Di sản của tuổi thơ không được yêu thương

di-san-cua-tuoi-tho-khong-duoc-yeu-thuong

Điều gì sẽ xảy ra với một đứa trẻ không được yêu thương đúng cách?

Điều gì sẽ xảy ra với một đứa trẻ không được yêu thương đúng cách? Câu trả lời mà người ta thường nghĩ đến là đứa trẻ sẽ bắt đầu ghét bỏ người không dành cho mình tình yêu mà nó cần. Nhưng thực tế lại khác xa. Thay vì oán trách, đứa trẻ lại ngập chìm trong cảm giác xấu hổ.

Vậy, xấu hổ là gì? Đó là cảm giác rằng bản thân vô cùng tồi tệ, không xứng đáng, dơ bẩn, xấu xí, đáng khinh và đáng bị chế giễu. Đó còn là cảm giác bị đe dọa, luôn sợ hãi bị tấn công và cười nhạo bởi người đời. Đứa trẻ không thể hướng sự trách móc ra bên ngoài, không thể tự hỏi: "Có gì sai với bố mẹ mà họ không thể yêu thương mình một cách trọn vẹn?" Thay vào đó, nó chỉ biết tự hỏi đầy tuyệt vọng: "Mình đã làm gì sai để trở thành đối tượng bị bố mẹ ghẻ lạnh như thế?"

Nỗi sợ nguyên thủy về việc bị bỏ rơi trỗi dậy, chi phối mọi suy nghĩ. Để duy trì chút cảm giác an toàn tối thiểu trong mối quan hệ phụ thuộc vào cha mẹ – những người mà nó hoàn toàn dựa dẫm – đứa trẻ chọn cách quay mũi nhọn trách móc vào chính mình. Nó thà tự trách rằng mình "xấu xa", "không đủ tốt", còn hơn đối mặt với sự thật kinh khủng hơn: rằng những người đáng ra phải bảo bọc mình lại là những người không xứng đáng với vai trò đó.

Đứa trẻ bắt đầu kiếm tìm một lời giải thích cho việc thiếu thốn tình yêu – và thường đưa ra những kết luận hoàn toàn sai lầm. Có thể, nó sẽ nghĩ: "Chắc tại mình không đủ giỏi giang, không đủ ấn tượng." Từ đó, nó lao vào những nỗ lực phi thường để chứng minh với chính mình và cả thế giới rằng nó thực sự có giá trị.

Ở trường, đứa trẻ có thể học hành chăm chỉ gấp bảy lần người khác để chứng tỏ rằng nó thông minh và “ngoan ngoãn”. Khi lớn lên, đứa trẻ ấy có thể trở thành một người trưởng thành cuồng công việc, không ngừng phấn đấu vì tiền bạc và địa vị – tất cả chỉ để che lấp nỗi ám ảnh dai dẳng về việc mình không được công nhận.

Photo by Katherine Chase on Unsplash

Ngược lại, một số đứa trẻ lại chọn con đường nổi loạn. Chúng có thể phun sơn graffiti khắp các bức tường dưới cầu vượt – như một cách tuyệt vọng để biến nỗi "tồi tệ" bên trong thành một biểu hiện bên ngoài mà ai cũng có thể nhìn thấy.

Thật đáng buồn, dù chọn con đường làm "rất tốt" hay "rất xấu", đứa trẻ vẫn không thể thoát khỏi gánh nặng của sự xấu hổ. Những cố gắng này không bao giờ mang lại sự giải thoát.

Chỉ có một lối thoát duy nhất, nhưng để đi qua, người ta phải dũng cảm đối diện với điều mà hồi nhỏ mình không thể nào chấp nhận: rằng mình không hề làm sai bất cứ điều gì cả – mà chính bản thân mình đã là nạn nhân của sự sai trái.

Nguồn: THE LEGACY OF AN UNLOVING CHILDHOOD - The School Of Life

menu
menu