10 lời nói thường nghe trong những gia đình rạn nứt
10 lời nói thường nghe trong những gia đình rạn nứt
NHỮNG Ý CHÍNH
- Một số câu nói quen thuộc thường được chấp nhận như chân lý, nhưng thực chất lại che đậy và hợp thức hóa hành vi xấu.
- Thành ngữ “máu mủ ruột rà” thực ra không mang ý nghĩa gia đình quan trọng hơn mọi thứ, mà ngược lại, tôn vinh những mối liên kết ta chọn.
- Câu “Không đùa được sao?” chuyển trách nhiệm từ kẻ gây tổn thương sang nạn nhân, đổ lỗi cho họ thiếu khiếu hài hước.
Khi tôi và anh trai căng thẳng đến mức sắp không còn nhìn mặt nhau, mẹ tôi liên tục nhắc nhở tôi phải “làm người rộng lượng hơn” để xích lại gần anh ấy và giải quyết mâu thuẫn. Mỗi lần nghe bà nói, tôi đều cảm thấy khó chịu.
Theo tôi, “người rộng lượng hơn” phải là người hiểu rõ thực tế, nhận ra rằng duy trì một mối quan hệ đã hỏng là điều không thể. “Người rộng lượng hơn” sẽ tỉnh táo, tự bảo vệ mình và rời đi.
Nhớ lại điều này khiến tôi suy nghĩ về nhu cầu mạnh mẽ của gia đình trong việc duy trì sự đoàn kết, bất kể thực tế ra sao. Điều này thường dẫn đến việc các thành viên trong gia đình khuyến khích nhau giữ mối liên hệ, ngay cả khi nó dựa trên niềm tin độc hại, những lý lẽ méo mó hoặc các nửa sự thật được nhai lại. Họ viện dẫn những lời nói sáo rỗng, được lặp đi lặp lại đến mức trở thành “chân lý”: những câu nói buộc hoặc ép buộc các thành viên duy trì mối quan hệ.
Những câu nói này thường phổ biến đến mức chúng được chấp nhận mà không ai thắc mắc. Chúng giống như những “mệnh lệnh” mang sức mạnh đạo đức gần như các điều răn trong Kinh Thánh.
Nhưng thực tế, những lời kêu gọi này thường giả định sự cam kết đôi bên mà thực tế lại không có. Chúng hạ thấp tác động của hành vi xấu, tha thứ cho kẻ sai và lợi dụng cảm giác tội lỗi cùng lòng vị tha của người dễ tổn thương. Chúng đòi hỏi nạn nhân chịu đựng những hành vi không thể chấp nhận được, điều mà ta sẽ chẳng bao giờ dung thứ từ bất kỳ ai khác, chỉ vì lý do “gia đình”.
TOP 10 CÂU NÓI ĐỘC HẠI TRONG GIA ĐÌNH
Nhiều gia đình muốn giữ hình ảnh hoàn hảo nên thường dập tắt sự phản đối, né tránh đối đầu và gạt đi những lời phàn nàn bằng những câu nói như sau:
1. “Máu mủ ruột rà.”
Một số người dùng câu này như một vũ khí để biện minh cho hành vi độc hại, đẩy lùi mọi ranh giới. Mỉa mai thay, câu “máu mủ ruột rà” – với ý nghĩa trung thành với gia đình hơn bất kỳ ai – thực ra lại mang ý nghĩa ngược lại. Theo câu gốc trong Kinh Thánh: “The blood of the covenant is thicker than the water of the womb” (tạm dịch: Máu của giao ước đậm đặc hơn nước ối của tử cung). Câu này ngụ ý rằng mối liên kết do ta chọn quan trọng hơn mối quan hệ được định sẵn.
2. “Học cách bỏ qua đi” hoặc “Chỉ có một anh/chị/em thôi.”
Những câu này gieo rắc cảm giác tội lỗi, giả vờ như chẳng có vấn đề gì và cắt đứt cơ hội để đối thoại chân thành. Việc nhấn mạnh sự “quý giá” của mối quan hệ không làm nó trở nên quý giá nếu mối quan hệ ấy toàn đau khổ.
3. “Mày nhạy cảm quá” hoặc “Chuyện đó không hề xảy ra.”
Đây là những câu nói điển hình của hành vi thao túng tâm lý (gaslighting), phủ nhận thực tế và hạ thấp sự nghiêm trọng của vấn đề. Chúng khiến nạn nhân im lặng thay vì đứng lên đòi hỏi sự công bằng.
4. “Hãy làm người rộng lượng hơn.”
Câu này tiếp tay cho kẻ gây hại. Thay vì thừa nhận sai trái và chịu trách nhiệm, câu này đẩy trách nhiệm lên vai nạn nhân, buộc họ phải tha thứ, bỏ qua và sửa chữa mối quan hệ, bất kể tổn thương mình đã chịu.
5. “Gia đình là tất cả” hoặc “Gia đình thì không chọn được.”
Những câu này hợp thức hóa hành vi xấu của các thành viên gia đình. Thực tế, gia đình không phải tất cả, và ta hoàn toàn có quyền chọn gia đình cho riêng mình. Các mối quan hệ thân thiết, lành mạnh ngoài gia đình có thể mang lại cảm giác thuộc về, thậm chí hơn cả những mối quan hệ máu mủ.
6. “Câu chuyện nào cũng có hai mặt.”
Câu này là cách né tránh việc thừa nhận hành vi sai trái, buộc các thành viên khác phải nhún nhường vì một người không biết kiểm soát cảm xúc.
7. “Nó không có ý đó, mày biết nó thế nào rồi mà” hoặc “Chuyện bé thôi mà.”
Những câu này dung túng và làm ngơ trước hành vi xấu, cho phép kẻ cư xử tệ hại chi phối cả nhóm. Việc “chiều lòng” một người đôi khi dẫn đến sự lệ thuộc không lành mạnh, biến một người thành “kẻ làm hài lòng” bất đắc dĩ, hy sinh bản thân chỉ để giữ hòa khí.
8. “Không đùa được sao?”
Đổ lỗi cho người bị tổn thương là thiếu khiếu hài hước để thoái thác trách nhiệm cho kẻ gây tổn thương.
9. “Chúng ta cần vượt qua chuyện này.”
Những câu nói kiểu này phớt lờ những vấn đề tồn tại lâu dài trong gia đình, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp chỉ để thao túng hiện tại – giống như biển hiệu “bia miễn phí vào ngày mai” mà ngày mai thì chẳng bao giờ tới.
10. “Nếu là tao, tao sẽ làm thế cho mày.”
Không thể chứng minh câu nói này vì hoàn cảnh không đảo ngược. Nó tạo ra cảm giác tội lỗi, khiến nạn nhân nghĩ rằng mình không đủ tốt và không đáp ứng được kỳ vọng.
LỜI KẾT
Những câu nói sáo rỗng này đã tồn tại lâu đến mức chúng được xem như chân lý vĩnh cửu. Nhưng khi nghe ai đó trong gia đình lặp lại một trong những câu nói quen thuộc ấy, hãy tự hỏi: “Ý định thực sự của họ là gì?”
Tham khảo
Goodman, Whitney, "Everything is Not Alright," sitwithwhit.substack.com/p/everything-is-not-alright
Nguồn: The Top 10 Things Heard in Dysfunctional Families / Psychology Today