Sự nguy hiểm của “đam mê công việc”
Những phát ngôn về chuyện thức khuya, ngủ ít để tập trung cho đam mê công việc của các shark (cá mập) tài chính trên các kênh truyền thông chủ lưu và mạng xã hội một lần nữa lại làm dấy lên câu hỏi nhức nhối của xã hội hiện đại: Làm việc bao nhiêu là đủ?
Từ lý thuyết của Maslow
Tại sao chúng ta làm việc? Câu trả lời có thể rất đơn giản: để kiếm tiền. Đối với nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow và các nhà quản lý được truyền cảm hứng từ lý thuyết về động lực của ông, động cơ làm việc của mọi người không chỉ được chuyển thành tiền lương. Thay vào đó, Maslow và những người ủng hộ ông lập luận rằng mọi người làm việc là để đáp ứng các nhu cầu tâm lý cao cấp hơn. Cụ thể hơn, Maslow cho rằng con người làm việc là để tự khám phá bản thân và tìm kiếm ý nghĩa trong lao động.
Được Maslow đề xuất lần đầu tiên vào năm 1943, tháp nhu cầu là một lý thuyết tổng thể về động lực của con người, sắp xếp theo một trật tự từ thấp lên cao, từ nhu cầu sinh lý cơ bản (về thức ăn và chỗ ở) cho đến nhu cầu về sự an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng, cho đến khẳng định bản thân. Ở nấc cao nhất, khẳng định bản ngã là nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa và sự hoàn thiện mình của con người.
Cảnh phụ nữ làm việc vào những năm 1930. Nguồn: Getty
Lý thuyết của Maslow bắt đầu thâm nhập lĩnh vực quản lý vào những năm 1950 và 1960, khi ngành quản trị kinh doanh và các lý thuyết gia quản lý bắt đầu tiếp thu các thuyết tâm lý học nhân văn để điều chỉnh động lực làm việc cho các nhân sự trong tổ chức. Với Maslow, các tập đoàn thậm chí cung cấp cả một cơ ngơi thử nghiệm để ông có thể quan sát tâm lý con người. Maslow đã làm việc rất lâu với tư cách là chuyên gia tư vấn cho các công ty ở California và kể từ đó, công việc đã biến thành một ý niệm để vươn lên tầng cao nhất trong tháp nhu cầu. Ít ra là người ta đã tin như vậy.
Các công ty Mỹ bị thu hút bởi tháp nhu cầu vì nó cung cấp một lời giải thích tổng thể về tâm lý con người trong một xã hội đang thay đổi và một hướng dẫn thực tế để quản lý con người. 1960 vốn nổi tiếng là một thập kỷ thử nghiệm xã hội, các tập đoàn đã cố gắng thử các cấu trúc và phong cách làm việc mới. Các lý thuyết gia quản trị đã dựa vào tháp Maslow để phát triển cái gọi là “quản trị tham gia” (participatory management), được tuyên bố là mang lại cho người lao động nhiều quyền hạn và sự tự chủ trong công việc để họ tìm kiếm bản ngã của mình qua công việc. Họ lập luận rằng, sự thỏa mãn tâm lý này không đối nghịch mà trên thực tế, tương thích với chủ nghĩa tư bản công ty (corporate capitalism). Chúng ta vừa có thể kiếm tiền, làm việc chăm chỉ và hạnh phúc.
Bạn có thể thấy lập luận này “quen quen”: nó lẩn khuất trong những lập ngôn về thói quen thức khuya, ngủ ít để tập trung nghiên cứu và làm việc nhan nhản trên các phương tiện truyền thông ngày nay. Và, chúng đến từ miệng những người chủ: các shark (cá mập), những người được cho là đã thành công trong việc leo lên nấc cao nhất trong tháp nhu cầu Maslow nhờ vượt qua những thử thách khắc nghiệt của công việc. Sự thành đạt của họ tạo ra ấn tượng khuếch đại rằng tập trung vào công việc là con đường khẳng định bản ngã có tính khả thi cao nhất trong xã hội hiện đại.
Khi nền sản xuất dư thừa
Nhưng, nó có một mặt tối rõ ràng: nhà tâm lý học người Mỹ Frederick Herzberg đã dùng tháp nhu cầu để lập luận trong cuốn “Động lực làm việc” (1959) rằng các công ty không cần cung cấp phúc lợi tốt hơn cho người lao động, vì lợi ích tốt hơn chỉ giúp người lao động hưởng thụ nhiều hơn, chứ chẳng tăng được năng suất. Với bản chất là một lý thuyết về động lực nội tại, tháp nhu cầu nhấn mạnh đến động cơ nội tại chứ không phải phần thưởng bên ngoài. Nó gợi ý rằng sếp của bạn không cần phải trừng phạt hay khen thưởng, vì bạn phải có động cơ nội tại của riêng mình để đạt được ý nghĩa sống. Những người “hở ra là xin nghỉ” hoặc “từ chối làm thêm khi cần thiết” cũng có thể bị coi là có đạo đức làm việc thấp.
Các CEO thì vẫn sẽ tuyên truyền mạnh mẽ về điều này: yêu những gì bạn làm. Ngày nay, các công việc đang được ca tụng một cách nguy hiểm rằng một người nên được thúc đẩy làm việc bởi đam mê, chứ không phải là tiền lương. Mệnh lệnh “làm những gì bạn yêu thích” có thể tàn phá nhiều thứ: phúc lợi, sức khỏe người lao động và cả những kỳ thị không đúng đắn với những người đi làm mà chỉ coi công việc là một khoản thu nhập.
Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đến ngày nay thậm chí cho thấy rằng rất nhiều nỗ lực làm việc hiện tại là... lãng phí. Năm 1930, một năm sau Đại suy thoái, kinh tế gia lỗi lạc người Anh John Maynard Keynes đã đặt bút viết về nền kinh tế của con cháu mình trong tương lai. Bất chấp sự u ám lan rộng sau khi kinh tế toàn cầu sụp đổ, ông vẫn lạc quan dự đoán rằng trong vòng 100 năm, tức tính đến 2030, xã hội sẽ tiến bộ đến mức hầu như chúng ta không phải làm việc nữa và vấn đề chính mà các quốc gia như Anh và Mỹ phải đối mặt sẽ là sự nhàm chán, đến nỗi mọi người sẽ phải phân chia công việc theo “ca 3 giờ hoặc lịch làm việc 15 giờ một tuần để giải quyết vấn đề”.
Thoạt nhìn, Keynes dường như đã dự đoán sai bét. Vào năm 1930, trung bình một công nhân ở Mỹ, Anh, Australia hay Nhật Bản dành từ 45-48 giờ để làm việc. Cho đến ngày nay, con số này chỉ giảm một chút, còn khoảng 38 giờ. Nhưng, theo biểu đồ tương quan giữa sản xuất và hàng hóa trong một thế kỷ qua, nếu chúng ta muốn sản xuất nhiều tương đương những đồng bào của Keynes vào thập niên 1930, ta không cần làm việc 15 giờ mỗi tuần. Công nghệ hiện đại đã gia tăng năng suất và có thể giúp các công nhân hiện đại làm xong lượng việc đó trong khoảng 7-8 giờ. Theo nghĩa này, các quốc gia phát triển hiện đại có năng lực sản xuất vượt quá dự đoán của Keynes - chúng ta chỉ cần làm việc nửa số giờ ông đã dự đoán để có một cuộc sống ổn thỏa.
Nhưng, nếu thế thì tại sao chúng ta vẫn có đói nghèo và cảm giác thiếu thốn? Câu trả lời là bản chất “lạm phát” trong lối sống của con người: ai cũng có ham muốn vô độ và mong được nhiều hơn nữa. Keynes nói về sản xuất đủ để giải quyết vấn đề “sinh tồn” nhưng rất ít người sẽ chọn giải pháp chỉ đủ tiền sinh sống. Con người sống trên một chiếc máy chạy bộ vĩnh cửu được chỉ huy bởi chủ nghĩa khoái lạc: những người phương Tây giàu có có thể chỉ cần làm việc 15 giờ mỗi tuần nếu bỏ qua được những cạm bẫy của cuộc sống hiện đại, là quần áo hàng hiệu, Netflix và các kỳ nghỉ xa xỉ. Trên toàn cầu, người dân có mức sống cao hơn rất nhiều so với những năm 1930 nhưng, giờ đây, chúng ta không còn hài lòng với một cuộc sống tốt đẹp theo tiêu chuẩn của cha ông nữa. Và, bất bình đẳng cũng như nghèo đói ở một bộ phận lớn dân số toàn cầu sinh ra từ đây: có những người có quá nhiều, muốn quá nhiều.
Chủ nghĩa đề cao công việc thì muốn duy trì tình trạng này, thông qua hệ thống quản trị dựa trên thuyết Maslow và các phát ngôn dẫn dắt về đam mê tận hiến cho công việc. Nhưng, trên thực tế, công việc không phải là tất cả. Chúng ta nên suy nghĩ cẩn thận trước khi chấp nhận những ý niệm của các nhà quản lý về hành trình leo lên đỉnh tháp nhu cầu Maslow chỉ bằng công việc, bởi vì chúng ta có nguy cơ làm mất đi cấu trúc kinh tế và xã hội chi phối công việc. Ngược lại, lời kêu gọi về tuần làm việc ngắn hơn, mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn thậm chí có ý nghĩa hơn nhiều những tuyên bố về đam mê công việc.
Công việc chỉ là công việc, bất kể nơi làm việc hào nhoáng ra sao và các nhà quản lý nói về tháp nhu cầu nhiều đến thế nào. Chúng ta cần lưu tâm đến khía cạnh hạnh phúc của chính mình và của người khác, hơn là những khẩu hiệu quy đam mê về một mối là công việc của những ông chủ tư bản. Cuộc đời có nhiều thứ đáng lưu tâm hơn.
Tác giả: Ban Cầm