Tiền có thể mua được hạnh phúc?

tien-co-the-mua-duoc-hanh-phuc

Câu chuyện dưới đây được trích từ ấn bản đặc biệt của tờ TIME, Khoa học về Hạnh phúc, hiện có trên Amazon.

"Những ai nói tiền không thể mua được hạnh phúc là người đó chưa biết cách tiêu tiền". Bạn có thể vẫn nhớ những quảng cáo của Lexus từ những năm trước, nó đã làm thay đổi quan điểm thông thường về miếng dán có sẵn trên chắn sốc để bán một chiếc xe bằng một cách quá đặc sắc đến mức không ai còn mơ đến việc dán một miếng dán trên chắn sốc cho xe nữa.

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Điều khiến các quảng cáo trở nên hấp dẫn nhưng cũng gây phẫn nộ là dường như chúng đưa ra một giải pháp đơn giản – nhưng tốn tiền - cho một câu hỏi phổ biến: Làm thế nào để biến số tiền do bạn làm việc chăm chỉ kiếm được thành một thứ gì đó giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp? Bạn biết rằng phải có mối liên hệ nào đó giữa tiền bạc và hạnh phúc. Nếu không có, bạn sẽ chẳng mấy khi ở lại làm việc muộn (hoặc thậm chí là không đi làm) hoặc cố gắng tiết kiệm tiền và đầu tư sinh lời. Nhưng sau đó, tại sao những lợi ích của việc thăng tiến, một ngôi nhà 5 phòng ngủ và quỹ hưu trí tư nhân 401(k) béo bở lại không khiến bạn vui lên? Có vẻ như mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc phức tạp hơn bạn có thể tưởng tượng.

May mắn thay, bạn không phải tự mình khám phá điều này. Trong một phần tư thế kỷ qua, các nhà kinh tế học và nhà tâm lý học đã phối hợp với nhau để nghiên cứu xem tiền bạc và tâm trạng có quan hệ với nhau hay không và tại sao. Đặc biệt là tại sao lại không có liên quan. Vì sao khi bạn càng có nhiều tiền, bạn lại càng muốn nhiều hơn? Vì sao việc mua một chiếc ô tô, một căn hộ cao cấp hoặc chiếc điện thoại trong mơ không đem lại cho bạn chút gì hơn là một niềm vui nhất thời?

Khi cố gắng trả lời những câu hỏi có vẻ nhàm chán này, các nhà nghiên cứu về hạnh phúc mới đây đã đưa ra một số quan điểm mới thực sự rất đáng mừng. Đó là, tiền có thể giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, miễn là bạn biết chính xác những gì bạn có thể và không thể trông đợi từ nó. Và không, bạn không cần phải mua một chiếc Lexus để cảm thấy hạnh phúc. Phần lớn các nghiên cứu cho thấy rằng việc tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp từ một cửa hàng là việc làm tốn kém vô ích. Trước khi có thể theo đuổi hạnh phúc một cách đúng đắn, bạn cần phải nhận ra bạn đã sai ở đâu.

KHỐN KHÓ VỀ TIỀN BẠC

Ngành khoa học mới về hạnh phúc bắt đầu với một quan điểm đơn giản: chúng ta không bao giờ thỏa mãn. Catherine Sanderson, giáo sư tâm lý học tại Đại học Amherst cho biết: “Chúng ta luôn nghĩ rằng nếu chúng ta chỉ cần có thêm một chút tiền, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn, nhưng khi chúng ta đạt được điều đó, chúng ta không cảm thấy hạnh phúc như mình tưởng”. Thật vậy, bạn càng kiếm được nhiều tiền thì bạn lại càng muốn nhiều hơn. Bạn càng có nhiều bao nhiêu, nó càng kém hiệu quả trong việc mang lại niềm vui cho bạn bấy nhiêu, và dường như nghịch lý đó đã khiến các nhà kinh tế học đau đầu trong một thời gian dài. Dan Gilbert, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Harvard và là tác giả của cuốn sách Tình cờ gặp hạnh phúc, cho biết: “Một khi bạn đã được đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người, thì có nhiều tiền hơn cũng không tạo ra nhiều hạnh phúc hơn”. Một số nghiên cứu cho thấy rằng từ chỗ kiếm được ít hơn 20.000 đô la một năm cho đến mức hơn 50.000 đô la khiến bạn có khả năng hạnh phúc gấp đôi, nhưng sau đó, phần thưởng cho việc vượt qua mức 90.000 đô la là rất ít. Và trong khi người giàu hạnh phúc hơn người nghèo, sự gia tăng đáng kể về mức sống trong 50 năm qua không hề khiến người Mỹ hạnh phúc hơn. Tại sao lại như vậy? Có ba lý do:

Bạn đánh giá quá cao mức độ hài lòng mà bạn sẽ nhận được khi có nhiều tiền hơn. Con người là những sinh vật có khả năng thích nghi, điều này đã là một lợi thế trong các thời kỳ của kỷ băng hà, bệnh dịch và chiến tranh. Nhưng đó cũng là lý do tại sao bạn không bao giờ hài lòng được lâu khi vận may đến với bạn. Mặc dù việc kiếm được nhiều hơn sẽ khiến bạn hạnh phúc trong ngắn hạn, nhưng bạn nhanh chóng thích nghi với sự giàu có mới của mình — và mọi thứ nó mua được cho bạn. Đúng vậy, thoạt đầu bạn sẽ cảm thấy hồi hộp khi có những chiếc ô tô mới sáng bóng và màn hình Tivi có kích thước như bức Guernica của Picasso. Nhưng bạn sẽ sớm quen với chúng, tình trạng dậm chân tại chỗ mà các nhà kinh tế học gọi là “Vòng xoáy khoái lạc” hay “Hiệu ứng thích nghi với khoái lạc”.

 Mặc dù những món đồ hiếm khi mang lại cho bạn sự hài lòng như mong đợi, nhưng bạn vẫn tiếp tục quay lại trung tâm mua sắm và đại lý xe hơi để mua thêm. Gilbert nói: “Khi bạn tưởng tượng mình sẽ thích một chiếc Porsche đến mức nào, thực chất điều mà bạn tưởng tượng là ngày bạn có được nó. Ông nói, khi chiếc xe mới của bạn mất đi khả năng khiến trái tim bạn đập rộn ràng vì vui mừng, bạn sẽ có xu hướng đưa ra những kết luận sai lầm. Thay vì đặt câu hỏi về quan niệm rằng bạn có thể mua được hạnh phúc từ chiếc xe hơi, bạn bắt đầu đặt câu hỏi về việc lựa chọn chiếc xe của mình. Vì vậy, bạn đặt hy vọng vào một chiếc BMW mới, chỉ để thất vọng một lần nữa.

Nhiều tiền hơn cũng có thể khiến bạn căng thẳng hơn. Mức thu nhập mà bạn kiếm được từ công việc được trả lương cao có thể không mang lại cho bạn nhiều hạnh phúc. Nhưng nó có thể mua cho bạn một ngôi nhà rộng rãi ở ngoại ô. Vấn đề là, điều đó cũng có nghĩa là một quãng đường dài hơn khi đi làm và về nhà hàng ngày, và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những gì bạn cảm nhận hàng ngày là: Kể cả khi bạn yêu công việc của mình, thì một chút cực khổ mỗi ngày trong việc đi làm có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Bạn có thể thích nghi với hầu hết mọi thứ, nhưng việc lái xe đường dài hay là một chuyến tàu điện ngầm quá xa sẽ khiến bạn thấy khổ sở cho dù đó là ngày đầu tiên hay ngày cuối cùng bạn đi làm.

Bạn không ngừng so sánh mình với gia đình kế bên. H.L. Mencken đã từng châm biếm rằng người đàn ông hạnh phúc là người kiếm được nhiều hơn 100 đô la so với chồng của người chị vợ. Ông ấy đã đúng. Các nhà nghiên cứu về Hạnh phúc đã phát hiện ra rằng vị thế tương đối của bạn so với những người khác tạo ra sự khác biệt về cảm giác hạnh phúc của bạn lớn hơn nhiều so với mức độ mà nó tạo ra theo nghĩa thuần túy.

Bạn có thể cảm thấy ghen tị khi đọc về cuộc sống hào nhoáng của những người giàu có lố bịch, nhưng nhóm mà bạn thường đem so sánh với mình là những người mà nhà kinh tế học Erzo Luttmer của Đại học Dartmouth gọi là “những người tương tự” —những người bạn làm việc cùng, những người bạn lớn lên cùng, bạn cũ và bạn học cũ. Luttmer nói: “Bạn phải nghĩ rằng:‘ Tôi có thể là người như vậy’.”

 Đối chiếu dữ liệu điều tra dân số về thu nhập với dữ liệu về mức độ hạnh phúc tự đánh giá từ một cuộc khảo sát quốc gia, Luttmer nhận thấy rằng, chắc chắn là hạnh phúc của bạn có thể phụ thuộc rất nhiều vào tiền lương của những người hàng xóm. “Nếu bạn so sánh hai người có cùng mức thu nhập, mà một người sống ở khu vực giàu có hơn người kia,” Luttmer nói, “người sống ở khu vực giàu hơn cảm thấy kém hạnh phúc hơn.”

Xu hướng so sánh bản thân với anh chàng nhà bên, cũng giống như xu hướng phát chán với những thứ mà bạn đã đạt được, dường như đã ăn sâu vào đặc tính của con người. Việc không thể tiếp tục thấy thỏa mãn được cho là một trong những lý do chính khiến người tiền sử chuyển ra khỏi hang động lạnh lẽo của mình và bắt đầu xây dựng nền văn minh mà bạn đang sống. Nhưng bạn không sống trong một hang động, và bạn cũng không phải chỉ lo lắng về việc sống sót. Bạn có thể đủ khả năng để bước ra khỏi vòng xoáy khoái lạc. Câu hỏi đặt ra là bạn làm điều đó như thế nào?

HẠNH PHÚC TỪ TIỀN BẠC

Nếu bạn muốn biết cách sử dụng số tiền mình có để trở nên hạnh phúc hơn, thì ngay từ đầu bạn cần phải hiểu điều gì mang lại hạnh phúc cho bạn. Và đó cách mà cuộc nghiên cứu về hạnh phúc mới nhất được tiến hành.

Bạn bè và gia đình là một thần dược hữu hiệu. Bí mật của hạnh phúc ư? Đó chính là mọi người. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng có bạn bè là điều rất quan trọng. Chẳng hạn như, các cuộc khảo sát quy mô lớn của Trung tâm Nghiên cứu ​​Quốc gia Đại học Chicago (NORC) đã phát hiện ra rằng những người có từ năm người bạn thân trở lên có khả năng tự nhận rằng mình “rất hạnh phúc” cao hơn 50% so với những người có vòng kết nối xã hội nhỏ hơn. So với khả năng gia tăng hạnh phúc từ sự kết nối giữa con người với nhau, thì sức mạnh của đồng tiền quả thực là yếu ớt. Vì vậy, hãy tổ chức một bữa tiệc, thiết lập những cuộc hẹn ăn trưa — và bất cứ điều gì cần thiết để đầu tư cho tình bạn của bạn.

Điều quan trọng hơn đối với hạnh phúc của bạn là mối quan hệ của bạn với người được mệnh danh là "người quan trọng" của bạn. Những người có mối quan hệ hạnh phúc, ổn định, gắn bó thường có xu hướng hạnh phúc hơn nhiều so với những người không có. Trong số những người được khảo sát bởi NORC từ những năm 1970 đến những năm 1990, khoảng 40% các cặp đã kết hôn cho biết họ “rất hạnh phúc”; trong số những người chưa bao giờ kết hôn, chỉ có khoảng một phần tư là khá cởi mở. Nhưng có lý do chính đáng để bạn lựa chọn một cách khôn ngoan. Đó là, ly hôn mang lại đau khổ cho tất cả những người liên quan, mặc dù vậy, những người gắn bó với một cuộc hôn nhân tệ hại mới là những người bất hạnh nhất.

Trong khi một cuộc hôn nhân lành mạnh thúc đẩy hạnh phúc một cách rõ ràng, thì những đứa trẻ mà thường là kết quả của nó có thể là một sự may mắn mà cũng không may. Các nghiên cứu về trẻ em và hạnh phúc đã không đạt được kết quả gì hơn là một mớ dữ liệu đầy mâu thuẫn. Nhà tâm lý học Tom Gilovich của Đại học Cornell lưu ý: “Các chỉ báo về cảm giác của mọi người khi chăm sóc bọn trẻ trong từng khoảnh khắc cho thấy họ thực sự không hạnh phúc lắm”. "Nhưng nếu bạn hỏi họ, họ sẽ nói rằng có con là một trong những điều tuyệt vời nhất mà họ đã làm trong cuộc đời mình."

Làm việc có thể mang lại cho chúng ta nhiều niềm vui hơn là sở hữu mọi thứ. Mối bận tâm của chúng ta về những thứ đồ đã che khuất một sự thật quan trọng: những thứ không tồn tại lâu dài sẽ tạo ra hạnh phúc lâu dài nhất. Đó là kết luận mà Gilovich và Leaf Van Boven của Đại học Colorado đã đạt được khi họ yêu cầu sinh viên so sánh niềm vui mà họ có được từ những thứ họ mua gần đây nhất với trải nghiệm (một đêm đi chơi, một kỳ nghỉ) mà họ đã bỏ tiền ra.

Một lý do có thể là trải nghiệm có xu hướng trở nên hấp dẫn hơn chứ không hề giảm bớt đi khi bạn nhớ lại chúng. Gilovich nói: “Trong trí nhớ của bạn, bạn có thể tự do chỉnh sửa và trau chuốt. Chuyến đi đến Mexico của bạn có thể là một cuộc diễu hành vô tận của những rắc rối được điểm xuyết bởi vài khoảnh khắc tuyệt vời. Nhưng khi nhìn lại nó, bộ não của bạn có thể lược bỏ những người lái taxi cáu kỉnh, và chỉ nhớ về những cảnh hoàng hôn rực rỡ. Vì vậy, lần tới bạn nghĩ rằng việc sắp xếp một kỳ nghỉ sẽ gặp nhiều rắc rối hơn nó đáng có — hoặc một mức chi phí mà bạn không muốn chi trả —  thì đó chỉ là những yếu tố dẫn đến những tác động bị trì hoãn.

Tất nhiên, phần lớn những gì bạn chi tiền có thể là một thứ đồ, một trải nghiệm hoặc một chút của cả hai. Một cuốn sách chưa đọc trên giá sách là một thứ đồ; một cuốn sách mà bạn say mê, thưởng thức từng tình tiết của cốt truyện, lại là một trải nghiệm. Gilovich nói rằng định nghĩa của mọi người về trải nghiệm là khác nhau. Có lẽ đó chính là chìa khóa. Ông cho rằng những người hạnh phúc nhất là những người có khả năng chắt lọc những trải nghiệm tốt nhất từ ​​mọi thứ mà họ bỏ tiền ra mua, cho dù đó là các bài học khiêu vũ hay một đôi giày việt dã.

Ép bản thân làm một việc gì đó khó có thể khiến bạn hạnh phúc. Chúng ta đam mê các thử thách và chúng ta thường hạnh phúc hơn nhiều khi làm việc để đạt được mục tiêu hơn là sau khi đạt được mục tiêu đó. Những thử thách giúp bạn đạt được điều mà nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi gọi là trạng thái “dòng chảy”: sự tập trung hoàn toàn vào một thứ gì đó đưa bạn đến giới hạn khả năng của mình, về tinh thần hoặc thể chất. Mua một cây gậy đánh gôn 1.000 đô la; hoặc trả 50 đô một giờ cho các bài học âm nhạc.

LƯU LƯỢNG CÔNG VIỆC

Xét cho cùng, bạn phải học chơi từng thang âm trên một cây đàn guitar trước khi có thể chìm đắm trong một bản độc tấu của Van Halen - nhưng cuối cùng thì sự hài lòng mà bạn nhận được còn lớn hơn những gì bạn có thể có được từ những thú vui mà bạn theo đuổi một cách thụ động. Khi mọi người được hỏi điều gì khiến họ hạnh phúc trong từng thời điểm thì việc xem tivi được xếp hạng khá cao. Nhưng những người xem tivi nhiều có xu hướng ít hạnh phúc hơn so những người không xem. Ngồi xuống chiếc ghế dài với điều khiển từ xa có thể giúp bạn nạp năng lượng, nhưng để thực sự hạnh phúc, bạn cần nhiều thứ trong cuộc sống hơn là những thú vui thụ động.

Bạn cần tìm các hoạt động giúp bạn đi vào trạng thái của dòng chảy. Bạn có thể tìm thấy dòng chảy trong công việc nếu bạn có một công việc thú vị và thách thức, và điều đó cho phép bạn kiểm soát các công việc hàng ngày của mình tốt hơn. Thật vậy, một nghiên cứu của hai nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học British Columbia cho thấy rằng người lao động sẽ vui lòng từ bỏ mức tăng lương tới 20% nếu điều đó có nghĩa là có một công việc đa dạng hơn.

Cách đây không lâu, hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng có một điểm thiết lập hạnh phúc mà phần lớn mọi người mắc kẹt ở đó suốt đời. Một bài báo nổi tiếng đã nói rằng “cố gắng trở nên hạnh phúc hơn” có thể “vô ích như việc cố gắng cao hơn”. Tác giả của những lời lẽ đó đã công khai rút lại ý kiến của mình, và các chuyên gia ngày càng xem hạnh phúc là một loại năng lực chứ không phải một đặc tính bẩm sinh. Những người đặc biệt hạnh phúc dường như có một bộ kỹ năng — những điều mà bạn cũng có thể học được.

Sonja Lyubomirsky, giáo sư tâm lý học tại Đại học California, Riverside, đã phát hiện ra rằng những người hạnh phúc không lãng phí thời gian vào những điều khó chịu. Họ có xu hướng giải thích các sự kiện không rõ ràng theo những cách tích cực. Và có lẽ điều đáng nói nhất là họ không bận tâm đến thành công của người khác. Lyubomirsky nói rằng khi cô hỏi những người kém hạnh phúc hơn về những người mà họ so sánh với bản thân mình, "họ đã nói không ngừng." Cô ấy nói thêm, "Những người hạnh phúc sẽ không thể hiểu chúng tôi đang nói về điều gì." Họ không so sánh, do đó làm tắt ngấm những cảm giác ganh ghét từ thói so sánh xã hội.

Đó không phải là cách duy nhất giúp bạn chi tiêu ít hơn và trân trọng những gì bạn có nhiều hơn. Hãy thử đếm những lời chúc phúc của bạn. Theo đúng nghĩa đen. Trong một loạt các nghiên cứu, các nhà tâm lý học Robert Emmons của Đại học California, Davis và Michael McCullough của Đại học Miami đã phát hiện ra rằng những người thực hiện các bài tập để nuôi dưỡng lòng biết ơn, chẳng hạn như viết nhật ký hàng tuần, cuối cùng cảm thấy hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, đầy nghị lực và lạc quan hơn những người không làm vậy.

Và nếu bạn không thể thay đổi cách nghĩ của mình, ít nhất bạn có thể học cách phản kháng. Hành động mua sắm khơi dậy những ham muốn nguyên thủy từ thời những bộ tộc săn bắn hái lượm. Khi bạn ở trạng thái hăng hái như vậy, những đánh giá của bạn về tầm quan trọng của một sản phẩm cực kỳ kém so với khi bạn đã bình tâm lại sau đó. Trước khi nhượng bộ những ham muốn của mình, hãy cho bản thân một khoảng tạm dừng. Trong tháng tiếp theo, hãy theo dõi số lần bạn tự nhủ: Ước gì tôi có một chiếc máy ảnh! Nếu trong suốt cuộc đời, bạn hầu như không bao giờ cảm thấy mình muốn có một chiếc máy ảnh thì hãy quên nó đi và vui vẻ sống tiếp.

----------

Tác giả: David Futrelle

Link bài gốc: Here's How Money Really Can Buy You Happiness

Dịch giả: [ChamNguyen] - ToMo - Learn Something New 

 

menu
menu