5 Cách Đơn Giản Để Vượt Qua Lo Lắng Và Suy Nghĩ Tiêu Cực

5-cach-don-gian-de-vuot-qua-lo-lang-va-suy-nghi-tieu-cuc

Trong bài viết này, bạn sẽ tìm hiểu 5 chiến lược đơn giản để vượt qua sự lo lắng với suy nghĩ tiêu cực.

Tác giả: David de las Morenas

Sự lo lắng và suy nghĩ tiêu cực là hai điều mà tất cả chúng ta đều gặp phải.

Không có cách nào thoát khỏi chúng. Chúng đơn giản là bản tính tự nhiên của con người.

Tuy nhiên, việc bạn làm thế nào để đối mặt với những vấn đề như thế này trong cuộc sống thường nhật lại vô cùng quan trọng. Nếu không thì, chúng sẽ giết chết sự tự tin trong bạn và ảnh hưởng tới khả năng tập trung của bạn.

Trong bài viết này, bạn sẽ tìm hiểu 5 chiến lược đơn giản để vượt qua sự lo lắng với suy nghĩ tiêu cực. Đây là những công cụ được xây dựng nhằm phục vụ cho nhu cầu thực tế. Hãy thử vận dụng tất cả những kỹ thuật này và xét xem điều gì là phù hợp nhất đối với bạn.

#1: Liệu Pháp Sốc

Một chút căng thẳng cũng có thể nhanh chóng trở nên mất kiểm soát và chuyển biến thành những suy nghĩ tiêu cực.

Khi điều này xảy ra, việc bạn cảm thấy hoàn toàn tê liệt về mặt cảm xúc là rất bình thường. Dường như bạn chẳng thể làm gì để “xoá bỏ điều đó khỏi tâm trí mình”. Các suy nghĩ của bạn sẽ ngày càng trở nên tệ hại hơn nữa.

Bạn hãy thử ngẫm về điều này xem: không có cách nào để “nghĩ” bản thân bạn ra khỏi những suy nghĩ tồi tệ. Thực ra, việc suy nghĩ chỉ càng nhân lên sự lo lắng và khiến cho bạn cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi.

Thay vì thế, bạn cần phải tìm cách để ngừng việc suy nghĩ này lại. Bạn cần phải tìm ra cách để BUỘC bản thân mình rời khỏi nếp suy nghĩ tiêu cực kia. Một phương thức hiệu quả mà bạn có thể áp dụng là “gây sốc hệ thần kinh của bạn” bằng cách tắm nước lạnh từ 1-2 phút.

Khi bạn giội nước lạnh vào người, bản năng sinh tồn trong bạn sẽ nắm quyền kiểm soát và bạn bị buộc phải vứt bỏ tất cả những điều rác rưởi đang diễn ra trong đầu bạn. Cơ thể bạn sẽ giành phần thắng với cảm giác, bạn bắt đầu thở sâu hơn, và ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy khoẻ lại.

Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tắm nước lạnh là một phương thức điều trị hiệu quả đối với trầm cảm. Bạn thấy đấy, việc tiếp xúc với cái lạnh kích thích hệ thần kinh giao cảm của bạn, giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh chủ chốt, và gửi đi một lượng lớn “sóng xung kích” thông qua cơ quan nhận cảm về cái lạnh ở cuối dây thần kinh. Hay nói cách khác, nó gửi đi một cú xóc năng lượng trong cơ thể bạn và ngay lập tức làm thay đổi cảm xúc của bạn.

#2: Tìm Hiểu Về Sự Lo Lắng Của Bạn

Sự thật: Tất cả những mối lo của bạn đều bắt nguồn từ MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ

Nếu như bạn dành ra một phút để nhìn lại, việc xác định nguồn gốc của những suy nghĩ tiêu cực trong lòng bạn không phải là một việc quá khó. Nhằm giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ này, tôi có hai câu hỏi dành cho bạn đây…

#1: Bạn thường có những thói quen cụ thể nào mỗi khi lo lắng?

Ví dụ như, tôi thường bẻ các đốt ngón tay hay lơ đãng lướt Facebook. Có thể bạn sẽ hay cắn móng tay. Hoặc là bạn sẽ xem phim cấp ba. Hay là bạn sẽ chuyện gì đó khác.

Bây giờ bạn hãy dành ra một phút và suy nghĩ về điều này.

Hãy hiểu rằng đó là những cơ chế đối phó đơn giản chỉ nhằm nuôi dưỡng thêm cho nỗi lo lắng trong bạn và khiến nó tồi tệ hơn mà thôi. Khi mà bạn rơi vào những thói quen như thế này, bạn ngăn cản chính bản thân mình khỏi việc đối mặt trực tiếp với nỗi lo lắng bất an và từ bỏ nó.

Lần tới nếu bạn nhận thấy mình đang thực hiện những thói quen khi lo lắng, hãy ý thức về việc bạn đang làm, và dừng lại ngay. Thay vào đó, hãy thử thực hiện một trong những phương pháp được liệt kê trong blog của tôi.

#2: Bạn thường hay sử dụng những chất gì trước khi trở nên lo lắng? 

Chẳng hạn như, một số người có dấu hiệu hoang tưởng sau khi họ hút cần. Còn với bản thân tôi, đôi khi đầu óc tôi bắt đầu quay cuồng sau khi sử dụng chất caffeine. Tôi cũng biết có những người bắt đầu trở nên vô cùng tiêu cực và chán nản mỗi khi họ uống rượu.

Tất cả những thứ này đều là chất gây nghiện. Chúng làm thay đổi cảm giác của bạn. Nếu như một trong những chất này khiến bạn cảm thấy khó chịu, thì bạn cần phải thành thật với bản thân mình và ngừng sử dụng chúng.

#3: Bắt Và Thả

Trong đoạn video ở trên tôi đã trình bày chi tiết về việc làm thế nào để sử dụng kỹ thuật này trong những tình huống tương tác xã hội.

Mỗi ngày bạn có tới hàng ngàn – nếu như không muốn nói là cả triệu – những suy nghĩ xuất hiện trong đầu mình. Hầu hết trong số đó chỉ đơn giản là sự phản chiếu của những quan sát và nhận xét thoáng qua. Chúng đến và đi…

Nhưng đôi khi bạn bị “mắc kẹt” trong một thứ gì đó – một suy nghĩ nhỏ bé thâm nhập vào đầu bạn và, trước khi bạn kịp nhận ra, bạn đã bị chìm sâu vào suy nghĩ tiêu cực. Có thể là bạn nhìn thấy một điều gì đó làm bạn nhớ tới người yêu cũ chẳng hạn. Trước cả khi bạn nhận ra, bạn đã nằm trên sàn nhà mà khóc lóc vật vã, ước gì nàng quay về bên bạn.

Hoặc là bạn bị ám ảnh với chiều cao của mình và tình cờ bạn lướt qua một anh chàng cao to, đẹp trai trên phố. Lúc này, bỗng nhiên, bạn không tài nào ngưng nghĩ về việc đời sẽ “đẹp hơn” ra sao nếu như bạn chỉ cần cao thêm có 5 phân nữa mà thôi.

Sự thật trần trụi nằm ở chỗ ta không thể nào tránh được những suy nghĩ tiêu cực như trong các ví dụ đã kể đến ở trên. Tin vui là bạn có thể tự rèn luyện để thoát khỏi chúng khi mà chúng xuất hiện.

Quy trình này cực kỳ đơn giản:

  • Phát hiện bản thân bạn đang rơi vào suy nghĩ tiêu cực
  • Nhận thức rằng bạn đang ở trong trạng thái đó
  • Bạn đừng tự dằn vặt mình, chỉ cần tự nhủ rằng: “Những suy nghĩ này không mang lại ích lợi gì”
  • Bây giờ, hãy chuyển hướng sự chú ý của bạn vào điều khác (nhịp thở của bạn, bước đi của bạn, làn gió đang mơn man khuôn mặt bạn, công việc mà bạn đang thực hiện, v.v)

Tôi sẽ thành thật nhé: điều này nói thì dễ hơn là làm. Nhưng, nếu như mà bạn tiếp tục “quan sát” những suy nghĩ của mình, và để chúng trôi đi khi chúng trở nên tiêu cực và khiến bạn cảm thấy tổn thương, thì rồi cuối cùng nó sẽ trở thành một quy trình tự động.

#4: Hãy Vận Động

Khi lo lắng, bạn thường hay trải qua những triệu chứng nào?

Nếu cũng giống như hầu hết những người khác, bạn sẽ thấy tức ngực và bạn sẽ bắt đầu thở gấp. Bên cạnh đó, bạn sẽ bắt đầu có những suy nghĩ ám ảnh. Có thể đầu óc bạn đang quay cuồng, hoặc là bạn sẽ tập trung vào một tình huống tồi tệ nào đó trong đời mình.

Nếu như mà bạn cứ tiếp tục tập trung vào những suy nghĩ như thế này, thì nỗi lo lắng chỉ có tệ thêm mà thôi.

Thay vì vậy, bạn cần phải “tập trung” vào cơ thể mình. Tại sao ấy hả? Bởi vì đó là cách duy nhất để “thoát khỏi” đầu óc bạn. Bạn sẽ không bao giờ có thể “nghĩ” mình ra khỏi tâm trạng tồi tệ được. Đây chỉ đơn giản là một việc bất khả thi.

Nhưng, nếu như mà bạn bắt đầu tập trung vào việc cơ thể bạn cảm thấy ra sao, rất tự nhiên bạn sẽ thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực. Và ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn đến cả trăm lần.

Phương thức đơn giản nhất để thực hiện điều này là vận động. Bạn có thể thử nâng vài quả tạ chẳng hạn. Hãy cảm nhận về việc các cơ bắp căng lên. Hoặc là bạn cũng có thể chạy bộ hay đạp xe. Hãy cảm nhận việc không khí tràn đầy trong lá phổi của bạn. Và, nếu như mà bạn không thể nhấc mông lên mà tập thể dục, thì ít nhất hãy cứ đi bộ một vài vòng quanh khu nhà bạn ở. Hãy cảm nhận khi bàn chân bạn chạm vào mặt đất, từng bước một. Và hãy cảm nhận không khí mát mẻ và trong lành xung quanh bạn.

Trước cả khi bạn có thể nhận ra, những suy nghĩ tiêu cực trong đầu bạn đã biến mất và tinh thần bạn sẽ đi vào trạng thái điềm tĩnh, thảnh thơi.

#5: Hãy Thiền Vào Mỗi Buổi Sáng

Chiến lược cuối cùng mà tôi muốn giới thiệu tới bạn là thiền định mỗi ngày.

Vâng, tôi chắc là bạn đã nghe thấy lời khuyên này đến cả ngàn lần là ít. Nhưng giờ ta hãy nói về việc tại sao nó lại giúp bạn vượt qua được nỗi lo lắng và suy nghĩ tiêu cực nhé.

Bạn thấy đấy, khi mà bạn thiền, thường thường bạn sẽ tập trung vào hơi thở của mình. Bạn tập trung vào sự cảm nhận về việc hít vào và thở ra. Và, bất kỳ khi nào mà bạn bắt gặp tâm trí mình đang lơ đễnh hay đang suy nghĩ về việc khác, bạn chỉ cần quay lại tập trung vào hơi thở của mình.

Về cơ bản, việc bạn đang làm là RÈN LUYỆN cho tâm trí bạn buông tha cho những suy nghĩ vô ích trong suốt phần còn lại của ngày!

Sau nhiều tháng ngồi thiền, bạn sẽ thấy khá dễ dàng để bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực mỗi khi nó xuất hiện… Bởi vì bạn đã TẬP LUYỆN để làm việc này mỗi khi bạn thiền định.

Hãy ngừng lại việc cho rằng thiền là một loại thần dược và hãy bắt đầu suy nghĩ về nó như là một PHƯƠNG THỨC LUYỆN TẬP nhằm thoát khỏi tâm trạng lo lắng và nếp suy nghĩ tiêu cực. Đây mới chính là giá trị đích thực của việc thiền định – và lợi ích của nó không thể bị bỏ qua.

Nếu như mà bạn đang tìm kiếm một phương thức đơn giản để bắt đầu tập thiền, tôi xin gợi ý rằng bạn hãy thử tải về ứng dụng Headspace trên điện thoại của mình. Ứng dụng này cung cấp những bài tập đơn giản, có hướng dẫn mà bạn có thể nghe vào mỗi sáng.

Làm Thế Nào Để Đối Phó Với Lo Lắng Và Suy Nghĩ Tiêu Cực

Lo lắng là phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống.

Nếu bạn muốn trở nên tự tin hơn và hạnh phúc mỗi ngày, bạn cần phải học cách giải phóng bản thân mình khỏi những lo lắng ấy khi chúng phát sinh.

Tóm tắt lại bài viết này, sau đây là 5 phương pháp đơn giản mà bạn có thể áp dụng:

  • Sử dụng liệu pháp sốc đối với cơ thể của bạn và làm thay đổi tâm trạng bản thân bằng cách tắm nước lạnh
  • Nhận biết những thói quen dẫn bạn đến việc lo lắng, và “bắt quả tang” khi bạn đang thực hiện những thói quen ấy
  • “Bắt quả tang” bản thân bạn đang rơi vào suy nghĩ tiêu cực, rồi sau đó hướng sự chú ý của bạn vào việc khác
  • Khi bạn thấy lo lắng, hãy vận động cơ thể (tập thể dục hoặc đi bách bộ đều được) để cho đầu óc bạn được thư giãn
  • Ngồi thiền một lần mỗi ngày để rèn luyện cho tâm trí bạn thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực khi chúng xuất hiện.

Những công cụ này là nhằm giúp bạn giải toả đầu óc và trở lại với cuộc sống thường nhật. Hãy thử tất cả các phương pháp trên và xét xem điều gì là phù hợp với bạn nhất.

Nhưng hãy nhớ này, điều quan trọng nhất là bạn chỉ cần nhận biết và nhận ra khi nào thì bạn có những suy nghĩ tiêu cực. Nếu như mà bạn có thể kiên trì thực hiện điều này, bạn sẽ thành công trong việc chiến thắng nỗi lo lắng của bản thân và trở nên tự tin hơn.

 

Dịch: December Child

Nguồn: http://www.howtobeast.com/deal-with-anxiety-stop-negative-self-talk/

menu
menu