Những kỳ vọng–và Quy tắc 80/20  

nhung-ky-vong-va-quy-tac-80-20  

Chúng ta liên tục hành động theo giả định rằng phần lớn những gì chúng ta gặp sẽ mang lại lạc thú, vui vẻ có tính xây dựng, và cứu chuộc–và chúng ta phòng bị cho sự thất vọng chỉ trong một số ít trường hợp nhỏ và ngoại lệ.

Năm 1905, nhà kinh tế học người Ý Vilfredo Pareto đã nhận thấy một chi tiết về những hạt đậu trong khu vườn của ông: 20% cây đậu dường như chịu trách nhiệm cho việc sản sinh đến 80% hạt đậu. Điều này gây ấn tượng cho Pareto vì nghiên cứu của ông về năng suất kinh tế đồng thời cho thấy 20% người Ý chịu trách nhiệm tạo ra 80% tài sản của quốc gia–một con số mà sau đó khớp với những gì mà ông phát hiện thấy là đúng ở Pháp, Đức và Hà Lan. Khả năng ứng dụng rộng rãi của nguyên tắc này dẫn đến sự ra đời của thuật ngữ phân phối Pareto, hay nói bình dân hơn là quy tắc 80/20, có thể được quan sát trong kinh tế và kinh doanh–và nó nói rằng 80% hiệu quả sẽ đến từ 20% nguyên nhân (ví dụ, trong một nhà xuất bản, 20% cuốn sách sẽ đem lại 80% lợi nhuận; hoặc trong ngân hàng 80% lợi nhuận sẽ đến từ 20% khách hàng v.v...).

Tuy quy tắc 80/20 có thể nổi bật trong lĩnh vực kinh tế (hoặc nghề làm vườn), chúng ta vẫn miễn cưỡng không chịu áp dụng nó vào lĩnh vực nơi mà có thể nó sẽ giúp ích được nhiều nhất cho ta: đời sống cá nhân của chúng ta. Ở đây chúng ta cũng liên tục thấy một nguyên tắc gần giống với tỉ lệ Pareto, ấy là 80% các yếu tố tích cực có thể bắt nguồn từ 20% nguyên nhân. Hoặc nói theo cách tiêu cực hơn nhưng có lẽ là rõ ràng hơn, 80% đầu vào, ở một mức độ nào đó hoặc đa phần, chỉ đóng vai trò phụ trợ. Chỉ 20% của bất kỳ sự vật hiện tượng nào mới đáng “đồng tiền bát gạo”.

Lý do tại sao chúng ta cần làm rõ nguyên tắc này trong tâm trí ta đó là trên thực tế, chúng ta đang sống như thể điều ngược lại mới là chân lý. Chúng ta liên tục hành động theo giả định rằng phần lớn những gì chúng ta gặp sẽ mang lại lạc thú, vui vẻ có tính xây dựng, và cứu chuộc–và chúng ta phòng bị cho sự thất vọng chỉ trong một số ít trường hợp nhỏ và ngoại lệ. Và sau đó, lúc nào cũng thế, khi điều ngược lại xuất hiện, khi chúng ta gặp phải một số bản chất bất toàn, lặp đi lặp lại gây thất vọng và kinh khủng của sự tồn tại, chúng ta gào thét một cách thất vọng, cay đắng và bất ngờ.

Để sống thuận theo số liệu hơn và cũng có nghĩa là thanh nhã, biết ơn và bình thản hơn, chúng ta sẽ khôn ngoan hơn khi khắc ghi quy tắc Pareto 80/20 trong thế giới quan của chúng ta vào buổi bình minh của mỗi ngày mới. Một số nguyên tắc sẽ trông như thế này:  

– Hầu hết các phần của mọi thành phố sẽ trông rất xấu xí, gây chán nản và là một sự xúc phạm đến khao khát về tính trật tự và sự lạc quan của chúng ta.

– Hầu hết các cuộc trò chuyện với phần đông mọi người sẽ khiến chúng ta cảm thấy bị hiểu lầm và thất vọng.

– Hầu hết các cơ hội tình dục sẽ không thành hiện thực.

– Hầu hết các dự án sẽ không suôn sẻ.

– Hầu hết các chính phủ sẽ tham nhũng và thiếu sáng tạo.

– Hầu hết môi trường sống tự nhiên của chúng ta sẽ bị hủy hoại.

– Hầu hết các ngày sẽ thật phiền muộn.

– Hầu hết các cuộc hôn nhân sẽ không thể nào chịu đựng nổi.

– Hầu hết cái nhìn trong gương sẽ là một thảm họa.

– Hầu hết các tương tác với con cái của chúng ta sẽ khiến ta phát khùng.

– Hầu hết các cuốn sách thật dở tệ.

– Hầu hết cuộc đời sẽ là một sự lãng phí thời gian.

Đó là khả năng ứng dụng thật sự của nguyên tắc Pareto. Thay vì là một công thức cho một cuộc đời u ám, việc lưu tâm đến nó sẽ đảm bảo rằng chúng ta sẽ không thường xuyên phải va vào một trong những cạnh sắc bén của thực tại. Dĩ nhiên, đa phần công việc của chúng ta là không ổn; dĩ nhiên đời sống tình cảm của chúng ta không hạnh phúc; hầu hết các cuộc ân ái của chúng ta đều đáng hối tiếc, chắc chắn đa số mọi người sẽ làm mất thời gian của chúng ta. Những kẻ mị dân, các nhà quảng cáo và người bán hàng rong sẽ liên tục thúc giục chúng ta tiếp tục đòi hỏi nhiều hơn–hoặc kích động chúng ta nổi giận vì chúng ta chưa có được thứ gì đó. Chúng ta nên tảng lờ lời khuyên gây bực mình của họ. Chúng ta không hề bị “đặc cách” lựa chọn ra để phải chịu đựng khổ sai; cuộc đời của chúng ta đang đi theo một lộ trình dễ nhận ra giống như là chuỗi sản xuất của nhà máy, như mức tăng trưởng của cây hay tình hình kinh tế của những quốc gia. Chúng ta không cần nghi ngờ các mối quan hệ của chúng ta, công ăn việc làm của ta hay các thành viên của giống loài chúng ta. Hầu hết chúng đều không tốt đẹp- và đó chính xác là như vậy.

Nhưng sự thật phũ phàng này, một khi đã được tiêu hóa, chỉ khiến cho 20% hiếm hoi của tất cả mọi thứ trở nên đáng tôn kính hơn: vài người bạn trải lòng đúng mực, thỉnh thoảng là những đêm ân ái mặn nồng, những thành viên gia đình không rào trước đón sau và thú vị, những ngày mà chúng ta cảm thấy mạnh mẽ và có mục đích.. Những thứ đó không giống như bình thường và chúng cũng không sinh ra để trở nên bình thường. Chúng là những mẩu bánh ngon lành trong phần thức ăn ít ỏi được dành dụm để chúng ta ăn qua ngày- và do đó là những mẩu bánh mà chúng ta phải biết nâng niu và chiết lấy hy vọng từ chúng trước khi bóng tối quay trở lại.

 

Nguồn: The Book of Life 

menu
menu