“Tôi ổn – bạn ổn”: “thói sân si” dưới góc nhìn tâm lý trị liệu
[Nếu bạn từng vật lộn với mặc cảm tự ti thấp kém hơn so với người khác thì nhất định phải đọc ngay cuốn sách này, 1 tượng đài trong dòng sách tâm lý học.]
Tại sao số đông chúng ta luôn thấy mình kém cỏi, ít giá trị hơn ai đó; đồng thời, không ngừng tìm kiếm sự công nhận và cảm giác vượt trội, trên cơ?
Trong cuốn sách Tôi ổn – Bạn ổn (tựa gốc: I’m OK – You’re OK), bác sĩ tâm thần Thomas Harris khẳng định nỗi niềm này hầu như là phổ quát, có nguồn gốc từ những cảm xúc yếu thế đầu đời. Dưới góc nhìn tâm lý trị liệu, Thomas Harris chỉ bạn đọc cách vượt lên những ám ảnh tiêu cực đó để sống với sự thỏa mãn cá nhân lành mạnh.
Xuất bản lần đầu năm 1969, tác phẩm đã trở thành một tượng đài trong dòng sách tâm lý học.
CẢM GIÁC “TÔI KHÔNG ỔN” TỪ THƠ ẤU
Tôi ổn – Bạn ổn dựa trên Phân tích Tương giao (Transactional Analytics), một trường phái tâm lý trị liệu mà Thomas Harris là một trong những thành viên chủ chốt.
Học thuyết này cho rằng bên trong mỗi chúng ta có sự hiện diện của ba trạng thái cái tôi (ego states) hay còn được xem là ba “nhân cách” khác nhau.
Nhân cách đầu tiên của một người – Cái Tôi Trẻ Em – chính là “đứa trẻ giống như chính họ vào lúc lên ba”. Nói nôm na, khi nhân cách này nắm quyền chỉ huy, người ta cư xử như bị “phát lại” những cảm xúc mà họ từng cảm nhận khi còn bé. Hiển nhiên, vì trong những năm tháng đầu đời, mọi đứa trẻ đều cảm thấy yếu đuối, dưới trướng người khác, nên phần nhiều dữ liệu trong Cái Tôi Trẻ Em là sự dễ tổn thương, tự ti, sợ hãi – cảm nhận rằng “tôi không ổn”.
Phần nhân cách thứ hai, Cái Tôi Cha Mẹ, là tập hợp các ấn tượng của đứa bé về cha mẹ, người chăm sóc, giám hộ – những người lớn và có uy quyền trong gia đình. Riêng phần nhân cách thứ ba, Cái Tôi Người Lớn, được hình thành trong quá trình khám phá thế giới, kiểm chứng thông tin và tích lũy kinh nghiệm.
"Tôi không ổn – Bạn ổn”, theo Harris, dần trở thành một cảm nhận khó phá vỡ của đứa trẻ về bản thân và người khác. “Từ khi còn rất nhỏ, mọi đứa trẻ đã kết luận rằng “Mình không ổn”. Nó cũng đưa ra một kết luận về cha mẹ mình: “Cha, mẹ thì ổn”. Đây là điều đầu tiên nó khám phá được trong cuộc khảo nghiệm suốt đời nhằm tìm ra ý nghĩa về chính nó và về thế giới mà nó đang sống”, tác giả khẳng định.
Điều đáng tiếc là cách nhìn này sẽ giữ nguyên hoặc chuyển đổi thành “Tôi ổn – Bạn không ổn”, “Tôi không ổn – Bạn không ổn”, hoặc “Tôi không ổn – Bạn ổn” khi con người lớn lên, trừ khi họ biết cách chủ động thay đổi. Nói cách khác, hầu như ai cũng bước vào đời với nỗi ám ảnh tâm lý sâu xa rằng bản thân không ổn, còn người khác thì rất ổn.
TRÒ CHƠI “CỦA TÔI TỐT HƠN CỦA BẠN”
Thomas Harris cho rằng cảm giác “không ổn” đầu đời là động lực tâm lý của sự tự ti, tham vọng và thói so sánh hơn thua – nhân tố tạo nên mọi bất hạnh, khổ đau cho loài người.
Cụ thể, vì sống ở vị thế “Tôi không ổn – Bạn ổn”, con người thường liên tục tìm kiếm sự công nhận và vượt trội, nhằm cố phủ nhận cảm giác “tôi không ổn” bên trong Cái Tôi Trẻ Em.
Khi còn nhỏ, điều này được biểu hiện ở các so sánh con trẻ: “Tôi có nhiều đồ chơi hơn bạn”; “Tôi cao lớn hơn bạn”… Khi lớn lên, trò chơi “của tôi tốt hơn của bạn” này trở nên tinh vi và âm thầm hơn, như “tôi giàu có hơn”, “tôi thành đạt hơn”, “tôi được yêu mến hơn”, “tôi xinh đẹp hơn”, và thậm chí là “tôi khiêm tốn hơn”.
“Mọi trò chơi đều xuất phát từ trò chơi “Của tôi tốt hơn của bạn” thời thơ ấu. Trò chơi khi đó, cũng như ở hiện tại, được thiết kế ra để mang lại một chút xoa dịu trong khoảnh khắc giảm tải gánh nặng đau đớn của vị thế “không ổn”, tác giả giải thích.
Theo Harris, cách sống này ngăn cản con người đạt đến hạnh phúc đích thực, bởi bất kể họ đã làm gì hay đạt được những thành tích gì, trong thâm tâm, họ vẫn cảm thấy không đủ vẫn thầm mặc định rằng mình là “kẻ không ổn”.
KẾT LUẬN “TÔI ỔN” KHÔNG ĐẾN TỪ SỰ CÔNG NHẬN BÊN NGOÀI
Trong cuốn sách, Harris hướng dẫn bạn đọc học cách nhận diện Cái Tôi Trẻ Em, Cái Tôi Cha Mẹ của mình, đồng thời biết cách giải phóng Cái Tôi Người Lớn – chìa khóa để bước đến vị thế sống “Tôi ổn – Bạn ổn”.
“Cái Tôi Người Lớn phát triển muộn hơn so với Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em và dường như giữa chúng có một khoảng thời gian khó bắt kịp trong suốt cuộc đời”, Harris cho hay. Tuy nhiên, Cái Tôi Người Lớn là thành phần duy nhất có khả năng đánh giá hai Cái Tôi còn lại, nhằm đưa ra quyết định xác đáng trước từng tình huống.
Một khi phần nhân cách thứ ba này trở nên mạnh mẽ, nó có thể kiềm chế những hồi đáp xưa cũ từ Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em, giúp con người “không bị khúc xạ bởi những điều cũ”. “Chỉ có Cái Tôi Người Lớn mới có thể nói “không” với sự kêu gào của Cái Tôi Trẻ Em đòi hỏi thứ gì đó lớn hơn, tốt hơn và nhiều hơn để cảm thấy ổn hơn”, tác giả viết.
Xem sách tại
Tiki: https://shorten.asia/KPx7CeAR
Lazada: https://shorten.asia/yyYZarKv