Vấn đề thực sự của nhân loại nằm ở đâu?

van-de-thuc-su-cua-nhan-loai-nam-o-dau

Chúng ta thường bị cuốn vào suy nghĩ rằng, những vấn đề lớn nhất của thế giới là kinh tế và chính trị.

Chúng ta thường bị cuốn vào suy nghĩ rằng, những vấn đề lớn nhất của thế giới là kinh tế và chính trị. Các chính trị gia, truyền thông cũng luôn hối thúc ta nhìn nhận như vậy. Rõ ràng, những vấn đề đó có tồn tại và đôi khi nghiêm trọng đến mức khó lường. Nhưng nếu muốn thực sự hiểu điều gì đang khiến loài người bất ổn, ta cần nhìn sâu hơn, xa hơn – đến tận nguồn cội.

Những rối ren về kinh tế hay chính trị, phần lớn, chỉ là hệ quả. Chúng bắt nguồn từ những tổn thương tâm lý, cụ thể hơn là sự thiếu vắng tình yêu trong thời thơ ấu. Thiếu thốn ấy khiến con người lớn lên mang đầy vết xước, trở nên giận dữ, đầy uất ức, và đổ cơn phẫn nộ ấy lên người khác – thường là chính con cái mình. Nếu muốn giải quyết phần lớn những hỗn loạn của thế giới, ta phải hướng sự chú ý vào cách con người vận hành cảm xúc, cả ở cấp độ cá nhân lẫn tập thể.

Thay vào đó, chúng ta thường chỉ chăm chăm vào nhu cầu vật chất. Ta nói về nhà ở, thu nhập, cơm ăn áo mặc, nhưng lại quên mất rằng, để lớn lên khỏe mạnh và toàn vẹn, con người còn cần được sống trong bầu không khí ngập tràn tình yêu, sự tử tế, thấu hiểu, bao dung, kiên cường, và tỉnh táo. Vấn đề không chỉ là thiếu hụt vật chất, mà còn là sự thiếu vắng những điều tử tế. Chúng ta đều là nạn nhân của sự tàn nhẫn.

Để dễ hình dung, hãy nghĩ đến chứng ăn cắp vặt (kleptomania). Chúng ta hiểu rõ nguyên nhân của hành vi trộm cướp: đói nghèo, thiếu giáo dục. Nhưng chứng ăn cắp vặt lại là câu chuyện khác hẳn. Tại sao những người giàu có, sống sung túc, học hành tử tế lại lén lút lấy cắp đồ trong cửa hàng, hay thậm chí là trộm ví của bạn mình ở phòng thay đồ câu lạc bộ tennis?

Các lý giải về vật chất đành bất lực. Cách duy nhất để hiểu chứng ăn cắp vặt là qua lăng kính tâm lý: đó là phản ứng trước sự thiếu thốn tình cảm. Người ta ăn cắp khi cảm thấy mình đã từng bị cướp đoạt điều gì đó – thường là sự quan tâm, yêu thương mà họ đáng ra phải nhận được.

Những cơ chế tâm lý hiển hiện ở chứng ăn cắp vặt cũng hoạt động âm thầm trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống: sự đố kỵ nơi công sở, những mâu thuẫn giữa bạn bè, hay thói bạo hành của những người có quyền lực. Thậm chí, ta có thể hiểu chủ nghĩa tư bản như một dạng "ăn cắp vặt" được hệ thống hóa: sự vơ vét tài nguyên không còn xuất phát từ nhu cầu thực tế, mà để bù đắp cho một sự nghèo nàn về mặt cảm xúc.

Tại sao loài người lại thiếu tử tế đến thế? Câu trả lời luôn giống nhau: bởi chúng ta làm với người khác điều từng xảy ra với chính mình. Ta biến người khác thành thùng rác cảm xúc, nơi xả ra những uất ức, cô đơn, nỗi buồn và cơn giận.

Vậy bản chất của con người là gì? Là một sinh vật vô cùng nhạy cảm với những gì diễn ra trong những năm đầu đời. Để trở thành một người cân bằng và tử tế, con người cần được đối xử tử tế ngay từ nhỏ, để học cách yêu thương chính mình, và từ đó đối xử tốt với người khác. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế lại không.

Dĩ nhiên, chúng ta cần nước sạch, luật pháp, hòa bình, trường học và đại học. Nhưng nếu có tất cả những thứ ấy mà lại bỏ quên tình yêu, ta sẽ chỉ có một thế giới đầy rẫy những kẻ mặc vest sang trọng nhưng tâm hồn trống rỗng, những "nhân vật thành công" luôn âm thầm muốn phá hoại, sự tàn nhẫn ẩn sau những khu phố yên bình – và những kẻ quyền lực vẫn tiếp tục chiếm đoạt dù chẳng hề thiếu thốn vật chất. Thế giới ấy chỉ là một vỏ bọc đẹp đẽ mà thôi.

Chúng ta đều biết, bất cứ ai mắc chứng ăn cắp vặt đều là người từng thiếu vắng tình yêu. Điều này cho ta một góc nhìn lớn hơn: Điều gì sẽ cứu rỗi nền văn minh? Đáp án thật đơn giản: Tình yêu đầu đời. Mọi thứ khác đều có thể đợi.

Nguồn:

WHERE ARE HUMANITY’S PROBLEMS REALLY LOCATED?

menu
menu