Đừng biến mình thành cha mẹ độc hại

dung-bien-minh-thanh-cha-me-doc-hai

Cha mẹ cần linh hoạt trong các giáo dục và ứng xử với con cái. Hãy tôn trọng cảm xúc của trẻ và cho phép con thể hiện cái tôi. 

Cha mẹ là người thầy đầu tiên trong đời mỗi đứa trẻ. Giáo dục gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của mỗi người. Nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng con mình sẽ trở thành đứa trẻ hoàn hảo: luôn lễ phép, lúc nào cũng vâng lời và giỏi giang. Nhưng những đứa trẻ ngoan đôi khi phải chịu không ít áp lực.

Trong cuốn sách Bi kịch của đứa trẻ tài năng, nhà phân tâm học và trị liệu tâm lý người Thụy Sĩ Alice Miller đã chỉ ra những áp lực vô hình mà cha mẹ đặt lên vai con cái trong quá trình trưởng thành. Chúng có thể biến thành ám ảnh tâm lý và đi theo con trẻ suốt cuộc đời.

MẸ KHÔNG YÊU CON VÔ ĐIỀU KIỆN

Mở đầu cuốn sách của mình tác giả Alice Miller đã nêu ra một đặc điểm tâm lý phổ biến ở trẻ em đó là sợ bị bỏ rơi. Ngay từ khi mới vài tháng tuổi, trẻ nhỏ cảm nhận được sự sợ hãi khi chỉ có một mình. Người mẹ là cả thế giới của đứa con, không nhìn thấy mẹ, em bé sẽ khóc toáng lên, cảm thấy lo sợ và bất an.

Khi con lớn hơn, lợi dụng tâm lý này, một số bà mẹ bắt con làm theo những gì mình muốn, nếu bé không thực hiện mong muốn đó, người mẹ sẵn sàng bỏ mặc con. Nỗi sợ bị bỏ rơi lại dâng lên trong lòng đứa bé, khiến nó miễn cưỡng làm điều mẹ muốn.

Cuốn sách Bi kịch của đứa trẻ tài năng của Alice Miller. Ảnh: B.V.

Xem sách tại Shopee

Các bậc cha mẹ phải phân biệt hai khái niệm: “việc bắt buộc phải làm” và “việc có thể lựa chọn”. Đối với những việc bắt buộc phải làm như: rửa tay trước khi ăn, giữ trật tự nơi công cộng, không được tự ý đụng vào đồ đạc của người khác… cha mẹ giải thích cho con hiểu, và bắt con tuân thủ nghiêm ngặt.

Còn với những việc có thể lựa chọn như: quần áo, môn học ngoại khóa, địa điểm vui chơi vào cuối tuần… các bậc phụ huynh nên tôn trọng ý kiến của con. Hãy để cho bé được lựa chọn điều mà mình muốn làm. Khi con của bạn còn nhỏ, cần để bé làm quen với việc lựa chọn và đưa ra quyết định, làm được điều này, khi trưởng thành đứa trẻ mới trở thành người sống có chủ kiến.

Đừng lấy tình yêu thương ra làm vật để trao đổi. Khi bé phạm lỗi, hãy nói với con về hậu quả của việc bé làm sai, chúng sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của bé và những người xung quanh. Đừng dọa dẫm con bằng những câu như: “Mẹ sẽ không yêu con nữa nếu con làm như vậy!”, hay “Nếu con còn làm thế, mẹ sẽ mặc kệ con”…

Con trẻ sẽ cảm thấy căng thẳng nếu liên tục bị cha mẹ bắt phải làm như thế này, như thế kia, mà không được đưa ra ý kiến của mình. Lâu dần, trẻ sẽ tìm cách phản kháng và trở nên bướng bỉnh. Với những đứa trẻ nhút nhát, chúng sẽ tìm cách thu mình lại vì sợ bị cha mẹ đánh giá hay chỉ trích.

TÔN TRỌNG CẢM XÚC CỦA CON

Đối tượng nghiên cứu của nhà trị liệu tâm lý Alice Miller không chỉ có những đứa trẻ mà còn có cả người trưởng thành. Bà đã trò chuyện với hàng trăm người có độ tuổi 28-40, lắng nghe họ kể về thời thơ ấu của mình. Từ đó, bà rút ra kết luận về việc những ám ảnh thời niên thiếu ảnh hưởng như thế nào đến tính cách của một đứa trẻ khi nó lớn lên.

Nhiều người mắc bệnh trầm cảm và chứng căng thẳng kéo dài tâm sự rằng khi còn nhỏ, họ không được thoải mái thể hiện cảm xúc trước mặt cha mẹ. Nhiều bậc phụ huynh luôn yêu cầu con cái phải mạnh mẽ, không được khóc lóc hay tỏ ra yếu đuối. Thế nên, trước mặt cha mẹ, những đứa trẻ đó luôn phải thể hiện mình là người cứng rắn, chúng không được khóc hay tỏ ra buồn bã.

Một số người có tuổi thơ cơ cực, sống trong chiến tranh, đôi khi có thái độ quá nghiêm khắc và cực đoan với con cái. Họ cho rằng những điều mà các con của mình đang trải qua không là gì so với những trải nghiệm của họ trong quá khứ. Vì thế, các bậc phụ huynh này luôn yêu cầu con cái phải dũng cảm, không được mềm yếu.

Tác giả thấy rằng chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn nhược điểm trong tính cách của một con người. Khi trưởng thành, để thể hiện bản thân, mỗi người sẽ tìm cách phô bày các ưu điểm và tìm cách giấu đi nhược điểm. Thế nhưng, những nhược điểm này luôn tồn tại và sẽ được bộc lộ khi con người rơi vào một trong hai trường hợp: cảm thấy sợ hãi, hoặc cảm thấy an toàn.

Thay vì trách mắng con khi thấy chúng yếu đuối, cha mẹ cần tạo cho con cảm giác an toàn để chúng được sống thật với cảm xúc của mình. Việc giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực với người mà bạn tin tưởng sẽ giúp con người ta dễ dàng lấy lại được sự cân bằng trong tinh thần và tránh xa căng thẳng. Điều này cũng giúp cải thiện mối quan hệ của cha mẹ và con cái khi trưởng thành.

Bi kịch của đứa trẻ tài năng là cuốn sách tâm lý hữu ích để cha mẹ hiểu con cái hơn. Từ đó điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp trong quá trình nuôi dạy con cái. Nhà phân tâm học Alice Miller muốn mỗi người cha, người mẹ trở thành một người bạn của con. Bởi vì đồng hành cùng con, lắng nghe con cái trò chuyện là một cách giáo dục hiệu quả mà nhiều người bỏ qua.

menu
menu