Tầm quan trọng của những lần sụp đổ

tam-quan-trong-cua-nhung-lan-sup-do

Một trong những vấn đề lớn nhất của con người là chúng ta quá giỏi chịu đựng và tiếp tục tiến lên.

Một trong những vấn đề lớn nhất của con người là chúng ta quá giỏi chịu đựng và tiếp tục tiến lên. Ta trở thành chuyên gia trong việc phục tùng những đòi hỏi của thế giới bên ngoài, sống theo kỳ vọng của người khác và đặt ưu tiên của mình dựa trên điều mà người xung quanh cho là cần thiết. Ta cứ thế hiện diện, làm “cậu bé” hay “cô bé” ngoan ngoãn, và có thể duy trì màn trình diễn kỳ diệu ấy hàng thập kỷ mà không lộ ra dù chỉ một vết nứt nhỏ.

Cho đến một ngày, hoàn toàn bất ngờ – với mọi người xung quanh, và cả với chính ta – ta gãy đổ. Sự sụp đổ ấy có thể mang nhiều hình dạng:

  • Ta không còn đủ sức để ra khỏi giường.
  • Ta rơi vào trầm cảm nặng nề.
  • Ta bị ám ảnh xã hội đến mức không thể giao tiếp.
  • Ta ngừng ăn uống.
  • Ta nói năng lộn xộn, không còn mạch lạc.
  • Ta mất kiểm soát với một phần cơ thể.
  • Ta làm những điều vô cùng tai tiếng, hoàn toàn trái ngược với con người bình thường của mình.
  • Ta trở nên hoang tưởng về một vấn đề nào đó.
  • Ta phá vỡ những quy tắc thông thường trong các mối quan hệ, ngoại tình, cãi nhau nhiều hơn, hoặc cố tình gây rối để cuộc sống thường nhật không thể tiếp diễn như cũ.

Những lần sụp đổ này rất bất tiện – cho tất cả mọi người. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi ta ngay lập tức bị thúc giục phải “điều trị” vấn đề và loại bỏ nó càng nhanh càng tốt, để mọi thứ trở lại như trước kia.

Nhưng cách nhìn nhận đó hoàn toàn sai lầm. Một lần sụp đổ không đơn giản là một cơn điên rồ bất chợt hay một lỗi vận hành của hệ thống. Đó là một nỗ lực rất thực – dù vô cùng vụng về – để hướng đến sự lành mạnh. Đây là cách một phần trong tâm trí ta buộc phần còn lại phải bước vào hành trình trưởng thành, thấu hiểu và phát triển bản thân mà từ trước đến giờ ta vẫn trốn tránh. Nếu nói một cách nghịch lý, thì sụp đổ là cố gắng chữa lành bằng cách trở nên thật sự ốm đau.

Vì thế, nếu ta chỉ cố gắng “chữa trị” hay dập tắt một lần sụp đổ ngay lập tức, thì rất có thể ta sẽ bỏ lỡ bài học ẩn giấu trong cơn đau ấy. Đúng, sụp đổ là một trải nghiệm đầy đau đớn, nhưng nó cũng là một cơ hội phi thường để học hỏi và đổi thay.

VÌ SAO TA GÃY ĐỔ?

Lý do ta gãy đổ là vì ta đã không chịu linh hoạt trong suốt nhiều năm dài. Những điều cần được lắng nghe trong tâm trí, ta gạt sang một bên. Những thông điệp cần được chú ý, ta phớt lờ. Những bài học cảm xúc cần được học và sẻ chia, ta lảng tránh. Và giờ đây, sau quãng thời gian dài chờ đợi – quá dài – cái tôi cảm xúc trong ta trở nên tuyệt vọng. Nó gào thét để được chú ý, và đây là cách duy nhất còn lại mà nó biết để khiến ta phải lắng nghe.

Những lần sụp đổ là lời nhắc nhở rằng: Mọi thứ không thể tiếp diễn như cũ. Phải thay đổi. Nếu không, ta sẽ chọn một lối thoát đáng sợ hơn nhiều – cái chết.

Vì tâm trí có ý thức của ta vừa lười biếng, vừa nhát gan. Nó không chịu đối diện với nỗi buồn, những trục trặc trong mối quan hệ, hay những khát khao sâu thẳm mà ta cố quét sạch và giấu dưới tấm thảm.

Ta có thể so sánh điều này với một cuộc cách mạng. Trong nhiều năm, người dân liên tục đưa ra yêu cầu với chính phủ, nhưng chính phủ hoặc phớt lờ, hoặc chỉ làm vài hành động lấy lệ. Cho đến một ngày, sự bất mãn đạt đến đỉnh điểm. Dân chúng xông vào phá hủy dinh thự, đập tan đồ đạc, và bắn loạn xạ vào cả người vô tội lẫn có tội.

Giống như các cuộc cách mạng, sụp đổ thường không mang đến kết quả tốt đẹp. Những mong muốn chính đáng không được giải quyết. Ta có thể rơi vào một cuộc nội chiến xấu xí – hay thậm chí là tự hủy hoại chính mình.

Một người chữa lành giỏi sẽ không chỉ cố gắng “dập tắt” cơn khủng hoảng, mà sẽ lắng nghe những điều sâu xa ẩn chứa trong đó. Họ nhận ra rằng những biểu hiện kỳ lạ của ta thực chất là một lời cầu xin:

  • Thêm thời gian cho bản thân.
  • Một mối quan hệ sâu sắc hơn.
  • Một cách sống chân thật, viên mãn hơn.
  • Sự chấp nhận chính mình – cả trong những mong muốn thầm kín nhất.

Đó là lý do ta tìm đến rượu, cô lập bản thân, hoặc trở nên cuồng loạn hay quyến rũ một cách bất thường. Những cơn khủng hoảng là dấu hiệu của một nhu cầu phát triển mà không tìm được cách bộc lộ.

Nhiều người, sau vài tháng hay vài năm kinh hoàng của những lần sụp đổ, thường thừa nhận:

“Nếu tôi không từng gãy đổ, tôi không biết làm sao mình có thể trở nên tốt hơn được.”

Trong cơn sụp đổ, ta thường hoang mang tự hỏi liệu mình có phát điên. Nhưng không, ta không điên. Chúng ta chỉ đang hành xử lạ thường, bởi ẩn sâu bên dưới những náo loạn, ta đang âm thầm tìm kiếm sức khỏe và sự cân bằng.

Ta không “đổ bệnh”; ta vốn đã bệnh từ lâu. Lần sụp đổ này, nếu ta vượt qua được, chính là một lời kêu gọi mạnh mẽ để rời khỏi lối mòn độc hại, và bắt đầu xây dựng lại cuộc đời mình trên nền tảng chân thật và chân thành hơn.

Nguồn: THE IMPORTANCE OF HAVING A BREAKDOWN - The School Of Life

menu
menu