Có người lạ trông, việc nào cũng xong

co-nguoi-la-trong-viec-nao-cung-xong

Thông thường, đa số mọi người đều cần được một mình để yên tĩnh làm việc, nhưng có nhiều người cần có sự giám sát, bất kể là chỉ qua camera màn hình, thì mới có thể toàn tâm toàn ý hoàn thành công việc.

Điểm chung của những người này là mắc chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn (ADHD). Vấn đề của họ sẽ được giải quyết khi có ai đó "chứng kiến" họ làm việc, hoặc hay hơn cả là làm cùng họ.

Luôn có ai bên mình

Một chiều thứ sáu, trong lúc chuyên gia tư vấn Micha Goebig vừa lướt điện thoại tìm biên lai và gửi hóa đơn cho khách hàng vừa làm việc trên máy tính ở nhà, có chín người lạ lặng lẽ theo dõi cô ấy thông qua một liên kết video trong khi vẫn làm việc riêng của họ phía bên kia màn hình.

Nhóm 10 người này tụ họp lại trên mạng thông qua nền tảng Flow Club, nơi kết nối những người làm việc tại nhà với nhau để giúp họ đảm bảo năng suất và hiệu quả bằng cách lặng lẽ làm việc song song, dù ai ở nhà nấy.

Qua màn hình Flow Club, có thể thấy một người dùng vừa trả lời email đồng nghiệp vừa cười khúc khích. Một thành viên khác tên Lauren McKinsey đang rửa chén, sau đó lau bệ cửa sổ. Với Andrew Grossman, giám đốc kỹ thuật của một công ty phát hành nhạc, ứng dụng cho thấy anh đã giải quyết hết các việc cần làm trong ngày, theo thông tin hiện dưới avatar.

Một phiên "làm việc chung" trên Flow Club.

Danh sách đánh dấu này gần như là tính năng đinh của Flow Club. "Tôi cảm thấy được tiếp động lực khi những người khác thấy tôi đánh dấu hoàn thành từng mục công việc" - Grossman giải thích với Wall Street Journal. 

McKinsey thì cho rằng nếu xem anh là một chiếc ô tô điện thì việc tham gia các phiên "làm việc chung" này giúp anh như "cắm mình vào một thiết bị sạc và cứ thế hoàn thành công việc".

Trong mỗi phiên làm việc kể trên, người dùng không nhất thiết phải mở camera, chỉ những cái tên hiển thị trên màn hình thôi đã đủ giúp thành viên cùng nhóm cảm thấy mình không lẻ loi và được tiếp sức. 

Các thành viên cũng chủ động tắt mic để tránh sa đà tám chuyện. Khi mọi người đều hoàn thành hết những nhiệm vụ đặt ra ban đầu, trên màn hình Flow Club liền hiện ra một chùm hoa giấy ăn mừng.

Lạ mà quen

Cơ chế làm việc trên có tên gọi body doubling. Trong phim ảnh, body double chỉ diễn viên đóng thế, còn trong trị liệu ứng dụng, body double là người ngồi cùng, làm cùng, hay thậm chí chỉ cần có mặt chung không gian với một người bị ADHD.

Theo trang Medical News Today, mặc dù không có nghiên cứu chính thức chứng minh hiệu quả của nó, phương pháp này lại được ứng dụng rộng rãi vì các "bằng chứng giai thoại" cho thấy người bị ADHD thật sự thấy nó hữu ích.

Body doubling tác động trực tiếp lên những nguyên nhân gốc rễ của ADHD: kém phát triển hoặc bị suy giảm khả năng triển khai hành động và kỹ năng tự điều chỉnh bản thân. Những khả năng này vốn vô cùng cần thiết, chúng giúp con người lập kế hoạch, tập trung chú ý, ghi nhớ hướng dẫn và đa nhiệm. 

Thiếu chúng, người mắc rối loạn này thường có các triệu chứng như mất tập trung, quản lý thời gian kém, không biết sắp xếp khoa học, và tệ hơn là có thể bị hiếu động thái quá hoặc bốc đồng, theo Billy Roberts, giám đốc lâm sàng của Dịch vụ tư vấn tâm trí tập trung ADHD ở bang Ohio (Mỹ).

Khi không hứng thú, một người mắc ADHD sẽ khó có động lực hoàn thành, và chính "người kép" kia sẽ tạo ra động lực đó cho họ. Họ cảm thấy tràn đầy năng lượng khi ở gần những người khác trong lúc làm việc, mặc dù ai làm việc nấy chứ không hề phối hợp cùng nhau. Họ cũng cảm thấy có trách nhiệm cần phải hoàn thành công việc hơn khi đã ngầm cam kết với những người "giám sát".

Body doubling không hề mới - chúng ta có lẽ đã làm qua phương pháp này mà không hề nhận ra có một thuật ngữ gọi tên nó. Đơn cử như việc đến phòng gym tập thể dục khiến nhiều người cảm thấy dễ dàng và hiệu quả hơn là tập luyện một mình tại nhà. 

Tương tự, theo CNN, học sinh ngồi học cùng nhau trong thư viện, đồng nghiệp trong văn phòng, đi quán cà phê học bài/làm việc, hay những người tìm đến không gian làm việc chung (co-working space) đều có thể xem như những hình thức body doubling thụ động vốn đã quá quen thuộc.

Body doubling không chỉ dành riêng cho những người bị ADHD. Chỉ là, theo J. Russell Ramsay, giáo sư tâm thần học lâm sàng tại Trường Y khoa Perelman Đại học Pennsylvania, giống như nhiều liệu pháp chữa trị tâm lý khác, những phương pháp có thể áp dụng cho bất kỳ ai thì đều cực kỳ hiệu quả trên những người mắc ADHD.

Một mình nhưng không lẻ loi

Body doubling không có gì xa lạ, song Flow Club và các mô hình tương tự trên nền Internet giải quyết một vấn đề khác: giúp đạt hiệu quả của "người kép" mà không cần thật sự ở cùng một không gian. Nhu cầu này, tất nhiên, chỉ xuất hiện từ thời COVID-19.

Theo một nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố, ngày càng có nhiều người, đặc biệt là phụ nữ trưởng thành, nhận thấy bản thân mình mắc phải các vấn đề về khả năng tập trung khi làm việc từ xa kể từ khi có đại dịch. 

Theo David Sitt, giáo sư tại Đại học Baruch, khi mọi người làm việc ở nhà, họ bị bào mòn sức lực và nhận ra mình không giỏi đa nhiệm như bản thân nghĩ. Trong giai đoạn này, cộng đồng người có rối loạn ADHD ở Mỹ gia tăng đáng kể, và cùng với đó là sự nở rộ của phương pháp body doubling trên không gian mạng.

Emma Jasper, một phụ nữ 34 tuổi làm quản lý mạng xã hội, biết mình mắc ADHD ngay từ khi dịch bùng phát, khi cô phải tự tổ chức và sắp xếp lịch làm việc của riêng mình trong khi không có những người khác xung quanh để hỗ trợ.

Từ lời khuyên thử phương pháp body doubling của chuyên gia trị liệu, Jasper bắt đầu mở các phiên trực tiếp (live) trên TikTok và Instagram, mời những người dùng khác cùng tham gia và làm việc. Tuy không thể nhìn thấy những người đang xem mình, nhưng một biểu tượng trên màn hình thể hiện số lượng người xem theo thời gian thực, từ hàng chục lên đến hàng trăm, giúp cô cảm thấy bớt cô đơn hơn.

Allie K. Campbell, một TikToker có hơn 89.000 người theo dõi, cũng tổ chức "những buổi làm việc chung với người bị ADHD" trực tiếp vào thứ năm hằng tuần trên TikTok. Campbell đã tạo ra "không gian làm việc chung" này vào năm 2021 khi đang là nhân viên của một tổ chức phi lợi nhuận. 

Khi tổ chức này yêu cầu phải quay trở lại làm việc tại văn phòng sau dịch, cô quyết định nghỉ việc để theo đuổi lối sống cho phép cô làm việc ở bất kỳ đâu, bất cứ khi nào và quan trọng nhất là theo cách cô muốn.

Đối với cây bút L'oreal Blackett của trang Refinery29, cho tới tháng 9-2022, trong thế giới hậu đại dịch, cô vẫn phải làm việc ở nhà, thiếu vắng không khí cộng đồng và sự bao quanh của đồng nghiệp, bạn bè và thành viên trong gia đình, không khác gì 3 năm đằng đẵng trước đó. Vì vậy, giống như Goebig, McKinsey hay Grossman, cô tìm đến các ứng dụng body doubling trực tuyến giống Flow Club để thỏa mãn nhu cầu có người đồng hành trong lúc làm việc.

Điều này cho thấy như một "di sản" để lại sau đại dịch, ngày càng có nhiều người trưởng thành quen với body doubling và thích làm việc cùng với những người hoàn toàn xa lạ qua màn hình, dù là với hình thức nào - từ tham gia dịch vụ có tính phí như Flow Club, đến FaceTime cho bạn rồi cùng làm bài tập, hay tìm xem video với hashtag #bodydoubling trên YouTube hoặc bất cứ mạng xã hội nào.

Các công ty cũng nhảy vào nắm bắt ngay thị trường "ảo" đầy sôi động này. Điển hình là phi vụ hợp tác giữa hãng xe đạp trong nhà SoulCycle và không gian làm việc chung ảo Flown.

Mỗi tuần, Flown tổ chức trên 50 "phiên tập trung" trực tuyến, nơi điều phối viên động viên và dẫn dắt, giúp những người tham gia cùng hoàn thành mục tiêu theo chủ đề của phiên đó. Việc hợp tác với SoulCycle sẽ mở ra các phiên cùng tập đạp xe, kéo dài từ 20 phút đến hai tiếng, với phí từ 19 USD đến 25 USD/tháng.

Đa phần các công ty cung cấp dịch vụ tổ chức phiên làm việc chung online, bao gồm cả Flow Club, đều chọn hình thức tính phí qua gói đăng ký (subscription) như trên. Ngoài ra cũng còn có nhiều cái tên khác như Spacetime Monotasking, Focusmate, Caveday…

Tránh để phụ thuộc

Với những lợi ích kể trên, tuy nhiên, body doubling cũng có những nhược điểm, chẳng hạn như hình thành thói quen xa rời xã hội và phút ngượng ngùng ban đầu khi mới làm quen những người đồng hành, theo cảnh báo của trang PsychCentral.

"Một điều tiêu cực mà tôi nhận thấy từ body doubling là bạn có thể trở nên phụ thuộc vào nó, khiến nó trở thành một thói quen khó bỏ khi bạn già đi - Renee Rosales, giám đốc điều hành và người sáng lập Theara - một tổ chức hỗ trợ sinh viên thuộc nhóm đa dạng thần kinh (neurodiverse), thẳng thắn nhìn nhận với PsychCentral - Không phải lúc nào bạn cũng có người ở bên giúp đỡ, vì vậy tốt nhất nên có một sự cân bằng lành mạnh ngay từ đầu".

Ngoài ra, theo Rosales, không phải ai cũng có trải nghiệm giống nhau, vì thế, mọi người nên tự có đánh giá riêng của bản thân về phương pháp body doubling.

HẠ LAM – Tuổi trẻ Cuối tuần

menu
menu