5 điều bạn cần biết về rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) 

5-dieu-ban-can-biet-ve-roi-loan-am-anh-cuong-che-ocd- 

Dù OCD được sử dụng rộng khắp trên truyền thông nhưng rối loạn ám ảnh cưỡng chế vẫn là một trong các tình trạng bệnh tinh thần bị hiểu lầm nhiều nhất.

Dù OCD được sử dụng rộng khắp trên truyền thông nhưng rối loạn ám ảnh cưỡng chế vẫn là một trong các tình trạng bệnh tinh thần bị hiểu lầm nhiều nhất. Rối loạn này có đặc điểm là yêu thích sự sắp xếp, dọn dẹp hoặc các nét tính cách mọi người chấp nhận cùng chung sống, nhưng tất cả đều không chính xác.

Trong những trường hợp miêu tả chính xác OCD, chúng ta thường thấy một phần nhỏ những gì rối loạn gây ra: Một người liên tục rửa tay hoặc phải thực hiện các hành vi cưỡng chế rõ ràng khác vì ám ảnh với việc bị ô uế.

Bài viết này trình bày 5 khía cạnh quan trọng về OCD bạn nên biết.

1. YÊU THÍCH SẮP XẾP KHÔNG PHẢI TRIỆU CHỨNG CỦA OCD

Dù Khloe Kardashian không phải người đầu tiên hoặc cuối cùng hiểu sai thực tế về OCD, nhưng đoạn trích trực tiếp dưới đây của cô ấy nhấn mạnh một trong những hiểu lầm phổ biến nhất về rối loạn này: OCD đồng nghĩa với việc khao khát được sắp xếp. Trong một video được đăng tải trên app của mình, Khloe cho rằng: “Thông thường tôi nghĩ với chủ nhà, những khu vực cần sắp xếp như vậy thật đáng sợ. Nhưng với tôi, (sắp xếp) ga-ra hay phòng pantry (phòng để thực phẩm) thực sự rất thú vị.”

Rõ ràng Khloe rất hứng thú với việc sắp xếp những khu vực rộng lớn, chứng tỏ sự sắp xếp này là tương hợp bản ngã (ego-syntonic) – một thuật ngữ tâm lý học miêu tả những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của một người có sự hài hòa hoặc chấp nhận được với nhu cầu và mục tiêu của bản ngã, hoặc phù hợp với lý tưởng của việc tự nhận thức bản thân. Người đó không thấy những kích thích đó là vấn đề mà xem xét nó như một phần của bản thân phù hợp với chính mình.

OCD là rối loạn tương hợp bản ngã. Sự ám ảnh (những suy nghĩ, hình ảnh, cảm giác và thôi thúc xâm lấn liên tục lặp lại) bị coi là những trải nghiệm khó chịu và không mong muốn. Người mắc OCD không thích thực hiện những hành vi cưỡng chế (hành vi thể chất hoặc tinh thần người đó làm nhằm phản ứng với nỗi ám ảnh) nhưng có cảm giác mình buộc phải làm để giảm bớt lo âu, ngăn chặn chuyện xấu xảy ra, tìm kiếm sự chắc chắn về những nỗi ám ảnh…

Nói ngắn gọn, người mắc OCD không hề thích các triệu chứng bệnh của mình.

VÌ SAO MỌI NGƯỜI NGHĨ NHỮNG NGƯỜI MẮC OCD YÊU THÍCH SẮP XẾP?

Ý tưởng những người mắc OCD yêu thích sắp xếp mọi thứ bắt nguồn từ đâu nhỉ? Một phần là do sự hiểu nhầm về các triệu chứng thật sự của OCD.

Một người mắc OCD có thể gặp những ám ảnh “vừa đúng” hoặc về sự đối xứng – khi họ có khao khát được sắp xếp mọi thứ theo trật tự để đem đến cảm giác “đúng” hoặc “hoàn hảo” trong lòng mình. Điều này trông có vẻ người đó “cần” xếp quyển sách “đúng” vị trí – thường buộc họ phải dịch chuyển nó liên tục đến khi đạt được cảm giác “đúng” trong nội tâm mình.

Hành vi này có thể gây lo âu, tốn thời gian và đau khổ với người bệnh. Đứng trước gương và liên tục kéo đi kéo lại đôi tất cho đến khi nó đối xứng, hoặc di chuyển nhiều lần các đồ vật trên bàn khiến người mắc OCD thấy rất khổ sở. Những hành vi như vậy còn lâu mới được coi là thú vị.

2. MỌI NGƯỜI KHÔNG PHẢI ĐỀU “CÓ CHÚT OCD”

Dù thỉnh thoảng chúng ta có thể có những suy nghĩ kỳ lạ, không mong muốn hoặc thực hiện một số hành vi theo kiểu “nghi thức” nào đó, nhưng không phải chúng ta đều đáp ứng mọi tiêu chí về OCD.

OCD KHÔNG PHẢI MỘT TÍNH TỪ

OCD không phải tính từ để miêu tả sự ngăn nắp hoặc sạch sẽ, nó là danh từ để chỉ tình trạng rối loạn một người mắc phải. Khi chẩn đoán mắc rối loạn này, người mắc OCD phải trải qua sự ám ảnh và/ hoặc sự cưỡng chế ít nhất một tiếng mỗi ngày và gặp trở ngại trong các hoạt động bình thường vì ảnh hưởng của những triệu chứng OCD.

Những người mắc OCD không chỉ trải qua một suy nghĩ xâm lấn lướt qua mà là rất nhiều suy nghĩ, hình ảnh và khao khát xâm lấn liên tục xuất hiện, bám lấy não bộ của họ. Họ cũng có khát vọng mạnh mẽ thực hiện các hành vi cưỡng chế khi phải đối diện những ám ảnh – điều người bình thường không trải qua.

Nói rằng ai cũng trải qua OCD nghĩa là đang hạ thấp mức độ nghiêm trọng của chứng bệnh này.

3. OCD KHÔNG CHỈ BẬN TÂM VỀ SỰ Ô UẾ HOẶC CƯỠNG CHẾ RỬA TAY

Những người mắc OCD có thể trải qua các ám ảnh chủ yếu liên quan đến nỗi sợ về sự ô uế, nhưng nhiều người bệnh khác thì không. Ám ảnh trong OCD có thể về mọi thứ (theo nghĩa đen, mọi thứ đều có thể trở thành ám ảnh) và thường liên quan đến những nội dung cấm kỵ. Dưới đây là một số ví dụ (không phải tất cả):

  • Những suy nghĩ xâm lấn không mong muốn về tình d.ục với trẻ em (Nếu mình là kẻ ấu dâm thì sao?)
  • Những suy nghĩ bạo lực không mong muốn về việc tổn thương người khác (những hình ảnh xâm lấn về đâm ai đó)
  • Những suy nghĩ xâm lấn không mong muốn về việc làm tổn thương một đứa bé mới sinh (Nếu mình ném con mình xuống cầu thang thì sao?)

Một số ám ảnh về các chủ đề ít cấm kỵ hơn (không phải tất cả):

  • Sự chú ý quá mức tới những phản ứng tự động của cơ thể như nháy mắt hoặc hít thở
  • Những suy nghĩ xâm lấn không mong muốn về một mối quan hệ tình cảm (Nêis mình thực sự không yêu anh/ cô ấy thì sao?)
  • Ám ảnh hiện sinh (Có phải mình đang sống trong mơ không?)

Dù việc rửa tay quá mức là hành vi cưỡng chế những người mắc OCD thực hiện, nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều sự cưỡng chế về thể chất và tinh thần người bệnh tiến hành. Tránh các kích thích gây sợ hãi, tìm kiếm sự trấn an với những nỗi ám ảnh, thú nhận nỗi ám ảnh với người khác, cưỡng chế cầu nguyện, cưỡng chế về tinh thần và thể chất là những điều rất phổ biến.

4. SỰ CƯỠNG CHẾ VỀ TINH THẦN CÓ TỒN TẠI

Cũng tương tự cách người ta thực hiện các hành vi thể chất để phản ứng với nỗi ám ảnh, những người mắc OCD cũng thực hiện các hành vi cưỡng chế về tinh thần nữa.

Sự thiếu hiểu biết về những cưỡng chế tinh thần có thể gây hậu quả bất lợi trong điều trị nếu nhà trị liệu không giải quyết chúng thông qua ngăn ngừa phản ứng.

Ví dụ về cưỡng chế tinh thần gồm:

  • Dằn vặt bản thân bằng cách phân tích hoặc giải quyết những ám ảnh
  • Tái đánh giá các trải nghiệm quá khứ trong tâm trí
  • Cố ý dùng suy nghĩ của mình để thử phản ứng của người khác

5. ERP LÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ OCD HÀNG ĐẦU

Phơi nhiễm và Phòng ngừa Phản ứng (ERP), một liệu pháp hành vi thuộc Liệu pháp Nhận thức – Hành vi là phương pháp điều trị OCD hàng đầu. Phương pháp này khiến người bệnh phải trực tiếp đối mặt với nỗi sợ của mình thông qua phơi nhiễm và từ đó loại bỏ các hành vi cưỡng chế.

Trị liệu nên tập trung vào hành vi vì phản ứng của người bệnh với ám ảnh – cưỡng chế là mấu chốt của vấn đề. Chúng ta không thể kiểm soát những gì nảy ra trong tâm trí (những ám ảnh) nhưng có thể kiểm soát cách mình phản ứng với chúng (sự cưỡng chế).

Sự cưỡng chế củng cố ám ảnh là vấn đề rất nguy hiểm khi chúng là những báo động sai không quan trọng. Chúng cũng củng cố quan niệm sai lầm rằng cách duy nhất để kiểm soát ám ảnh là thực hiện các hành vi cưỡng chế. Do vậy, người mắc OCD cứ mắc kẹt trong chu kỳ đau khổ này.

CHU KỲ ÁM ẢNH – CƯỠNG CHẾ

  1. Ám ảnh: Người bệnh trải qua nỗi ám ảnh (suy nghĩ, các hình ảnh trong tinh thần, nỗi thôi thúc…).
  2. Lo âu: Người bệnh trải qua sự lo âu, không thoải mái, thấy kinh tởm và/ hoặc cảm giác tội lỗi.
  3. Cưỡng chế: Để giảm bớt lo âu, họ nỗ lực tìm kiếm sự chắc chắn hoặc ngăn chặn điều tồi tệ có thể xảy ra bằng cách thực hiện những hành vi cưỡng chế thể chất hoặc tinh thần.
  4. Sự giải thoát tạm thời: Thực hiện những hành vi cưỡng chế có thể mang đến sự giải thoát và củng cố niềm tin về tính hữu ích của sự cưỡng chế và tầm quan trọng của những ám ảnh.
  5. LẶP LẠI CHU KỲ

Những vi cưỡng chế đều bị coi là quá mức và vô ích. Chúng là những hành vi không cần thiết thực hiện dù thôi thúc của người mắc OCD mạnh đến đâu và dù ám ảnh đó có chân thực thế nào.

Nếu hành vi không phải mục tiêu trị liệu, vậy người bệnh có thể tiếp tục mắc kẹt trong triệu chứng của mình. Những liệu pháp trò chuyện truyền thống không được chỉ định cho OCD vì lý do này, cùng với thực tế rằng nói chuyện về nỗi ám ảnh của người đó và cố tìm ra ý nghĩa của nó có thể gây ra sự cưỡng chế.

Luyện tập kỹ năng chánh niệm (mindfulness), Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT) và Liệu pháp Nhận thức – Hành vi (CBT) có thể là những phương pháp điều trị bổ trợ hữu ích.

Cần lưu ý rằng với một số người, OCD nghiêm trọng tới mức họ không thể chịu đựng việc thực hiện CBT nếu không có sự giúp đỡ nhằm làm giảm cường độ và mức độ nghiêm trọng trong triệu chứng của mình. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng thuốc  bác sĩ kê đơn.

Nguồn: https://www.verywellmind.com/things-to-know-about-ocd-5271856

Dịch: Tâm lý học mỗi ngày 

---

Giới thiệu cho bạn một cuốn sách về OCD bằng chữ và tranh có thể bạn nên biết:  

Xem sách tại

Fahasa: https://shorten.asia/MXtQ8br3

Shopee: https://shope.ee/3KuSKpYf7A

menu
menu