Hãy nghiêm túc với tuổi thơ
Chúng ta thường ngần ngại khi đổ lỗi cho tuổi thơ của mình. Chúng ta không chết đói. Cũng chẳng ai bị đánh đập. So với biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn nước hay nghèo đói cùng cực, những vấn đề từ tuổi thơ của chúng ta có vẻ chỉ là những câu chuyện than thở vặt vãnh của những kẻ sống sung túc.
Ta bị giằng xé giữa một bên là khao khát hiểu rõ quá khứ và bên kia là cảm giác tội lỗi khi dám lật lại chuyện cũ. Dường như đây là vấn đề cá nhân, nhưng thực ra nó nằm trong một cuộc tranh luận lớn hơn về vai trò của tâm lý trị liệu trong cuộc sống con người. Liệu pháp tâm lý – hơn bất cứ lĩnh vực nào – đặc biệt quan tâm đến tuổi thơ, đến cách mà các mối quan hệ với cha mẹ và người chăm sóc đã hình thành nên con người ta, và thường là theo những cách phức tạp, đôi khi gây tổn thương. Nó quan tâm tỉ mỉ đến từng lời nói bâng quơ mà ta từng nghe khi ăn tối lúc năm tuổi, hay cách ta bị so sánh với anh chị em ruột. Nó chẳng thấy điều gì là vô nghĩa khi dành hàng giờ để truy tìm cảm giác tội lỗi mà cha mẹ đã vô tình truyền lại, hay lần về gốc rễ của cảm giác vô dụng chỉ vì bài tập thủ công ngày xưa bị cô giáo tiểu học phê bình.
Pablo Picasso, Mother and Child, 1901
Liệu pháp tâm lý khẳng định, bằng tất cả lý lẽ của nó, rằng điều quan trọng nhất trên đời là trẻ em phải lớn lên trong cảm giác an toàn, được hỗ trợ và yêu thương – và hầu hết mọi vấn đề của nhân loại rốt cuộc đều có thể truy nguyên từ những trường hợp mà điều này không xảy ra.
Thế nhưng, khi nhìn lại lịch sử, chúng ta rất ít khi bắt gặp những loại đau khổ mà liệu pháp tâm lý ngày nay chỉ ra. Điều đó làm ta ngờ vực: liệu có phải ta đang phóng đại, tưởng tượng, và đánh mất lý trí trong một thời đại quá xa hoa và phù phiếm?
Có bao giờ một người Hy Lạp hay La Mã cổ đại phàn nàn về mẹ mình như cách chúng ta vẫn làm? Có ghi chép nào cho thấy một người Ai Cập cổ cảm thấy bị cha thiếu tôn trọng, và vì thế, họ chỉ là “một nửa con người”? Có phải một người Assyria thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên từng tâm sự rằng vì anh chị em mình được ưu ái hơn, nên cả đời họ gặp vấn đề tự tin trước người khác giới?
Qua hàng thế kỷ, ta chẳng tìm thấy những nỗi niềm như vậy trong bất cứ tài liệu lịch sử nào – điều này càng khiến ý nghĩ rằng chúng ta đã “tập thể mất trí” có vẻ hợp lý hơn.
Nhưng hãy thử nghĩ xem. Những vấn đề tâm lý liên quan đến sự phát triển và bất ổn thời thơ ấu thực ra đã tồn tại từ lâu. Chúng hiện diện từ thời Nebuchadnezzar, Ramses II, trong các khu trung lưu ở Tenochtitlan cổ đại hay những ngôi nhà dài ở Papua New Guinea thời Trung cổ.
Người La Mã đã sống chung với dịch tả từ trước khi biết gọi tên nó; họ chỉ đơn giản đổ lỗi cho nữ thần Ceres giận dữ hay thần Pluto báo thù. Những virus tàn phá Babylon cổ đại hay thành Jericho thời Kinh Thánh cũng chính là những kẻ thù mà đến tận thế kỷ 19 nhân loại mới biết cách nhận diện. Tổ tiên thời Trung cổ của ta chẳng hay biết nước uống của họ bị nhiễm khuẩn – thứ mà phải đến đầu thế kỷ 20 ta mới đủ thiết bị để phát hiện.
Nhân loại vẫn đang trong tuổi thơ của chính mình. Ta mới chỉ bắt đầu nhận thức được những điều căn bản đã âm thầm hủy hoại cuộc sống từ buổi sơ khai. Vậy thì việc chúng ta mất hàng thiên niên kỷ để hiểu vai trò của tình yêu cha mẹ với sức khỏe tinh thần của một đứa trẻ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên – giống như việc ta mất đến thế kỷ 18 mới hiểu được sự tuần hoàn của máu, hay mãi đến thập niên 1910 mới biết vi khuẩn trong thực phẩm có thể gây bệnh.
Chúng ta nên tự hào rằng cuối cùng đã đi đến đây. Không cần tự trách rằng mình đã phóng đại hay “bịa ra” những điều mà tổ tiên chúng ta gan dạ hơn khi phớt lờ. Họ không mạnh mẽ hơn – họ chỉ mơ hồ hơn, không đủ khả năng để gọi tên những nỗi đau của mình. Họ mang những vết thương tương tự nhưng thiếu ngôn ngữ để giải mã. Không có khái niệm đúng đắn, họ nhìn nhận cuộc đời qua những lăng kính sai lầm của tôn giáo hay truyền thuyết. Họ đổ lỗi cho các vị thần giận dữ, cho các thế lực siêu nhiên tàn ác, thay vì nghĩ về hành vi của ông chú mình hay sự kiện tồi tệ trong căn nhà cũ sau mùa gặt.
Chúng ta nên tự hào. Chúng ta là những thế hệ đầu tiên đủ khả năng để nhìn nhận tuổi thơ nghiêm túc như nó cần được nhìn nhận – và đủ mạnh mẽ về trí tuệ để truy nguyên hầu hết những đau khổ ở tuổi trưởng thành từ đó. Đây không phải là sự tự thương hại, cũng không phải ngây thơ. Đây là cơ hội vô tiền khoáng hậu để chúng ta trưởng thành thành những con người có thể thay đổi lịch sử.
Nguồn: TAKING CHILDHOOD SERIOUSLY