Những người luôn làm vui lòng người khác trong mối quan hệ

nhung-nguoi-luon-lam-vui-long-nguoi-khac-trong-moi-quan-he

Phải mất một thời gian, ta mới nhận ra điều gì đang xảy ra. Ban đầu, dường như ta đã gặp được một người bạn đời hoàn hảo, người có mọi sở thích và thói quen đồng điệu đến đáng kinh ngạc với mình.

Phải mất một thời gian, ta mới nhận ra điều gì đang xảy ra. Ban đầu, dường như ta đã gặp được một người bạn đời hoàn hảo, người có mọi sở thích và thói quen đồng điệu đến đáng kinh ngạc với mình. Ta thích một bộ phim? Thật kỳ diệu, họ cũng thế. Đây là bài hát của ban nhạc yêu thích của ta: họ đã mê mẩn nó từ lâu. Mỳ Ý sốt nấm? Đó chính là món họ đang thèm.

Cảm giác ấy thực sự cuốn hút. Dù chúng ta thường nói rằng sự khác biệt mới đáng trân trọng, nhưng sâu thẳm, điều ta luôn khao khát chính là sự tương đồng.

Eliseo Meifrén y Roig, A Square in Paris, 1887

Thế nhưng, một sự thật phức tạp và đầy tính con người cuối cùng sẽ lộ ra. Họ từng bảo rất thích món đồ ta mua tặng, nhưng một ngày nọ, ta phát hiện họ đã lén đi đổi sang thứ khác. Họ từng nói ghét một người mà ta không ưa, nhưng hôm qua vừa đi ăn trưa cùng người đó. Họ từng khẳng định chẳng có tham vọng nào trong lĩnh vực ấy, nhưng lịch sử tìm kiếm lại chỉ ra điều ngược lại.

Trong cơn bực dọc, ta có thể sẽ muốn gán cho họ những từ như “dối trá” hay “lừa lọc.” Nhưng đằng sau đó là một câu chuyện đau lòng hơn. Ta đang đối mặt với kiểu người đầy bất hạnh trong tâm lý: những người luôn làm vui lòng người khác, những tâm hồn đầy bất an, sợ hãi đến ám ảnh việc bày tỏ quan điểm thật của mình vì lo sợ xung đột với ý kiến của người khác, và sẵn sàng che giấu vô số mong muốn thầm kín chỉ để giữ được sự yêu thích từ mọi người.

Kiểu người này đã đủ khó chịu khi ở nơi làm việc hay trong những mối quan hệ bạn bè thông thường, nhưng trong tình yêu, họ còn phức tạp hơn nhiều. Hành vi của họ chạm vào niềm hy vọng sâu thẳm nhất của chúng ta: rằng cuối cùng cũng có người hoàn toàn đồng ý với ta. Vấn đề không phải là người ấy thực sự trái ngược hoàn toàn với ta, bởi điều đó có lẽ sẽ dễ xử lý hơn. Thay vào đó, ta khó có thể xác định ranh giới giữa sự đồng điệu tự nhiên và sự phục tùng thái quá. Liệu họ thực sự yêu âm nhạc giống ta? Quan điểm của họ về tiền bạc có thật không? Những câu hỏi ngày càng lớn dần và hệ trọng hơn: Liệu xu hướng tính dục của họ có như họ nói? Họ có thực sự muốn kết hôn không?

Bi kịch ở chỗ, sâu bên trong, họ chỉ là những con người sợ hãi. Quá khứ đã dạy họ rằng việc nói lên suy nghĩ thật chẳng bao giờ được tha thứ. Tuổi thơ của họ là một bài học dai dẳng về tầm quan trọng của việc biến đổi bản thân để phù hợp với người khác. Sự tàn nhẫn xung quanh khiến họ trở thành những thiên tài trong việc đoán định mong muốn của người khác – và hoàn toàn đáp ứng điều đó.

Về lý thuyết, ta biết mình cần làm gì: giúp họ dần cảm nhận được rằng những sở thích thật sự của họ – từ âm nhạc, đồ ăn, tình bạn đến chính sự tồn tại của bản thân – đều được chấp nhận. Nhưng thực tế, khi ta phát hiện ra những hành vi không nhất quán, ta thường tức giận, vô tình củng cố nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của họ: rằng sự trung thực chẳng bao giờ mang lại kết quả tốt, và rằng lần sau họ chỉ cần nói dối khéo léo hơn.

Hài hước có thể là một giải pháp. Càng sớm càng tốt, ta nên tặng họ một chú tắc kè hoa đồ chơi làm quà – và gửi biểu tượng chú tắc kè cùng một dấu chấm hỏi mỗi khi họ trình bày kế hoạch cuối tuần hoặc tỏ ra quá hăng hái với công việc của ta. Ta cần cho họ thấy rằng, sự khác biệt trong quan điểm không nhất thiết phải là thảm họa. Rằng khi có tình yêu thực sự – thứ tình yêu mà họ chưa từng nhận được – những bất đồng có thể vượt qua được. Trong một mối quan hệ lành mạnh, tranh luận bao giờ cũng tốt hơn dối trá.

Nguồn: PEOPLE PLEASERS IN RELATIONSHIPS

menu
menu