Điều gì có trong một giấc mơ?

dieu-gi-co-trong-mot-giac-mo

Có một vài cách phân loại giấc mơ, bao gồm ác mộng, giấc mơ trùng lặp và mơ tỉnh. Hãy cùng xem xét kĩ lưỡng một vài khía cạnh nhất định của các dạng mơ.

Không phải tất cả mọi giấc mơ đều giống nhau. Giấc mơ tái hiện lại những cung bậc trong trải nghiệm của con người (đôi khi còn vượt ra khỏi những trải nghiệm này), kết hợp một chuỗi đa dạng những cảm xúc và sự kiện, thường là với yếu tố li kì. Các giấc mơ có thể hài hước, sợ hãi, buồn hay kì lạ. Mơ được bay thì phởn phơ, mơ đuổi bắt thì hãi hùng, mơ quên-ko-học-bài-cho-kì-thi thì sẽ mệt mỏi, áp lực.

Có một vài cách phân loại giấc mơ, bao gồm ác mộng, giấc mơ trùng lặp và mơ tỉnh. Hãy cùng xem xét kĩ lưỡng một vài khía cạnh nhất định của các dạng mơ:

Ác mộng được định nghĩa rộng là những giấc mơ gây khiếp sợ, dẫn đến sự tỉnh giấc ở một mức nào đó. Những giấc mơ tồi tệ được coi như một dạng nhẹ nhàng hơn của ác mộng. Hầu hết mọi người đều trải qua việc những cơn ác mộng trong đời, nhưng những người mơ thấy ác mộng thường xuyên lại rất hiếm và cũng ít gặp. Một phần nhỏ dân số, khoảng 5%, dựa trên số liệu của các nghiên cứu, thường xuyên có ác mộng một lần mỗi tuần. Ác mộng có thể là kết quả của một cơ số những bức bối, bao gồm những căng thẳng, những cảm xúc mãnh liệt và những trải nghiệm gây tổn thương. Ác mộng có thể xảy ra như một tác dụng phụ của một vài loại thuốc, của việc dùng và lạm dụng thuốc phiện và chất cồn, hay bệnh tật. Ác mộng tự nó gây ra những giấc ngủ đứt đoạn không chỉ bởi đánh giấc người ngủ mà còn khiến họ sợ đi ngủ, sợ phải quay về với cơn ác mộng kia. Ác mộng cũng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực khác liên quan đến sức khỏe; theo nghiên cứu, ác mộng góp phần gây ra chứng mất ngủ, chứng mệt mỏi vào ban ngày, suy nhược và lo âu.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người với một số tình trạng nhất định sẽ dễ có khả năng trải qua ác mộng hơn, như:

  • Chứng đau nửa đầu
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ
  • Chứng trầm cảm lâm sàng

(Mối quan hệ giữa ác mộng và trầm cảm tương đối phức tạp. Trầm cảm có liên quan tới sự xuất hiện thường xuyên hơn của ác mộng, và chính những cơn ác mộng góp phần làm trầm trọng hơn chứng trầm cảm.)


by Ngọc Đào

Một trải nghiệm giống như giấc mơ gây ra sợ hãi khác được biết đến là đêm kinh hoàng, hay giấc ngủ kinh hoàng. Tuy cả hai đều gây nên sợ hãi và phá vỡ giấc ngủ, giấc ngủ kinh hoàng không hoàn toàn giống như ác mộng. Giấc ngủ kinh hoàng là những cơn hoảng sợ cực độ xảy ra trong những giấc mơ. Những cơn hoảng sợ này thường đi kèm với tiếng hét, tiếng gào, hay những chuyển động cơ thể như trượt ra khỏi giường hay vùng vẫy trong sợ hãi. Nghiên cứu chỉ ra rằng những giấc ngủ kinh hoàng xảy ra trong lúc mơ ngủ non-REM [1], trong khi ác mộng có xu hướng xảy ra trong giấc ngủ sâu (REM sleep [1]). Tuy người lớn có trải qua đêm kinh hoàng, nhưng hiện tượng này thường xảy ra nhiều hơn ở trẻ em. Tính toán chỉ ra rằng có tới 6% trẻ em trải qua đêm kinh hoàng, hầu hết đều ở độ tuổi từ 3 đến 12. Đêm kinh hoàng đôi khi di truyền trong gia đinh. Có thể có những thiên hướng gen đối với tình trạng giấc mơ kinh hoàng (cũng giống như miên hành hay những chứng cận miên khác). Ngoài ra, cũng có những bằng chứng chỉ ra mối liên hệ giữa đêm kinh hoàng, chứng ngưng thở khi ngủ, và sự phình to của amiđan cũng như hạch vòm họng ở trẻ nhỏ.

Giấc mơ trùng lặp là giấc mơ lặp đi lặp lại thường xuyên với một số điểm tương đồng. Nghiên cứu chỉ ra rằng giấc mơ trùng lặp có thể có nội dung đe dọa hơn so với những giấc mơ thông thường. Khảo sát cho thấy có những mối liên kết giữa giấc mơ trùng lặp và căng thẳng tâm lí ở cả người lớn và trẻ em.

Giấc mơ tỉnh là một dạng giấc mơ đặc biệt thú vị. Trong giấc mơ tỉnh, người mơ nhận thức được sự thật là họ đang mơ, và thậm chí có lúc chuyển biến và kiểm soát được giấc mơ trong lúc nó đang diễn ra. Nghiên cứu đặt mối liên hệ giữa mơ tỉnh với mức độ hoạt động cao một cách bất thường của não bộ. Khảo sát đã cho thấy những người mơ tỉnh có tần sóng não bộ cao hơn đáng kể so với những người không có khả năng đó, và hoạt động thùy trán của não bộ cũng tăng cao hơn. Phần não bộ này liên quan sâu sắc tới sự nhận thức có ý thức, bản ngã, cũng như khả năng ngôn ngữ và trí nhớ. Nghiên cứu về giấc mơ tỉnh soi sáng không chỉ những cơ chế của việc mơ mà còn cả những tiềm thức thần kinh về bản thân sự nhận thức.

Những giấc mơ hóa ra lại bị ảnh hưởng bởi cuộc sống lúc thức của chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Những giả thuyết về việc tại sao chúng ta mơ mộng bao gồm những điều nói rằng mơ là một cách não bộ xử lí những xúc cảm, những kích thích, kí ức và lượng thông tin được thu thập trong cuộc sống ban ngày của chúng ta. Nghiên cứu cho thấy, một số đáng kể những người xuất hiện trong giấc mơ có quen biết với người mơ. Một khảo sát chỉ ra rằng trên người mơ có thể nhận diện và gọi tên 48% nhân vật trong giấc mơ. Số 35% khác thì được nhận biết qua vai trò xã hội hay mối quan hệ – như bạn bè, bác sĩ, cảnh sát,… Có ít hơn 1/5 số nhân vật – 16% – người mơ không thể nhận diện.

Nghiên cứu khác nói rằng chủ yếu giấc mơ chứa nội dung liên quan tới kí ức mang tính tự truyện – kí ức về chính mình – trái ngược với kí ức mang tính cắt đoạn, kí ức mà tập trung vào những sự kiện và chi tiết như không gian và thời gian. Có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra đời sống lúc thức của chúng ta có tác động lớn tới nội dung giấc mơ. Bà mẹ đang mang thai thì mơ nhiều về chuyện mang thai và sinh nở. Nhân viên tại nhà tế bần, những người làm nhiệm vụ chăm sóc những người khác (dù là bệnh nhân hay người trong gia đình) mơ nhiều về những trải nghiệm trong chuyện quan tâm chăm sóc tới người khác và những người mà họ quan tâm. Những nhạc sĩ mơ về âm nhạc nhiều gấp hai lần những người không phải nhạc sĩ.

Cũng có một nghiên cứu thú vị chỉ ra khả năng của chúng ta trong giấc mơ vượt ngoài những trải nghiệm thực tiễn, theo những cách hết sức ấn tượng. Những báo cáo về giấc mơ của người sinh ra đã bị liệt tiết lộ rằng họ thường mơ về việc họ đi lại, bơi lội, chạy nhảy với tần số cũng nhiều như những người không bị liệt. Báo cáo về giấc mơ của những người điếc bẩm sinh cho thấy ở trong mơ, họ thường có thể nghe được. Những báo cáo này có thể đã dựng nên niềm tin cho lí thuyết rằng những giấc mơ đóng vai trò như một mô hình thực tế ảo mở rộng của đời sống lúc thức – một sự nhận thức nguyên bản – giúp chỉ đường và hỗ trợ sự tồn tại và phát triển.

Trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày không phải lúc nào cũng xuất hiện trong giấc mơ ngay lập tức. Thi thoảng một trải nghiệm được sàng lọc và xuất hiện trong giấc mơ sau đó vài ngày, thậm chí một tuần. Sự trì hoãn này được biết đến như hiệu ứng giấc mơ lắng. Các nhà khoa học nghiên cứu về mối quan hệ giữa trí nhớ và giấc mơ vừa phát hiện ra những dạng khác nhau của trí nhớ có thể xuất hiện trong giấc mơ. Cả trí nhớ cực ngắn hạn (phần dư của ngày) và trí nhớ khá dài hạn (độ 1 tuần) thường xuất hiện trong giấc mơ. Mơ về các sự kiện này – và về thời gian kí ức xuất hiện trong giấc mơ – có thể là phần quan trọng nhất trong quá trình củng cố trí nhớ. Sự hợp nhất trí nhớ thành giấc mơ không liền mạch, thậm chí còn không hề chân thực. Chính xác hơn là, kí ức lúc thức xuất hiện trong giấc mơ dưới dạng không hoàn chỉnh, giống những mảnh kính của một chiếc gương vỡ.


by Ngọc Đào

Giống như giấc mơ chứa đựng những khía cạnh của cuộc sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày, mơ cũng là một trạng thái mà trong đó chúng ta đối mặt với những trải nghiệm khác thường. Một chức năng khác của việc mơ mộng là xử lí và tiến tới đối mặt và chấp nhận những sự kiện chấn động (mang tính tổn thương). Sự đau buồn, nỗi sợ hãi, cảm giác mất mát, sự từ bỏ, thậm chí những nỗi đau thể chất đều là những cảm xúc và trải nghiệm xuất hiện nhiều lần trong giấc mơ. Nghiên cứu về những người đã trải qua nỗi mất mát người thân chỉ ra hầu hết họ đều mơ về những người đã khuất. Những người đang đau buồn cũng cho thấy một vài khung cảnh giống nhau trong những giấc mơ của họ, bao gồm:

Gợi nhớ những trải nghiệm quá khứ khi người thân yêu còn sống
Nhìn thấy người thân yêu hạnh phúc và bình yên
Nhận những thông điệp từ người thân yêu

Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy 60% những người mơ là tang quyến nói rằng giấc mơ của họ có sức ảnh hưởng lớn đến nỗi đau của họ. Những giấc mơ trong giai đoạn tiếc thương này có thể khó khăn, nhưng cũng có thể giúp ích. Một nghiên cứu chỉ ra những người mơ trong năm đầu tiên của sự mất mát có tần suất cao hơn trong việc gặp phải những giấc mơ nặng trĩu nỗi buồn, và cũng tồn tại mối liên hệ giữa những giấc mơ này và triệu chứng của trầm cảm và lo âu. Những giấc mơ, đặc biệt là ác mộng, thì có mối liên kết với trầm cảm cũng như những tình trạng khác như rối loạn căng thẳng hậu sang chấn, điểm này chúng ta sẽ xem xét kĩ hơn ở phần 3.

Kiểm tra và lí giải nội dung của những giấc mơ đã thu hút con người từ thời cổ đại. Trong văn hóa cổ đại, những người giải mộng là những chuyên gia được săn đón và trọng vọng. Khoa học hiện đai, ở một mức nào đó, đã hướng sự chú ý khỏi việc khám phá nội dung của giấc mơ, và tập trung vào việc nghiên cứu những cơ chế của việc mơ – theo khía cạnh về tâm lí và nhận thức, và mục đích của chúng. Nhưng vẫn có những nhà khoa học đang tiếp tục khám phá nội dung của giấc mơ, và những kĩ thuật mới đã cho chúng ta khả năng quan sát nội dung giấc mơ, điều chưa từng có trước đây.

Hầu hết dữ liệu về nội dung giấc mơ đã được tập hợp lại thông qua việc sử dụng những báo cáo về giấc mơ và bản câu hỏi khảo sát. Những trải nghiệm giấc mơ vô cùng đa dạng, nhưng có những chủ đề nhất định xảy ra giữa nhiều người mơ. Một trong những câu chuyện mơ thường gặp nhất là:

  • Trường học (học hành, thi cử)
  • Bị truy đuổi
  • Tình dục
  • Rơi, ngã
  • Đi muộn
  • Bay
  • Bị tấn công thể chất
  • Mơ về người đã khuất lúc còn sống, hay cái chết của một ai đó đang sống.

Một nghiên cứu gần đây về nội dung những cơn ác mộng chỉ ra những chủ đề phổ biến nhất giữa những giấc mơ bị xáo trộn là:

  • Đánh nhau
  • Xung đột giữa cá nhân với cá nhân
  • Trải nghiệm thất bại và bất lực

 Những nghiên cứu gia chỉ ra rằng nỗi sợ là cảm xúc thường gặp nhất trong ác mộng và những giấc mơ tồi tệ, dù nó có đi kèm với những cảm xúc khác.

Gần đây, những nhà khoa học Nhật Bản đã tạo nên bước đột phá trong việc giải mã nội dung của giấc mơ. Họ sử dụng một kĩ thuật gọi là giải mã thần kinh – quá trình này bao gồm việc chụp quét não bộ và thường xuyên tra hỏi chủ thể – để nhận biết nội dung hình ảnh của giấc mơ. Những chuyên gia cuối cùng cũng có thể dự đoán được nội dung hình ảnh của giấc mơ dựa trên hoạt động của não bộ với sự chính xác tới 75-80%.

Liệu giải mã thần kinh sẽ là tương lai của nghiên cứu nội dung giấc mơ? Có lẽ. Tìm hiểu nội dung của những giấc mơ là một cách tìm câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở mà chúng ta vẫn phải trả lời: Tại sao chúng ta lại mơ?

Người dịch: Đào Nguyễn Thùy Linh

Nguồn: Michael J Breus, Tiến sĩ, “Why We Dream What We Dream”, Psychology Today, 20/1/2015.

 

[1] Ngủ được cấu thành từ 3 trạng thái: thức, giấc ngủ REM (rapid eye movement – chuyển động mắt nhanh) và giấc ngủ NREM (non-rapid eye movement – không chuyển động mắt nhanh). Giấc ngủ REM và NREM thay phiên luân chuyển với chu kỳ lặp lại mỗi 90 phút, trong đó giai đoạn NREM chiếm 75% thời gian của giấc ngủ, và REM chiếm 25% thời gian còn lại (kéo dài hơn khi về khuya). Các giấc mơ xuất hiện trong giai đoạn REM. Tham khảo từ nguồn National Sleep Foudation.

 

https://beautifulmindvn.com/2015/06/26/dieu-gi-co-trong-mot-giac-mo-2/

menu
menu