của bạn. Bạn nhớ nó nhiều ra sao? Bạn thật sự cần nó nhiều thế nào? Sự vắng mặt của nó có khiến đời bạn tốt lên?

Sau giai đoạn đánh giá này, bạn có thể quyết định có nên đưa thói quen này vào cuộc sống của bạn hay không. Nếu bạn thấy cuộc đời bạn sẽ tốt hơn khi không có nó, vậy bạn có thể quyết định bỏ hẳn nó. Ngay cả khi bạn tái sáp nhập thói quen, nhịn ăn thường xuyên sẽ giúp bạn thực hành hành vi một cách điều độ hơn.

Dâng hiến việc nhịn ăn cho một mục đích tâm linh   

Như chúng tôi đã nói lúc đầu, bạn sẽ không thu được nhiều lợi ích tâm linh từ việc nhịn ăn nếu bạn không chủ động tìm kiếm nó. Không có mục đích nào nêu trên sẽ được biểu lộ trừ phi bạn cố tình tập trung và suy ngẫm về chúng trong khoảng thời gian nhịn ăn. Nó giống như chạy bộ; nó có thể là một trải nghiệm tâm linh nếu bạn muốn thế, nhưng nếu đó không phải là ý định của bạn thì nó sẽ chỉ là một cuộc chạy bình thường; chính cái thái độ mà bạn mang vào việc thực hành mới là quan trọng.

Vì vậy bước đầu tiên cho một lần nhịn ăn thành công là hiểu mục đích của bạn là gì khi làm điều này. Bạn có thể dâng hiến việc nhịn ăn của bạn cho một trong những mục đích chung ở trên, như trở nên biết ơn hơn hay tăng cường ý chí của bạn. Hoặc mục đích của bạn có thể cụ thể hơn, như có được một nhận thức sáng suốt cho một vấn đề mà bạn có hoặc cầu nguyện cho một ai đó đang bị bệnh. Một lý do để nhịn ăn mà chúng tôi chưa đề cập đến, đó là để bày tỏ nỗi buồn đau—nhịn ăn và tang tóc thường song hành với nhau trong thời cổ đại. Bạn cũng có thể nhịn ăn vào ngày kỷ niệm một mất mát—nó có thể làm cho sự hồi tưởng trở nên đầy xúc cảm hơn, và bạn có thể cảm thấy chính đáng khi nhịn đói để tôn vinh thời điểm mà một ai đó bạn yêu thương đã rời khỏi cuộc đời bạn.

Khi bạn bắt đầu một đợt nhịn ăn, hãy dành vài phút để suy ngẫm về mục đích mà bạn sẽ hiến dâng cho nó. Nếu bạn cầu nguyện, hãy nói với Chúa về ý định của bạn và xin sự chỉ dẫn, sự sáng suốt, hiểu biết, sức mạnh, v.v.. trong suốt thời gian nhịn ăn của bạn. Vào cuối đợt nhịn ăn, hãy mang nó lại gần một thời điểm suy ngẫm hoặc cầu nguyện khác, chiêm nghiệm xem bạn cảm thấy như thế nào trong khi nhịn ăn và bạn học được gì từ việc này.

Làm theo các chiến lược này sẽ giúp bạn tiếp tục quá trình nhịn ăn và biến nó thành một thứ vui vẻ, thậm chí một sự rèn luyện thú vị   

Bạn có thể đã từng thử nhịn ăn trước đây và thấy rằng thay vì đạt được sự bừng ngộ, bạn chỉ thấy cáu kỉnh muốn từ bỏ. Có thể bạn sẽ thấy tức giận và mất kiên nhẫn, và sớm chấp nhận thất bại và không thể tiếp tục nhịn ăn được nữa.

Nhịn ăn được cho là hơi khó khăn và không thoải mái—đó là một phần của lý do tồn tại của nó. Nhưng nó cũng có thể rất khả thi để tiếp tục, và thậm chí thú vị theo cách riêng của nó. (kiểu như một bài tập khó khăn nhưng lại rất tốt cho bạn.)

Để giúp bạn tiếp tục quá trình nhịn ăn và biến nó thành một trải nghiệm thỏa mãn, hãy dùng những chiến lược sau đây:

Mỗi lần bạn cảm thấy đói, suy ngẫm và/hoặc cầu nguyện về mục đích của bạn. Hãy để việc nhịn ăn của bạn là dải ruy-băng được buộc quanh ngón tay của bạn. Mỗi lần bạn cảm thấy đói, thay vì tìm đến đồ ăn, hãy dùng khoảnh khắc đó để suy ngẫm tại sao bạn đang nhịn ăn.

Hãy tránh xa đồ ăn nếu bạn có thể, và dùng giờ ăn cho thực tập tâm linh. Mặc dù việc ở cạnh thức ăn và từ chối nó sẽ tăng cường ý chí, nhưng cố gắng không cám dỗ bản thân vượt quá những gì mà bạn có thể chịu đựng. Quanh quẩn trong bếp khi mọi người đang nướng bánh, hay ngồi xuống một cái bàn nơi mọi người đang ăn sẽ khiến bạn khó mà tiếp tục nhịn ăn.

Nếu có thể, hãy tránh những tình huống đầy-đồ ăn và sử dụng khoảng thời gian mà bạn được tự do bằng việc bỏ bữa để thực hành một số kỷ luật tâm linh khác—tìm không gian riêng, cầu nguyện, thiền, nghiên cứu, và dĩ nhiên, suy ngẫm về mục đích của việc nhịn ăn của bạn.

Dự liệu, và lờ đi những cơn đói “đều đặn, máy móc như một cái máy”. Nếu bạn ăn vào những khoảng thời điểm giống nhau mỗi ngày, cơ thể bạn sẽ bắt đầu tiết ra các hocmon gây đói vào những thời điểm đó khi mong đợi về một bữa ăn. Khi bạn cảm nhận những cơn đói này, nhận ra bạn không thật sự đói đến thế, và cơ thể bạn chỉ đang hành động theo bản năng. Trên thực tế, thỉnh thoảng làm gián đoạn những mô hình đó bằng việc nhịn ăn là một phần của thứ khiến cho việc nhịn ăn giúp tăng cường sức khỏe.

Hãy lặp lại những câu thần chú này với mình khi bạn muốn đầu hàng. Khi cơn đói có vẻ sắp thắng thế, lấn át lý trí của bạn, hãy lặp lại một số câu thần chú này, nó sẽ nhắc nhở bạn về mục đích của bạn:

  • Tôi là chủ nhân của cơ thể tôi  
  • Tôi không phải là nô lệ cho cái dạ dày của tôi 
  • Tôi không nhận mệnh lệnh từ cái bụng
  • Đó là ngày dọn rác cho cơ thể tôi 
  • Con người không sống chỉ nhờ mỗi bánh mì

Hãy nhớ hàng tỷ người thường xuyên làm điều này. Nếu bạn mới bắt đầu nhịn ăn thì có thể có cảm giác như nó là một thách thức lớn, gần như bất khả thi. Chỉ cần nhớ rằng rất nhiều người vẫn đều đặn nhịn ăn. Các tín đồ Mormon nhịn ăn một lần mỗi tháng. Người Hồi giáo nhịn ăn suốt tháng lễ Ramadan.

Bạn có thể làm được việc này.

 

Nguồn: https://www.artofmanliness.com/articles/spiritual-disciplines-fasting/

menu
menu