Làm Thế Nào Để Ngừng Lãng Phí Thời Gian Với Công Nghệ?

lam-the-nao-de-ngung-lang-phi-thoi-gian-voi-cong-nghe

“Chủ nghĩa Kỹ thuật số tối giản chắc chắn không chối bỏ những thành tựu của thời đại internet, thay vào đó, chối bỏ cái cách mà quá nhiều người chìm đắm vào các thành tựu này.” 

Ngày nay tất cả chúng ta đều dành rất nhiều thời gian trên internet. Và với sự tiện lợi của các thiết bị di động, chúng ta lướt web mọi lúc, mọi nơi.

(Ngay thời điểm này, tôi đang cảm thấy khá áp lực với việc đảm bảo rằng bài viết của mình sẽ hữu ích với bạn thay vì là một sự phí phạm thời gian khác trên internet.)

Vậy thì làm cách nào để chúng ta giải quyết vấn đề đây. Tôi sẽ đưa ra những con số thống kê đáng kinh ngạc rất cần được đề cập đến khi bàn về việc công nghệ đang hủy hoại cuộc sống của chúng ta ra sao…

Holly Shakya từ trường đại học California San Diego (UCSD) và Nicholas Christakis từ trường Yale đã thực hiện một nghiên cứu với hơn 5.200 người tham gia có tựa “Mối liên hệ giữa việc sử dụng Facebook và việc phải tỏ ra hạnh phúc: Một nghiên cứu theo chiều dọc”.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc sử dụng Facebook có quan hệ tiêu cực với cảm giác hạnh phúc.”

Nghiên cứu này không được đăng trên tờ “Tạp chí Hạnh phúc Fancy Pants” hay “Đánh giá các nghiên cứu số Ivory Tower”. Nghiên cứu này được duyệt và đăng trên tờ “Tạp chí dịch tễ học của Mỹ”. Đúng vậy, đó là nghiên cứu về một căn bệnh. 

Thư điện tử, tin nhắn, Netflix, Xbox, 64 hương vị của mạng xã hội… Các thể loại màn hình đều đã và đang tuyên bố chiến thắng. Một tay chúng ta cầm iphone và tay kia ta đang vẫy cờ xin hàng. 

Và đối với những ai lớn lên trong thế giới toàn màn hình, mọi việc còn tệ hơn. Thanh thiếu niên trung bình dành khoảng 9 tiếng một ngày cho các phương tiện truyền thông. Và tỷ lệ trầm cảm và tự tử ở lứa tuổi này tăng chóng mặt. Tôi rất muốn nói với bạn rằng tất cả những điều này hoàn toàn không liên hệ gì với nhau nhưng giáo sư tâm lý học Jean Twenge của trường đại học San Diego (SDSU) lại cho rằng “Hầu hết sự sa đọa đều bắt nguồn từ điện thoại”. 

Chúng ta sẽ làm gì? 

Cal Newport muốn bắt đầu một cuộc cách mạng. Ông ấy gọi đó là “Chủ nghĩa Kỹ thuật số tối giản”.  Hãy hành động; nhưng không phải chúng ta sẽ bảo thủ đổ lỗi cho công nghệ và nghiền nát các thể loại máy móc. Chúng ta phải kiểm soát cách sử dụng công nghệ - để công nghệ không kiểm soát chúng ta. 

Trích từ cuốn sách Lối sống tối giản thời công nghệ số:

“Chủ nghĩa Kỹ thuật số tối giản chắc chắn không chối bỏ những thành tựu của thời đại internet, thay vào đó, chối bỏ cái cách mà quá nhiều người chìm đắm vào các thành tựu này.” 

Và Cal là người thích hợp dắt ta ra khỏi mớ hỗn độn này. Ông ấy không chỉ là tác giả của những cuốn sách bán chạy, mà như tôi đã đề cập, ông ấy còn là giáo sư khoa học máy tính tại Georgetown. Ông ấy hoàn toàn không phải là người không thích những công nghệ mới, thậm chí ông ấy biết rất nhiều về thế giới công nghệ hơn cả bạn và tôi.

Lướt màn hình đã trở thành việc làm không thể thiếu. Và đó chính là vấn đề. Lúc đang xếp hàng? Nhìn điện thoại. Lúc đang đi vệ sinh? Nhìn điện thoại. Bạn bè nói những điều không thú vị? Nhìn điện thoại. Bạn sẽ không động đến cái búa trừ khi có một cái đinh ở đâu đó. Mọi việc đều có mục đích rõ ràng. Nhưng chúng ta lại không xác định mục đích đó khi “ứng xử” với thiệt bị công nghệ. Cal nói rằng, chúng ta cần phải trả lời câu hỏi về mục đích kia.

Các thiết bị có rất nhiều tiện ích. Nhưng chúng ta thường rất kém trong việc cân bằng lợi ích và chi phí cơ hội theo một cách tối ưu. Truyền thông xã hội có thể làm chúng ta hạnh phúc, nhưng thời gian gặp gỡ trực tiếp sẽ làm ta hạnh phúc hơn và thường thì cái này có được sẽ phải trả giá bằng cái khác. Nhưng truyền thông xã hội tiện hơn. Vì vậy, chúng ta không đưa ra sự lựa chọn tốt nhất; chúng ta đưa ra sự lựa chọn dễ dàng. 

Công nghệ phát triển mạnh mẽ một cách bất ngờ. Hầu hết chúng ta đều chưa có thời gian xem xét xem công nghệ có vị trí như thế nào trong cuộc sống của mình, thế nên chúng ta, trong vô thức, sử dụng chúng với tần suất ngày càng lớn, và cuối cùng là nghiện.

Chúng ta cần tính toán và thận trọng hơn khi sử dụng công nghệ. Không có đinh ư? Vậy thì đừng động đến cái búa.

“Những người theo Chủ nghĩa Kỹ thuật số tối giản nhìn nhận công nghệ mới như những công cụ được sử dụng để hỗ trợ những thứ mà họ thấy có giá trị - chứ không xem bản thân công nghệ mới đó là những nguồn giá trị. Họ không chấp nhận ý nghĩ cho rằng việc tạo ra một lợi ích nhỏ lại biện minh việc cho phép một công nghệ lấy hết sự chú ý và xâm nhập vào cuộc sống của chính họ, và thay vào đó, họ hứng thú với việc áp dụng công nghệ mới theo những cách thức có chọn lọc và tính toán nhằm mang lại chiến thắng. Và một điều quan trọng nữa: họ cảm thấy thoải mái với việc bỏ qua những thứ khác.” 

Trích từ cuốn Walden:

“Chi phí của một thứ chính là lượng thời gian trong đời mà, ta dùng để đánh đổi lấy thứ đó, ngay lập tức hoặc trong dài hạn.”

Ở một thời điểm nào đó, chúng ta nghĩ việc lạm dụng công nghệ không bắt ta phải trả giá gì. Nhưng rồi ta tự hỏi ngày chủ nhật vừa rồi ta làm gì. Tại sao chúng ta luôn cảm thấy không lúc nào có đủ thời gian. Và tại sao cả nửa năm qua chúng ta đã không gặp một người bạn bằng xương bằng thịt nào cả. 

Vậy thì làm cách nào để thay đổi?

Các bạn à, chúng ta sẽ phục hồi. Không, bạn sẽ không cần phải mua sắm máy móc gì để thưc hiện việc này cả - nhưng tôi hy vọng bạn sẽ thích mùi vị của việc từ bỏ một thói quen xấu...

Liệu trình “Cắt giảm công nghệ" trong 30 ngày 

Bạn sẽ có 30 ngày tránh xa những công nghệ bạn tuỳ chọn.

Trong 30 ngày đó, bạn sẽ khám phá lại những điều làm bạn vui vẻ mà không liên quan đến một cái màn hình nào cả. Những thứ đã từng khiến bạn là một con người thay vì một chú khỉ được huấn luyện để kích chuột. 

Sau một tháng, bạn sẽ chỉ tiếp xúc lại với những công nghệ mang lại ảnh hưởng tích cực thực sự cho cuộc đời bạn. Và bạn sẽ làm điều này một cách cẩn trọng với kế hoạch sử dụng cụ thể nhằm tối đa hoá cuộc sống của bạn, không phải tối đa hóa thời gian lướt mạng của bạn. 

“Cũng giống như khi bạn sắp xếp lại nhà cửa, thí nghiệm lối sống này giúp bạn bắt đầu lại cuộc sống số của bản thân bằng cách bỏ đi những thứ làm bạn xao nhãng và những thói quen bị ép buộc được tích lũy một cách bừa bãi suốt thời gian qua và thay thế chúng bằng những hành vi có chọn lọc hơn, được tối ưu hơn, theo một cách thức tối giản phù hợp nhằm hỗ trợ các giá trị của bạn thay vì huỷ hoại chúng.”

Và đây không phải là một ý tưởng mang tính lý thuyết. Cal đã thực hiện thí nghiệm này với một số người bạn trước khi viết cuốn sách. Khi ông ấy lần đầu tuyên bố “Nghiên cứu: Cắt giảm công nghệ", ông ấy nghĩ khoảng 40 đến 50 người sẽ tham gia. Ông ấy đã sai… 1.600 người đã tham gia. Vì vậy bạn hoàn toàn không đơn độc. 

Bước đầu tiên là gì? Xác định “lọc bỏ công nghệ" có ý nghĩa như thế nào đối với bạn để bạn hiểu rõ về những thứ không còn chính đáng trong suốt một tháng tới. 

“...hãy luôn xem một công nghệ là chỉ là tuỳ chọn, trừ khi sự thiếu vắng tạm thời của công nghệ đó sẽ có ảnh hưởng rất xấu hoặc gián đoạn đáng kể đến việc vận hành công việc và cuộc sống cá nhân thường ngày của bạn.”

Nói cách khác, một thứ mặc định là “bị cấm" trừ khi có lý do thật sự nào đó. Không ai nói là bạn phải bỏ đi email công việc, lò vi sóng hay bàn chải đánh răng chạy bằng điện. Nhưng Facebook, Instagram và trò chơi điện tử thì có thể bỏ nếu chúng không quan trọng với bạn.

Chắc chắn là, một vài công nghệ có thể tuỳ chọn nhưng lại có “những trường hợp có mục đích sử dụng quan trọng không thể lọc bỏ". Email cá nhân, tin nhắn,...Hãy bật chế độ giới hạn thời gian hoặc tạo bộ lọc sao cho bạn chỉ nhận tin nhắn từ những người quan trọng.

Và tất cả những thứ khác có khả năng dẫn dụ bạn đến với công nghệ thì hãy áp dụng luật lệ riêng với chúng. Ví dụ, bạn có thể xem Netflix, nhưng hãy xem chung với người khác, không được xem một mình trong vòng 30 ngày. Có thể bạn nghe nhạc, nhưng chỉ khi bạn đang di chuyển từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại bằng các phương tiện công cộng. Nếu bạn cảm thấy bản thân đang cân nhắc việc làm thế nào để xử lý một thứ gì đó, hãy gọi cho một người bạn để họ xem xét giúp bạn. 

Tất cả "thuốc phiện" gắn mác công nghệ đã được loại bỏ và bạn sẽ bắt đầu 30 ngày mà không có chúng… Nhưng bây giờ bạn sẽ làm gì với thời gian của bạn đây?

Thải độc + Nhàn rỗi một cách có chất lượng

30 ngày. Hãy đánh dấu trên lịch. Tin hay không tin, đã từng có thời kỳ trước khi điện thoại thông minh và internet ra đời, ở cái thời khủng long còn gầm thét trên trái đất. Và con người đã hạnh phúc.

Mục tiêu của 30 ngày tiếp theo không phải bạn chỉ đơn giản chịu đựng. Bạn muốn khởi động lại. Để bỏ đi những thói quen xấu, bạn cần nhận ra cái gì là quan trọng, và khám phá lại tất cả những thứ bạn thích mà chẳng bao giờ rơi vào tình trạng PIN YẾU.

Đừng đơn giản xem đây là phương thức thải độc. Giống như ăn kiêng vậy, nếu bạn ăn uống lành mạnh trong 30 ngày rồi quay lại thực đơn như cũ, bạn sẽ tăng cân lại. Bạn cần lấp đầy khoảng trống mà công nghệ để lại bằng những hoạt động mới mẻ và xứng đáng . 

Không có màn hình, bạn thấy thích cái gì? Bạn nhớ cái gì? Bạn đã từng muốn làm gì? 

Đọc sách. Bắt đầu một sở thích. Tập thể dục. Học nấu ăn. Đi bộ đường dài. Gặp gỡ bạn bè. Chơi thể thao. Là những ông bố bà mẹ ở sân chơi thực sự đang ngắm nhìn lũ trẻ thay vì dán mắt vào điện thoại. 

Người khác từng đề cập chuyện gì với bạn trong những năm qua mà bạn đã trả lời rằng, “Ồ hay quá nhưng tôi không có thời gian"? 

Nếu vậy thì, dù thích hay không, bây giờ bạn đã có nhiều thời gian hơn rồi, bạn thân yêu. 

Cal đề xuất lập mục tiêu cho tháng. Có thể chọn những bài hát bạn sẽ tập với đàn ghi ta và tổ chức một buổi tiệc khi liệu trình 30 ngày kết thúc và bạn sẽ đàn cho bạn bè nghe. Điều này giúp bạn có một kế hoạch và thời hạn… Và mối lo sợ bị bẽ mặt nếu bạn không tuân thủ theo. 

Okay, kết thúc 30 ngày. Bạn chuẩn bị hoàn thành liệu trình phục hồi. Nhưng làm cách nào để bạn có sự chuyển tiếp mà không quay lại với những thói quen xấu? Có lẽ, chúng ta sẽ có vài sự giúp đỡ từ những nơi không ngờ tới…

Quản lý Công nghệ (Tác phong của người Amish)

“Nhưng người Amish không sử dụng công nghệ.”

Sai. 

Người Amish dùng máy kéo không phải ô tô. Nhiều nhà có điện nhưng không kết nối với lưới điện quốc gia. Và trong khi điện thoại cá nhân bị cấm, nhiều thị trấn vẫn có bốt điện thoại công cộng. 

Vấn đề ở đây là gì? Làm thế nào họ vạch ra được ranh giới? Tất cả nằm ở giá trị. 

“Hoá ra rằng, người Amish làm những điều vừa đơn giản vừa quyết liệt một cách gây sốc ở thời đại chủ nghĩa tiêu dùng bốc đồng và phức tạp như hiện nay của chúng ta: họ bắt đầu với những thứ họ trân trọng nhất, rồi cùng với sự trân trọng đó, họ lùi lại tự hỏi liệu một công nghệ mới có làm hại hay sẽ tạo ra những điều tốt đẹp.”

Xe kéo giúp họ nuôi sống gia đình. Được phép dùng. Ô tô nghĩa là người ta sẽ lái đến những thị trấn khác thay vì dành thời gian với bạn bè trong cộng đồng. Bị cấm. 

Bạn chỉ mới có 30 ngày khổ sở. Vậy thì công nghệ nào thật sự khiến cuộc sống bạn tốt hơn? Công nghệ nào có nhiều mặt tốt hơn mặt xấu? Công nghệ nào tiết kiệm thời gian hơn là tiêu tốn thời gian? Công nghệ nào nên được chào mời quay trở lại lối sống Amish mới? Cal đưa ra 3 quy luật: 

Để một công nghệ tuỳ chọn quay lại cuộc sống của bạn sau khi liệu trình cắt giảm công nghệ kết thúc, công nghệ đó phải:

  1. Phục vụ cho một điều gì đó mà bạn rất trân trọng (chỉ mang lại một lợi ích nào đó thôi là chưa đủ)
  2. Là loại công nghệ tốt nhất phục vụ cho điều bạn trân trọng ở trên (nếu không phải, hãy thay thế công nghệ đó bằng một công nghệ khác tốt hơn)
  3. Có một vai trò trong cuộc sống của bạn, vai trò đó gắn với một quy trình hoạt động tiêu chuẩn mà định rõ khi nào và làm thế nào bạn sử dụng nó. 

Đúng vậy, bạn sẽ vẫn tiếp tục lướt mạng một cách không có mục đích và say sưa với Netflix. Chúng ta cần phải thực tế ở đây. Nhưng làm thế nào bạn xoay sở để tiến lên?

Lịch và đồng hồ là những người bạn của bạn. 

“Hãy lên lịch trước thời gian bạn sẽ dành cho những thú vui kém chất lượng. Nghĩa là, bạn lên kế hoạch những thời điểm cụ thể bạn sẽ lướt web, lướt mạng xã hội và xem các chương trình giải trí. Khi đến giờ, bạn chỉ việc thực hiện. Nếu bạn muốn xem Netflix trong khi lướt Twitter: hãy cứ làm. Nhưng ngoài những thời gian được lên kế hoạch đó, hãy tránh xa chúng.

Nghe thì có vẻ thực hiện được nhưng điện thoại thì cứ luôn cám dỗ bạn. Nó cứ sáng lên và chuông reo và gọi bạn í ới. Chúng ta xử lý như thế nào?

“Đừng làm phiền" là chế độ mặc định mới

Điện thoại thông minh của bạn có chế độ cài đặt “đừng làm phiền". Hãy để nó là chế độ mặc định. Hoặc bạn có thể lập thời gian biểu để nó tự động bật và tắt. Và, bạn có thể lên danh sách những số điện thoại và tin nhắn mà không bị ảnh hưởng bởi chế độ này. Hãy cứ mày mò các chế độ cài đặt cho đến khi bạn tìm thấy một chế độ cân bằng cho bản thân.

Kết luận

Đây là cách để ngừng lãng phí thời gian trên internet: 

  • Liệu trình cắt giảm công nghệ trong 30 ngày: Thiết kế công nghệ tùy chọn, đặt ra luật lệ đối với những công nghệ còn lại, và từ bỏ chúng trong vòng 1 tháng. 
  • Thải độc và nhàn rỗi một cách có chất lượng: Khám phá lại những thứ mà bạn từng yêu thích. Tham gia những hoạt động mà bạn “chưa từng dành thời gian cho”. Lấp đầy khoảng trống mà công nghệ để lại. 
  • Quản lý công nghệ (tác phong người Amish): Hãy nghĩ về những thứ quan trọng với bạn và chỉ tiếp xúc lại với những thứ như vậy. Cân bằng giữa lợi ích và chi phí.
  • Đừng làm phiền” là chế độ mặc định mới: Ngừng nhận thông báo trừ khi điều đó khiến bạn bị đuổi việc hoặc có thể khiến một đứa trẻ đuối nước. Nhắn tin theo đợt. Mỗi một thiết bị chỉ phục vụ cho một mục đích. 

Vậy nếu bạn thực hiện những thay đổi này, liệu có phải bạn sẽ ít kết nối với mọi người hơn không? Liệu bạn sẽ cô lập bản thân khỏi thế giới xung quanh – giống như những người Amish không?

Chắc chắn bạn sẽ giảm lượng tương tác kém chất lượng. Chỉ nhờ vào việc lược bỏ một vài tương tác, bạn có thể đổi những mối quan hệ hời hợt lấy những trao đổi sâu sắc và phát triển những mối quan hệ quan trọng. 

Cal đề xuất “giờ hành chính” như những giảng viên đại học. Thiết kế thời gian biểu những giờ, những ngày bạn sẵn sàng gặp gỡ, nói chuyện. Cal đã học được điều này từ một người bạn, anh ta luôn kết thúc giờ hành chính lúc 5h30 chiều. Không phải ngẫu nhiên mà anh ta lại chọn giờ đó, anh ta sẽ về đúng giờ cao điểm để tránh được việc trả lời tin nhắn và thư từ liên tục từ công việc, hơn thế, việc này còn thật sự giúp các mối quan hệ quan trọng của anh ta trở nên sâu sắc hơn. 

“Việc sắp xếp đơn giản theo hệ thống này giúp một người dễ dàng chuyển các mối quan hệ mất thời gian, kém chất lượng thành những đối thoại có chất lượng cao hơn. Nếu bạn viết hỏi anh ấy một câu khá phức tạp, anh ấy có thể trả lời “Tôi rất muốn trả lời bạn. Hãy gọi tôi vào lúc 5:30 chiều bất cứ ngày nào trong tuần mà bạn muốn”. 

“Có một người bạn từng tâm sự với tôi, khi lướt facebook thấy bạn bè đăng ảnh mà không react hay comment thì sẽ bị quy kết là vô tâm. Tuy nhiên, nếu tình bạn này quan trọng, hãy để sự quan trọng đó khuyến khích bạn đầu tư thời gian cho một buổi chuyện trò thực sự. Việc đến thăm người mẹ mới sinh sẽ mang lại giá trị ý nghĩa cho cả hai bạn hơn là một dòng ngắn ngủi “oaaa” khi bạn kéo lên kéo xuống những dòng bình luận… Bạn hoàn toàn có thể hình thành một mối quan hệ sâu sắc, thực chất với họ hơn  bất cứ một dấu cảm thán hay một biểu tượng emoji nào đó mang lại”. 

Hãy gặp gỡ. Gọi điện thoại. Gửi bưu thiếp viết tay. Đó là những việc có thể khiến ta cảm thán. Đừng là bóng ma của công nghệ. Hãy là một người bạn thực sự đối với người khác. 

“Yêu thích” nên là một việc chúng ta làm với con người, không phải với mấy cái nút!

Dịch: Shiny - A Crazy Mind - Ybox.vn 

Nguồn: https://www.bakadesuyo.com

menu
menu