4 giai đoạn cuộc đời trong đạo Hindu

4-giai-doan-cuoc-doi-trong-dao-hindu

Phần lớn các tôn giáo và triết lý trên thế giới thường mắc phải một sai lầm lớn: cho rằng ý nghĩa của cuộc sống, theo cách họ lý giải, phải được áp dụng cho tất cả mọi người, bất kể độ tuổi, hoàn cảnh hay vị trí trong xã hội.

Phần lớn các tôn giáo và triết lý trên thế giới thường mắc phải một sai lầm lớn: cho rằng ý nghĩa của cuộc sống, theo cách họ lý giải, phải được áp dụng cho tất cả mọi người, bất kể độ tuổi, hoàn cảnh hay vị trí trong xã hội. Vì quá tự hào về sự thấu hiểu của mình về sự tồn tại, họ không tránh khỏi việc biến những chân lý ấy thành các quy tắc mang tính phổ quát và cứng nhắc.

Nhưng đạo Hindu lại khác biệt, uyển chuyển và sáng tạo hơn rất nhiều. Đạo Hindu cũng có cách nhìn nhận về một cuộc đời tốt đẹp, nhưng điều đáng quý là họ không bao giờ áp đặt rằng những quy luật ấy phải phù hợp cho tất cả mọi người. Thay vào đó, họ chia cuộc đời con người thành các giai đoạn – và mỗi giai đoạn sẽ có những quy tắc sống khác nhau. Những giai đoạn ấy được gọi là "ashrama".

Photo by Church of the King on Unsplash

1. Giai đoạn đầu: Brahmacharya – Thời niên thiếu và học hỏi

Giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, "brahmacharya", bao phủ khoảng thời gian ta còn là một đứa trẻ và một người học trò. Đây là lúc, mặc dù cuộc sống ngoài kia có thể rất nghiêm túc và khắc nghiệt, ta vẫn được phép vui chơi, mềm mại và tự do thả trí tưởng tượng của mình bay xa. Nhưng đồng thời, đây cũng là lúc ta phải học hỏi và tuân theo những nguyên tắc kỷ luật.

2. Giai đoạn thứ hai: Grihasta – Người gánh vác gia đình

Kế đến, khi trưởng thành, ta bước vào giai đoạn "grihasta", trở thành người gánh vác gia đình. Đây là thời kỳ mà con người phải hòa mình sâu nhất vào các vấn đề thực tế của cuộc sống. Cầu nguyện hay chiêm nghiệm có thể không còn là ưu tiên hàng đầu, bởi đây là thời điểm để xây dựng tài chính, mua nhà, phát triển sự nghiệp và nuôi nấng gia đình. Giai đoạn này có thể kéo dài hàng hai mươi năm hoặc hơn thế.

3. Giai đoạn thứ ba: Vanaprastha – Người đi vào rừng

Rồi đến một lúc, khi các nghĩa vụ thực tế dần rút lui, con cái trưởng thành và rời khỏi tổ ấm, ta bước sang giai đoạn "vanaprastha", trở thành một "người đi vào rừng". Đây là lúc con người có thể buông bỏ dần những công việc trần tục và tái định hướng bản thân về mặt tinh thần. Người ta có thể đi dạo – lý tưởng nhất là trong những cánh rừng xoài thơ mộng – để suy tư, chiêm nghiệm và lắng nghe những tiếng gọi từ sâu thẳm bên trong.

4. Giai đoạn cuối: Sannyasa – Người từ bỏ thế tục

Cuối cùng, khi ta đã hoàn toàn buông bỏ những vướng bận của công việc, khi gia đình không còn yêu cầu ta phải lo toan quá nhiều, ta được phép bước vào giai đoạn "sannyasa". Ở đây, ta từ bỏ của cải vật chất, khoác lên mình tấm áo giản đơn và bước ra thế giới như một kẻ hành hương, tìm kiếm những nguồn cội tối thượng của sự giác ngộ, lòng từ bi và tình bạn tinh thần.

Có thể chúng ta không đồng tình với từng chi tiết trong cách đạo Hindu phân chia cuộc đời, nhưng ta không thể phủ nhận sự sáng tạo đầy trí tuệ mà họ mang lại. Họ đã khéo léo điều chỉnh giáo lý của mình để phù hợp với những nhu cầu cụ thể của xã hội, cơ thể và gia đình trong từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời.

Đạo Hindu hiểu rằng, thật nực cười nếu cố gắng khuyến khích một người 18 tuổi dành 6 tiếng mỗi ngày để tập yoga và chiêm nghiệm về sự tuyệt đối của vũ trụ, cũng như việc một người 70 tuổi lại dành cả ngày họp hành và căng thẳng với các báo cáo tài chính.

Có những lúc ta nên tập trung vào "moksha" – sự giải thoát khỏi vòng luân hồi bất tận, và có những lúc ta cần chú trọng vào "artha" – công việc và trách nhiệm thực tế của đời sống. Cả hai đều quan trọng, nhưng chỉ đúng ở từng thời điểm của hành trình.

Đạo Hindu nhắc nhở ta rằng, không có một mục tiêu duy nhất hay một cách sống đúng đắn tuyệt đối cho tất cả mọi người. Đừng hỏi rằng “Sống thế nào là đúng?”, mà hãy tự hỏi: “Ta đang ở đâu trên hành trình này?”.

Nguồn: THE FOUR HINDU STAGES OF LIFE

menu
menu