Rối loạn stress sau cay đắng – Tại sao đó là một vấn đề tâm lý đáng quan tâm

roi-loan-stress-sau-cay-dang-tai-sao-do-la-mot-van-de-tam-ly-dang-quan-tam

"Khi tôi bước ra khỏi phòng giam của mình, đi qua cánh cổng nhà tù để được tự do, tôi đã hiểu rõ ràng rằng, nếu tôi không thể để nỗi cay đắng và sự oán hận của mình ở lại đằng sau, thì thực sự chính là tôi vẫn còn đang ở trong tù ngục.”

 

By: SpaceShoe  Học cách chung sống với khủng hoảng

Công việc bạn mất nhiều năm trời chờ được đề bạt lại rơi vào tay một nhân viên mới. Người yêu bỏ bạn để chạy theo người khác. Người bạn mà bạn tin cậy cho mượn tiền đã lừa sạch khoản tiền tiết kiệm của bạn. Có vô vàn lý do ủng hộ bạn nên dành phần đời còn lại của mình với sư cay đắng và hận thù.

Nhưng chịu đựng nỗi cay đắng ấy có đáng không? Sự cay đắng để lại những hậu quả gì lên sức khỏe tâm lý? Và tại sao một số người trở nên cay đắng trước cuộc đời, trong khi số khác thì không thế?

Định nghĩa của tâm lý học về sự cay đắng

Theo tâm lý học, phản ứng cảm xúc và tâm trạng cay đắng được gọi là ’embitterment’ (sự cay đắng). Nó là một trạng thái cảm xúc của sự thất vọng và không thể làm gì được, hay nói một cách thông tục, là lúc nào cũng cảm thấy mình là một loser (kẻ thất bại).

Sự cay đắng thì khác với tức giận ở chỗ dù cả hai đều bao gồm yếu tố giận dữ giống nhau, thì ở cay đắng có thêm cảm giác bất lực không thể thay đổi được tình hình.

Cay đắng – một chứng rối loạn tâm lý?

Cay đắng có nghiêm trọng không? Giáo sư và bác sỹ tâm thần người Đức Michael Linden chắc chắn nghĩ như thế. Ông là người đầu tiên đề xuất rằng sự cay đắng nên có một thuật ngữ về rối loạn tâm lý cho riêng nó, gọi là “rối loạn stress sau cay đắng” (post-traumatic embitterment disorder) (PTED).

Linden nhận thấy một số người trải qua một sang chấn trong cuộc sống như cái chết của một người thân yêu hay mắc phải căn bệnh nguy hiềm nhưng họ không bị rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), nhưng họ lại có những phản ứng tâm lý tiêu cực về lâu dài. Linden cảm thấy việc dùng thuật ngữ được chấp nhận rộng rãi là ‘rối loạn thích ứng’ (adjustment disorders) là quá mơ hồ và xem nhẹ tính nghiêm trọng của nhóm này, có nghĩa là chứng rối loạn này bị lờ đi, không nghiên cứu sâu hơn.

 

By: Gavin Stewart

Ông đặc biệt được truyền cảm hứng để đấu tranh cho một chẩn đoán mới bởi những gì ông quan sát được ở Đức sau sự sụp đổ của bức tường Berlin.

Mặc dù không có sự thay đổi đáng kể về tỷ lệ các chứng rối loạn tâm thần được báo cáo ngay sau khi thống nhất đất nước, một thập kỷ sau người ta đã báo cáo về các phản ứng tâm lý nghiêm trọng với những chuyện đã xảy ra trong quá khứ của họ. Nhưng những bệnh nhân này không hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn chẩn đoán cho PTSD (rối loạn stress sau sang chấn) hoặc rối loạn trầm cảm.

Linden đề xuất các tiêu chí sau để chẩn đoán PTED:

  • Một sự kiện khác thường kích hoạt nó
  • Trạng thái tâm lý tiêu cực của người bệnh xuất hiện vì sự kiện đó
  • những cảm xúc được trải nghiệm là sự cay đắng và cảm giác bất công
  • người đó nhớ đi nhớ lại về sự kiện
  • không có những chẩn đoán nào khác phù hợp với những gì người bệnh đang gặp phải
  • nó đã kéo dài ít nhất 3 tháng

Nhiều triệu chứng của PTED cũng giống như của PTSD, chẳng hạn như cảm giác bất lực, đổ lỗi cho bản thân, cảm giác cáu kỉnh, gây hấn, khó ngủ, thay đổi khẩu vị, giảm ham muốn tình dục, giảm động lực, và ám ảnh khi thăm lại những nơi chốn nhắc đến sự kiện.

Sự khác biệt giữa Rối loạn stress sau cay đắng và Rối loạn stress sau sang chấn là PTSD gây ra những phản ứng hoảng sợ liên tục, không ngớt làm bạn ở trạng thái cảnh giác cao độ, còn PTED thì không gây ra trạng thái sợ hãi liên tục này, đúng hơn là nó gây ra một trạng thái của sự tức giận và bất lực (cay đắng).

Mặc dù Linden đã hoàn tất nghiên cứu của mình, và có được sự tán thành của những người khác trong ngành tâm lý, và thực tế thì PTED khác biệt với PTSD về mặt lâm sàng, thì thuật ngữ PTED vẫn chưa được công nhận một cách chính thức.

Những hậu quả lâu dài của cay đắng

Nghiên cứu của Linden cho thấy, sự cay đắng có thể dẫn đến tình trạng khổ sở kéo dài, ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống của bạn từ giấc ngủ, khẩu vị cho đến ham muốn tình dục.

 

By: BK

“Khi tôi bước ra khỏi phòng giam của mình, đi qua cánh cổng nhà tù để được tự do, tôi đã hiểu rõ ràng rằng, nếu tôi không thể để nỗi cay đắng và sự oán hận của mình ở lại đằng sau, thì thực sự chính là tôi vẫn còn đang ở trong tù ngục.”

Thay đổi nhân cách và hình ảnh bản thân

Việc mọc rễ vào quá khứ cho phép nỗi cay đắng trở thành một phần cố định trong tính cách của bạn, hình ảnh bản thân bạn từ một con người có năng lực và sống đúng mục đích biến thành một nạn nhân bất lực.

Tăng sự hoài nghi và hoang tưởng

Sự cay đắng có thể làm bạn trở nên quá đề phòng, bạn nhìn thế giới bằng cặp mặt ganh tức, hằn học, đánh mất cơ hội và những mối quan hệ có thể đem lại hạnh phúc.

Dừng đồng hồ cuộc đời bạn

Mãi chìm đắm vào những điều gây tổn thương khiến bạn mắc kẹt vào quá khứ, kéo dài nỗi đau và khiến bạn không thể tiếp tục sống đời bạn. Nó cũng làm bạn không sống được trong khoảnh khắc hiện tại, khiến bạn khó nhìn thấy bất kì điều gì tốt đẹp trước mắt.

Lãng phí thời gian và năng lượng

Những người có tâm trạng cay đắng thường dành khá nhiều thời gian để nhớ lại sự kiện trong quá khứ, kể lại sự kiện và quay cuồng trong những kịch bản “Giá như việc đó chưa từng xảy ra thì”. Và việc này ngốn nhiều thời gian và năng lượng, những nguồn lực khác quan trọng hơn nhiều so với những thứ bạn bị lấy đi.

Ảnh hưởng đến các mối quan hệ

Khi mọi việc diễn ra không như ý và bạn nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè thì đó là điều tự nhiên. Nhưng khi bạn cứ mãi than phiền hay xào đi xào lại về một sự việc thì cuối cùng sẽ làm người khác mệt mỏi. Sự cay đắng có thể đẩy những người thân yêu của bạn ra xa, đồng thời thu hút những người cay đắng khác vào cuộc đời bạn.

Tại sao nỗi cay đắng lại kéo dài dai dẳng

Nếu sự cay đắng gây ra quá nhiều vấn đề cho con người, thì tại sao họ cứ giữ mãi nó?

Ta cho rằng mình trở nên cay đắng và hằn học chỉ vì muốn ‘sự công bằng’ hay ‘ý thức về công lý’, nhưng thường thì sẽ có một nguyên nhân tâm lý sâu xa khiến chúng ta dính bám vào một điều gì đó.

Trên thực tế, sự cay đắng có thể khiến một ai đó cảm thấy có mục đích, cho dù nó tiêu cực. Bằng cách này, đó có thể là một cách ngược đời để tăng lòng tự trọng và tự tin.

Cay đắng cũng là một cách lẩn tránh nỗi sợ thay đổi cuộc đời hay sợ thất bại. Nếu có chuyện gì đó tồi tệ xảy ra làm bạn thấy cay đắng thì bạn có thể dùng nó như một cái cớ để không thử những thứ khác.

Và cho rằng cuộc đời sẽ tốt hơn, hoặc bạn sẽ thành công hơn ‘nếu sự kiện/con người kinh khủng đó không xuất hiện’ cũng là một cách tránh né nhận trách nhiệm làm cho cuộc đời bạn đi theo con đường bạn muốn, hay cho những chuyện đã xảy ra.

Bạn đã từng lờ đi những dấu hiệu cảnh báo và lao vào một mối quan hệ dại dột? Bạn có tin vào lời hứa của những người cố lôi kéo bạn vào một thương vụ tồi tệ hay phải thế chấp tài sản với rủi ro cao hay không? Những người không chịu buông bỏ cảm giác cay cú cũng biết rằng sự việc xảy ra cũng có phần lỗi của họ, nhưng họ bị nỗi hổ thẹn quá lớn lấn át và vì thế họ không thể nào ngừng suy nghĩ về việc đã qua.

Khi nào bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý cho nỗi cay đắng của bạn

Sự cay đắng có thể khiến bạn bè và gia đình xa lánh bạn, và khiến bạn khó nhìn nhận bản thân một cách rõ ràng. Nếu sự cay đắng của bạn ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, các mối quan hệ và công việc của bạn, hoặc nếu bạn thấy danh sách chẩn đoán PTED trên đúng với bạn, tìm kiếm sự trợ giúp của một nhà tham vấn hay một nhà trị liệu là một ý hay. Họ có thể giúp bạn làm rõ khi nào nỗi cay đắng của bạn bắt đầu và liệu bạn có có thêm những vấn đề tâm lý khác như lo âu và trầm cảm không.

Bạn đã vượt qua nỗi cay đắng của mình như nào, hãy chia sẻ câu chuyện của bạn bên dưới nhé, bọn mình rất muốn nghe chuyện của bạn.

 

Dịch: Rubi

Nguồn: https://www.harleytherapy.co.uk/counselling/bitterness.htm

menu
menu