Tự lập quá mức
Những người tự chủ được mọi việc thường được khen vì "tự lập", "một mình làm nên" và được coi là người thành công nhưng điều đó chưa hẳn đúng.
Theo các chuyên gia tâm lý, độc lập là một điều tốt nhưng khi bạn không chấp nhận bất kỳ hình thức giúp đỡ hay hỗ trợ nào, điều đó có thể trở nên không lành mạnh. Hiện tượng này là "độc lập quá mức", có thể có tác động tiêu cực đến các mối quan hệ, sự nghiệp, sức khỏe tâm thần của một người.
Theo nhà tâm lý học hành vi Terri Bacow (Mỹ), độc lập quá mức là "sự đầu tư quá mức vào quyền tự chủ và tự lực". Ngược lại, "độc lập lành mạnh" được đặc trưng bởi sự tự tin, theo nghĩa là bạn cảm thấy hài lòng về quyền tự chủ của mình, về những việc có thể tự làm không cần giúp đỡ, nhưng có thể dựa vào mọi người khi cần.
Ảnh minh họa: NDTV
Độc lập quá mức khiến bạn sợ hãi hoặc khó chịu khi cho phép người khác giúp đỡ mình, theo quan điểm của nhà trị liệu tâm lý Simone Saunders. Điều đó có thể khiến bạn không muốn dựa vào ai để được hỗ trợ về mặt tinh thần, vật chất, kể cả thời điểm bạn đang thực sự phải vật lộn với khủng hoảng. Ví dụ, bạn cố gắng bằng mọi giá để hoàn thành các nghĩa vụ gia đình, công việc mà quên đề nghị người khác cùng làm hoặc hỗ trợ.
Theo quan điểm của Saunders, độc lập quá mức không phải là một đặc điểm tính cách mà là một đặc điểm sinh tồn được phát triển thông qua các trải nghiệm bất lợi giữa các thế hệ, thời thơ ấu hoặc khi trưởng thành. Nhà tâm lý học Bacow nhận định, sống trong một nền văn hóa ca ngợi và thúc đẩy sự độc lập bằng mọi giá cũng có thể đóng một vai trò nào đó khiến đứa trẻ trở nên độc lập quá mức.
Tác động tiêu cực của độc lập quá mức
Theo Bacow, tại nơi làm việc, một người độc lập quá mức có thể từ chối sự giúp đỡ, điều này có thể dẫn đến sai lầm hoặc việc nhận trách nhiệm vượt quá khả năng của họ.
Trong quan hệ cá nhân, độc lập quá mức có thể làm suy yếu mối quan hệ. Giả sử một người bạn đề nghị giúp đỡ nhưng bạn từ chối, có thể làm hỏng sự ràng buộc hoặc phai nhạt tình bạn. "Nếu bạn quá chú tâm đến sự độc lập, bạn sẽ không tham gia vào các mối quan hệ hỗ trợ từ bạn bè và gia đình", Bacow chỉ ra. Điều này dẫn đến sự cạn kiệt cảm xúc, kiệt sức và sự cô đơn, các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm.
Chuyên gia tâm lý Saunders chỉ ra, độc lập quá mức có thể vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của những khó khăn về sức khỏe tâm thần. Tại một số thời điểm, nó được phát triển như một chiến lược sinh tồn để giúp bạn an toàn. Tuy nhiên, sau khi nguy hiểm qua đi, chiến lược này tiếp tục tồn tại và tạo ra một vòng phản hồi tiêu cực.
Làm gì nếu bạn là người theo chủ nghĩa độc lập quá mức?
Trong quan điểm của Bacow, đây là một chứng ám ảnh, khi bạn sợ phải từ bỏ quyền kiểm soát và sợ phải tranh thủ sự giúp đỡ. Thay cho điều này, bạn nên học cách nhờ cậy giúp đỡ. Ví dụ, thay vì tự ôm mọi công việc, nên nhờ bạn đời giúp đỡ nấu nướng hoặc chăm sóc con cái, trong khi bạn dành nhiều thời gian hơn cho bản thân.
Saunders khuyên, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và với các mối quan hệ thân thiết và an toàn. Một người cũng có thể tự hỏi bản thân: "Làm thế nào tôi có thể tập dựa vào những người xung quanh?". Bạn càng cho phép bản thân trải nghiệm sự dễ bị tổn thương và được hỗ trợ, bạn sẽ thấy càng dễ dàng hơn theo thời gian".
Thùy Linh (Theo Yahoo Life)