Im lặng sượng sùng: Bạn có dám áp dụng?

im-lang-suong-sung-ban-co-dam-ap-dung

Ta đang sống trong một thế giới đòi hỏi sự thỏa mãn tức thời, ta không còn thời gian để mà nghĩ nữa. Đó là lúc ta nên thử áp dụng quy tắc im lặng sượng sùng, có vẻ kỳ quái...

 

 Ảnh: wordpress.com

Nếu bạn là sếp, việc áp dụng quy tắc này có vẻ dễ dàng, thậm chí “có phong cách”. Nhưng nếu bạn không phải là sếp?

Vẫn có chỗ để dùng

Tim Cook và Jeff Bezos điều hành hai công ty khổng lồ gần-như-ai-cũng-biết: Apple và Amazon. Tuy lối sống nghe nói rất khác nhau nhưng trong công việc cả hai đều quyết đoán, ưa sáng tạo, nghĩ nhanh như điện, và thức thời.

Chưa hết, trong nội bộ công ty của cả hai người đều áp dụng một nguyên tắc kỳ lạ: nguyên tắc của sự im lặng sượng sùng.

Theo bài viết của Justin Bariso - một người rất quan tâm và từng viết nhiều bài về nguyên tắc này, thì việc áp dụng sự “im lặng sượng sùng” cũng giản dị thôi, miễn ta có gan mà áp dụng. 

Ấy là khi đối diện một câu hỏi thách thức, thay vì nhanh nhảu phản hồi tức thì, ta sẽ ngừng lại và nghĩ kỹ mình nên trả lời thế nào. Không phải là ngừng lấy lệ trong tích tắc mà là một khoảng thời gian lâu thật sự, 10 giây, 20 giây, hoặc lâu hơn, mặc kệ người đối điện có sượng sùng, bứt rứt sốt ruột, ta cần nghĩ cho thấu đáo trước khi đáp lời.

 Tim Cook và những khoảng ngừng dài gtrong các cuộc họp của ông - một phương pháp. (Ảnh: Twitter)

Ở Apple, Cook đã thực hành điều này suốt nhiều năm nay. Người ta kể từ hồi năm 2008, trong các cuộc họp Cook thường có những khoảng ngừng dài rất khó chịu, chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng bóc giấy gói những thanh lương khô năng lượng mà ông ăn liên tục. 

(Khi mới áp dụng sự im lặng này ở Apple, hẳn nhiều thuộc cấp của Tim đã nghĩ thầm: “Hay tại ông ấy không bóc được?”).

Ở Amazon, Bezos cũng dùng đúng nguyên tắc im lặng sượng sùng này, mặc dù theo cách bài bản, có “phương pháp” hơn. 

Đó là bắt đầu mỗi cuộc họp, mọi người im lặng (có khi tới 30 phút) để đọc các bản ghi nhớ đã được in ra. Mục đích là để những người dự họp có thời gian nghiền ngẫm tài liệu, thậm chí kịp nguệch ngoạc ghi chú vài ý tưởng sơ khai mới nảy ra trong đầu, mà không bị những lao xao của ngoại cảnh làm mất tập trung.

Không chỉ Cook và Bezos yêu thích nguyên tắc im lặng sượng sùng này. Steve Jobs - người cha quá cố của Apple - cũng từng nổi tiếng vì đã im lặng suốt 20 giây trước khi hòa nhã mà xuất sắc trả lời một câu hỏi tấn công cá nhân ông trong một cuộc họp báo.

Và tỉ phú lập dị, người có bộ não phi thường Elon Musk cũng thường dành ra từ 5-15 giây để nghĩ trước khi trả lời một câu hỏi phỏng vấn cắc cớ. 

Garrett Reisman vốn là một nhà du hành vũ trụ, một kỹ sư, sau rời để gia nhập SpaceX của Elon Musk, đã mô tả cách Musk dùng kỹ thuật này như sau: “Nếu bạn đặt ra một câu hỏi khó, Elon Musk sẽ ngẫm nghĩ, kiểu như đắm chìm vào đó gần như là trong thôi miên: nhìn chằm chằm vào khoảng không và ta có thể hiểu là mọi thứ trong não đang chạy, rằng anh ấy đang tập trung mọi trí tuệ của mình (mà thế là ghê phải biết) vào mỗi câu hỏi ấy”.

Thực vậy, theo Justin Bariso, bạn có thể thấy điều này xảy ra trong gần như mọi cuộc Musk trả lời phỏng vấn, và thường thì Musk sẽ mất 5-15 giây để nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời.

Ai nên dùng quy tắc này?

Bezos từng nói với tờ Fortune rằng, với các nhân viên mới vào công ty ông, việc ngồi im phăng phắc trong phòng, đọc tài liệu trước con mắt quan sát của một đống quản lý cấp cao thật là một trải nghiệm kỳ quái. Chính thế nên mới gọi là “sượng sùng”. 

Nhưng những phút im lặng khởi đầu này rất quý giá, chúng đảm bảo cho sự tập trung của những người tham dự không bị tán loạn. Ta vẫn biết mà, nhân viên hiếm khi dành thời gian để đọc tài liệu họp cho đàng hoàng.

Còn trong việc trả lời thì sao?

Nếu bạn là sếp, việc áp dụng quy tắc này có vẻ dễ dàng, thậm chí “có phong cách”. Nhưng nếu bạn là nhân viên và người đang ngồi trước mặt bạn, đặt ra câu hỏi cho bạn lại là sếp, bạn có dám ngồi yên mà nhìn trừng trừng vào khoảng không để nghĩ chừng 10 giây trước khi trả lời không? Bạn có dám để thủ trưởng chờ đợi một cách “sượng sùng” thế không?

Có lẽ sẽ chẳng mấy người trong chúng ta dám làm thế, trừ phi có một quy ước đã được đặt ra trong công ty hoặc giữa một cộng đồng với nhau, rằng thà trả lời chậm mà chính xác còn hơn lanh chanh mà sai sót.

Tuy nhiên, nguyên tắc “im lặng sượng sùng” này có thể áp dụng trong nhiều hoàn cảnh khác: chậm lại một nhịp khi gửi đi một dòng tin nhắn có thể ảnh hưởng tới người khác, ngưng lại vài giây trước khi buông một lời bình trên mạng xã hội.

 Và nhất là trong các cuộc cãi nhau ở gia đình: im lặng một câu “nói cho sướng mồm” rồi bạn sẽ biết ơn vì điều đó.

 

 (Minh họa của trang Psychiatric Times)

“Im lặng sượng sùng" mang lại gì?

Theo Justin Bariso, nguyên tắc im lặng sượng sùng trước giờ vẫn được coi là một công cụ quý giá của trí thông minh về cảm xúc (EQ). Nó giúp ta cân đối giữa lý trí và tình cảm, thay vì hành động và phản ứng chỉ dựa vào cảm giác, lại là cảm giác bồng bột tức thời.

Nghe tới 10 giây, 20 giây thì vừa dài vừa ngắn. Bạn cứ thử lặng im trước một người đối diện chừng 10 giây thôi sẽ thấy nó là quá dài, giữa hai người là cả một bể sượng sùng bối rối, nhưng so với quy mô của một câu trả lời quan trọng sắp được thốt ra thì lại là quá ngắn. Đủ biết cái áp lực xã hội đè nặng quá, ta thà bị thất thố trong quyết định còn hơn làm kẻ đối diện phải khó chịu.

Tuy vậy, hãy cho não 5, 10 hay 20 giây ngưng lại đó thôi để nghĩ cho thấu đáo mọi việc; não có thể khiến mọi việc đâu vào đấy ở mức độ thật đáng ngạc nhiên. Với sự “bảo kê” của bạn, chấp nhận sự sượng sùng này mang tới cho kẻ khác, não sẽ:

  • Cho ngoại cảnh im tiếng tạm thời.
  • Vận động khả năng suy nghĩ.
  • Đi sâu một cách hiệu quả đến tận vấn đề “gốc”.
  • Cho ra câu trả lời thấu đáo hơn, sâu sắc hơn.
  • Đưa cảm xúc về cân bằng.
  • Giữ cho cảm xúc hài hòa với các giá trị sống, nguyên tắc sống lâu nay của bạn.
  • Nói đúng điều bạn nghĩ và nghĩ đúng điều bạn đang nói.
  • Gia tăng sự tự tin. 

Một nguyên tắc cần thiết ở thời nay

Chưa bao giờ nguyên tắc im lặng sượng sùng này lại quan trọng đến thế. Chúng ta hiện sống trong một thế giới đòi hỏi cái gì cũng phải thỏa mãn tức thời. Email nên được trả lời liền trong ngày. Tin nhắn và trao đổi nhóm nên được hồi đáp ngay lập tức. 

Chúng ta phải tập có phản xạ nhanh, chạy đua với tốc độ phản hồi của máy móc. Đâu đâu người ta cũng thích sự hồi âm tức thì, bởi vì ta càng sống nhanh thì thời gian lại càng thiếu, không ai muốn bỏ thời gian ra chờ đợi những việc có thể trả lời ngay.

Và thế là có một rắc rối lớn nảy sinh trong khung cảnh giao tiếp “ngay lập tức” này: ta không có thời gian mà nghĩ nữa, theo đúng nghĩa của nó, là nghĩ thấu đáo, nghĩ có phản biện trước sau trước đề tài được đặt ra. Nó đòi hỏi phải tự xem xét bản thân, hồi tưởng rồi tiên đoán, tổng hợp, cân nhắc, phân tích các dữ kiện, rồi lập luận cẩn thận. 

Tóm lại là sau chừng đó việc, nó cho ra những mối liên hệ “có trước có sau”, rất “biết điều”. Và bạn thấy đấy, chừng đó việc sẽ không làm được nếu không có thời gian. Mà thời gian lại là món xa xỉ nhất của thời nay.

Nhưng theo Justin Bariso, một khi đã chọn theo nguyên tắc này, bạn sẽ “cướp” lại được thời gian. Hiện ta đang tốn thời gian cho những câu trả lời vô nghĩa, cho việc mải nói cho người khác nghe những điều ta nghĩ là họ muốn nghe chứ không phải là những điều ta thực sự tin. Thời gian cũng đang bị tốn cho việc trả lời những câu hỏi vớ vẩn hoặc đặt ra những câu hỏi vớ vẩn, cho việc tranh cãi biết là sai, là vô ích mà vẫn cãi chỉ vì tự ái, chỉ vì thích.

 Nếu dừng lại một chút, não sẽ đặt ra các hệ quả, được/mất, và bầu máu nóng sẽ bớt sôi sùng sục. Sau 5 giây, 10 giây, 20 giây ta sẽ biết mình có thực sự muốn nói nữa hay không, và nếu có nói thì đó là điều đáng nói.

Bài tập luyện cho bạn

Khi thực tập đủ và thụ hưởng những ích lợi từ nó, bạn sẽ không còn thấy nguyên tắc im lặng này là sượng sùng hay kỳ quái nữa. Chắc chắn bạn sẽ nảy sinh nhu cầu “chậm lại một nhịp”. Vấn đề còn lại là làm sao dung hòa, cho sự im lặng này không “sượng sùng” với người đối diện.

Đã có người nhắc đến khái niệm “khoa học của 4 giây”. Theo đó, thời gian ngừng lại vừa đủ để cân nhắc mà vẫn giữ được tế nhị chính là 4 giây. 

Đừng cố phá vỡ sự im lặng, mặc dù người ta đã quen với quy ước của xã hội rằng trong cuộc nói chuyện tự nhiên có một khoảng im lặng chen vào là “có vấn đề”. Chỉ cần báo trước với người đối diện là bạn cần phải nghĩ, ví dụ bằng câu: “Để tôi nghĩ chút”, hoặc “Xem xem nào...”, và người kia cần phải biết chờ đợi. Khi đó, chính họ cũng suy nghĩ kỹ hơn về điều họ vừa nói với bạn.

Có người bảo, thú vị thật, Đông hội ngộ Tây chính là đây. Ông bà ta dạy: “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Ta cứ thử ngồi uốn lưỡi 7 lần theo đúng nghĩa đen và sẽ thấy mất khoảng 4 giây, cần gì phải đợi “Tây nó dạy”! Chỉ có điều, ngồi im cho não nghĩ rất khác với mải đếm số lần uốn lưỡi đến nỗi não chẳng nghĩ được gì ngoài việc đếm. 

Vậy vấn đề cốt lõi là ở hình thức với nội dung: sử dụng những giây im lặng sượng sùng quý báu kia như thế nào, là thúc được cho não nghĩ hay để não rơi vào trống không; là để tổng hợp mọi dữ kiện, cân nhắc thiệt hơn hay chỉ để hù dọa, thăm dò người đối diện.

Nếu không phải để “màu mè” mà để não thực sự nghĩ thì đây là điều cần phải luyện tập. Như đã nói ở đầu bài, “im lặng sượng sùng” là một kỹ năng. Đã là kỹ năng thì cần luyện mỗi ngày, mỗi lúc có thể. Ngồi im, nghĩ về một điều nảy ra trong óc hoặc một điều hiện ra trước mắt; nghĩ lâu hơn bình thường một tí và chỉ nghĩ về điều đó dưới các khía cạnh khác nhau. 

Một ngày tập chừng chục lần như thế, mỗi lần chỉ khoảng 20 giây, xét ra cả ngày chỉ hơn 3 phút. Trong trường hợp này ta không luyện im lặng mà là luyện nghĩ. Bởi vì xét cho cùng, im lặng rồi mà không nghĩ thì... thà cứ nói còn hơn!■

Tích Linh tổng hợp và dịch

“Sự im lặng sượng sùng quý báu ở chỗ nó thúc cho não suy nghĩ. Nó giúp ta cân đối giữa lý trí và tình cảm, thay vì hành động và phản ứng chỉ dựa vào cảm giác”.



menu
menu